Điều kỳ diệu ở ngôi trường mất hàng năm mới gieo vào đầu học sinh được vài chữ cái
Lớp học của các trẻ em khuyết tật tại trường Khuyết tật trí tuệ tư thục Mai Linh. |
Ban đầu, đây chỉ là một nhóm trẻ mầm non với 6 em khuyết tật trí tuệ. Qua quá trình hoạt động, nhiều gia đình trong vùng có con bị khuyết tật đã tìm đến gửi con tại đây.
Trường Khuyết tật Trí tuệ tư thục Mai Linh đang chăm sóc và dạy cho 80 trẻ khuyết tật từ 3 đến 14 tuổi. Đa số các em có những khuyết tật bẩm sinh như khiếm thính, thiểu năng trí tuệ, bại não...
Mỗi lớp học ở đây chỉ có 7 em do một giáo viên phụ trách. Học sinh trong một lớp được chia theo độ tuổi và khả năng nhận biết của từng em.
Ít học sinh nhưng giáo viên ở đây vất vả hơn nhiều so với lớp học bình thường. Để dạy các em biết làm những việc như rửa mặt, tự đi vệ sinh, thay quần áo, tự tắm rửa, xếp gọn đồ chơi hay học thuộc một chữ cái, nhiều khi phải mất cả năm. Dẫu thế, các giáo viên ở đây vẫn kiên trì, nhẫn nại, gắn bó, dạy dỗ các em bằng tình thương.
Mục tiêu của các cô là giúp các em khai mở trí óc, đón nhận những kiến thức đơn giản nhất. Qua quá trình hoạt động, nhờ tình thương, sự dạy dỗ của các cô, nhiều em có tiến bộ rõ. Có những em trước khi vào trường không thể giao tiếp bằng ngôn ngữ nhưng sau một thời gian có thể nói được, nhận biết được mặt chữ, tô chữ và nhiều em đã đọc, viết, làm các phép tính đơn giản. Có em không thể vận động đi đứng được nhờ được tập vật lý trị liệu đã có thể đi lại được gần như bình thường.
Em Nguyễn Minh Huy, 9 tuổi, ở xã Bình Ba, huyện Châu Đức vào học ở trường khi em mới 3 tuổi. Huy bị bệnh bại não teo tay chân từ nhỏ. Mẹ đã bỏ đi khi em còn đỏ hỏn, em ở với ông bà nội.
Lúc mới vào, Huy không biết đi nhưng nhờ các cô giúp em tập vật lý trị liệu hằng ngày đến nay em đã đi lại được mặc dù còn khó khăn. Em cũng học đọc, học viết, biết làm các phép tính và tiếp thu bài tương đối tốt. Bàn tay yếu ớt, cầm bút khó khăn nhưng Huy ham học, lại chăm chỉ luyện tập.
Em Nguyễn Võ Trâm, 16 tuổi, ở xã Xuân Sơn (huyện Châu Đức) bị thiểu năng trí tuệ từ nhỏ, vào học tại trường đã 9 năm. Khi mới vào trường, Trâm ít nói và rụt rè, chưa biết vệ sinh cá nhân. Vì thế để giúp em làm được việc này, giáo viên kiên trì, chịu khó hướng dẫn em thực hiện lặp đi lặp lại hàng trăm lần.
Khó khăn, vất vả nhất là để giúp Trâm nhớ hết bảng chữ cái, 10 chữ số, giáo viên đã phải dạy em trong 1 năm. Trâm biết làm toán nhưng em lại không thể đánh vần để đọc nhưng các cô giáo ở đây vẫn kiên trì gieo chữ cho các em với hy vọng “mưa dầm thấm lâu” giúp em dần nhận biết được.
Cô giáo Nguyễn Thị Hồng Lam, người có 17 năm gắn bó với trường hiện phụ trách lớp dành cho các em từ 11 đến 14 tuổi bị khuyết tật tự kỳ, khiếm thính, bại não, thiểu năng trí tuệ. Nhiều năm chăm sóc, dạy dỗ các em khuyết tật, điều cô trăn trở nhất là làm sao để các em có thể nhớ được những gì mình dạy. Nhiều khi cô bế tắc với chính mình vì không biết làm sao để có cách dạy đáp ứng được nhận thức của từng em bị khuyết tật.
Cô chia sẻ, có khi chỉ một vài chữ cái mà cô phải mất 8 năm trời để “gieo” vào đầu các em. Có những kỹ năng, cô phải lặp đi, lặp lại đến cả hàng trăm, hàng nghìn lần các em mới có thể bắt chước theo được… Điều cô đau đáu nhất là khi 16 tuổi, các em sẽ phải rời trường về với gia đình nhưng tỉnh chưa có cơ sở hay trung tâm nào hướng nghiệp cho các em. Khi về với gia đình, xã hội những nhận thức khi còn ở trong trường của các em không có người chỉ bảo thêm, các em sẽ dần lãng quên.
Cô Nguyễn Thị Bích Như, Hiệu trưởng Trường Khuyết tật Trí tuệ tư thục Mai Linh cho biết, hiện giáo viên của trường thu nhập rất thấp nhưng các cô vẫn gắn bó với trường. “Các cô tình nguyện dạy dỗ trẻ bằng tấm lòng của mình. Giáo viên đều có tâm nguyện san sẻ một phần vất vả cho các bậc phụ huynh không may mắn có con bị khuyết tật, đồng thời mong muốn các em cải thiện trí tuệ, sức khỏe, trở thành người có ích cho xã hội” - cô Như nhấn mạnh.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.