Ghi nhận trong thực hiện sát nhập trường học tại huyện Trực Ninh (Nam Định)
![]() |
Ông Phạm Đình Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định đánh trống khai giảng năm học mới (2019-2020) tại Trường THCS Đào Sư Tích, thị trấn Cổ Lễ, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định. |
Nhà giáo ưu tú Đặng Xuân Hữu, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định cho biết: Để thực hiện Kế hoạch của UBND tỉnh và kế hoạch của Sở GD&ĐT tỉnh Nam Định về thực hiện Nghị quyết 19/NQ-TƯ ngày 25/10/2017 của BCH Trung ương Đảng (Khóa XII) về “Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức, quản lý, nâng cao chất lượng các đơn vị sự nghiệp công lập”, Phòng GD&ĐT huyện Trực Ninh đã xây dựng kế hoạch cụ thể, chủ động tham mưu với lãnh đạo huyện, trực tiếp chỉ đạo các nhà trường và phối hợp cùng các xã, thị trấn triển khai rà soát, quy hoạch, sát nhập các CSGD. Mục tiêu đề ra là giảm đầu mối trường học, tinh giản biên chế, sắp xếp lại mạng lưới trường lớp, đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông mới.
Được biết, thực tế ở huyện Trực Ninh cũng như các địa phương khác trên địa bàn tỉnh Nam Định đã xảy ra nhiều bất cập, khó khăn, liên quan đến nhiều đối tượng khi thực hiện sát nhập các CSGD. Tại nhiều địa phương việc phân cấp quản lý giáo dục còn bất cập nên chưa phát huy được tính chủ động, sáng tạo, tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của người đứng đầu các CSGD. Trong thực hiện đổi mới, sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế, còn bộc lộ lúng túng, khó khăn trước những câu hỏi như: Chọn hiệu trưởng theo tiêu chuẩn nào? Nếu không được bổ nhiệm thì giải quyết ra sao khi đang là hiệu trưởng xuống làm hiệu phó? Ở những xã đang có tới 3 trường tiểu học phải sát nhập thành một trường thì đâu là trung tâm, đâu điểm trường A, B, C?
Khi sát nhập, một số trường có số lượng học sinh rất lớn, số lớp học tăng cao. Điều này không chỉ liên quan đến hồ sơ, học bạ, sổ điểm mà còn ảnh hưởng cả đến việc công nhận đạt chuẩn quốc gia tại các nhà trường. Quy định về kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với trường tiểu học là có không quá 30 lớp, đối với trường THCS, THPT là không quá 45 lớp. Vậy sau khi sát nhập, những trường vượt quá số lớp so với quy định tại Thông tư 17,18,19 của Bộ GD&ĐT thì sẽ thực hiện như thế nào? Trường hợp hai trường sát nhập lại có một trường đã đạt chuẩn mức 2 còn một trường mới đạt chuẩn mức 1 thì sẽ thực hiện công nhận ra sao? Mặt khác, các điểm trường thường cách nhau khá xa, xác định đâu là nơi tổ chức các hoạt động toàn trường, nhất là đối với những trường có từ 1.000 đến 1.500 học sinh?
![]() |
Nhà giáo ưu tú Cao Xuân Hùng, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Nam Định trao Cờ thi đua “Đơn vị đạt giải Nhất toàn đoàn tại kỳ thi học sinh giỏi năm học 2018-2019” cho Phòng GD&ĐT huyện Trực Ninh. |
Đối với nhân viên kế toán, nhân viên y tế, thư viện, thiết bị chọn lựa ai làm, ai nghỉ trong khi sát nhập từ hai đến ba trường làm một? Riêng bậc học mầm non càng gặp khó khi chưa có văn bản định hướng, thống nhất nào về việc bố trí nhân viên kế toán cho nhà trường. Một bộ phận giáo viên, nhất là giáo viên môn ít giờ trước kia chỉ dạy một trường nhưng khi sát nhập phải dạy hai đến ba trường thì việc phân công, sắp xếp thời khóa biểu ra sao? Ngoài ra, các trường sát nhập còn phải đổi con dấu, hồ sơ, hoàn thiện sổ sách, trong đó có sổ BHXH, sổ theo dõi quản lý tài chính và hồ sơ thiết bị. Rõ ràng đây là một nhiệm vụ khó, phức tạp, liên quan trực tiếp đến quyền lợi, đời sống hàng ngày của 5 đối tượng chính tại các trường học (gồm cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh, phụ huynh) và ảnh hưởng cả đến một số đối tượng khác của cộng đồng xã hội.
Trước những khó khăn, bất cập nói trên, việc sát nhập các CSGD tại huyện Trực Ninh đã được lãnh đạo Sở GD&ĐT, thường trực Huyện ủy, HĐND, UBND huyện, cơ quan chức năng, ngành GD&ĐT huyện cùng các xã, thị trấn tập trung tháo gỡ. Cái khó khăn nhất, phức tạp nhất nhưng cơ bản nhất được xác định là phải tổ chức kiểm tra, rà soát, sắp xếp lại mạng lưới trường lớp đảm bảo đúng quy định gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao và phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội tại địa phương.
Sau khi kiểm tra, rà soát, có căn cứ, minh chứng rõ ràng, Phòng GD&ĐT huyện đề nghị lãnh đạo UBND huyện Trực Ninh ra quyết định sát nhập, điều động, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ. Đồng thời, tổ chức quán triệt về tư tưởng, nhận thức, mục đích ý nghĩa cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên về thực hiện sát nhập CSGD và mục tiêu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới từ năm học 2020-2021. Huyện thực hiện chủ trương công khai, dân chủ, chọn lựa những người có đức, có tài, tâm huyết với nghề, có đủ năng lực trình độ, đáp ứng được yêu cầu đổi mới, sáng tạo. Việc làm này đã tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức, trách nhiệm, nền nếp, kỷ cương, phong cách làm việc của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên tại các nhà trường, trong đó nổi bật là vai trò người đứng đầu.
![]() |
Ông Lưu Văn Dương, Chủ tịch UBND huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định trao thưởng cho cán bộ quản lý, giáo viên giỏi tại hội nghị tuyên dương điển hình “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. |
Bằng sự nỗ lực vượt khó, cách làm sáng tạo, phù hợp thực tế, đến đầu tháng 7/2019, huyện Trực Ninh đã giảm được 18 trường học (từ 82 trường còn 64 trường, đạt tỷ lệ 21,9%). Đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên dôi dư của các trường hợp nhất được điều động, bố trí công việc phù hợp. Hiệu trưởng nhà trường đã giữ chức vụ hai nhiệm kỳ được luân chuyển, khắc phục cơ bản tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ. Việc xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đều chú trọng đảm bảo chất lượng, số lượng, đúng quy trình gắn với tinh giản biên chế. Tính ra, từ năm 2015 đến năm 2019 huyện Trực Ninh đã giảm biên chế được gần 10% cán bộ, giáo viên (246 người nghỉ hưu, trong đó có 57 cán bộ quản lý, giáo viên thuộc diện tinh giản biên chế), trên địa bàn huyện không xảy ra đơn thư khiếu nại tố cáo. Đồng thời, huyện Trực Ninh cũng đã lựa chọn được đội ngũ giáo viên dạy lớp 1 cho năm học 2020-2021. Những giáo viên này đều đáp ứng yêu cầu giảng dạy theo chương trình giáo dục phổ thông mới và có nhiệm vụ bồi dưỡng cho người dạy lớp 1 ở những năm tiếp theo.
Điều đáng ghi nhận nhất ở huyện Trực Ninh là tuy giảm tới 18 trường học nhưng thực tế chỉ có 6 hiệu trưởng không được bổ nhiệm hiệu trưởng. Bởi lẽ từ năm 2017, huyện thực hiện chủ trương không bổ nhiệm hiệu trưởng mới mà chỉ giao phó hiệu trưởng phụ trách nhà trường, khi hiệu trưởng đương nhiệm được nghỉ hưu thì 6 cán bộ này được điều động, bổ nhiệm hiệu trưởng thay thế. Đây chính là cách làm hay, sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tế tại huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định. Ngành GD&ĐT trong cả nước cũng như các địa phương khác cần học tập, làm theo.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.