Cuốn theo cuộc chiến-Bài 2: Những người chỉ huy đáng mến
Những người chỉ huy đầu tiên
Đại đội 2 của chúng tôi có hơn một trăm anh em đến từ các tỉnh: Bắc Thái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hà Tây, Tuyên Quang, Yên Bái. Chỉ có vài anh lớn tuổi từng kinh qua công tác, là đảng viên, như: anh Hồng (Thanh Lãng) trung cấp Thủy sản; anh Hộ (Nam Cường, Sóc Sơn) giáo viên cấp 2; anh Long (Phủ Thông, Bắc Thái) kế toán Hợp tác xã… Có khoảng hai mươi người vừa tốt nghiệp cấp 3 như tôi và Úc. Đại đội có 30 chiến sỹ là người dân tộc Tày, trong đó có anh Long (Yên Bái) và Hiền (Phủ Thông, Bắc Thái) cùng Tiểu đội với tôi.
Tiểu đội tôi có mười hai người, anh Long (Bắc Thái) làm Tiểu đội trưởng. Đơn vị còn 2 chiến sỹ tên là Long, quê ở Đa Phúc (Sóc Sơn, Hà Nội) và ở Phú Thọ. Tôi và anh Hưng (Tuyên Quang) được giao làm Tiểu đội phó. Nghĩ cũng thấy oai thật! Vì vừa vào lính, chưa biết "mô tê" gì bọn tôi đã được giao làm chỉ huy rồi!
Chiến sĩ đặc công Vũ Quang Đồng năm 1970.
Đại đội trưởng của chúng tôi tên là Đồng, quê miền Trung. Anh có giọng nói khàn khàn nên mọi người phải rất trật tự mới nghe được rõ ý. Về sau này chúng tôi mới biết anh bị thương ở cổ thời đánh Quảng Trị 1966.
Anh Đồng rất tận tình chỉ bảo cho chúng tôi những kiến thức chiến đấu của bộ binh. Từ sử dụng các loại vũ khí đến các loại mìn, các thủ đoạn giăng bẫy của địch và cách tháo gỡ; từ cách đeo ba lô, giăng tăng, mắc võng, đến tổ chức đội hình hành quân…Anh dạy cách đào hầm, đào hào, ngụy trang, xóa dấu vết. Thậm chí, anh còn thay cả quân y dạy cách băng bó, cấp cứu chiến thương, phòng, chống những sự cố trên đường (rắn, rết, bọ cạp…) và rất nhiều thứ hữu dụng khác! Đó là những kiến thức quân sự rất thiết thực cho chúng tôi sau này!
Phải nói, Đại đội trưởng Đồng là người chỉ huy ấn tượng nhất trong đời lính của tôi. Anh không bao giờ kể lịch sử những vết thương trên người, mà toàn ôn lại những kỷ niệm về đơn vị cũ và đồng đội... Một người chỉ huy dày dạn chiến trường nhưng rất khiêm tốn.
Chính trị viên đại đội được chúng tôi gọi là ông: "Ta thắng, địch thua" và đặt tên là anh "Chính" (có nghĩa là "chính trị")! Gọi mãi rồi thành quen. Bản thân anh cũng đồng tình và cũng quên luôn cả tên cúng cơm của mình. Ai gọi là Chính, anh cũng nhận hết! Lính, rất lắm chuyện khôi hài.
Bình thường anh Chính rất mô phạm, vì đứng trên bục giảng bài, ai mà chẳng nghiêm túc! Nhưng khi ra thao trường, anh lại là một con người khác, nhanh như Sóc. Mọi thao tác mẫu đều chính xác. Riêng tài bắn tỉa thì khỏi nói, không phát nào ngoài vòng 8-9. Anh nhập ngũ năm 1963. Từ năm 1964 - 1966, ở mặt trận Quảng - Đà (Quảng Nam, Đà Nẵng) vô cùng ác liệt.
Anh Chính là cán bộ chính trị gương mẫu. Ai cũng biết, hành quân dã ngoại là một trong những trò chơi khá vất vả. Không phải người lính nào cũng hứng thú, bởi nó giống như một cuộc thi sức bền, sự dẻo dai, bản lĩnh chịu đựng gian khổ và rèn luyện ý chí chiến đấu. Có người còn ví von, khắc nghiệt như Nguyễn Đức Thuận chịu đòn trong tác phẩm "Bất khuất"…
Những ngày đầu dã ngoại, chúng tôi được phát súng CKC, lưng cõng ba lô đựng đất, đá, gạch với trọng lượng là 17kg. Được cân kéo hẳn hoi. Nặng hơn thì được! Nhẹ hơn thì phải bổ sung! Vì đi đường dài, nên đơn vị không ít người đuối sức, đứt hơi… buộc phải tụt lại đằng sau!
Với người chỉ huy huấn luyện, họ có thể đeo rơm, hay một thứ gì đó để vào ba lô cho nó phồng lên như là có đất, gạch không ai thắc mắc cả! Riêng các chỉ huy của chúng tôi, anh Đồng, anh Chính tuy là thương binh, nhưng các anh vẫn tự giác cân ba lô trước mặt chiến sỹ.... Anh Đồng cõng 17 kg, anh Chính bao giờ cũng cõng 20kg! Anh Chính còn là người phải đi cuối cùng hàng quân, lẽo đẽo thu dung lính "tụt tạt".
Đợt dã ngoại nào chúng tôi cũng đi từ sáng sớm đến tối mịt, có hôm đến quá nửa đêm mới về đến doanh trại. Mỗi tuần luyện tập hành quân dã ngoại hai ngày. Ban đầu không quen, nhiều người còn bỏ bớt gạch đá để cho nhẹ vai. Sau quen dần, không ai giảm bớt gạch hay đất đá dọc đường nữa.
Tập hành quân đường dài, phải đi qua nhiều địa hình khác nhau. Chúng tôi tập đi từ dễ lên khó, từ đoạn đường ngắn đến quãng dài hơn. Riêng tập trèo đèo, lội suối, mỗi tuần phải vượt đèo Nhe, đèo Khế một lần. Dã ngoại trên dãy núi Tam Đảo thường là hai ngày để tập ngủ đêm ở rừng, căng tăng, mắc võng và nấu cơn dã chiến…
Mỗi lần đi rừng ròng rã như vậy, tất cả đơn vị đều phải đi chân trần! Chính trị viên, Đại đội trưởng cũng không di giày, dép như chúng tôi! Ngày đầu chưa quen, ai cũng bị đau chân, nhưng rồi cũng quen. Nhiều anh em đi chân đất luôn, chỉ khi đi ngủ mới rửa chân đi dép. Chuẩn bị qua một dốc, anh Chính lại vượt lên giữa đoàn quân động viên chiến sỹ. Và lần nào cũng vậy, anh đi với những người lính cuối cùng để cùng họ vượt qua thử thách.
Giờ nhớ lại, mới thấy, sự gương mẫu của người chính trị viên có sức mạnh ghê gớm thật! "Cái đầu không thông thì bi đông nước cũng nặng" là có thật!
Có lẽ, từ những sự ngặt nghèo đó mà sau này chúng tôi vượt Trường Sơn, súng ống, đạn dược, ba lô nặng trĩu, người thấp nhất cõng 30 kg, nặng thì 36 kg mà vẫn đủ sức trèo đèo, lội suối, băng rừng hàng tháng trời để vào Nam! Có những người như anh Kim, quê Hoàng Kim, Yên Lãng, Vĩnh Phúc nay là Mê Linh, Hà Nội, bị cảm phải ở lại binh trạm T3 vừa khỏi bệnh đã vượt qua 3 binh trạm để về với đơn vị. Đoàn chúng tôi có 82 người, vào đến miền Đông Nam Bộ, chỉ vắng có 6 người do sốt rét - một tỷ lệ đi B an toàn tuyệt vời!
Đại đội phó của chúng tôi tên là Nghĩa. Anh có làn da...ai trông thấy cũng phát khiếp vì mốc như da trâu, kém da trăn một tý thôi. Anh cùng quê anh Đồng, cùng chiến trường nhưng khác đơn vị. Anh vui tính và rất nhiệt tình dạy chúng tôi tất cả những miếng "võ" (hay gọi là kỹ năng chiến đấu) mà anh biết. Đó là các chiến thuật, kinh nghiệm phòng ngự, đánh giáp lá cà, chống biệt kích, thám báo, cách sinh tồn trong rừng và trong đô thị. Anh Nghĩa hay kể những trận đánh mà anh tham gia. Bọn tôi cứ há hốc mồm nghe... Khâm phục và khâm phục!
Có điều, không như chính trị viên, anh Nghĩa kể nhiều tình huống hiểm nguy và những cái chết (ta vẫn gọi là hy sinh) của đồng đội. Trong đó, có cả những trận... ta không thắng, nó được gọi là chiến lệ. Anh hay nói một câu, bây giờ tôi vẫn chưa quên, đó là: "Các cậu đừng tưởng vào chậm không còn ống bơ mà nhặt! Còn lâu! Cuộc chiến này còn phải hy sinh rất nhiều!"
Thế rồi, có một ai đó nói lại câu này với anh Chính! Tưởng "tâng" được công lớn - ý nói người này có ý định gì đó không tốt với anh Nghĩa - nào ngờ, trong buổi chào cờ sáng thứ Hai, anh Chính đưa câu chuyện ra trước hàng quân. Anh nói thẳng:
- Đồng chí Nghĩa nói đúng! Chỉ có điều phải giải thích rõ ràng hơn để anh em đỡ hiểu lầm! Dù khó khăn, gian khổ đến đâu, chúng ta nhất định sẽ chiến thắng! Vì chúng ta có Chính nghĩa! Đừng ai hoài nghi điều này…
Không biết người đi "tâu hớt" có đứng dưới cờ mà nghe Chính trị viên nói không? Nếu có, chắc người đó được một bài học đích đáng! Và nếu còn sống đến bây giờ, chắc vẫn ôm nỗi nhục của một kẻ đớn hèn!
Chuyện cũ, xưa quá rồi, nhưng đó cũng là một trải nghiệm đầu đời vào lính của tôi!
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.