Búp bê dân tộc Việt - sản phẩm xuất khẩu độc đáo
Hoạ sỹ Nguyễn Khánh Ngọc đang tự hào giới thiệu cho PV về sản phẩm
Họa sỹ Nguyễn Khánh Ngọc – Giám đốc Trung tâm búp bê Sao Mai là một trong những họa sỹ thiết kế đầu tiên của Việt Nam. Bà đã dành nhiều thời gian đến các bảo tàng, tìm hiểu, nghiên cứu những hình ảnh, tư liệu về trang phục của 54 dân tộc Việt Nam, cùng với sự yêu thích và những hiểu biết của mình để lên ý tưởng thiết kế sản xuất ra bộ búp bê dân tộc hết sức sáng tạo. Năm 2005, bà đã đứng ra thành lập trung tâm búp bê Sao Mai.
Dưới bàn tay khéo léo của người họa sĩ, người thợ tài hoa, hình ảnh 54 dân tộc sống động được thể hiện rõ nét qua những cô búp bê với gương mặt, cử chỉ và đặc biệt là những trang phục mang hơi thở đặc trưng của từng dân tộc. Mỗi búp bê được trau chuốt từ chất liệu, đường nét, chi tiết đến cả vật dụng mang theo như gùi, chiêng, trống, đôi dép, khăn, mũ,đồ trang sức… Bà tâm sự: Mỗi bộ váy của búp bê đều được bà chọn lựa kỹ càng từ chất liệu vải, hoạ tiết trên miếng vải, ví dụ như búp bê áo dài của dân tộc Kinh có hoạ tiết rồng phượng thì miếng vải làm phải được chọn lựa sao cho hình ảnh rồng bay lên và vừa vặn với kích thước của búp bê... Đó chỉ là một chi tiết rất nhỏ nhưng tâm huyết của người bỏ ra quả thực không nhỏ.
Độc đáo, tinh tế, bắt mắt là vậy nhưng có lẽ điều khiến những con búp bê này trở nên đặc biệt nhất chính là bởi nó được tạo nên từ bàn tay của những em khuyết tật. Mỗi con búp bê được làm ra, gửi gắm trong đó là bao ước mơ của các em về cuộc sống.
Búp bê của từng dân tộc đều được phân chia rõ ràng vào từng hộp riêng
Bởi vậy, trong căn phòng nhỏ được gọi là xưởng may vá của trung tâm, các em đều chăm chú vào công việc mình được giao làm: em thì khâu áo, em khâu giày, em thì vẽ mặt cho búp bê... Trong các em, có người thì liệt cả hai chân, người thì bị thiểu năng trí tuệ, người thì do nhiễm chất độc da cam, cơ thể phát triển không giống người bình thường, người bị câm, người bị điếc... Thế nhưng, không khí lao động, mức độ hăng say trong công việc và niềm vui rất hồn nhiên mỗi khi hoàn thiện được một con búp bê khiến những ai chứng kiến cũng vô cùng xúc động.
Những con búp bê của Trung tâm Sao Mai dường như đều mang trong đó cái hồn riêng của từng dân tộc. Nhờ sự khổ luyện của các em và sự kiên trì của bà Ngọc, hiện nay, các em đều nhận biết để vẽ được những hình thái riêng của từng dân tộc; có dân tộc mắt to, có dân tộc mắt bé; có khi hai mẹ con đi với nhau thì phải vẽ nét mặt vui vẻ, trò chuyện; mắt lim dim khi mẹ ru con... Tất cả những chi tiết đó, bà Ngọc đều dạy cho các em.
Trung tâm là niềm tự hào, là ngôi nhà thứ hai của họa sĩ Nguyễn Khánh Ngọc và của hơn 20 thành viên. Những sản phẩm búp bê dân tộc của trung tâm không chỉ được người Việt biết đến mà nó đã trở thành một món quà không thể thiếu với mỗi du khách nước ngoài thích văn hóa truyền thống khi sang Việt Nam du lịch.
Thành phẩm đẹp mắt sau khi trải qua rất nhiều công đoạn
Ngoài những khách sạn 5 sao lớn ở Hà Nội như: Metropole; Horizon... và các cửa hàng trong phố cổ chuyên bán đồ lưu niệm cho khách nước ngoài sử dụng những sản phẩm của trung tâm, Trung tâm Sao Mai còn được bạn bè quốc tế biết đến khi phóng sự về trung tâm một vài năm trước đã được đài truyền hình uy tín của Mỹ CNN phát trên toàn thế giới.
Theo bà Ngọc, trong thời gian tới, trung tâm mong muốn làm tốt hơn và hoàn chỉnh hơn bộ búp bê 54 dân tộc Việt Nam, để phù hợp với thị hiếu và nhu cầu của khách du lịch. Ngoài ra, trung tâm cũng muốn tạo ra nhiều hơn nữa những sản phẩm mới mang đậm bản sắc dân tộc, để có thể quảng bá sâu rộng hình ảnh truyền thống của đất nước, con người Việt Nam đến bạn bè quốc tế.
*Thông tin liên hệ: Hoạ sỹ Nguyễn Khánh Ngọc
Số 3 & 16 Phố Thạch Cầu, Tổ 2, Quận Long Biên, Hà Nội
SĐT: 0989124069
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.