Câu chuyện xúc động của người cha mắt kém đạp xe hơn 2500km về quê để thực hiện lời hứa với con
Người đàn ông đạp xe 2.520km từ nơi làm việc về quê để cổ vũ, động viên con trai sắp thi vào cấp 3. (Ảnh: Nguồn SCMP composite)
Lời hứa với con
Ông Ren Zhongquan làm công nhân tại một thành phố của Trung Quốc. Sau 38 ngày ròng rã đạp xe trên quãng đường 2520km từ Hạ Môn (Phúc Kiến, Trung Quốc) đến Lô Châu (Tứ Xuyên, Trung Quốc), ông Ren Zhongquan đã về tới nhà trước khi con trai tham dự kỳ thi vào lớp 10.
Cách đây 1 năm, ông Ren Zhongquan rời nhà lên thành phố làm việc. Trước khi đi, ông không quên động viên và dặn dò cậu con trai bước vào năm học cuối của bậc THCS. Cậu con trai rất mong muốn được sự động viên của cha trước khi đi thi. Chính vì vậy, Ren Zhongquan đã đạp xe về quê để thực hiện lời đã hứa với cậu con trai 1 năm trước.
"Con nhớ chăm ngoan học giỏi, nghe lời thầy cô dạy. Khi thi vào cấp 3, bố sẽ đạp xe từ Hạ Môn về nhà để động viên con", ông kể lại.
Người cha trải qua hành trình hơn 2500km. (Ảnh: Nguồn Sichuan)
Hành trình hơn 2500km của ông Ren Zhongquan càng đáng trân trọng và ngưỡng mộ, bởi ông bị suy giảm thị lực từ nhỏ.
Vợ ông cũng là người khuyết tật, 2 người làm việc ở Hạ Môn suốt nhiều năm qua, cậu con trai được giao cho bà ngoại chăm sóc. Trong khi vợ là công nhân của nhà máy giày thì ông Ren Zhongquan làm công nhân ở công trường xây dựng.
Năm 2017, người đàn ông này trở về quê hương làm nông và chăn nuôi. Ren Zhongquan muốn vươn lên thoát cảnh vất vả, nhưng 2 lần khởi nghiệp đều thất bại.
Sau khi phải gánh khoản thua lỗ 10.000 tệ, người đàn ông này quyết định trở lại Hạ Môn kiếm sống. Dẫu công việc mưu sinh ở thành phố vất vả nhưng Ren Zhongquan luôn tâm niệm phải giữ lời hứa với con.
Trong thời gian làm việc ở Hạ Môn, Ren Zhongquan tìm mua được chiếc xe đạp của người hàng xóm rồi sửa chữa. Có phương tiện đi lại, Ren Zhongquan bắt đầu lên kế hoạch cho ngày khởi hành. Ngoài xe đạp, ông mua thêm lều để ngủ dọc đường, các phụ tùng thay thế khi bị hỏng, bơm, áo phản quang, đèn pin...
Hành trình vất vả
Nghe kế hoạch đạp xe về quê của ông, người vợ không đồng tình, vì một phần lo lắng sức khỏe của chồng không tốt mà có thể gặp tai nạn bất trắc trên đường, không ai có thể lường trước. Tuy vậy, Ren Zhongquan vẫn quyết tâm thực hiện điều đã được ấp ủ bấy lâu, do không muốn thất hứa với con và bị mang tiếng là người cha nói dối.
Ngày 14/4, Ren Zhongquan bắt đầu hành trình đạp xe về quê. Ông đi qua Phúc Kiến, Quảng Đông, Quảng Tây, Quý Châu và đến Tứ Xuyên... Trong suốt hành trình hơn 2500km, người đàn ông này đã quay clip rồi đăng tải lên mạng.
Chiếc xe đạp cà tàng đồng hành cùng ông Ren Zhongquan trên quãng đường dài. (Ảnh: Nguồn Sohu)
Quãng đường không chỉ dài, tốn nhiều sức lực mà ông Ren Zhongquan còn đối mặt với thời tiết thay đổi giữa các tỉnh, có nơi lạnh nhất chỉ 12 độ C. Ông cũng từng đạp xe qua con đường với một bên là vách núi dựng đứng mất 7 tiếng đồng hồ, xung quanh không có một bóng xe cộ hay người qua lại.
Ngày nắng, ông Ren dựng lều để ở, còn ngày mưa lưu trú tại khách sạn... Quãng đường dài nhất ông đạp được trong một ngày là 112km, còn ngày ít nhất cũng băng qua 35km đường núi.
Sau hành trình vất vả và nhiều thử thách, Ren Zhongquan đã về tới nhà an toàn hôm 21/5. Ông đã trải qua 38 ngày để về với con, trong đó có 33 ngày đạp xe và 5 ngày nghỉ ngơi.
Mặc dù, đi xe đạp về quê là một thử thách khó khăn, song con trai chính là nguồn động viên, niềm hy vọng để Ren Zhongquan kiên trì, không bỏ cuộc dù đối diện nhiều nghịch cảnh trên đường.
Trải qua quãng đường dài, ông quyết định sẽ không trở lại Hạ Môn mà tiếp tục mưu sinh tại quê nhà để chăm sóc con. Với ông, chuyến đạp xe về quê như một sự động viên, tiếp thêm hy vọng để cậu con trai hoàn thành tốt bài thi và đỗ vào bậc THPT.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.