Đường sắt đô thị: Thêm một tiện ích cho người khuyết tật
Tầu đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. Nguồn internet
Theo kế hoạch, trong ba năm đầu đi vào vận hành, Hanoi Metro đặt mục tiêu mỗi năm vận chuyển từ 30-40 triệu khách/năm, năm tiếp theo là 50-60 triệu hành khách và có thể đạt 80-90 triệu hành khách/năm trong trung hạn. Từ khi vận hành đến nay, ngày bình thường có hơn 32.000 lượt người, ngày cuối tuần (thứ bảy và chủ nhật) dao động từ 26.000-28.000 lượt người. Khách đi lại thường xuyên vào các khung giờ cao điểm (buổi sáng từ 7 giờ đến 8 giờ 30 phút, buổi chiều 16 giờ 30 phút đến 18 giờ) đạt khoảng từ 5.000-6.000 lượt người. Trong đó có rất nhiều người khuyết tật (NKT) là hành khách thường xuyên đi lại.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Hòa nhập, anh Hưng, nhân viên soát vé tại ga Cát Linh cho hay: “Chúng tôi không có số liệu thống kê cụ thể, nhưng theo trực quan của bản thân, mỗi ngày có khoảng 150 đến 200 NKT lên tầu, trong đó đa phần là NKT vận động (ngồi xe lăn) và có cả người khiếm thị, khiếm thính…”.
Hệ thống đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có thiết kế cầu thang máy và lối đi riêng cho NKT. Việc di chuyển của người khuyết tật từ nhà ga để lên tầu thường có sự trợ giúp của người thân đi cùng, hành khách và nhân viên trực tại các nhà ga. “Khi có hành khách là NKT vào ga, chúng tôi sẽ đi tới hướng dẫn họ làm thủ tục lấy vé, lên tầu. Hỏi họ xem có cần trợ giúp không?. Nếu họ yêu cầu trợ giúp, với người khuyết tật vận động, ngồi xe lăn, sẽ được các nhân viên nhà ga hỗ trợ, đẩy xe lăn. Với người khiếm thị, các nhân viên sẽ dìu tay dẫn đường, Còn với người khiếm thính, họ có thể tự di chuyển được thì sử dụng ngôn ngữ ký hiệu bằng tay cơ bản mà chúng tôi được học để hướng dẫn họ đến khi ổn định chỗ ngồi trên tầu”- Anh Hưng chia sẽ thêm.
Ảnh minh họa. Nguồn internet
Chị Vân, một NKT vận động phải ngồi xe lăn tâm sự:”Tôi ở Kim Mã, bị cụt 2 chân do một tai nạn giao thông, phải ngồi xe lăn. Mỗi tháng cũng được nhà nước hỗ trợ nhưng chỉ đủ nhu cầu tối thiểu của bản thân do đó phải kinh doanh online để có thêm thu nhập. Ngày trước, khi chưa có tầu điện Cát linh - Hà Đông, việc kinh doanh của tôi khá khó khăn. Không thể đi lấy hàng hay trả hàng cho khách, phải trả thêm chi phí cho xe ôm, shipper nên giá thành đội lên cao, rất khó cạnh tranh. Nay tôi có thể tự đi lấy hàng hay trả hàng ở những nơi gần 2 bên tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông chạy qua nên việc kinh doanh của tôi thuận lợi hơn, có nhiều đơn hàng hơn, thu nhập cũng vì thế mà được cải thiện”.
Hưởng ứng ngày Cây gậy trắng với chủ đề “Tôi và gậy trắng - Dẫn bước an toàn cho người khiếm thị”, ngày 12/10/2023, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp, Hội người mù TP.Hà Nội đã tổ chức chương trình trải nghiệm “Tầu điện trên cao cùng gậy trắng”.
Chuyến đi trải nghiệm tàu điện đô thị với lịch trình từ ga Yên Nghĩa - Hà Đông đến ga Cát Linh, những người khiếm thị đã có cơ hội được trải nghiệm tiện ích và tiếp cận loại hình giao thông mới này của Thủ đô.
Chị Thanh, kể về trải nghiệm của mình: “Sau chuyến trải nghiệm, người khiếm thị chúng tôi có thể tự tin di chuyển tới các địa điểm, đường phố dọc 2 bên của tuyến tầu điện chạy qua. Tất cả các điểm ga của tầu điện đều gần với điểm dừng xe bus nên người khiếm thị chúng tôi tiếp cận đến các ga tầu một cách dễ dàng bằng cách tìm điểm dừng xe bus gần với ga mình muốn đi. Đến ga tầu thì chúng tôi nhận được sự trợ giúp của những nhân viên nhà ga và hành khách đi tầu để di chuyển vào thang máy dành riêng cho NKT. Trong thang máy, các nút bấm đều có in chữ nổi dành cho người khiếm thị. Tất cả các lối đi di chuyển trong ga đều có đường chỉ dẫn dành cho người khiếm thị, gờ chỉ dẫn dưới đường rất rõ nét để người khiếm thị nhận ra lối đi an toàn. Khi nghe thấy có tiếng tầu tới, chúng tôi di chuyển theo lối an toàn theo chỉ dẫn dưới mặt đất bằng cách dùng đầu gậy để tìm kiếm, hoặc sẽ có nhân viên nhà ga hỗ trợ vào cửa tầu. Tất cả có 12 ga trong toàn bộ chuyến đi, đến mỗi điểm dừng, các hành khách đều được nghe thông báo tên ga dừng và tên của ga tiếp theo. Khi tới ga sẽ nghe thấy có 2 tiếng tít báo động, sau còi báo động này cửa tầu mới bắt đầu mở. Cửa tầu mở khoảng 30s, sẽ có 3 tiếng còi báo hiệu và cửa tầu sẽ đóng sau khi kết thúc báo hiệu. Trên mỗi toa tầu đều có hàng ghế dành riêng cho NKT ở đầu của mỗi dãy ghế để NKT tiện di chuyển, ra vào. Ở đâu, chúng tôi cũng nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ rất nhiệt tình của nhân viên công ty và các hành khách đi tầu.”.
Hiện nay, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đang áp dụng chính sách miễn, giảm tiền vé đi tầu điện cho NKT, theo Điều 12 Nghị định 28/2012/NĐ-CP. Để được miễn, giảm giá vé, NKT tật cần xuất trình Giấy xác nhận khuyết tật khi tới phòng bán vé tại các nhà ga.
Không thể phủ nhận, từ khi đi vào vận hành, tuyến tầu điện đô thị số 2A (đoạn Cát Linh - Hà Đông) đã giúp người dân thủ đô, trong đó có rất nhiều NKT có thêm một sự lựa chọn khi di chuyển, đi lại, thuận tiện hơn trong việc sinh hoạt, kinh doanh.
NKT tham gia giao thông trên tầu đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông
Hướng tới việc gia tăng người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng, giảm các phương tiện cá nhân, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050, mạng lưới đường sắt đô thị Hà Nội (Metro Hahoi) có 10 tuyến, tổng chiều dài 417,8 km (342,2 km cầu cạn kết hợp đi bằng và 75,6 km đi ngầm). Kỳ vọng của lãnh đạo Hà Nội là khi mạng lưới Metro Hahoi hoàn thiện sẽ gia tăng tỉ lệ người dân sử dụng phương tiện hành khách công cộng tới 35-45%, giảm thị phần người sử dụng phương tiện cá nhân tham gia giao thông xuống 30%; đóng góp vào sự phát triển kinh tế của Hà Nội, cải thiện môi trường đô thị, giảm thiểu tắc nghẽn giao thông. Khi đó, NKT tật sẽ dễ dàng hơn trong việc di chuyển, đi lại, mưu sinh, hòa vào dòng chảy chung của xã hội./.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.