Chối bỏ người khuyết tật

2023-12-05 19:31:53 0 Bình luận
Tôi bị bại liệt khi mới 8 tháng tuổi, sau một cơn sốt. Năm 1986, dù đỗ Á khoa Đại học Văn hóa TP HCM, Khoa Phát hành Sách, tôi vẫn bị từ chối nhập học. Tôi "khiếu nại", trường nói, nếu tôi muốn thì cứ học, nhưng sẽ không đủ điều kiện được cấp bằng tốt nghiệp chính quy như sinh viên khác.

Học hay nghỉ, trở về quê? Câu hỏi tự đặt ra, đúng là khó thật.

Nhưng, không thể bỏ cuộc. Trầy trật 10 năm làm sinh viên qua hai trường đại học, tôi mới có tấm bằng chính quy, ở tuổi 30.

Thời của tôi, vào được đại học đã khó, ra trường chống nạng đi xin việc còn khó hơn nhiều. Dù có bằng cử nhân Triết học và Luật học, tôi tiếp tục bị chối bỏ, nhiều lần, bởi hai cơ quan nhà nước và một số doanh nghiệp Việt Nam.

Buồn và tuyệt vọng, ba tôi tính chuyện mua một chiếc xe hàng, đẩy ra ngoài chợ hay đầu ngõ, cho tôi sửa đồng hồ, kiếm sống qua ngày. Nghề nào cũng đáng quý, lao động nào cũng đáng trân trọng. Nhưng tôi không muốn vậy, vì mình được đào tạo, có nhận thức, có năng lực, có thể tìm cơ hội tốt hơn. Trong lúc chờ đợi, tôi học thêm ngoại ngữ, kết bạn với một nhóm người khuyết tật làm việc tại một cửa hàng nhỏ trên đường Đồng Khởi.

Tại đây, tôi quen biết Michael Abadie - người Mỹ, chuyên gia quản lý rủi ro cho một tập đoàn môi giới bảo hiểm đa quốc gia. Michael tới Việt Nam từ khi đất nước còn chưa mở cửa và gắn bó với nơi này cho tới nay. Hồi đó, sau giờ làm việc, anh thường xách máy ảnh, lang thang khắp phố xá, ngõ hẻm của Sài Gòn để chụp ảnh và thực hành tiếng Việt. Sau một thời gian quen biết, Michael mời tôi về làm việc tại văn phòng của anh ở Quận 1.

Không khỏi e dè, tôi hỏi thẳng: "Michael đừng thương hại hay tội nghiệp gì em. Nếu thấy em có thể làm việc, hãy mời em về". Nhưng Michael nói: "Trí hoàn toàn có thể làm việc bằng chính năng lực của mình". Tháng lương đầu tiên tôi nhận được, 200 USD. "Sao nhiều thế Michael?". "Trí xứng đáng, đừng lo!".

Nếu không có Michael, tôi sẽ không bao giờ có vị trí hiện tại ở một tập đoàn đa quốc gia.

Nhưng nhiều người cùng cảnh ngộ như tôi không may mắn như vậy.

Hôm 1/12, tôi dự diễn đàn "ESG - Cơ hội và thách thức việc làm cho người khuyết tật" tại TP HCM. Diễn đàn nhằm chia sẻ các nghiên cứu mới nhất của Ngân hàng Thế giới World Bank, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Năng lực Người khuyết tật... về cơ hội việc làm, cam kết của doanh nghiệp trong đào tạo và tạo cơ hội việc làm cho người khuyết tật tại Việt Nam. ESG gồm: E-Environmental (Môi trường); S-Social (Xã hội) và G-Governance (Quản trị doanh nghiệp), là bộ tiêu chuẩn đo lường các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững và ảnh hưởng của doanh nghiệp đến cộng đồng. Doanh nghiệp có điểm số ESG càng cao tức là năng lực thực hành ESG càng tốt.

Hàng năm, đến hẹn lại lên, đó đây trong Nam và ngoài Bắc lại có những diễn đàn, hội thảo tương tự về việc làm cho người khuyết tật nhân ngày Quốc tế Người Khuyết tật 3/12.

Số liệu thống kê tại hội thảo khá chi tiết nhưng không mấy lạc quan. Việt Nam hiện có hơn 7 triệu người khuyết tật. Trong đó, chỉ 31,7% người khuyết tật trung bình và 7,8% người khuyết tật nặng có việc làm. Số người khuyết tật từ 16 tuổi trở lên không có chuyên môn chiếm tới 93,4%.

Số lượng người khuyết tật ở các nhóm và độ tuổi khác nhau nhích dần lên mỗi năm do tác động của các yếu tố xã hội (tai nạn lao động, tai nạn giao thông, bệnh tật - đặc biệt sau Covid-19...) trong khi tỷ lệ % người khuyết tật có việc làm, diễn biến theo chiều ngược lại.

Lồng ghép cơ hội việc làm cho người khuyết tật vào bối cảnh và xu thế ESG là một sáng kiến nhằm thúc đẩy doanh nghiệp cùng quan tâm và đi đến cam kết hỗ trợ việc làm cho người khuyết tật. Thế nhưng, xét về thực tiễn, đó dường như chỉ là sự bắt đầu cho một định hướng ở tương lai.

So với thời của tôi, chính sách và nhận thức xã hội về người khuyết tật đã có nhiều thay đổi. Nhưng phải thẳng thắn là chúng ta chưa thể so được với các quốc gia phát triển. Tại nơi làm việc của mình, tôi hầu như không cảm thấy mình bị coi là người khuyết tật, mọi đánh giá chỉ dựa trên năng lực và hiệu quả công việc. Hạ tầng cơ bản cho người khuyết tật cũng được chuẩn bị sẵn, nên tôi, dù gặp khó khăn nhất định khi di chuyển thì đó cũng không phải là trở ngại lớn...

Vài chục năm qua có thể là dài nhưng chưa phải đã dừng lại, nhận thức xã hội vẫn không ngừng phát triển; hạ tầng dành cho người khuyết tật sẽ tiếp tục được cải thiện. Doanh nghiệp Việt Nam hiện nay chưa thể có những điều kiện tương tự về cả nhận thức lẫn cơ sở vật chất, nên rất khó yêu cầu họ đưa ra những cam kết to lớn và ngay lập tức về trách nhiệm xã hội với người khuyết tật.

Tôi, vì vậy, kể câu chuyện của chính mình để động viên những người chung cảnh ngộ. Đặt niềm tin vào xã hội nhưng cũng phải tin vào bản thân. Sự cải thiện cơ hội việc làm sẽ chỉ đạt được dựa trên sự cân bằng, đừng trút gánh nặng cho một bên nào cả. Mong đợi đến cả từ hai phía, trên cơ sở 50-50.

Từ trải nghiệm cá nhân, tôi nhận thấy thách thức về việc làm thậm chí đến từ người khuyết tật nhiều hơn. Nếu ta không tự phát hiện khả năng của bản thân, không tự vượt qua khó khăn của chính mình, ta khó trông chờ người khác nhìn thấy năng lực và đỡ ta đứng dậy.

Người khuyết tật vì vậy còn phải tự vận động và phát triển mình trước để chứng minh năng lực, tạo sự tin tưởng cho các doanh nghiệp nói riêng và xã hội nói chung.

Ở các diễn đàn, hội thảo hàng năm, tôi rất khâm phục ý chí và nỗ lực dẫn đến thành công của các bạn trẻ thế hệ sau. Nhưng tôi cũng nhìn thấy thực tế, là còn không ít người khuyết tật vẫn để tâm lý tự ti đè nặng, đến mức ỷ lại, trông chờ một chiều vào xã hội.

Tôi muốn động viên cộng đồng mình. Dù bạn thuộc thế hệ nào đi nữa, con đường hòa nhập với xã hội và tự phát triển bản thân vẫn còn dài và nhiều rào cản. Ý chí và sự nỗ lực, suy nghĩ và tư duy tích cực càng phải là những điều cần thiết với chúng ta - những con người mà dường như cuộc đời không ban cho nhiều lựa chọn.

Hà Đức Trí

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Quy định về đóng bảo hiểm xã hội có hiệu lực từ tháng 7/2025

Quy định về đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của người lao động, người sử dụng lao động, mức hỗ trợ cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện từ ngày 1/7/2025.
2025-07-02 01:51:42

Đồng chí Trương Quốc Huy giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình

Theo Quyết định của Bộ Chính trị về công tác cán bộ, đồng chí Trương Quốc Huy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam, được phân công giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình nhiệm kỳ 2020 – 2025.
2025-07-01 15:16:42

Tiểu sử Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ Đặng Xuân Phong

Sáng 30/6, tại TP. Việt Trì diễn ra lễ công bố các Nghị quyết của Quốc hội, Quyết định của Trung ương về sắp xếp tổ chức bộ máy và đơn vị hành chính của tỉnh Phú Thọ. Trung ương chỉ định ông Đặng Xuân Phong, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc, giữ chức Bí thư Tỉnh uỷ Phú Thọ mới nhiệm kỳ 2020 - 2025.
2025-07-01 15:06:59

‘Rạng rỡ Hải Phòng’ chào mừng sự trở về với cội nguồn chung

Tối 30/6, tại Quảng trường Nhà hát thành phố và Trung tâm Văn hóa Xứ Đông đã diễn ra Cầu truyền hình trực tiếp chương trình nghệ thuật đặc sắc với chủ đề “Rạng rỡ Hải Phòng”, chào mừng sự kiện hợp nhất tỉnh Hải Dương và TP.Hải Phòng.
2025-07-01 10:13:48

Flamingo Golden Hill: Tâm điểm đầu tư mới tại vùng trọng điểm du lịch tỉnh Ninh Bình mới

Giữa làn sóng dịch chuyển sản xuất và phát triển hạ tầng du lịch tâm linh khu vực Nam Hà Nội, Flamingo Golden Hill nổi lên là tâm điểm sinh lời mới, hội tụ cả lợi thế vị trí vàng, pháp lý hoàn chỉnh, cùng dòng khách thuê chuyên gia quốc tế ổn định. Dự án này đang thu hút mạnh mẽ giới đầu tư săn tìm bất động sản có dòng tiền sinh lời bền vững và tiềm năng tăng trưởng bứt phá.
2025-07-01 09:03:32

Hà Nội: Đất công ngõ đi có biến thành đất tư?

Con Hẻm 305/46/40, đã được nhân dân đồng thuận và UBND xã Ninh Hiệp quy hoạch tôn tạo mở rộng từ năm 1994 làm lối đi chung khi thanh lý đất cho các hộ gia đình, nhưng hiện nay đang có nguy cơ bị quy thành đất sử dụng riêng.
2025-06-30 20:57:00
Đang tải...