Đặc khu Quân sự Quảng Ninh - Dấu ấn lịch sử vẻ vang
Từ Đặc khu Quân sự đặc biệt
Năm 1978, Quảng Ninh cũng như nhiều nơi ở miền Bắc nước ta, các phần tử phản động trong và ngoài nước câu kết với nhau dựng lên "Sự kiện người Hoa" nhằm kích động, dụ dỗ, đe dọa, cưỡng ép người Hoa bỏ về nước để phá rối an ninh chính trị, trật tự xã hội, phá hoại kinh tế, gây tình hình không ổn định hòng cản bước tiến của cách mạng Việt Nam. Đặc biệt, bước sang năm 1979, tình hình biên giới phía Bắc ngày càng diễn biến phức tạp và ngày 17/2/1979 cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc đã nổ ra.
Trước tình hình đó, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, ngày 19/4/1979 chấp hành Nghị quyết số 790 của Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra Quyết định số 77 thành lập đặc khu Quân sự Quảng Ninh, trực thuộc Trung ương. Đặc khu Quảng Ninh được thành lập ngày 20/4/1979 do Bộ Tư lệnh Mặt trận Quảng Ninh trực tiếp chỉ huy. Đặc khu bao gồm một số đơn vị chủ lực của các binh chủng đã có thành tích trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của 6 Quân khu thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Ninh cùng với bộ đội địa phương, bộ đội biên phòng, dân quân tự vệ của 12 huyện, thị xã trong tỉnh và tự vệ của các công ty, xí nghiệp ngành Than.
Nhớ lại những ngày chiến đấu của quân và dân ở Đặc khu Quân sự Quảng Ninh tròn 40 năm về trước, ông Nguyễn Ngọc Đàm, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, Phó Tư lệnh Đặc khu Quân sự Quảng Ninh phụ trách Hậu cần, chia sẻ: Khi thành lập, Đặc khu Quân sự Quảng Ninh đóng tại Ba Chẽ. Lúc đó, Tư lệnh Đặc khu là Trung tướng Sùng Lãm, Chính ủy là ông Nguyễn Đức Tâm, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh. Trong cương vị Tư lệnh Đặc khu Quân sự Quảng Ninh, tướng Sùng Lãm khi ấy đã ngày đêm lăn lộn trên các địa bàn trọng điểm.
Có thể khẳng định dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy Đặc khu, Tỉnh ủy, sự chỉ đạo chặt chẽ của Bộ Tư lệnh Đặc khu và UBND tỉnh, các lực lượng vũ trang cùng với nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh luôn nêu cao tinh thần sẵn sàng chiến đấu, đánh bại từng bước chiến tranh phá hoại nhiều mặt của kẻ thù.
Sau khi hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình với những chiến thắng vẻ vang, bảo vệ vững chắc vùng Đông Bắc của Tổ quốc, ngày 4/8/1987, Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) ra Nghị quyết số 154/NQ hợp nhất Đặc khu Quân sự Quảng Ninh vào Quân khu 3.
Ông Nguyễn Ngọc Đàm, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, Phó Tư lệnh Đặc khu Quân sự Quảng Ninh chia sẻ với phóng viên thông tỉnh những câu chuyện lịch sử. Ảnh: Duy Khoa
Phát huy thế mạnh vị trí địa kinh tế - chính trị chiến lược
Quảng Ninh là tỉnh duy nhất có cả đường biên giới trên bộ, trên biển, trên không với Trung Quốc. Tỉnh có vị trí địa chính trị chiến lược hết sức quan trọng về chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Trải qua biết bao giai đoạn lịch sử, đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, Quảng Ninh luôn được xác định như một pháo đài then chốt ở vùng Đông Bắc của đất nước.
Trong chuyến công tác xuống thăm và làm việc tại Quảng Ninh đầu tháng 3 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch đã một lần nữa khẳng định: Quảng Ninh có vị trí trọng yếu trong phát triển quân sự của đất nước, đặc biệt về xây dựng tuyến phòng thủ bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc, đồng thời là mảnh đất đầy tiềm năng kinh tế ở phía Bắc. Do đó, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương phải luôn đi liền với tăng cường phòng thủ, đảm bảo an ninh quốc phòng, ứng phó tốt với mọi diễn biến, tình hình xảy ra, đảm bảo chủ quyền, an ninh quốc gia.
Xác định rất rõ thế mạnh về vị trí địa chính trị chiến lược đối với mọi mặt phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của đất nước, thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh luôn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai đồng bộ các giải pháp. Những bước tiến vượt bậc trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh tại các vùng biển đảo của tỉnh trong những năm trở lại đây đã thay lời khẳng định hướng đi, chiến lược phát triển đúng đắn của tỉnh. Từ những huyện đảo khó khăn, ngày nay Vân Đồn, Cô Tô, Móng Cái đang vươn mình trở thành những trọng điểm phát triển kinh tế biển của cả nước. Chính nền tảng ổn định chính trị, bảo đảm an ninh, quốc phòng tại các địa phương có vị trí chiến lược đã tạo sự ổn định cho phát triển kinh tế bền vững, chuyển dịch rõ nét cơ cấu kinh tế theo hướng tăng cao tỷ trọng, nâng cao chất lượng và hiệu quả dịch vụ, góp phần thúc đẩy hoàn thành thắng lợi mục tiêu đến năm 2020 Quảng Ninh là tỉnh có cơ cấu kinh tế dịch vụ - công nghiệp.
Bên cạnh đó, Quảng Ninh cũng tăng cường các hoạt động giao lưu biên giới để tăng tình đoàn kết, hữu nghị; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế. Tỉnh cũng dành nguồn lực lớn đầu tư cho các công trình, dự án liên quan đến quốc phòng; xây dựng nghị quyết riêng về an ninh quốc phòng; tăng cường tuyên truyền bảo vệ chủ quyền biên giới đối với người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ...
Tin tưởng, trong xu thế phát triển của thế giới là hòa bình, hữu nghị, bình đẳng và ổn định thì lợi thế của tỉnh biên giới sẽ tiếp tục đem đến cho Quảng Ninh nhiều cơ hội hơn, nhất là trong việc thúc đẩy hợp tác ASEAN - Trung Quốc, đưa Quảng Ninh trở thành điểm kết nối quan trọng, tiếp tục thể hiện vai trò xuất sắc là cực tăng trưởng của miền Bắc, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ, xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.