Cựu chiến binh giúp nhau phát triển kinh tế
2016-07-06 09:01:05
0 Bình luận
Một trong những phong trào thu hút được đông đảo hội viên tích cực tham gia đó chính là phong trào giúp nhau phát triển kinh tế.
Ngày càng có nhiều mô hình chăn nuôi mang lại hiệu quả cao cho các hội viên CCB xã Bàn Giản, huyện Lập Thạch (Vĩnh Phúc) |
Được đánh giá là một trong những đoàn thể có phong trào mạnh của địa phương, trong thời gian qua Hội Cựu chiến binh (CCB) xã Bàn Giản, huyện Lập Thạch (Vĩnh Phúc) đã triển khai nhiều phong trào đạt hiệu quả cao. Một trong những phong trào thu hút được đông đảo hội viên tích cực tham gia đó chính là phong trào giúp nhau phát triển kinh tế.
Hội CCB xã hiện có 294 hội viên sinh hoạt ở 8 chi hội. Để phong trào giúp nhau phát triển kinh tế mang lại hiệu quả thiết thực, hội đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động các hội viên tích cực nâng cao kiến thức, cập nhật khoa học kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất, chăn nuôi. Bên cạnh đó hội còn khuyến khích các chi hội thành lập các hội nuôi ong, nuôi chim bồ câu, cây cảnh để trao đổi kinh nghiệm và gây quỹ hỗ trợ lẫn nhau phát triển kinh tế.
Hàng năm hội chủ động phối hợp với các ban, ngành liên quan mở khoảng lớp tập huấn về sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi mô hình cây giống, phòng trừ sâu bệnh, dịch bệnh, phổ biến kỹ thuật chăn nuôi, xuất khẩu lao động…, đã thu hút 70% số hội viên tham gia học tập, tìm hiểu.
Đặc biệt năm 2015, dưới sự chỉ đạo hỗ trợ của hội cấp trên, hội CCB xã đã thành lập được 1 câu lạc bộ CCB làm kinh tế giỏi với 17 thành viên, hàng tháng CLB tổ chức họp, trao đổi kinh nghiệp làm kinh tế, tham quan các mô hình hiệu quả và hỗ trợ giúp nhau phát triển chăn nuôi, kinh doanh dịch vụ.
CCB Nguyễn Văn Tuân, thành viên CLB chia sẻ: "Khi tham gia CLB tôi được chia sẻ nhiều kinh nghiệm quý trong làm ăn để áp dụng cho mô hình chăn nuôi lợn thịt và vịt đẻ trứng, gà thả vườn và ao cá của gia đình. Bên cạnh đó là một trưởng thôn, tôi sẽ tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm của mình cho người dân trong thôn để họ có thể áp dụng vào làm giàu cho gia đình mình và vận động họ tham gia CLB để cùng giúp đỡ nhau phát triển kinh tế”.
Mô hình VAC mang lại thu nhập 150 triệu đồng/năm cho CCB Nguyễn Văn Tuân |
Đến nay sau nhiều năm xây dựng và áp dụng, các tiến bộ khoa học kỹ thuật, mô hình VAC của anh đã cho thu nhập từ 140 - 150 triệu đồng/năm. Đến thăm quan mô hình sản xuất liên kết của CCB Nguyễn Văn Hải, ở thôn Hoa Giang mới thấy tinh thần “không ngại khó, ngại khổ, không đầu hàng trước đói nghèo” của các CCB. Sau nhiều năm chăn nuôi, CCB Hải đã mạnh dạn đầu tư trang trại, xây dựng khu giết mổ gia súc gia cầm đạt tiêu chuẩn.
Ngoài ra ông liên kết với các trang trại lớn thu mua gà thịt, lợn thịt đến tuổi xuất chuồng về nuôi theo quy trình sạch. Sau khoảng hơn 20 ngày ông mang ra giết mổ, đóng thành phầm để chuyển về tiêu thụ tại các thị trường lớn. Mỗi tháng ông cung cấp ra thị trường hơn 2000 gà, 45 con lợn mổ sẵn. Sản phẩm của ông đều được Chi cục quản lý chất lượng nông lâm thủy sản tỉnh cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm.
Mô hình nuôi lợn sạch theo chuỗi liên kết của CCB Nguyễn Văn Hải. |
Đồng chí Nguyễn Quốc Huân - Chủ tịch hội CCB xã Bàn Giản cho biết: Là hội đặc thù, các hội viên đã từng trải qua những năm tháng gian khó chiến tranh, vì vậy khi trở về với cuộc sống đời thường, mỗi CCB đều mang trong mình ý trí quyết tâm, vươn lên xây dựng cuộc sống tốt đẹp, mà trong đó làm giàu chính đáng là một trong những mục tiêu lớn để góp phần xây dựng quê hương. Tuy nhiên, có những CCB có đầy đủ các điều kiện để phát triển kinh tế, có những CCB lại gặp nhiều trở ngại về đồng vốn khi trong tay đang ấp ủ xây dựng các mô hình kinh tế.
Để giải quyết những khó khăn về vốn cho các hội viên, hội đã đứng ra tín chấp với ngân hàng chính sách xã hội với dư nợ 1,2 tỷ đồng cho 82 lượt hội viên vay phát triển kinh tế. Đồng thời tư vấn các hội viên vay thêm nguồn vốn từ các ngân hàng khác, hỗ trợ từ các chi hội, các CLB và nguồn quỹ của hội. Hiện nay tổng số quỹ hội của xã có 210 triệu đồng cho 30 lượt hội viên vay với lãi suất thấp. Nhờ đó mà các hội viên có thêm cơ hội phát triển kinh tế, đã góp phần đưa tỷ lệ hội hội viên giàu lên 40%, hộ hội viên nghèo chỉ còn 0,4%. Toàn xã có khoảng 60 gia trại, trang trại của Hội CCB cho thu nhập từ 50 triệu đồng trở lên, nhiều hộ cho thu nhập 400 - 600 triệu đồng/năm, như mô hình nuôi cá, lợn, bò sinh sản của hội viên Nguyễn Thanh Sơn ở thôn Tây Hạ Đông, mô hình nuôi lợn, chim, gà, làm say sát của hội viên Nguyễn Văn Lai ở thôn Bồ Thầy.
Đời sống được nâng cao, các hội viên có điều kiện để tham gia đầy đủ các phong trào của địa phương như: Đóng góp trên 15.000m2 đất, 120m tường rào, 560 ngày công lao động để góp phần giúp địa phương về đích NTM năm 2015; 100% các cuộc vận động đều thực hiện tốt, năm 2016 hội vận động quỹ nghĩa tình đồng đội đạt 115%. Tích cực đẩy mạnh phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Hàng năm tỷ lệ hộ hội viên hội CCB đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa chiếm 98%, hội được đánh giá là hội vững mạnh.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.
Theo Nông nghiệp