Cựu chiến binh làm giàu: Khởi nghiệp ở tuổi 51 vẫn thành công vang dội
Ông Trương Văn Phấn (1953 tại thôn Thôm Mò, xã Quân Hà, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn) là cựu chiến binh, có tỷ lệ phơi nhiễm chất độc da cam 76%. Từ chiến trường trở về, cuộc sống của vợ chồng ông cùng 3 người con vô cùng gian nan, vất vả.
Để trang trải, vợ chồng ông Phấn bươn chải đủ thứ công việc từ trồng ngô, cấy lúa, nuôi lợn gà và cả buôn bán nhỏ lẻ. Năm 2004, khi tuổi đã ngoại ngũ tuần, ông bà quyết định tham gia sáng lập một trong những Hợp tác xã đầu tiên tại huyện Bạch Thông, với ngành nghề chủ yếu là chăn nuôi lợn, buôn bán thức ăn gia súc, vật liệu xây dựng. Đầu năm 2009, khi vợ ông nghỉ hưu, Hợp tác xã Đức Mai do 2 vợ chồng ông quản lý đã chính thức ra đời.
Bà Mai Thị Thảo- vợ ông Phấn cho hây, xuất phát từ 6 con lợn nái rồi gia đình cứ nhân dần lên, cao điểm lên đến 50 con nái, mỗi lứa đẻ ngót nghét 500 con lợn, có năm gia đình xuất chuồng đến hơn 1.000 con lợn. Có những năm, tinh riêng lãi từ chăn nuôi đã đạt 500 triệu đồng.
Đầu năm 2017, giá lợn hơi rớt xuống 15.000 đồng/kg, khiến gia đình cũng lao đao. Khi giá lợn mới tạm ổn, trang trại phục hồi thì dịch tả lợn châu phi lại bùng phát khiến hơn 20 tấn lợn của gia đình ông Phấn cũng buộc phải tiêu hủy. Tưởng chừng như Hợp tác xã Đức Mai sẽ phải đóng cửa, song với sự nhanh nhạy của mình, ông Phấn đã tìm ra hướng đi mới.
Cựu chiến binh Trương Văn Phấn cùng vợ bên sản phẩm Cao Gấm (Ảnh: VOV)
Hai vợ chồng chuyển sang sản xuất cao Gấm, là một loai cây leo, mọc phổ biến ở những cánh rừng tự nhiên và đồng bào vẫn lấy về nấu cao, chữa các bệnh xương khớp. Nhận thấy tác dụng cũng như tiềm năng của loại dược liệu này, ông Phấn mày mò tìm cách chế tạo hệ thống dây chuyền nấu cao công nghiệp hơn. Năm 2018, sản phẩm Cao Gấm Bảo An của HTX Đức Mai được gắn thương hiệu OCOP 3 sao. Sản xuất hơn 1 tạ cao mỗi năm, sản phẩm của Hợp tác xã có mặt tại các tỉnh như Thái Nguyên, Hà Nội, TP.HCM đến tận mũi Cà Mau.
Kết hợp với sản xuất cao, ông Phấn cũng đẩy mạnh mô hình chăn nuôi (Ảnh: VOV)
Thành công trong lĩnh vực cao gấm nhưng gia đình ông Phấn vẫn duy trì chăn nuôi và kinh doanh, quản lý chợ nông thôn, tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng chục lao động địa phương.
Tương tự ông Phấn, cựu chiến binh Nguyễn Văn Trách (SN 1974), quê Bến Tre cũng là tấm gương khởi nghiệp điển hình. Sau ngày thống nhất đất nước, tháng 7/1976, ông Trách được xuất ngũ trở về quê hương.
Năm 1994, ông bắt đầu trồng cây mía và lúa trên 2ha đất, nhưng không mang hiệu quả cao nên ông chuyển sang trồng dứa. Những năm gần đây, giá dứa bấp bênh và đất trồng dứa thoái hoá nên quyết định chuyển một số diện tích đất sang trồng cây thanh long ruột đỏ và mít Thái siêu sớm. Thu nhập từ các loại cây ăn quả này đưa đến cho gia đình từ 150 - 200 triệu đồng/năm. Hiện tại, ông đã xây dựng nhà cửa khang trang, các con của ông có việc làm ổn định.
Bên cạnh làm kinh tế giỏi, ông Trách còn tích cực tham gia các phong trào, hoạt động của địa phương, làm theo Bác Hồ dạy.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.