Đại học Y – Dược Thái Nguyên: "Nghi án" lập hồ sơ khống chiếm dụng tiền tỷ
2017-12-20 21:17:53
0 Bình luận
Hàng loạt những sai phạm mang tính hệ thống, có tổ chức tại Đại học Y - Dược Thái Nguyên (thuộc Đại học Thái Nguyên): Sai phạm quản lý tài chính trong việc chi thu nhập tăng thêm trong thời gian dài; sự tăng giá gấp nhiều lần trong mua sắm vật tư, hóa chất, sinh vật phẩm, thậm chí đánh tráo chủng loại vật tư y tế để rút tiền chênh lệch gấp nhiều lần để chiếm dụng ngân sách nhà nước, đó là những tài liệu phóng viên báo TN&MT thu thập hơn cả nội dung bản tố cáo của người lao động.
Lập 2 quyết định để rút ngân sách trên 10 tỷ đồng?
Trong 9 bộ hồ sơ, mỗi bộ có 2 quyết định chi tiền “Chi thu nhập tăng thêm” từ tháng 2 đến tháng 11/2015. Thoạt nhìn thì tưởng 2 bản là một, bởi vì 2 bản quyết định chi tiền của mỗi bộ chứng từ có cùng số văn bản, cùng ngày, tháng, năm, cùng nội dung, nhưng…. khác nhau là số tiền chi. Cả 2 loại quyết định trong 9 tháng đó (18 QĐ), chỉ có duy nhất 1 bản do Phó hiệu trưởng Trịnh Xuân Tráng ký, còn lại 17 bản QĐ đều do ông Nguyễn Văn Sơn, Hiệu trưởng trường Đại học Y – Dược Thái Nguyên ký, nhưng lại do 2 cán bộ của 2 phòng chức năng “ký nháy” với 2 con số tiền khác nhau: 9 bản QĐ do phòng Hành chính - Tổ chức ký nháy có tổng giá trị trên 10,487 tỷ đồng (xin làm tròn số); 9 bản QĐ do Trưởng phòng Kế hoạch – Tài Chính “ký nháy” là trên 10,171 tỷ đồng. Điều kỳ lạ nữa là, 2 bản quyết định cùng số, nhưng lại do 2 người vào số công văn khác nhau.
Ban hành 2 bản quyết định “kỳ lạ” như vậy, nhưng kinh phí được chi cho người lao động vào tài khoản qua thẻ ATM và trả tiền mặt chỉ thể hiện có một món tiền qua “bảng thanh toán chi trả thu nhập tăng thêm”. Vấn đề đặt ra, có phải “một bộ phận không nhỏ” cán bộ Trường Đại học Y – Dược Thái Nguyên đã “phù phép” để rút tiền tỷ nhà nước ra chia nhau? Sự mờ ám về tài chính này, có lẽ chỉ có “bộ 3” những người lập hồ sơ “quyết định chi thu nhập tăng thêm” mới biết số tiền 10,487 tỷ đồng của nhà nước đi về đâu?
Thoạt nhìn thì tưởng 2 bản là một, bởi vì 2 bản quyết định chi tiền của mỗi bộ chứng từ có cùng số văn bản, cùng ngày, tháng, năm, cùng nội dung, nhưng…. khác nhau là số tiền chi. |
2 QĐ giống nhau nhưng số tiền khác nhau. |
Ban hành 2 bản quyết định “kỳ lạ” như vậy, nhưng kinh phí được chi cho người lao động vào tài khoản qua thẻ ATM và trả tiền mặt chỉ thể hiện có một món tiền qua “bảng thanh toán chi trả thu nhập tăng thêm”. Vấn đề đặt ra, có phải “một bộ phận không nhỏ” cán bộ Trường Đại học Y – Dược Thái Nguyên đã “phù phép” để rút tiền tỷ nhà nước ra chia nhau? Sự mờ ám về tài chính này, có lẽ chỉ có “bộ 3” những người lập hồ sơ “quyết định chi thu nhập tăng thêm” mới biết số tiền 10,487 tỷ đồng của nhà nước đi về đâu?
Công tác quản lý tài chính của nhà trường còn biểu hiện tiêu cực, thất thoát qua việc mua, thanh toán các mặt hàng vật tư y tế: Tại phiếu xuất kho của Đại học Y – Dược Thái Nguyên, cuộn chỉ phẫu thuật (lin - mã hàng 1393) có đơn giá 55,859 nghìn đồng. Qua khảo sát, cùng loại chỉ cuộn to này, ngoài thị trường bán lẻ giá 30 nghìn đồng/1cuộn. Cuộn chỉ trắng (mã hàng C59) trong phiếu xuất kho của Đại học Y - Dược Thái Nguyên đơn giá 541 nghìn đồng, cao gấp 10 lần chỉ mã 1393.
Chỉ cuộn to này, ngoài thị trường bán lẻ giá 30 nghìn đồng/1cuộn |
Tuy nhiên, trên phiếu xuất kho (có đầy đủ cả chữ ký của Kế toán trưởng Nguyễn Thị Hằng Nga) lại ghi mã hàng C59, đơn giá 541 nghìn đồng; trên thực tế trong kho chỉ có một loại chỉ mã hàng 1393 (đơn giá 55,859 nghìn đồng).
Nhận thấy sự khuất tất về chủng loại, đơn giá vật tư y tế trong phiếu xuất kho, lúc 11h12, ngày 06/12/2017, tại kho vật tư Đại học Y - Dược Thái Nguyên, 5 cán bộ có trách nhiệm đã lập biên bản xác minh sự việc và cùng nhau ký biên bản. Thủ kho Nguyễn Thị Thanh Hoa đã ký biên bản, khẳng định: Từ trước đến nay kho chỉ có một mặt hàng với nhãn mã hàng 1393, đó cũng chính là chỉ trắng phẫu thuật mã C59.
Sự đánh tráo sản phẩm đã đẩy giá quyết toán vật tư tăng gấp 10 lần (?!).
Thủ kho thừa nhận: Từ trước đến nay kho chỉ có một mặt hàng với nhãn mã hàng 1393, nhưng trên phiếu xuất kho ghi mã hàng C59, đơn giá cao gấp 10 lần. |
Việc đội giá thành cao hơn nhiều so với thị trường, cộng với đánh tráo mã sản phẩm tăng gấp nhiều lần và được thực hiện “đều như vắt chanh”, ngày qua ngày, năm này qua năm khác. Hành vi rút kinh phí này giống như chiếc “vòi bạch tuộc” găm chặt vào bầu ngân sách, “hút máu” tài chính Mhà nước, ung dung hưởng lợi bất chính? Mỗi ngày kho của Trường Đại học Y - Dược Thái Nguyên xuất ra hàng chục sản phẩm vật tư y tế. Mỗi sản phẩm chỉ tăng vài giá hoặc bị đánh tráo sản phẩm, đội đơn giá tăng lên thì kinh phí thất thoát một năm là tiền tỷ.
Những biểu hiện khuất tất trong quản lý tài chính mà chúng tôi dẫn chứng chỉ là bề nổi trong “tảng băng chìm”, bởi những năm qua, Trường Đại học Y - Dược Thái Nguyên được Nhà nước đầu tư nhiều kinh phí cho chương trình phát triển đào tạo, dự án mua sắm trang thiết bị máy móc phục vụ nghiên cứu.
Ai “chống lưng” cho kế toán trưởng?
Mấu chốt của những sai phạm về quản lý kinh tế trên được người lao động gửi đơn tố cáo, vạch trần nguyên nhân là từ việc bổ nhiệm Kế toán trưởng Trường Đại học Y - Dược Thái Nguyên không theo quy định của pháp luật; thực hiện không đúng quy trình bổ nhiệm lại; kéo dài thời gian bổ nhiệm lại; để kế toán trưởng giữ chức quá 2 nhiệm kỳ là trái quy định của pháp luật. Từ sự “ưu ái” đó dẫn đến bà kế toán trưởng Trường Đại học Y – Dược Thái Nguyên Nguyễn Thị Hằng Nga đã tự tung tự tác, sai phạm nối tiếp sai phạm.
QĐ bổ nhiệm bà Nguyễn Thị Hằng Nga giữ chức vụ Kế toán trưởng lần đầu từ 2006 |
Ngày 18/12/2006, Giám đốc Đại học Thái Nguyên Từ Quang Hiển ký QĐ 853/QĐ-TCCB, bổ nhiệm bà Nguyễn Thị Hằng Nga, kế toán viên giữ chức vụ kế toán trưởng Trường Đại học Y khoa. Bà Nga giữ chức vụ Kế toán trưởng đến nay đã hơn 11 năm qua tại một đơn vị là trái với quy định của pháp luật, nhất là vị trí nhạy cảm như kế toán trưởng.
Theo Nghị định 158/2007/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ, danh mục các vị trí công tác trong các lĩnh vực, ngành, nghề phải định kỳ luân chuyển: hoạt động quản lý tài chính, ngân sách, tài sản của Nhà nước; quản lý xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa; hoạt động hải quan, thuế, kho bạc, dự trữ quốc gia; quản lý và thực hiện nghiệp vụ kế toán, kiểm toán…
Ấy vậy nhưng, tại văn bản 1808/KL-ĐHTN, kết luận nội dung tố cáo đối với ông Nguyễn Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Y – Dược do Giám đốc Đại học Thái Nguyên Đặng Kim Vui ký ngày 19/9/2017, với nội dung thật khó hiểu: Thời gian từ ngày 18/12/2006 – 2009 giữ chức vụ kế toán trưởng của bà Nguyễn Thị Hằng Nga “không tính vào thời hạn bổ nhiệm” (?!). Vì vậy, thời gian bà Nguyễn Thị Hằng Nga giữ chức vụ Kế toán trưởng Đại học Y – Dược, nhiệm kỳ 2009 – 2014 được coi là nhiệm kỳ đầu tiên bà Nga giữ chức vụ Kế toán trưởng.
Với văn bản kết luận có nội dung ngô nghê này, phải chăng Giám đốc Đại học Thái Nguyên đã thể hiện sự “nâng đỡ không trong sáng”, cố tình “chống lưng” bà Nga giữ ghế kế toán trưởng, mặc dù đã tại vị hơn 11 năm?.
Trong khi đó, năm 2014, Trường Đại học Y – Dược đã tiến hành công tác cán bộ, kiện toàn, luân chuyển, bổ nhiệm hàng loạt chức danh lãnh đạo, nhưng trừ mỗi chiếc ghế kế toán trưởng của bà Nga là “êm như ru, ấm như nắng”, không những được “kéo lùi thời gian” tại vị mà còn bị “lãng quên” cả quy trình bổ nhiệm lại gần 1 năm sau để rồi có cơ “ăn ra” thêm thời gian bổ nhiệm.
Kế toán trưởng là vị trí nhạy cảm, buộc phải luân chuyển nhưng trong thời gian dài, từ tháng 5/2014 mặc dù bà Nguyễn Thị Hằng Nga đã hết nhiệm kỳ song Đại học Y Dược - Đại học Thái nguyên vẫn không làm quy trình bổ nhiệm lại. |
Hiện nay bà Nguyễn Thị Hằng Nga là Trưởng phòng Kế hoạch – Tài Chính, kiêm kế toán trưởng Trường Đại học Y – Dược, đồng nghĩa với việc vừa “đá bóng vừa thổi còi”, tự ra lệnh chi và duyệt chi. Quyền lực như vậy mà được tại vị “vượt khung thời gian ” nên việc biến tấu, phù phép cho hồ sơ “chi thu nhập tăng thêm” trong thời gian dài với tổng sổ tiền của 2 loại quyết định lên đến trên 20 tỷ đồng là việc làm “nhẹ như lông hồng”.
Những biểu hiện khuất tất, tiêu cực của Trường Đại học Y – Dược Thái Nguyên còn bị tố cáo sai phạm, thể hiện trong việc mua hóa chất sinh vật phẩm, Lamen; sai phạm trong công tác đào tạo; sai phạm trong công tác bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ…
Thiết nghĩ, Bộ giáo dục và Đào tạo và cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc điều tra làm rõ những dấu hiệu sai phạm trong quản lý kinh tế, xác minh những biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm; điều tra làm sáng tỏ nghi án lập hồ sơ khống rút ngân sách Nhà nước.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.
Theo baotainguyenmoitruong.vn