Cựu chiến binh mòn mỏi chờ được... thương binh

2018-05-12 10:42:49 0 Bình luận
Đi bộ đội vào Nam chiến đấu, ông Nguyễn Duy Thịnh (Hà Tĩnh) bị giặc bắt, chịu cảnh tù đày trong nhiều năm tại Phú Quốc với những lần bị đánh đập tàn bạo.

Cụ Thịnh trong một lần về thăm nhà tù Phú Quốc.


Mang thương tật trở về, ông vẫn tiếp tục cống hiến cho đến ngày đất nước thống nhất. Đến nay, cựu chiến binh 85 tuổi ấy đang khổ sở từng ngày, vác đơn đi khắp nơi, chỉ mong được công nhận là… thương binh.

Sa vào tay giặc

Ở tuổi 85, hiếm có người nào lại giữ được sự điềm đạm cùng phong thái khỏe mạnh, lạc quan như cụ Nguyễn Duy Thịnh (xã Xuân Hải, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh). Cụ cười bảo: “Đó là niềm tin, là ý chí cách mạng đã ăn sâu vào máu thịt từ hồi tôi còn trai trẻ. Biết bao đồng đội, đồng chí tôi đã ngã xuống, nhưng anh em không ai sờn lòng. Chiến tranh nào mà không có đau thương, chết chóc, quan trọng là mình biết vững tin vào ngày mai để sống. Tôi lấy đó làm phương châm sống cho tuổi xế chiều”.

Tham gia cách mạng từ ngày còn rất trẻ, năm 1965, chàng thanh niên Nguyễn Duy Thịnh tình nguyện xung phong vào Nam chiến đấu chống Mỹ, được biên chế về đơn vị hậu cần D9-E22-F320 Sao Vàng, Quân khu 5. Với trách nhiệm của mình, ông Thịnh đã nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, bảo đảm lương thực, thực phẩm, thuốc men phục vụ đồng đội chiến đấu. Sống trong vùng giáp ranh, ông Thịnh và đồng đội nhiều lần giáp mặt với quân thù, sự sống và cái chết chỉ trong gang tấc.

Trong trận đánh quận lỵ Mộ Đức (Quảng Ngãi) vào tháng 12.1966, ông Thịnh bị thương được đưa về điều trị. Sau khi bình phục, ông tiếp tục tham gia vào trận chống càn Tân Ốc, Gò Găng (nay thuộc thị xã An Nhơn, Bình Định)… “Đó là trận đánh ác liệt diễn ra vào tháng 5, Tết Mậu Thân 1968, quân địch vây ráp dữ dội.

Đồng đội hy sinh gần hết, tôi bị vây hãm trong một ngôi làng. Nhận thấy tình thế nguy hiểm, tôi giấu súng và tài liệu xuống bùn, nằm im bất động chờ quân địch đi khỏi để thoát thân. Khoảng 3 tiếng sau, tưởng tình hình đã yên ổn, tôi ngồi dậy, nhưng bọn địch vẫn phục kích gần đấy, liền ập đến bắt giữ” - cụ Thịnh nhớ lại.

Cuộc chiến tại địa ngục trần gian

Ông Thịnh bị giam ở Pleiku trong vài tháng, sau đó bị đưa ra giam giữ ở nhà tù đảo Phú Quốc (Kiên Giang). Đây được xem là “địa ngục trần gian” đối với tù binh cộng sản được Mỹ-Ngụy xây dựng đầu năm 1966, gồm 44 phân khu do Phòng Quân cảnh thuộc Bộ Tổng Tham mưu ngụy trực tiếp quản lý. Trại giam tù binh Phú Quốc có diện tích 400ha, giam giữ tù binh từ ngày 6.7.1967 đến hết tháng 3.1973.

Lúc cao điểm, nhà tù này giam giữ khoảng 40.000 tù binh. Nhằm huỷ diệt tinh thần và thể xác các chiến sĩ cộng sản bị giam giữ nơi đây, địch đã thẳng tay đàn áp, tra khảo và giết hại hơn 4.000 người. Những hình thức tra tấn tù binh của Mỹ nguỵ rất man rợ: Móc mắt, đục răng, đóng đinh vào thân thể, ném vào vạc nước sôi...

Cụ Thịnh kể: “Khi lấy cung tù, chúng nó hỏi tôi: Mày vào Nam làm gì, tôi nói: Tao vào Nam để đuổi hết tụi mày ra khỏi đất nước tao”. Ngay lập tức, ông nhận một trận đòn thừa chết thiếu sống. Những ngày sau đó, quyết không để lộ bí mật, ông Thịnh khai mình là thượng úy, Đội phó đội văn công, Sư đoàn Sao Vàng, chỉ biết ca hát, phục vụ văn nghệ, chưa từng tham gia chiến đấu.

Không khuất phục trước những đòn tra tấn tàn bạo, những thủ đoạn chiến tranh tâm lý nham hiểm của kẻ thù, các chiến sĩ cách mạng luôn giữ vững ý chí, sử dụng nhiều hình thức đấu tranh, và bí mật hoạt động cách mạng ngay trong lòng địch. Trong một lần các đồng đội cùng nhau đào hầm vượt ngục, bị giặc phát hiện, cụ Thịnh đã đứng ra nhận là người cầm đầu, và bị tra tấn dã man. Cụ bị giam vào chuồng cọp 28 ngày đêm, bị đánh đập, sau đó bị đưa đến phòng biệt giam.

“Chúng hỏi cung, nhưng không khai thác được gì, chúng dùng búa đánh vào gót chân, đầu gối khuỷu tay và hai hàm răng, rất tàn bạo”. Bản thân ông cũng bị cai ngục dùng chiêu bẻ răng làm hai chiếc bị sứt. “Cai ngục thích đánh ai là chúng đánh, không cần lý do. Thương nhất là anh em bị bệnh, nhiều người chịu không nổi đã qua đời” - ông Thịnh ngậm ngùi.

Tù binh ta đoàn kết đấu tranh rất quyết liệt, có nhiều trường hợp anh em tước dùi cui đánh lại cai ngục. Anh em cũng tổ chức sinh hoạt Đảng, dạy văn hóa, tiếng Anh, các kỹ năng lái xe, làm nghề thủ công cho nhau… Nhiều người ra tù cũng đã hoàn thành chương trình văn hóa tương đương cấp 1, cấp 2.

Theo ông Thịnh, kinh nghiệm xương máu khi đối đầu với địch là chiến sĩ nào đã bị hỏi cung thì phải nhớ nằm lòng, bởi chúng tra hỏi rất nhiều lần, bởi nhiều người khác nhau. Nếu lời khai trước sau bất nhất thì chúng truy đến cùng, đánh đập, tra tấn liên tục. Riêng ông Thịnh bị hỏi cung, khai đi khai lại “lý lịch” đến 32 lần, và ông đều trả lời cùng một nội dung nên sau đó chúng khép hồ sơ, không hỏi nữa.

Sau khi Hiệp định Pari được ký kết vào năm 1973, cụ Thịnh và các chiến sĩ cách mạng bị bắt tù đày được trở về. Tháng 7.1974, cụ Thịnh được tiếp nhận vào làm việc tại Ty Lương thực Hà Tĩnh. Cụ Thịnh giải thích: “Hoàn cảnh lúc đó tôi bị thương tật, nếu ghi vào lý lịch, họ sẽ nói mình không còn sức khỏe để cống hiến. Do vậy, tôi phải ghi là sức khỏe ổn định, mặc dù trên người còn 3 vết thương, một trên trán, một ở ổ bụng và một ở mắt cá chân”. Nói, cụ Thịnh cởi áo, chỉ cho xem các vết sẹo trên người.

Gian nan chờ chế độ thương binh

Cụ Thịnh làm việc tại Ty Lương thực Hà Tĩnh cho đến lúc nghỉ hưu. Trong thời gian đó, khi hay tin Nhà nước ban hành những chính sách hỗ trợ cho người có công với cách mạng, cụ xem đó như một niềm động viên cho mình, cho những đồng đội và đồng chí. “Ngày đó chiến tranh loạn lạc không ai nghĩ mình có thể sống sót trở về.

Còn giấy tờ hồ sơ giữ được cái nào hay cái đó, riêng hồ sơ lúc tôi bị địch bắt không còn, đến sau này cũng không có ai bổ sung thương tật của tôi vào hồ sơ, còn bạn bè, đồng đội thì chưa liên lạc được, nên không thể giám định thương tật” - cụ Thịnh cho biết thêm.

Cũng vì lẽ đó, con đường xin được làm thương binh của cụ Thịnh vô cùng trần ai. Ông Vũ Minh Tằng (nhập ngũ năm 1962, là đồng đội với cụ Thịnh) cho biết, trong trận đánh ở Mộ Đức vào tháng 12.1966, ông Thịnh bị thương ở mắt và mắt cá chân trái do đạn M79 gây ra, vết thương có bi và chì. Chính ông Tằng là người đã phẫu thuật, chữa trị vết thương cho cụ Thịnh.

Hay tin đồng đội cũ gặp cảnh khó khăn, ông Tằng đã viết đơn xác nhận chứng thương cho cụ Thịnh gửi đến ngành chức năng huyện Nghi Xuân. Sau này, vào Công an tỉnh Hà Tĩnh, cụ Thịnh được cung cấp hồ sơ hỏi cung do địch lập, có đầy đủ các thông tin. Lý lịch đảng viên cụ vẫn lưu giữ, thể hiện quá trình công tác, phẩm chất năng nổ, cương trực của người lính Cụ Hồ.

Tuy nhiên, tất cả hồ sơ của cụ Thịnh đều bị Huyện đội Nghi Xuân từ chối. “Họ đưa ra 3 lý do, nói tôi không đủ điều kiện để làm hồ sơ công nhận là thương binh, gồm: Không có bệnh án, không có mảnh đạn trong người, không có xác nhận của Thủ trưởng đơn vị năm xưa. Tôi giờ tuổi cao sức yếu không thể đi xa, đơn vị năm xưa giờ đã giải thể không biết đâu mà tìm, chuyện bệnh án thì cũng vô phương.

Riêng yêu cầu có mảnh đạn thì vô lý quá, chẳng lẽ tôi bị thương lại không điều trị lấy chúng ra ngoài, mà để trong cơ thể mấy chục năm. Tôi đã nhiều lần đề nghị được đi giám định thương tật, nhưng Huyện đội không đồng ý” - cụ Thịnh thở dài nói.

Ngày 6.4 vừa qua, 1.200 chiến sĩ cách mạng - những người từng bị địch bắt giam giữ, đọa đày tại Trại giam tù binh cộng sản Việt Nam - Phú Quốc đã trở về họp mặt nhân dịp kỷ niệm 45 năm “Ngày chiến thắng trở về” (1973-2018). Trong niềm vui hòa nước mắt, cụ Thịnh và các đồng đội cùng hàn huyên, kể nhau nghe kỷ niệm của những ngày chiến đấu.

Họ, những cựu tù chính trị, tất cả đều mang trên mình những vết thương; có người, như cụ Thịnh, đau hơn bởi những “vết thương lòng” suốt nhiều năm mòn mỏi chờ “xác nhận”: “Chẳng ai muốn mình mang thương tật để mong nhận được hỗ trợ của Nhà nước. Tôi, và có thể là nhiều đồng đội khác chỉ mong mỏi những gì vốn có, nó thuộc về sự thật của cuộc sống này”.

Bịn rịn chia tay chúng tôi, cụ Thịnh chia sẻ: “Tôi đã 85 tuổi, gần đất xa trời, không đủ điều kiện để đi đây đi đó bổ sung hồ sơ giải quyết chế độ cho bản thân. Mong rằng Nhà nước có sự xem xét đối với những hoàn cảnh đặc biệt như tôi”.

- Ông Nguyễn Duy Tùng (trú xã Cương Gián, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) - cựu tù binh Phú Quốc cùng với ông Thịnh - cho biết: “Anh Thịnh là người dũng cảm, kiên cường trong chiến đấu và đấu tranh trong lao tù. Về địa phương, anh vẫn giữ được phẩm chất trung thực, thẳng thắn của người lính Cụ Hồ. Các vết thương trên người anh còn dấu vết sẹo, tôi nghĩ rằng việc anh không được chế độ thương binh là thiệt thòi”.

- Thiếu tá Phan Văn Đông - cán bộ chính sách Huyện đội Nghi Xuân - cho biết: “Trước đây tôi đã hỏi về trường hợp bác Nguyễn Duy Thịnh nhưng được Tỉnh đội trả lời là chưa đủ điều kiện. Vừa qua bác Thịnh có bổ sung thêm một số giấy tờ. Ngày mai tôi sẽ trực tiếp vào hỏi lại để trả lời bác. Tôi rất thông cảm với bác Thịnh vì bố tôi cũng là cựu tù binh Phú Quốc”.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Lễ thượng cờ ‘Thống nhất non sông’ bên bờ Hiền Lương - Bến Hải

Sáng ngày 30/4, tỉnh Quảng Trị tổ chức lễ Thượng cờ "Thống nhất non sông" lá cờ Tổ quốc được kéo lên tại kỳ đài Di tích Hiền Lương - Bến Hải trong tiếng nhạc "Tiến quân ca" khiến nhiều người xúc động.
2024-04-30 14:05:00

Du khách trên sông Nho Quế tăng cao dịp lễ, CSGT căng sức điều tiết thuyền bè

Đội CSGT - TT Công an huyện Mèo Vạc đã triển khai nhiều giải pháp đảm bảo an toàn giao thông dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5.
2024-04-30 01:24:14

Đồng Nai: Bị thổi nồng độ cồn, 'ma men' đốt xe chuyên dụng của CSGT

Vì có hành vi vi phạm nồng độ cồn nên một người đàn ông đã bị tổ công tác của lực lượng CSGT giữ lại. Điều đáng nói là sau đó người đàn ông này đã phóng hoả đốt xe chuyên dụng của cảnh sát.
2024-04-29 18:14:10

Đũa gỗ Quảng Thủy, Ba Đồn: Chất lượng truyền thống - Công nghệ hiện đại

Đũa gỗ Quảng Thủy thành công nhờ áp dụng ứng dụng khoa học và công nghệ kết hợp với phương pháp thủ công truyền thống, sản phẩm HTX đa dạng mẫu mã kiểu dáng, chất lượng đáp ứng nhu cầu của các khách hàng, không chỉ bền, đẹp mà giá cả rất hấp dẫn phù hợp với nhiều khách hàng.
2024-04-29 16:20:00

Quảng Ninh: “Bừng sáng cùng Kỳ quan” - Carnaval Hạ Long đầu tiên trên biển

Tối 28/4 tại khu du lịch Bãi Cháy thành phố Hạ Long, Carnaval Hạ Long 2024 lần đầu tiên được tổ chức trên biển đã mang tới cho du khách nhiều cảm xúc về vùng đất, con người Quảng Ninh với nhiều nét văn hóa đặc sắc, khởi động một mùa du lịch mới.
2024-04-29 14:43:11

Công nhân môi trường lặng thầm làm đẹp đường phố dịp Lễ 30/4

Trong khi phần lớn người dân được nghỉ Lễ 30/4 kéo dài 5 ngày, thì trên các tuyến đường, ngõ phố của Hà Nội các công nhân vệ sinh môi trường vẫn đang đội nắng mưa, lặng thầm làm đẹp từng con đường, góc phố Thủ đô.
2024-04-29 11:29:38
Đang tải...