Chặn gom đất, đẩy giá bằng cách đánh thuế bất động sản bỏ hoang
Chiều 15/4, tại hội thảo chủ đề "Tạo đà phục hồi thị trường bất động sản phía Nam", do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức, các chuyên gia đã thảo luận về các vấn đề đang tồn tại trong việc đấu giá quyền sử dụng đất, chậm đưa đất vào sử dụng.
Ông Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ TN&MT) nhận định, vừa qua việc đấu giá đất không được lành mạnh.
Mặc dù nhiều trường hợp thời gian triển khai dự án, sử dụng quỹ đất chậm do thủ tục, nhưng cũng có tình trạng những doanh nghiệp để đất từ năm 2012 đến giờ mới triển khai, hoặc có mục tiêu làm thủ tục dự án càng chậm càng tốt để đợi giá đất lên rồi bán sản phẩm thương mại. Nhiều doanh nghiệp mua đất 1.500 tỷ đồng nhưng sẵn sàng nộp phạt 1.200 tỷ đồng, sẵn sàng chậm lại để nộp phạt.
Bên cạnh đó còn tình trạng đẩy giá đất lên cao rồi bỏ cọc. Mặc dù các quy định tương đối rõ ràng nhưng trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện ở các địa phương còn quá chặt chẽ theo quy định, phương án đấu giá mà chưa phù hợp với thực tế.
Về vấn đề này, theo chuyên gia, tiền đặt trước là tiền để tham gia đấu giá. Sau khi đấu giá thì phần tiền đặt trước đó có thể gộp vào tiền đặt cọc. Quy định tiền đặt cọc theo quy định của luật dân sự rất rõ ràng là cam kết để thực hiện hợp đồng. Trong phương án đấu giá thì tiền đặt trước theo giá khởi điểm, ngay khi rời phòng đấu giá phải nộp đủ tiền cọc.
Ông Nguyễn Đình Thọ cho biết, dự kiến trong nghị quyết mới thay thế cho Nghị quyết 19 sẽ áp dụng các biện pháp tài chính, như ở Úc đánh thuế 5% khi doanh nghiệp tự nguyện khai báo triển khai chậm, nếu Nhà nước đi điều tra sẽ áp dụng 20%. Còn ở Hàn Quốc nếu chậm sau 7 năm đóng 9%, sau 10 năm đóng 10%.
Về vấn đề này, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho hay, Chính phủ đang kiểm soát trái phiếu với 3 mục tiêu: tài chính doanh nghiệp, tài sản đảm bảo, mục đích sử dụng…
Theo tiêu chí đánh giá IMF đã công bố, cứ 37 năm thu nhập bình quân một người bình thường mới mua được nhà. Đến bây giờ, chúng ta nhìn lại, nước ta cũng đang xấp xỉ như vậy. Đất đai thì ngày càng khó khăn, tín dụng trái phiếu cũng tương tự nên nguồn cung hạn hẹp. Nếu không có cải cách căn bản về thủ tục, để tăng nguồn cung, siết trái phiếu… thị trường dễ tạo ra bong bóng bất động sản, liên quan trực tiếp đến hệ thống ngân hàng.
Ông Nghĩa cho hay, nhiều doanh nghiệp lợi dụng ngân hàng chống lưng để phát hành trái phiếu, họ không dùng nguồn tiền đó để phát triển các dự án sẵn có mà dùng để mua gom đất.
Có chuyên gia từng nói về thuế đánh vào đất không sử dụng là rất quan trọng, nhằm chặn đứng đầu cơ tài nguyên dài hạn. Đi mua đất, gom đất, gom tài nguyên, đấy chính là tự diễn biến, tự chuyển hóa của doanh nghiệp. Người ta nói cuộc chiến giành đất đai như là thế hệ cuối cùng của nền kinh tế này, nên phải đi mua gom. Việc đánh thuế do đó rất quan trọng.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.