Đáp ứng nhu cầu năng lượng quốc gia
Đến tham dự Hội thảo có các chuyên gia tư vấn, chuyên gia Nghiên cứu và phát triển, các nhà phân tích và chuyên gia Kinh tế ngành, các tổ chức phát triển Cơ sở hạ tầng, các kỹ sư và kiến trúc sư, các tổ chức khai khoáng an toàn và các nhà đầu tư, Nhà công nghiệp và Thương gia.
Ngày 27/12/2007, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 1855/QĐ-TTg, phê duyệt “Chiến lược phát triển năng lượng Quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến 2050” với mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng Quốc gia, góp phần giữ vững an ninh, quốc phòng, phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ, cung cấp đầy đủ năng lượng với chất lượng cao cho phát triển kinh tế - xã hội, khai thác và sử dụng hợp lý, có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng.
Hội thảo được diễn ra sôi nổi với các nội dung xoay quanh vấn đề nhu cầu năng lượng quốc gia. “Việc cấp phép đưa diện tích quy hoạch vào thăm dò, khai thác than gặp nhiều khó khăn, hệ luỵ từ tình hình suy thoái kinh tế dẫn đến tình trạng thiếu vốn đầu tư nên một số dự án thăm dò, khai thác than có tiến độ đầu tư chậm, khó khăn trong việc nghiên cứu công nghệ, lập dự án khai thác than ở những khu vực dưới các công trình công nghiệp, dân dụng phải bảo vệ, khu vực hạn chế hoạt động khoáng sản,… Hơn nữa có sự chồng lấn giữa quy hoạch phát triển ngành than với các quy hoạch của địa phương nên không thực hiện được một số dự án theo quy hoạch đề ra. Chính vì vậy, để đạt được các mục tiêu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là rất khó khăn” - Kỹ sư Phạm Công Hương, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam nhấn mạnh.
Thạc sỹ Phạm Kiều Quang – Viện Dầu khí Việt Nam chia sẻ tại Hội thảo: “Việc đầu tư thực hiện các giải pháp công nghệ nâng cao thu hồi dầu (EOR) đem lại lợi ích cho nhà thầu dầu khí và nước chủ nhà. Tuy nhiên việc đầu tư thực hiện EOR còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, do đó Việt Nam cần phải có một cơ chế chính sách khuyến khích cho việc thực hiện EOR ở Việt Nam. Vấn đề đặt ra là phải điều chỉnh những điều khoản nào trong các điều khoản tài chính của hợp đồng dầu khí Việt Nam?”.
Việt Nam áp dụng bốn hình thức hợp đồng dầu khí trong lĩnh vực thượng nguồn, gồm thăm dò, khai thác, đó là hợp đồng chia sản phẩm, hợp đồng dầu khí hay còn gọi là hợp đồng điều hành chung, hợp đồng liên doanh và hợp đồng hợp tác kinh doanh. Việt Nam mới chỉ có các cơ chế về thuế và lệ phí áp dụng cho các dự án thông thường và các dự án thuộc diện khuyến khích đầu tư chứ chưa có khuyến khích riêng cho mỏ cận biên và các dự án nâng cao thu hồi dầu. Để có thể khuyến khích nhà thầu đầu tư các dự án EOR và phát triển khai thác các mỏ cận biên ở Việt Nam cần có cơ chế khuyến khích hơn về thuế. Ngoài ra Chính phủ có thể xem xét miễn, giảm phí đào tạo đối với các mỏ cận biên và áp dụng thống nhất mức giá cơ sở được tính để xác định phần phụ thu dầu lãi nhà thầu phải trả cho Chính phủ Việt Nam.
Đảm bảo nhu cầu năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội là một nhiệm vụ chiến lược đối với mỗi quốc gia. Tuy nhiên, việc cung cấp và tiêu thụ năng lượng ở nước ta vẫn còn nhiều bất cập, bức tranh thiếu hụt năng lượng cho phát triển đang hiện hữu trước mắt và luôn được coi là vấn đề cấp bách.
Thanh Ngọc
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.