Cần chốt chặn sớm nợ xấu ngân hàng

2021-08-18 17:16:59 0 Bình luận
Sự ảnh hưởng của “làn sóng” bùng phát đợt dịch lần thứ 4, tuy chưa có sự đánh giá toàn diện về “bức tranh” nợ xấu ngân hàng, nhưng theo phản ánh từ các ngân hàng thương mại sẽ là nỗi lo không hề nhỏ. Toàn hệ thống ngân hàng hiện có khoảng 425.000 tỷ đồng nợ xấu, chiếm 42,27% tổng dư nợ xác định theo Nghị quyết 42/2017/QH14. Vì vậy, cần có chốt chặn sớm nợ xấu hạn chế phát sinh.

Tác động của đợt dịch Covid-19 lần thứ tư có thể khiến tình hình nợ xấu tăng nhanh. Ảnh minh họa. Nguồn Internet.

Toàn cảnh nợ xấu

Quan sát Báo cáo tài chính của 27 ngân hàng niêm yết có thể thấy tỷ lệ nợ xấu nội bảng tính đến 30/6/2021 ở đa số các ngân hàng đều giảm so với cuối năm 2020. Nhiều ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu rất thấp, như: Techcombank, MB, Vietcombank hay VIB. Đây đều là những ngân hàng được thị trường đánh giá cao về chất lượng tài sản trong vài năm trở lại đây.

Việc Techcombank và MB có tỷ lệ nợ xấu thấp hơn cả Vietcombank là một tín hiệu mới, cho thấy nhóm ngân hàng thương mại cổ phần đã đặt chú trọng nhiều hơn vào quản trị rủi ro. Một số ngân hàng thương mại cổ phần khác như TPBank, HDBank, Lienvietpostbank cũng có tỷ lệ nợ xấu tính đến 30/6/2021 khá thấp, chỉ từ 1,1-1,3%. Đáng chú ý, một số ngân hàng từng có tỷ lệ nợ xấu ở diện cảnh báo, vượt quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) như Kienlongbank, NCB đều đã giảm tỷ lệ nợ xấu xuống khá thấp lần lượt là 1,08% và 1,4%. Điều này đến từ việc đẩy mạnh quá trình xử lý tài sản đảm bảo, xử lý nợ xấu của các ngân hàng.

Các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao nửa đầu năm 2021, là ABBank (2,3%), PGBank (2,7%), Bản Việt (2,8%) hay VPBank (3,4%) dù mức tăng trưởng tín dụng của nhóm này đều khá cao, như: Bản Việt (11,6%), VPBank (6,8%), ABBank (5,6%) và PGBank là 2,4%. 

Đáng chú ý, tính đến 30/6/2021, nợ xấu nhóm 4 và 5 của một vài ngân hàng tăng mạnh so với cuối năm 2020. Điều này có thể đến từ sự khác biệt trong áp dụng Thông tư 03 của NHNN về cơ cấu lại nợ, lựa chọn tỷ lệ trích lập dự phòng với dư nợ được tái cơ cấu.

Một số ngân hàng lớn tăng mạnh nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) như Vietinbank tăng tới 103% và chiếm tới trên 80% tổng nợ xấu của ngân hàng; Vietcombank cũng tăng tới 19%, chiếm 75% tổng nợ xấu; MB tăng 145%, chiếm 50% tổng nợ xấu.

Ngoài ra, một số ngân hàng thương mại có quy mô tài sản nhỏ hơn nhưng nợ nhóm 4 và 5 tăng khá cao, như: SHB nợ nhóm 5 tăng 29%; HDBank nợ nhóm 5 tăng 31%; ABBank nợ nhóm 5 tăng 40% hay NamABank nợ xấu nhóm 5 cũng tăng tới 100%; PGBank nợ nhóm 4 tăng 100%; Vietbank nợ nhóm 4 tăng 100%.

Tuy tỷ lệ nợ xấu giảm nhưng đa phần các ngân hàng đều tăng mạnh trích lập dự phòng trong nửa đầu năm. Các ngân hàng có quy mô tài sản lớn, dẫn đầu hệ thống có xu hướng tăng mạnh trích lập dự phòng.

Ngược lại các ngân hàng có quy mô vốn nhỏ, có mức trích lập dự phòng rủi ro vốn thấp lại tiếp tục giảm trong nửa đầu năm 2021, như: BacABank, Bản Việt,  VietABank, NCB. Đây đều là những ngân hàng dẫn đầu trong bảng tăng trưởng lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm, như: NCB, Bản Việt đều có mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế 6 tháng lần lượt là 400% và 440%, Kienlongbank là 400%, MSB là 200%.

Tuy nhiên, cũng có một số ngân hàng nhỏ, như: Saigonbank, SeABank, Eximbank, PGBank đã tỏ ra thận trọng hơn với nợ xấu khi tăng mạnh trích lập dự phòng trong nửa đầu năm 2021 so với cùng kỳ 2020. Nhưng dù có tăng mạnh trích lập dự phòng thì tỷ lệ bao phủ nợ xấu của nhóm này vẫn rất thấp, như: PGBank tỷ lệ bao phủ nợ xấu chỉ 33%; Bản Việt là 44%, VietBank là 53%, Saigonbank là 53%...

Việc tăng mạnh trích lập dự phòng cho thấy các ngân hàng đang thận trọng hơn với nợ xấu. Theo lãnh đạo Vietcombank cho biết, ngân hàng này sẽ là đơn vị đầu tiên hoàn thành trích lập nợ tái cơ cấu mà không cần tới 3 năm như Thông tư 03. Đây cũng là ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu lớn nhất với 350%.

Một số ngân hàng cổ phần cũng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu khá cao, như: Techcombank là 259%, MB là 236%, TPBank là 144%. VPBank là trường hợp cá biệt, có quy mô tài sản lớn, tỷ lệ nợ xấu cao nhưng tỷ lệ bao phủ nợ xấu lại rất thấp, thuộc nhóm 5 ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu thấp nhất.

Tỷ lệ bao phủ nợ xấu được dùng để đánh giá khả năng phòng thủ của ngân hàng trước những rủi ro liên quan đến nợ xấu. Vì vậy, ngân hàng nào có tỷ lệ bao phủ nợ xấu càng cao thì rủi ro càng thấp và số dự phòng này có thể được hoàn nhập khi ngân hàng thu hồi được nợ xấu.

Việc tăng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng trong ngắn hạn sẽ ảnh hưởng xấu tới lợi nhuận ngân hàng và ngược lại giảm trích lập dự phòng sẽ làm “bức tranh” lợi nhuận nhìn có vẻ sáng sủa hơn về ngắn hạn. Nhưng về dài hạn, có thể lợi nhuận chỉ là ảo khi “ăn” vào trích lập dự phòng rủi ro. 

Theo quy định tại Thông tư 03 của NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các ngân hàng có thể lựa chọn phương án trích lập dự phòng rủi ro với mức tối thiểu 30% trong năm 2021. Tỷ lệ 70% còn lại có thể trích lập tiếp vào các năm 2022, 2023. Tuy nhiên, nhiều ngân hàng lựa chọn trích lập phần lớn hoặc toàn bộ dự phòng rủi ro cho các khoản vay đã quá hạn thay vì áp dụng Thông tư 03. Lựa chọn này có thể ảnh hưởng tới lợi nhuận ngân hàng trong ngắn hạn nhưng về dài hạn thì lại có lợi hơn so với nhóm còn lại.

MB thuộc nhóm ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao nhất.

Cần chốt chặn bằng luật hóa

Trong khối ngân hàng thương mại cổ phần có vốn nhà nước chi phối, Agribank dẫn đầu về dư nợ xấu tính đến 30/6/2021, với gần 24.429 tỷ đồng, tăng 13,5% so với cuối năm 2020 (theo báo cáo tài chính riêng lẻ). BIDV có nợ xấu giảm sau 6 tháng đầu năm 2021, nhưng với quy mô nợ xấu ở mức 21.141 tỷ đồng, ngân hàng này đứng thứ hai về dư nợ xấu.

Tại VietinBank, nợ xấu tính đến cuối tháng 6/2021 tăng 52% so với đầu năm, ghi nhận gần 14.500 tỷ đồng, đứng thứ 3 về quy mô nợ xấu. Vị trí thứ 4 là Vietcombank khi nợ xấu tăng 31%, lên gần 6.865 tỷ đồng.

Trong khối các ngân hàng thương mại cổ phần, VPBank dẫn đầu về quy mô nợ xấu với 10.801 tỷ đồng (tăng 8,8%), trong đó, nợ xấu của FE Credit chiếm khoảng 50%. Quy mô nợ xấu tại SHB là gần 6.700 tỷ đồng, Sacombank là hơn 5.600, VIB là trên 3.100 tỷ đồng…

Số liệu từ báo cáo tài chính quý II/2021 của 29 ngân hàng đã công bố cho thấy, tổng số dư nợ xấu tính đến 30/6/2021 là gần 124.898 tỷ đồng, tăng 4,5% so với cuối năm 2020.

Theo TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết: “Con số nợ xấu trong quý I/2021 khá tích cực trước bối cảnh dịch bệnh phức tạp. Tuy nhiên, nợ xấu tiềm ẩn từ số dư nợ được cơ cấu lại vẫn chưa thể hiện rõ ràng, việc thực hiện Thông tư 03 sẽ đẩy áp lực nợ xấu cho các ngân hàng trong thời gian tới, nhất là tác động của đợt dịch lần thứ tư có thể khiến tình hình nợ xấu tăng nhanh, trong khi các khoản nợ nợ tồn đọng tại các ngân hàng vẫn chưa thể xử lý được. Đây là thách thức lớn đối với ngành ngân hàng”.

NHNN dự báo, tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn hệ thống chiếm khoảng 2 - 3%; tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) chưa xử lý và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu của toàn hệ thống khoảng 4 - 4,5%. Đây là một trong những lý do khiến cơ quan này đề nghị xây dựng Luật Xử lý nợ xấu, trong bối cảnh Nghị quyết 42/2017/QH14 về xử lý nợ xấu sắp hết hiệu lực.

“Nghị quyết 42 chỉ là thí điểm, thời hạn có hiệu lực ngắn (5 năm - sẽ hết hiệu lực vào ngày 15/8/2022), không áp dụng để xử lý cho toàn bộ nợ xấu của tổ chức tín dụng (TCTD). Mặt khác, nợ xấu luôn tồn tại song song với hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng. Trong dài hạn, việc luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu là rất cần thiết, lĩnh vực xử lý nợ xấu sẽ có văn bản luật riêng để điều chỉnh, các quy định xử lý nợ xấu có giá trị pháp lý cao hơn, giúp ngành ngân hàng và các cơ quan nhà nước liên quan phối hợp xử lý nợ xấu hiệu quả hơn”, ông Hùng nhấn mạnh.

Được biết, đến thời điểm hiện tại, toàn hệ thống vẫn còn khoảng 425.000 tỷ đồng nợ xấu, chiếm 42,27% tổng dư nợ xác định theo Nghị quyết 42. TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng lo ngại, việc chấm dứt cơ chế xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 sẽ dẫn đến các khoản nợ cũ chưa xử lý xong, trong khi nợ xấu mới tiếp tục hình thành do đại dịch Covid-19, dẫn đến thời gian xử lý kéo dài, hoặc không thể xử lý được. Đồng thời, TCTD thiếu cơ chế tự xử lý nợ xấu, vấn đề này có thể gây bất ổn cho nền kinh tế nói chung và hệ thống ngân hàng nói riêng.

“Cần sớm luật hóa các quy định của Nghị quyết 42 dưới hình thức ban hành một luật về xử lý nợ xấu. Theo đó, các quy định thí điểm tại Nghị quyết 42 được quy định trong luật về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, tạo hành lang pháp lý lâu dài, ổn định cho các TCTD xử lý nợ xấu, giảm sự xung đột giữa quy định tại luật này với các luật chuyên ngành khác khi luật này được ưu tiên áp dụng”.

Lường trước nhiều nguy cơ có thể xảy ra nếu Nghị quyết 42 hết hiệu lực, NHNN đề nghị Luật hóa các quy định của Nghị quyết 42 dưới hình thức ban hành một Luật về xử lý nợ xấu. Theo đó, các quy định thí điểm tại Nghị quyết 42 được quy định trong Luật về xử lý nợ xấu của các TCTD, tạo hành lang pháp lý lâu dài, ổn định cho các TCTD xử lý nợ xấu, giảm sự xung đột giữa quy định tại Luật này với các luật chuyên ngành khác khi Luật này được ưu tiên áp dụng.

Theo NHNN, việc ban hành Luật về xử lý nợ xấu sẽ giúp chính sách xử lý nợ xấu tại Nghị quyết 42 được duy trì, giúp TCTD đẩy nhanh việc xử lý nợ xấu, thu hồi vốn nhanh, khơi thông nguồn vốn cho TCTD hoạt động, đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu của TCTD và tránh các nguy cơ tiềm ẩn của nền kinh tế.

Việc tiếp tục thực hiện các cơ chế liên quan đến quyền thu giữ tài sản đảm bảo, quyền sử dụng đất, chính sách không được kê biên với tài sản cầm cố, thế chấp… giúp TCTD và VAMC đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu, giảm chi phí, giúp doanh nghiệp tăng cơ hội tiếp cận vốn.

Về mặt xã hội, việc ban hành một bộ luật về xử lý nợ xấu không chỉ đơn thuần giúp các TCTD thu hồi nợ mà còn bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn của hệ thống ngân hàng, hệ thống tài chính quốc gia.

Về quyền thu giữ tài sản đảm bảo – vốn tạo thuận lượi cho các TCTD trong thu hồi nợ, xử lý tài sản đảm bảo, tránh tình trạng chủ nợ chây ỳ - song cũng có thể nảy sinh tình trạng lạm dụng quyền. Vì vậy, NHNN đề nghị trong quá trình thu giữ phải có sự tham gia của các cơ quan liên quan để tránh việc tùy tiện trong quá trình thu giữ tài sản.

Việc mở rộng đối tượng được nhận thế chấp bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất của tổ chức sử dụng đất bao gồm cả VAMC và bên mua nợ của TCTD và VAMC với mục đích là thúc đẩy nhanh việc xử lý nợ xấu, do đó sẽ không ảnh hưởng tới các chính sách về đất đai. Quy định này cũng nhằm thống nhất quan điểm của các cơ quan quản lý và các cơ quan tư pháp (trong quá trình xét xử) nhằm xử lý thống nhất các vụ việc tranh chấp phát sinh, giảm thiểu chi phí về tài chính và thời gian của các bên trong quá trình tham gia tố tụng.

NHNN cũng cho rằng, cần đưa vào luật quy định về phân bổ dần lãi dự thu, chênh lệch giữa giá trị khoản nợ và giá bán nợ xấu của TCTD trong khoảng thời gian nhất định, quy định này đảm bảo quyền chủ nợ của bên nhận bảo đảm, đảm bảo quyền tự do thỏa thuận giữa các bên, không làm gia tăng nợ xấu của hệ thống TCTD, không làm xáo trộn hoạt động sản xuất, kinh doanh, của TCTD và khách hàng.

Trên cơ sở đánh giá, NHNN đề xuất trình Quốc hội xây dựng “Luật về xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mà  Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập” để xử lý nợ của các TCTD./.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Thái Nguyên vinh danh các cựu binh gương mẫu

10 tập thể, 23 cá nhân được Trung ương Hội CCB Việt Nam trao Bằng khen; UBND tỉnh Thái Nguyên trao Bằng khen cho 6 tập thể, 7 cá nhân; Hội CCB tỉnh Thái Nguyên cũng trao Giấy khen cho 36 tập thể, 60 cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước “CCB gương mẫu” giai đoạn 2019-2024 tại Đại hội thi đua yêu nước vừa được tổ chức sáng 15/10.
2024-10-15 21:42:00

Khánh thành 2 công trình lớp học trị giá 12,5 tỷ đồng tại tỉnh Điện Biên do SHB trao tặng

Vượt qua những điều kiện khắc nghiệt về thời tiết, giao thông và địa hình, hai công trình lớp học do SHB tài trợ xây dựng tại huyện Tủa Chùa và Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên đã chính thức được khánh thành và đưa vào hoạt động.
2024-10-15 17:14:00

Nghề xoa bóp bấm huyệt giúp người mù huyện Nam Trực vững tin hòa nhập

Với 6 cơ sở xoa bóp bấm huyệt (XBBH), tạo việc làm cho hơn 30 lao động với mức thu nhập bình quân mỗi tháng 4,5 triệu đồng/người, riêng những hội viên có sức khỏe, kỹ thuật cao tại cơ sở XBBH số 195 Quán Chiền, TL490C, xã Nam Dương đạt mức thu nhập mỗi tháng 9 triệu đồng/người, Hội Người mù huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định đang tự tin, gắn bó với nghề, nỗ lực vươn lên hòa nhập cộng đồng.
2024-10-15 15:57:44

Tân sinh viên trường báo hào hứng check in 'photo booth' ngày nhập học

Nằm trong khuôn khổ chương trình chào tân sinh viên “FPS 2024 - Time Capsule”, sự kiện check - in photo booth diễn ra từ ngày 14/10 tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã thu hút nhiều bạn sinh viên tham gia.
2024-10-15 13:49:42

Xác lập kỷ lục thế giới “Tháp Thần nông - tạo hình hạt lúa”

Trong các ngày từ 11 - 13/10/2024, tại Trung tâm sát hạch lái xe Đông Đô - KCN Lâm Bình, Lâm Thao, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh; Công ty TNHH Kỹ thương Đông Đô phối hợp với Trung tâm Bảo tồn di tích và Xúc tiến du lịch Bắc Ninh tổ chức Liên hoan bánh dân gian ba miền và kết nối du lịch Bắc Ninh.
2024-10-14 19:35:00

Để gậy trắng thực sự là bạn đồng hành của người khiếm thị

Gậy trắng đã trở thành biểu tượng quen thuộc của những người khiếm thị trên toàn thế giới. Nó không chỉ là một công cụ hỗ trợ di chuyển mà còn là dấu hiệu nhận biết giúp cộng đồng dễ dàng nhận diện và hỗ trợ người khiếm thị. Tuy nhiên, tại Việt Nam, số lượng người khiếm thị sử dụng gậy trắng vẫn còn rất ít.
2024-10-14 16:11:56
Đang tải...