Cấp cứu chiến sĩ bị thương nặng từ Hoàng Sa về đất liền điều trị
Ê kíp bác sĩ Bệnh viện Quân y 175 đón bệnh nhân ở đảo Sơn Ca để đưa lên trực thăng.
Trước đó, bệnh nhân trong khi làm nhiệm vụ khi trời mưa to, bị ngã xuống hào, bệnh xá đảo Sơn Ca đã tiến hành các biện pháp cấp cứu ban đầu, đồng thời kết nối hội chẩn qua Telemedecine với các bác sĩ Bệnh viện Quân y 175. Bệnh nhân được bất động, cố định cột sống cổ, duy trì huyết áp, theo dõi chặt chẽ tri giác, hô hấp đặc biệt chú ý tăng tiết đờm của bệnh nhân. Do tình trạng bệnh nhân tiến triển xấu nên được đề nghị đưa sớm về đất liền điều trị.
Đại úy, bác sĩ Phạm Công Tình theo dõi, chăm sóc bệnh nhân trên máy bay
Được sự chỉ đạo kịp thời của Bộ Quốc phòng, Binh đoàn 18 đã điều trực thăng phối hợp với Tổ cấp cứu đường không Bệnh viện Quân y 175 do Đại úy, bác sĩ Phạm Công Tình - Khoa Hồi sức tích cực làm tổ trưởng bay ra đảo Sơn Ca đưa bệnh nhân về đất liền. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của bão nên máy bay không thể trực tiếp bay từ bãi đáp trực thăng của bệnh viện. Tổ cấp cứu đường không đã đi từ TP. HCM xuống Vũng Tàu lúc 23h30 phút tối ngày 4/1/2023 và xuất phát bay ra huyện đảo Trường Sa lớn lúc 6h24' sáng ngày 5/1/2023.
Bệnh nhân nhanh chóng được Êkip y, bác sĩ đưa vào Khoa Cấp cứu
Bác sĩ Phạm Công Tình cho biết, tiếp nhận bệnh nhân ngoài đảo Sơn Ca lúc 12h00 trong tình trạng tri giác tỉnh, tiếp xúc chậm, có biểu hiện liệt tứ chi, đặc biệt liệt hoàn toàn nửa người bên phải, bên trái yếu, bệnh nhân tự thở được ,các chỉ số mạch, huyết áp, SPO2 vẫn trong giới hạn ổn định. Tiếp tục tầm soát các cơ quan, bệnh nhân không có chấn thương khác ở các vị trí vùng ngực, bụng, chi thể. Trong quá trình chuyển bằng máy bay về, tổ cấp cứu đã theo dõi sâu sát, cơ bản bệnh nhân không có diễn biến xấu hơn so với ở ngoài đảo Sơn Ca.
Các bác sĩ nhanh chóng hội chẩn, thăm khám cho bệnh nhân.
“Trong quá trình bay, do ảnh hưởng áp thấp, suốt dọc đường bay từ Vũng Tàu ra đảo Sơn Ca gặp rất nhiều khó khăn về thời tiết như trần mây thấp, tầm nhìn kém, mưa lớn, giông và độ che phủ mây rất lớn. Tổ bay đã hiệp đồng phối hợp với tổ cấp cứu đường không đã khắc phục khó khăn, không chỉ đáp ứng được an toàn bay mà còn phải đáp ứng được an toàn, cấp cứu kịp thời cho bệnh nhân. Trần bay thấp có những lúc phải bay ở độ cao chỉ khoảng 500m – 600m. Tuy nhiên, vượt qua rất nhiều khó khăn chuyến bay hạ cánh an toàn. Đặc biệt, đây là một trong những nhiệm vụ bay kép dài phức tạp trên biển nên tổ bay cũng bổ sung thêm 1 đồng chí để hỗ trợ, giúp tổ bay hoàn thành tốt nhiệm vụ trong điều kiện làm việc khắc nghiệt.” - Trung tá Đinh Hoàng Long,Trưởng phòng Huấn luyện tiêu chuẩn khai thác, Công ty Bay Miền Nam - Binh Đoàn 18 cho biết.
Ngay sau đó, bệnh nhân được đưa vào khoa Cấp cứu của bệnh viện tiến hành làm các xét nghiệm đặc biệt, triển khai hội chẩn viện cấp cứu, đưa ra hướng điều trị, xử lí phù hợp cho bệnh nhân.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.