Ðại đoàn 320 cùng quân dân đồng bằng Bắc Bộ phối hợp với chiến trường Tây Bắc - Ðiện Biên Phủ

2021-04-07 10:50:00 0 Bình luận

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trao lá cờ "Quyết chiến quyết thắng" cho Đại đoàn 312 do đồng chí Lê Trọng Tấn làm Đại đoàn trưởng. Ảnh tư liệu.

Ðể cứu vãn tình thế thất bại, tiến tới thoát trong danh dự cho thực dân Pháp - kế hoạch Navarre ra đời là sản phẩm của sự câu kết giữa thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, một kế hoạch chiến lược chính trị - quân sự hòng đánh bại cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân Việt Nam và các nước Ðông Dương, nhằm tiêu diệt phần lớn quân chủ lực ta, lấy lại quyền chủ động chiến lược, giành thắng lợi quyết định, chuyển bại thành thắng trong vòng 18 tháng.

Navarre ra tay trước

Bước vào mùa khô năm 1953, Navarre tập trung lực lượng  quy  mô  lớn  tổ  chức liên tục các cuộc hành binh càn quét ở đồng bằng nhằm: đánh phá phong trào kháng chiến của đồng bằng Bắc Bộ, tiêu diệt các đơn vị chủ lực của ta, giữ thế phòng ngự chiến lược ở châu thổ sông Hồng - Quân dân Liên khu 3 và khu Tả Ngạn đã kiên quyết đánh trả quyết liệt gây cho địch nhiều thiệt hại.

Chỉ riêng cuộc hành binh "Brô-xê", địch đã huy động tới 8 binh đoàn cơ động (GM) và nhiều tiểu đoàn binh chủng kỹ thuật, hơn 1.600 xe cơ giới tiến hành càn quét vùng Nam Bắc sông Luộc thuộc ba tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình vào cuối tháng 9 đầu tháng 10 năm 1953.

Trung đoàn 42 và 50 cùng quân dân Tả Ngạn, sau 21 ngày đêm chiến đấu đã loại khỏi vòng chiến 2.200 tên Âu Phi, làm tan rã hơn 2.000 tên ngụy, đánh bại cuộc hành quân của chúng. Trung đoàn 46 cùng quân dân Liên khu 3 tích cực hoạt động chia lửa với quân dân Tả Ngạn, có nhiều trận đánh hiệu suất chiến đấu cao như: Trận tập kích diệt gọn hai đại đội của trung đoàn khinh quân ngụy ở Tuấn Chử, Hải Hậu, ngày 4-10 diệt một tiểu đoàn ngụy ở Ðại Ðồng (Nam Ðịnh), bắt sống 310 tên thu nhiều vũ khí, buộc địch phải điều ba binh đoàn cơ động từ Tả Ngạn sang Hữu Ngạn cứu nguy cho đồng bọn ở Nam Ðịnh.

Bị tổn thất nặng, ngày 12-10, Bộ chỉ huy Pháp phải kết thúc cuộc hành binh "Brô-xê", để củng cố lực lượng chuẩn bị cho cuộc phiêu lưu của chúng.

Navarre ra đòn trước, lại bị đòn đau

Bộ Tổng tư lệnh dự kiến mùa khô này địch có thể đánh ra vùng tự do tây nam Ninh Bình - Anh Văn (Ðại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng tư lệnh) điện cho anh Văn Tiến Dũng, Tư lệnh kiêm chính ủy đại đoàn 320 sẵn sàng đối phó với cuộc tiến công của giặc Pháp.

Navarre say sưa với khẩu hiệu hùng hồn: Nào là "phải giành quyền chủ động", "phải ra tay đánh trước". Y dùng sáu binh đoàn cơ động, ba tiểu đoàn dù và nhiều đơn vị binh chủng kỹ thuật, tổ chức thành hai sư đoàn nhẹ và một binh đoàn độc lập. Ngày 15-10-1953, mở cuộc hành binh lớn chưa từng thấy ở Ðông Dương mang tên "Mouette" (Hải Âu) đánh ra tây nam Ninh Bình; đồng thời mở cuộc hành quân nghi binh ở vùng biển nam Thanh Hóa, nhằm tiêu diệt phần lớn Ðại đoàn 320, ngăn chặn Ðại đoàn 304 xâm nhập sâu vào vùng đồng bằng.

Thực hiện chỉ thị của Tổng quân ủy và Bộ Tổng tư lệnh, Ðại đoàn 320 cùng quân dân Liên khu 3 kịp thời triển khai kế hoạch tác chiến, sẵn sàng đánh địch. Dùng một bộ phận nhỏ chủ lực cùng lực lượng tại chỗ đánh nhỏ, tiêu hao ngăn chặn, làm chậm bước tiến của địch, tạo thời cơ, nắm vững thời cơ tập trung lực lượng đánh những trận tiêu diệt từng bộ phận quân địch, bẻ gãy từng cánh quân của chúng; kết hợp chặt chẽ giữa tiến công ở ngoại tuyến với đánh địch trong vùng địch hậu, đánh bại cuộc hành quân của chúng.

Sau 23 ngày đêm chiến đấu liên tục trong chiến dịch phản công (15-10 đến 6-11-1953), Ðại đoàn 320 cùng quân dân Ninh Bình đã đánh gần 100 trận lớn, nhỏ, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 4.000 quân tinh nhuệ của địch.

Dù được Phó Tổng thống Mỹ - Nixon đến thị sát tại Quang Sỏi, Ninh Bình để động viên, tướng sĩ quân viễn chinh Pháp cũng không xoay chuyển được tình thế. Ngày 6-11, Bộ chỉ huy Pháp phải kết thúc cuộc hành binh Hải Âu, mà không gặt hái được gì!

Ðập vỡ phòng tuyến sông Ðáy

Từ 20 đến 22-11-1953, địch đã ném xuống cánh đồng Mường Thanh sáu tiểu đoàn. Ngày 3-12, Navarre cho tăng lực lượng phòng giữ Ðiện Biên Phủ từ sáu tiểu đoàn lên chín tiểu đoàn bộ binh và ba tiểu đoàn pháo binh. Ðịch nhảy dù xuống Ðiện Biên Phủ đã trở thành hướng chính như dự kiến của ta. Ðại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng tư lệnh cùng cơ quan tham mưu bàn việc điều chỉnh kế hoạch tác chiến Ðông Xuân, báo cáo với Bộ Chính trị. Hạ tuần tháng 12-1953, Bộ Chính trị họp do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì, quyết định: Chọn Ðiên Biên Phủ làm điểm "quyết chiến chiến lược" trong Ðông Xuân 1953 - 1954.

Từ đầu tháng 12-1953, công việc chuẩn bị cho chiến dịch Ðiện Biên Phủ được ráo riết tiến hành. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị: "Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với cả quốc tế. Vì vậy, toàn quân, toàn dân, toàn Ðảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được" (Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho Ðại tướng Võ Nguyên Giáp tháng 12-1953).

Quyết tâm chiến lược của Ðảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh: Tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Ðiện Biên Phủ đã biến thành ý chí và hành động chiến đấu cụ thể của quân và dân ta. Chấp hành chủ trương của Ðảng và chỉ thị của Bộ tổng tư lệnh, Ðảng ủy Ðại đoàn 320 họp hội nghị cán bộ quân chính để quán triệt tình hình, nhiệm vụ, chủ trương, phương châm tác chiến và giao nhiệm vụ cho các đơn vị.

Nhiệm vụ trước mắt của Ðại đoàn là: "Cùng quân dân địa phương đập vỡ phòng tuyến sông Ðáy, nối liền vùng  tự do Liên khu 3 với các căn cứ du kích tây bắc Nam Ðịnh và tây nam Phủ Lý".

Từ cuối năm 1950, kế hoạch de Lattre de Tassiny  tổ chức phòng tuyến sông Ðáy, xây dựng phòng tuyến này kiên cố, bố trí binh hỏa lực mạnh kết hợp với lực lượng cơ động, trong tầm chi viện của phi pháo - là chiếc "áo giáp" bảo vệ phía tây đồng bằng Bắc Bộ.

Trong chiến dịch tiến công xuân hè năm 1953, Ðại đoàn 320 cùng quân dân nam Hà Ðông đã tiến công tiêu diệt các cứ điểm Ðục Khê, Yên Vĩ (công sự bê-tông), Vân Chu và diệt một tiểu đoàn và nhiều đại đội quân viện, phá vỡ một mảng lớn tuyến phòng thủ nam Hà Ðông - bắc Phủ Lý. Lần này quyết tâm của đại đoàn: "Tập trung lực lượng cùng lực lượng vũ trang địa phương đập vỡ phòng tuyến sông Ðáy (đoạn bắc Ninh Bình - nam Phủ Lý) để đưa cả đại đoàn vào hoạt động vùng sau lưng địch". Sử dụng lực lượng: Trung đoàn 48 bộ binh được tăng cường tiểu đoàn Sơn Pháo 75, có nhiệm vụ tiêu diệt cứ điểm Hoàng Ðan, diệt viện từ Phủ Lý xuống. Trung đoàn 52 bộ binh có nhiệm vụ đánh quân chi viện từ Ninh Bình lên; trung đoàn bộ binh 64 làm lực lượng dự bị; tiểu đoàn sông Ðà súng máy 12,7 bố trí cùng trận địa pháo cối ở tây sông Ðáy, có nhiệm vụ bắn máy bay, tàu thuyền địch trên sông và chi viện bộ binh chiến đấu.

Diễn biến chính

Ðêm 20-1, các đơn vị vượt sông Ðáy chiếm lĩnh trận địa, rạng sáng ngày 21, tiểu đoàn Thanh Lũng tăng cường đại đội Sơn Pháo 75 đánh thiệt hại nặng địch ở cứ điểm (đồn) Hoàng Ðan, số còn lại cố thủ trong hầm ngầm, ta tiếp tục bao vây.

Bộ chỉ huy Pháp ở Nam Ðịnh vội vã điều binh đoàn 31 Khinh quân (BVN) hơn 60 xe cơ giới đi giải vây. Ðúng 15 giờ lọt vào trận địa phục kích của trung đoàn 52 và du kích ở khu vực Vọng Doanh - Giáp Giá, trung đoàn trưởng lệnh cho các trận địa hỏa lực bắn tập trung vào đội hình địch chi viện cho tiểu đoàn Kiên Trung và Bến Hiệp xung phong, vượt qua cánh đồng Chiêm (1 km) hình thành thế bao vây, chia cắt tiêu diệt gọn hai tiểu đoàn địch, bắt sống nhiều tù binh, trong đó có tên thiếu tá Hốc-kê I-vơ chỉ huy BVN và hai tên đại úy tiểu đoàn trưởng và bác sĩ. Nguồn hy vọng cuối cùng thế là hết. Tên đồn trưởng kéo cờ trắng dẫn quân ra hàng.

Ðúng như dự đoán, ngày 6-2-1954, địch điều 2 GM4 và 5 từ Tả Ngạn sang Hữu Ngạn sông Hồng càn quét khu vực huyện Ý Yên - bắc Vụ Bản. Ta chỉ để đại đội 927, trung đoàn 52 cùng du kích đánh càn ở vòng trong. Chủ lực đại đoàn cơ động ra vòng ngoài đánh địch. Ðêm 7-2, tiểu đoàn Ðống Ða, trung đoàn 48 được tăng cường tiểu đoàn 834, Sơn Pháo 75, tiến công cứ điểm Kinh Thanh (Ý Yên) trên tuyến sông Ðáy. Sau 30 phút chiến đấu, ta tiêu diệt và bắt sống 128 tên, thu toàn bộ vũ khí.

Chiến thắng Vọng Doanh - Giáp Giá, Hoàng Ðan, Kinh Thanh đã phá vỡ tuyến phòng thủ sông Ðáy dài 30 km (từ Ninh Bình đến nam Phủ Lý), nối liền khu tự do Liên khu 3 với các căn cứ du kích, tạo điều kiện để chủ lực đại đoàn tiến sâu vào vùng sau lưng địch hoạt động. Bộ Tư lệnh Ðại đoàn quyết định: Trung đoàn 52 vào bắc đường 21 phối hợp với trung đoàn 46 ở phía nam chuẩn bị tập kích vào thành phố Nam Ðịnh; trung đoàn 48 lên hoạt động ở bắc Phủ Lý; trung đoàn 64 tiến vào hoạt động ở Thái Bình và nam Hưng Yên.

Phối hợp với Ðại đoàn 320 và quân dân địa phương đập vỡ tuyến phòng thủ sông Ðáy. Trong hai tháng đầu năm 1954, quân dân Hữu Ngạn và Tả Ngạn đẩy mạnh hoạt động tiến công địch trên toàn vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng.

Tại Hà Nam Ninh, Trung đoàn 46 chủ lực Liên khu 3 cùng lực lượng vũ trang địa phương Nam Ðịnh phục kích bắn chìm 11 ca-nô, tàu chiến trên sông Ðào, đột nhập vào thành phố Nam Ðịnh diệt hơn 200 tên địch, bắn cháy nhiều xe tăng thiết giáp ở Vạn Bảo, Nhà Ðỏ, một tàu chiến chở đầy vũ khí trên sông Hồng, tiểu đoàn 33 bộ đội tỉnh Ninh Bình cùng bộ đội địa phương và du kích huyện Yên Mô tiến công diệt tiểu đoàn 705 ngụy... và nhiều trận đánh phá giao thông trên đường 10, 21... diệt nhiều địch, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh của địch.

Tại Sơn Tây - Hà Ðông, Trung đoàn 254 chủ lực Liên khu 3 cùng bộ đội địa phương, dân quân du kích trong tỉnh đã liên tục tiến công các đồn bốt địch, tiêu diệt nhiều địch, thu hẹp phạm vi chiếm đóng của chúng, mở rộng vùng giải phóng và khu căn cứ du kích Quốc Oai, Thạch Thất, Chương Mỹ, Liên Nam...

Ở Tả Ngạn sông Hồng, Trung đoàn 42, 50 chủ lực khu Tả Ngạn cùng lực lượng vũ trang các tỉnh Thái Bình, Hưng Yên, Hải Dương, Kiến An và thành phố Hải Phòng đã kết hợp giữa đánh diệt địch và bảo vệ, mở rộng vùng  giải phóng và căn cứ du kích với đánh phá giao thông vận chuyển của địch.

Có nhiều trận đánh tốt, hiệu suất chiến đấu cao như: Trung đoàn 42 tập kích diệt gọn tiểu đoàn 2 thuộc GM3 ở Hải Yến (Tiên Lữ), tiêu diệt cứ điểm La Tiến (Thanh Miện) phá tan tuyến phòng thủ sông Luộc, diệt và bắt sống 150 tên, thu toàn bộ vũ khí (28-1-1954). Trận phục kích của lực lượng vũ trang Kim Thành (Hải Dương) lật đổ đoàn tàu tám toa ở Phạm Xá, diệt một tiểu đoàn Âu Phi mới từ Pháp sang. Trận tập kích sân bay Ðồ Sơn của lực lượng vũ trang Kiến An phá hủy năm máy bay vận tải, diệt nhiều sĩ quan và giặc lái máy bay...

Trong khi tập trung lực lượng vào cuộc chiến đấu nhằm đánh bại quân địch trên chiến trường đồng bằng, quân dân đồng bằng Bắc Bộ đã tích cực góp sức người, sức của chi viện cho mặt trận Tây Bắc - Ðiện Biên Phủ. Chỉ trong hai tháng đầu năm 1954, đã có gần một vạn thanh niên du kích nhập ngũ bổ sung cho quân chủ lực, huy động hàng vạn nhân công vận chuyển súng đạn, lương thực, thực phẩm cho chiến trường.

Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị Trung ương Ðảng và Chỉ thị của Tổng Quân ủy, Bộ Tổng tư lệnh, tại Liên khu 3, khu Tả Ngạn và Ðại đoàn 320, tiến hành công tác chuẩn bị để thực hiện kế hoạch Ðông Xuân đã được triển khai rất khẩn trương, tích cực ở khắp mọi nơi. Ði đến đâu cũng thấy rõ quyết tâm chiến đấu của quân dân đồng bằng Bắc Bộ là: "sẵn sàng phá tan kế hoạch Navarre" "quyết tâm đập tan âm mưu thâm độc của Navarre".

Với năm đòn chiến lược ở Lai Châu, Trung Lào, Hạ Lào và đông Cam-pu-chia, Tây Nguyên và Thượng Lào, ta đã tiêu diệt nhiều địch, giải phóng nhiều vùng đất đai rộng lớn; làm phá sản âm mưu tập trung lực lượng cơ động của Navarre ở vùng đồng bằng, buộc chúng phải phân tán khắp nơi để đối phó với quân ta. Là nguồn cổ vũ rất lớn để quân dân đồng bằng nắm vững thời cơ thuận lợi, đẩy mạnh hoạt động các mặt, tích cực chi viện và phối hợp với chiến trường chính - Ðiện Biên Phủ.

Mở cuộc tiến công mạnh mẽ toàn diện phối hợp với chiến trường Tây Bắc - Ðiện Biên Phủ

Mặt trận Ðiện Biên Phủ đã cơ bản hoàn thành giai đoạn cài thế, tạo thế và chuẩn bị mọi mặt. Ðúng giờ G ngày 13-3-1954, đại quân ta nổ súng tiến công tập đoàn cứ điểm Ðiện Biên Phủ, thực hiện đòn "quyết chiến chiến lược" quan trọng nhất, quy mô lớn nhất trong lịch sử quân đội ta. Liên khu ủy 3, Khu ủy Tả Ngạn, Ðảng ủy Ðại đoàn 320 coi đó là mệnh lệnh hiệp đồng tác chiến và là thời cơ lớn nhất để quân dân đồng bằng mở cuộc tiến công mới, đánh mạnh hơn nữa vào hệ thống chiếm đóng, căn cứ hậu phương, đường giao thông vận chuyển chiến lược trên tuyến đường sắt, đường bộ, đường thủy, trọng điểm là đường sắt, đường 5, nhằm tiêu diệt thật nhiều sinh lực địch, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh của địch, giải phóng từng địa bàn quan trọng, tiến tới giải phóng toàn lãnh thổ đồng bằng châu thổ sông Hồng.

Thực hiện chỉ thị của Tổng quân ủy và Bộ Tổng tư lệnh, quân dân đồng bằng Bắc Bộ mở đầu cuộc tiến công mới. Trong các ngày 4 đến 7-3, lực lượng vũ trang Hà Nội và Kiến An đã liên tiếp giáng hai đòn chí tử vào căn cứ không quân Gia Lâm và Cát Bi, phá hủy 77 chiếc máy bay các loại, đốt cháy hàng triệu lít xăng, hàng trăm tấn bom đạn làm rung chuyển sào huyệt của địch, gây một tiếng vang lớn trên toàn chiến trường Ðông Dương, làm xôn xao dư luận nước Pháp. Ðêm ngày 11 rạng ngày 12-3, Trung đoàn 42 cùng lực lượng vũ trang hai tỉnh Hải Dương, Hưng Yên khu Tả Ngạn mở đợt tổng công kích đường sắt, đường số 5 đã diễn ra suốt từ Văn Lâm, Mỹ Hào đến Cẩm Giàng, Thành Hà và An Dương.

Trên hướng bắc Hưng Yên, tiểu đoàn 58 và lực lượng vũ trang địa phương tiêu diệt hai đồn Ðình Vũ và Hoàng Pha diệt hai đại đội địch, hàng loạt tháp canh trên đường sắt rút chạy về Lạc Ðạo, ta phá sập cầu Lường, cầu Phong Cốc.

Cùng ngày, Trung đoàn 42 tiêu diệt chi khu quân sự Nghĩa Lộ (Văn Lâm, Hưng Yên), diệt tiểu đoàn Liên hiệp Pháp. Một đoàn tàu từ Hà Nội về gần đến Nghĩa Lộ phải dừng lại, đại đội địa phương Văn Lâm đánh đổ đầu tàu, phá hủy tám toa tàu. Ngày 22-3, tiểu đoàn 652 cùng bộ đội địa phương phục kích diệt gọn hai đại đội Âu Phi, phá hủy 20 xe cơ giới tại khu vực Bạch Sam (Mỹ Hào), tiếp tục phục kích đánh thiệt hại nặng tiểu đoàn ngụy, bắt sống 26 tên tại Lương Xá - Bần Yên Nhân,...

Trên hướng Hải Dương: Tại địa bàn Cẩm Giàng, một tiểu đoàn của trung đoàn 50 cùng lực lượng vũ trang huyện Cẩm Giàng đồng loạt tiến công tiêu diệt bức hàng, bức rút hơn 70 đồn, tháp canh, các tổ chức tề vũ trang, phá bỏ hàng chục ban tề của địch, củng cố chính quyền cơ sở của ta, huy động du kích, dân công đánh phá giao thông, trụ lại chống càn bảo vệ làng xã.

Tại huyện Kim Thành, tiểu đoàn 23 bộ đội tỉnh và đại đội 73 Tứ Kỳ cùng du kích tập kích diệt địch ở Phạm Xá, Cổ Dũng, An Bình, Quỳnh Khê... mở rộng vùng giải phóng. Các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Kiến An đã huy động hàng vạn dân công cùng lực lượng vũ trang địa phương phá hoại đường 5, đường sắt, bóc dỡ hàng chục nghìn mét đường ray trên đoạn dài 70 cây số, làm tê liệt tuyến đường vận chuyển chiến lược hàng tuần.

Từ ngày 11 đến 28-3, trên tuyến đường sắt, đường 5, Trung đoàn 42 và một tiểu đoàn của Trung đoàn 50 cùng lực lượng vũ trang Hải Dương, Hưng Yên đã đánh hàng chục trận nhỏ, vừa, lớn, tiêu diệt hơn 1.000 quân địch, tiêu diệt, bức hàng, bức rút hàng chục đồn, tháp canh, tổ chức tề vũ trang, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh, thu nhiều vũ khí (đủ trang bị cho một trung đoàn bộ binh), mở rộng, xây dựng nhiều khu du kích mà căn cứ du kích xung quanh trục đường sắt, đường 5, tạo được thế đứng và lực mạnh chuẩn bị cho các cuộc tiến công sắp tới.

Tại Thái Bình, Trung đoàn 64, Ðại đoàn 320, trên đường hành quân tạm trú quân ở khu vực An Cừ - An Tổ, huyện Ý Yên, sáng ngày 29-2, GM5 tổ chức nhiều mũi tiến công vào tiểu đoàn Hưng Công, đơn vị và du kích kiên cường và dũng cảm đánh lui nhiều đợt tiến công trong ngày. Ta diệt hơn 300 tên Âu Phi. Tối ngày 29, tiểu đoàn tiếp tục hành quân.

Ðầu tháng 3-1954, toàn trung đoàn đã có mặt ở Thái Bình, khẩn trương chuẩn bị chiến đấu cùng địa phương đập vỡ phòng tuyến sông Hóa, đánh phá giao thông bao vây uy hiếp địch trên tuyến đường 10 và đường 39.

Trung tuần tháng 3, tiểu đoàn Mạo Chử tập kích tiêu diệt hai đại đội của tiểu đoàn ngụy ở Ðông Tạ, tiến công địch ở Nam Am, Tây Am (Vĩnh Bảo), tiểu đoàn Hưng Công được tăng cường đại đội Sơn Pháo 75 tiến công cứ điểm Kha Lý (Diêm Ðiền) diệt gần hết đại đội Liên hiệp Pháp, số còn lại cố thủ trong hầm ngầm, 9 giờ sáng hôm sau, phi pháo yểm hộ cho tàn quân tháo chạy, ta truy kích diệt thêm một số. Trung đoàn phối hợp lực lượng vũ trang địa phương tiếp tục tiến công uy hiếp, bao vây, bức hàng nhiều đồn bốt địch.

Tại Hà Nam, đêm 15 rạng ngày 16-3, một bộ phận Trung đoàn 48, Ðại đoàn 320 bao vây uy hiếp cứ điểm Quế (Kim Bảng) và đánh viện. GM4 và đại đội Commando được lệnh đi giải nguy, mãi xế chiều đại đội này lọt vào trận địa phục kích của tiểu đoàn Thanh Lũng, ta nổ súng tiến công tiêu diệt gọn đại đội Commando, lực lượng GM4 ở phía sau hoảng hốt rút chạy về phía sau, đại đội địch ở Quế cũng bỏ đồn tháo chạy. Tiểu đoàn Thanh Lũng được lệnh vượt sông Ðáy quay về nam Phủ Lý phối hợp với bộ đội huyện Thanh Liêm tiêu diệt quân hành chính và tổ chức tề vũ trang đóng ở Sở Kiện. Khi ta nổ súng tiến công, địch bỏ chạy tán loạn vào trong dân, ta vận động chúng lần lượt ra nộp vũ khí đầu hàng.

Tình hình Séc - Tơ Phủ Lý bị uy hiếp nghiêm trọng, Trung đoàn 48 quyết định dùng một phân đội tiêu diệt đại đội chiếm đóng ở núi đá chùa ông bằng nội công ngoại kích. Ðêm 27-3 ta diệt gọn đại đội này (hai phần ba là Âu Phi) thu toàn bộ vũ khí. Phòng tuyến sông Ðáy từ bắc Phủ Lý đến nam Hà Ðông đã bị phá tan, nối liền vùng tự do với khu căn cứ du kích ở bắc Hà Nam. Tại Nam Ðịnh, Trung đoàn 52, sau khi phối hợp với Trung đoàn 46 cùng bộ đội địa phương tập kích vào thành phố Nam Ðịnh, chuyển xuống phía nam bao vây địch co cụm ở Ðông Biên, Hải Hậu, kéo viện binh ra để diệt. Ðúng như kế hoạch, ngày 25-3 hai tiểu đoàn ngụy (BVN) đến giải nguy, tiểu đoàn Yên Ninh cùng du kích tiêu diệt tiểu đoàn ngụy ở Nam Ðiền - Lăng Lu.

Ba tháng đầu năm 1954, Ðại đoàn 320 cùng quân dân đồng bằng liên tục tiến công, phá vỡ phòng tuyến sông Ðáy, tiến sâu vào hoạt động vùng sau lưng địch đã tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh, diệt và bức hàng, bức rút hàng chục đồn bốt, quét sạch ngụy quyền cơ sở, giải phóng nhiều vùng đất đai quan trọng, đẩy mạnh chiến tranh du kích phát triển ở trình độ cao, đặc biệt là đã kìm giữ chân năm binh đoàn cơ động Âu Phi và một số binh đoàn cơ động ngụy ở đồng bằng Bắc Bộ, góp phần tích cực phối hợp với chiến trường chính - Ðiện Biên Phủ.

Ði đôi với đòn tiến công quân sự, phong trào đấu tranh chính trị và công tác binh vận cũng đã phát triển mạnh chưa từng thấy khắp các tỉnh, thành phố đồng bằng châu thổ sông Hồng như: Phong trào đòi thả thanh niên bị bắt, chống bắt lính, đòi chồng con về với gia đình, chống tập trung dồn dân... làm cho hàng nghìn binh lính ngụy ra đào ngũ.

Vào trung tuần tháng 3 và đầu tháng 4-1954, cứ điểm Him Lam và toàn bộ khu Tây Bắc của tập đoàn cứ điểm Ðiện Biên Phủ bị ta tiêu diệt. Ðứng trước nguy cơ địch ở Ðiện Biên Phủ bị tiêu diệt, Navarre vội vã vơ vét lực lượng ở các chiến trường khác về đây đối phó. Trong khi đó, mặt trận đồng bằng Bắc Bộ địch cũng bị uy hiếp mạnh, phải bỏ nhiều đồn bốt co về co cụm ở thành phố, thị xã, trục giao thông quan trọng, còn các binh đoàn cơ động mình đầy thương tích vẫn phải chạy như đèn cù để đối phó với các cuộc tiến công của quân dân đồng bằng.

Quân dân đồng bằng Bắc Bộ mở cuộc tiến công mới phối hợp với chiến dịch tiến công Ðiện Biên Phủ

Ngày 30-3-1954, đại quân ta tiến công tập đoàn cứ điểm Ðiện Biên Phủ đợt 2. Thực hiện chỉ thị của Tổng Quân ủy và Bộ Tổng tư lệnh, Khu ủy và Bộ Tư lệnh khu Tả Ngạn Quyết định: Tổng công kích vào tuyến đường sắt, đường 5  đợt 2. Từ ngày 2-4 đến ngày 7-5, quân dân mặt trận đường 5 đã đánh hàng chục trận trên đường sắt, đường 5, có nhiều trận tiêu biểu, hiệu quả lớn như:

Ngày 2-4, tại Hải Dương, bộ đội địa phương Cẩm Giàng đánh mìn phá hủy một đầu tàu và 20 toa chở hàng quân sự: Trung đoàn 42 cùng lực lượng vũ trang địa phương dùng vận động phục kích diệt một tiểu đoàn Âu Phi (đoạn cầu Ghẽ - Quán Gỏi), ngày 5-4 đội S20 cùng du kích Cao An tổ chức trận mìn tổng hợp (đoạn Phú An - Ðồng Niên) đánh đổ hai đoàn tàu phá hủy 14 toa, nhiều trang  bị kỹ thuật quân sự, diệt nhiều địch, ngày 16-4 tiểu đoàn 698 và đại đội địa phương Cẩm Giàng phục kích diệt một đại đội Âu Phi ở Quý Dương, Mỹ Lộc, ngày 21-4, Trung đoàn 42 (thiếu) cùng các đại đội địa phương Yên Mỹ, Văn Giang, Phù Cừ phục kích diệt tiểu đoàn lê dương từ Pháp sang bổ sung cho GM3 ở đoạn chợ Ðường sắt (sát cứ điểm Tuấn Di) cùng thời gian này lực lượng vũ trang các tỉnh Hưng Yên, Kiến An, Hải Phòng, liên tục đánh phá tuyến đường sắt, đường 5. Trung đoàn 50 lật cánh sang phối hợp với quân dân Kiến An đánh địch trên tuyến đường 10.

Ðại đoàn 320 tiếp tục mở đợt tiến công mạnh mẽ ở vùng sau lưng địch Hà Nam, Nam Ðịnh, Thái Bình để phối hợp với Ðiện Biên Phủ và mặt trận đường 5. Trung đoàn 48 cùng quân dân Hà Nam tiếp tục dùng hỏa lực tập kích vào thị xã Phủ Lý và Sở chỉ huy GM4 gây cho địch nhiều thiệt hại. GM4 liên tục bị đánh đòn đau; ngày 7-4 tiểu đoàn Thanh Lũng diệt hai đại đội Âu Phi ở Cầu Gừng Thanh Liêm; ngày 8-4 tiểu đoàn Tiên Yên diệt cứ điểm Khe Non, Mai Cầu. Trung đoàn 52 cùng quân dân Hải Hậu, Nam Ðịnh tiếp tục bao vây uy hiếp cụm cứ điểm Ðông Biên và tập kích tiêu diệt nhiều quân viện đến giải nguy cho Ðông Biên.

Trung đoàn 64 cùng quân dân Thái Bình, ngày 2-4, phục kích diệt gọn một đại đội Âu Phi thuộc GM3, tiếp tục bao vây tiến công địch, đánh phá giao thông trên tuyến đường 10, đường 39. Ngày 16-4, GM5 từ Hữu Ngạn vượt sông Hồng sang cứu nguy cho bọn chúng ở Thái Bình, khi đến Thượng Ngận bị tiểu đoàn Ðông Mít cùng du kích Thượng Ngận ba làng diệt hơn 300 tên. Ðại đội ngụy và quận hành chính ở An Xá, Duyên Hà kéo cờ trắng ra đầu hàng. Quân  ta tiếp tục bao vây tiến công địch, nhiều đồn bốt bị diệt hoặc bỏ đồn rút chạy. Ta áp sát uy hiếp thị xã Thái Bình.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Hải Phòng chi hơn 1,3 tỷ đồng tặng quà thân nhân liệt sỹ, chiến sỹ Điện Biên

UBND TP. Hải Phòng ban hành Kế hoạch 93/KH-UBND về triển khai các hoạt động thăm, tặng quà thân nhân liệt sỹ, chiến sỹ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, là những người đã có nhiều cống hiến, hi sinh… trong chiến dịch lịch sử.
2024-04-19 08:15:51

Cửa Lò khai mạc Lễ hội du lịch biển năm 2024

Tối 18/4, tại Quảng trường Bình Minh, thị xã Cửa Lò, UBND tỉnh Nghệ An long trọng tổ chức khai mạc Lễ hội du lịch Cửa Lò năm 2024 với chủ đề “Cửa Lò - Khát vọng tỏa sáng”.
2024-04-18 22:15:00

Không khí linh thiêng ngày chính lễ Giỗ Tổ Hùng Vương

Sáng sớm 18/4, mặc dù trời mưa lớn nhưng từ khắp các ngả đường, dòng người đông đúc tiến về Khu di tích lịch sử đặc biệt Quốc gia Đền Hùng, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ để dự Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng, mùng 10/3 âm lịch.
2024-04-18 11:46:40

Lời chia buồn

Nhận được tin Cụ La Đức Đan là thân phụ ông La Đức Hùng- Phó Tổng Biên tập Báo Xây dựng đã tạ thế vào hồi 23h20’ ngày 17/04/2024 (tức ngày 9/3 năm Giáp Thìn), tại Lào Cai. Ban Biên tập và cán bộ, phóng viên của Tạp chí điện tử Hoà nhập gửi tới ông La Đức Hùng – Phó Tổng Biên tập Báo Xây dựng và gia quyến lời chia buồn sâu sắc.
2024-04-18 11:29:00

Chủ tịch HĐND Hải Phòng thăm cựu thanh niên xung phong Điện Biên Phủ

Chiều 17/4, Chủ tịch HĐND TP Phạm Văn Lập đi thăm, tặng quà thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến - những người đã có nhiều cống hiến to lớn, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”
2024-04-18 09:36:19

Bí thư Thành ủy Hải Phòng thăm chiến sĩ Điện Biên ở Hải An

Nhân dịp Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2024), ông Lê Tiến Châu, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng đi thăm, tặng quà thân nhân liệt sĩ, chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến hiện đang sinh sống tại địa bàn quận Hải An.
2024-04-18 09:28:29
Đang tải...