Chàng trai tật 2 chân chăn nuôi hàng trăm đàn gia súc, thu nhập gần 200 triệu đồng/năm
Đó là anh Hoàng Kim Vị (SN 1992), trú tại xã Hưng Yên Nam, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Không may mắn khi chào đời, anh bị dị tật 2 chân, đi lại khó khăn. Tuy nhiên, không đầu hàng số phận, anh luôn lạc quan phấn đấu vươn lên. Học hết THPT, sức khoẻ và điều kiện không cho phép, anh Vị quyết định nghỉ học.
Từ người khuyết tật đến ông chủ trang trại (Ảnh: Đài phát thanh và truyền hình Nghệ An)
Khảo sát điều kiện vùng bán sơn địa, nơi mình sống có nhiều vườn đất rộng và nhiều hộ dân làm ăn giỏi trong xã, anh Vị quyết tâm khởi nghiệp bằng nghề chăn nuôi. Được nhận hỗ trợ từ tổ chức Đoàn và chương trình hỗ trợ thanh niên yếu thế, anh Vị bắt đầu xây dựng trang trại. Hiện, trang trại của Vị có hơn 500 gia cầm gồm gà, ngan và 30con gia súc như lợn,dê, trâu.
Nguồn thu nhập từ chăn nuôi giúp kinh tế gia đình ổn định với mức 150- 200 triệu đồng/năm.
Đoàn thanh niên tham quan mô hình của anh Vị (Ảnh: Đài phát thanh và truyền hình Nghệ An)
Theo anh Vị, thời gian đầu khởi nghiệp gặp không ít khó khăn bởi bản thân khuyết tật, nhưng anh không để những việc đó làm cản trở. Hàng ngày, anh đều đặn chăm sóc đàn gia súc, gia cầm với đủ thứ việc mà đối với người bình thường cũng đã thấy vất vả. Nhờ chăm chỉ làm ăn, chịu khó tìm hiểu kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh nên đàn vật nuôi của anh phát triển tốt. Mỗi năm anh nuôi 3-4 lứa gà, ngan thương phẩm. Mỗi lứa 400-700 con. Từ một thanh niên khuyết tật, với ý chí vươn lên Hoàng Kim Vị không chỉ làm ra của cải vật chất nuôi bản thân mà còn làm giàu cho gia đình, là tấm gương về tinh thần vượt khó ở địa phương.
Trang trại của anh Vị chăn nuôi hàng trăm gia cầm, gia sức (Ảnh: Đài phát thanh và truyền hình Nghệ An)
.Nói về dự định tương lai, anh Hoàng Kim Vị cho biết thêm: Sắp tới Vị đang có kế hoạch mở rộng quy mô chuồng trại để phát triển chăn nuôi với quy mô lớn hơn. Đặc biệt là nuôi thêm cá trê, giun quế, đầu tư phát triển nuôi lợn sinh sản để cung cấp nguồn lợn giống cho người chăn nuôi ở địa phương, trồng thêm một số cây ăn quả, rau màu làm thức ăn cho chăn nuôi.
Có rất nhiều tâm gương vượt khó làm giàu như anh Vị, họ cũng là người khuyết tật nhưng không đầu hàng số phận. Như anh Phạm Hữu Quang (SN 1983) ở thôn Nghĩa Phong, xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị bị mất một cánh tay do tai nạn lao động.
Năm 2018, anh vay vốn Ngân hàng chính sách xã hội huyện vào huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh mua 3 con hươu về nuôi, trong đó 1 con giống sinh sản và 2 con đực để lấy nhung. Chi phí đầu tư chuồng trại và con giống ban đầu hơn 100 triệu đồng. Sau gần 2 năm nuôi, hiện nay đàn hươu của anh sinh sản ra được 5 con, trong đó có 3 con đã cho thu hoạch nhung, mỗi năm thu được 2 đợt, mỗi đợt một con thu được từ 0,7-1kg nhung, bán ra thị trường 14 triệu đồng/kg. Tích lũy được vốn từ nuôi hươu, anh Quang đầu tư nuôi thêm 5 con dê sinh sản, lợn nái, lợn thịt, gia cầm... Nhờ chịu khó tìm hiểu, học hỏi ứng dụng khoa học kỹ thuật vào quá trình chăn nuôi nên đàn vật nuôi của gia đình anh phát triển tốt, riêng đàn dê đã tăng lên 15 con, lợn mỗi năm xuất bán khoảng 50 con.
Anh Quang với trang trại chăn nuôi của mình (Ảnh: Đài phát thanh truyền hình Quảng Trị)
Từ một thanh niên khuyết tật nhưng với ý chí, nghị lực vươn lên, anh Quang không chỉ làm ra của cải vật chật nuôi đủ bản thân mà còn làm giàu cho gia đình, mỗi năm từ bán nhung hươu, dê, lợn, gia cầm gia đình anh có thu nhập khoảng 200 triệu đồng, trở thành một tấm gương sáng về tinh thần vượt khó vươn lên trong thanh niên địa phương.
Chưa dừng lại ở đó, hiện nay anh Quang đang có kế hoạch mở rộng quy mô chuồng trại để phát triển chăn nuôi với quy mô lớn hơn. Đặc biệt là nuôi thêm hươu sinh sản và lấy nhung, vì đây là giống vật nuôi mới phù hợp với đặc điểm ở địa phương, kỹ thuật nuôi đơn giản, thức ăn chủ yếu là lá cây trong vùng hoặc các loại rau, củ quả có sẵn ở địa phương, hiệu quả kinh tế cao. Ngoài ra, anh cũng đầu tư phát triển nuôi lợn sinh sản để cung cấp nguồn lợn giống cho người chăn nuôi ở địa phương.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.