Cần hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động QTDND
Các QTDND đã phát triển đúng hướng
Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), tính đến cuối tháng 4/2023, toàn hệ thống có 1.180 QTDND hoạt động trên địa bàn 57 tỉnh, thành phố.
Tổng tài sản toàn hệ thống QTDND đạt gần 171.000 tỷ đồng, tăng 4% so với thời điểm ngày 31/12/2022. Tiền gửi khách hàng đạt gần 151.000 tỷ đồng, tăng 6,2%; tổng dư nợ cho vay đạt hơn 131.100 tỷ đồng, giảm 1,4%; vốn chủ sở hữu đạt hơn 11.855 tỷ đồng, tăng 1,2% so với cuối năm 2022. Tỷ lệ nợ xấu ghi nhận là 0,67% tổng dư nợ, trong khi năm 2021 và 2022 tỷ lệ nợ xấu đều ở mức 0,64%.
Khách hàng giao dịch với QTDND
Trong cuộc họp hồi đầu tháng 7/2023 về tăng cường công tác quản lý đối với hệ thống QTDND, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú nhận định, hoạt động ngân hàng hiện đang gặp nhiều khó khăn do tác động từ thế giới lẫn trong nước. Nhiều vấn đề cần được giải quyết lúc này như thúc đẩy tăng trưởng tín dụng khi sức hấp thụ vốn của nền kinh tế đang yếu, đồng thời phải kiểm soát lạm phát, đảm bảo an toàn hệ thống. Vì thế, ngành Ngân hàng xác định việc đảm bảo hoạt động an toàn, lành mạnh của QTDND là việc làm thường xuyên, liên tục.
Tuy nhiên, công tác quản lý hệ thống QTDND còn một số tồn tại, hạn chế khi vẫn xuất hiện một số QTDND yếu kém, trong đó có QTDND phải đưa vào diện kiểm soát đặc biệt. Công tác xử lý pháp nhân của các QTDND là công việc phức tạp, chưa có tiền lệ nên quá trình xử lý cần nhiều thời gian hơn dự kiến. Nhiều khó khăn, vướng mắc trong hoạt động của QTDND tại một số địa phương chậm được xử lý.
Đáng chú ý, QTDND hoạt động hiệu quả, thiết thực giúp phục vụ đời sống kinh tế - xã hội của người dân, hạn chế nạn “tín dụng đen” hoành hành ở các khu dân cư, nhất là vùng nông thôn. Nhưng các QTDND đang ngày càng chịu áp lực cạnh tranh từ các công ty tài chính, đặc biệt từ các ngân hàng thương mại trong cả huy động vốn và cho vay. Do quy mô nhỏ nên các QTDND này không có được sự đa dạng về các sản phẩm tiền gửi hay có năng lực tài chính để thực hiện các chương trình khuyến mãi như các ngân hàng thương mại.
Cần xử lý những hạn chế, hoàn thiện hành lang pháp lý
Hiện hoạt động của các QTDND đang chịu sự quản lý theo Thông tư số 21/2019/TT-NHNN ban hành ngày 14/11/2019 của NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư quy định về ngân hàng hợp tác xã, QTDND và quỹ bảo đảm an toàn hệ thống QTDND (Thông tư 21).
Trong văn bản kiến nghị gửi Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái mới đây, Liên minh Hợp tác xã (HTX) đã chỉ ra một số khó khăn và vướng mắc của Thông tư 21 đến hoạt động của các QTDND.
Liên minh HTX Việt Nam cho rằng, quy định “địa bàn hoạt động của QTDND là một xã, một phường hoặc một thị trấn” đang bó hẹp hoạt động của các QTDND, bởi quy định về hoạt động của các QTDND giống như của HTX (tự chủ, tự chịu trách nhiệm về hoạt động của mình trước pháp luật...) nhưng HTX lại không bị giới hạn về địa bàn và phạm vi hoạt động như các QTDND.
Vì thế, quy định này không chỉ bó hẹp chức năng, quyền hạn, giảm tính tự chủ và sự cạnh tranh lành mạnh của QTDND với các tổ chức tín dụng khác trên địa bàn mà còn gây nên rất nhiều khó khăn cho các QTDND hoạt động hiệu quả. Nhiều QTDND đã có bề dày hoạt động nhiều chục năm, địa bàn hoạt động trên nhiều xã, phường, thị trấn, nay phải thu hẹp lại đã dẫn đến nội bộ mất đoàn kết, khiếu kiện, mất niềm tin của thành viên...
Ngoài ra, quy định QTDND phải đảm bảo tổng mức nhận tiền gửi không được vượt quá 20 lần vốn chủ sở hữu cũng được Liên minh HTX Việt Nam cho rằng sẽ gây ra rất nhiều khó khăn, cản trở nhu cầu hợp tác, góp vốn, huy động vốn nhàn rỗi từ Nhân dân của QTDND, hạn chế sự phát triển của một tổ chức kinh tế tập thể, không phù hợp với quy luật khách quan của kinh tế thị trường.
Cũng về vấn đề này, chuyên gia tài chính – ngân hàng TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, QTDND đã và đang đóng vai trò đáng kể trong việc phát triển bền vững kinh tế nông thôn, đảm bảo mục tiêu về chiến lược tài chính toàn diện.
Ông Hiếu cho rằng, NHNN nên mở rộng địa bàn hoạt động của QTDND thành một tỉnh vì nếu quá hạn hẹp sẽ gây nguy cơ gia tăng rủi ro vì số người dân đi vay hạn chế, đặc biệt là những người không vay được sẽ tìm đến “tín dụng đen”. Vị này cũng nêu, quy định đảm bảo tổng mức nhận tiền gửi không được vượt quá 20 lần vốn chủ sở hữu là không hợp lý. Bởi QTDND có thể huy động càng nhiều càng tốt, nhưng cho vay ra cần có giới hạn với điều kiện QTDND phải đảm bảo tính thanh khoản, có khả năng để thanh toán và trả lãi cho khách hàng khi đến hạn.
Để đảm bảo hệ thống QTDND hoạt động an toàn, hiệu quả, theo đúng tôn chỉ, mục đích, nguyên tắc hoạt động và quy định của pháp luật, Phó Thống đốc Đào Minh Tú đã đề nghị các đơn vị cần coi công tác tiếp tục chấn chỉnh, củng cố an toàn hoạt động hệ thống QTDND là một nhiệm vụ thường xuyên, khẩn trương. Phó Thống đốc yêu cầu cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hành lang pháp lý; tập trung xử lý khẩn trương các tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc./.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.