Gia đình truyền thống có ba thế hệ hoạt động cách mạng: Khi thơ viết trên báng súng!

2020-04-23 10:18:17 0 Bình luận
Ngôi nhà nhỏ bé của đồng chí Trần Văn Giầu, nguyên là Chủ nhiệm Kho 743 Tổng cục Hậu cần, nằm khiêm tốn trên tòa chung cư C1 Xuân Đỉnh (phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội) luôn rộn rã tiếng cười nói của những người đồng đội và những vị khách dành tình cảm yêu mến, kính phục ông.

Vợ chồng ông Trần Văn Giầu – bà Bà Lã Thị Tuyết.

Làng quê nghèo – giấc mơ lớn

Đồng chí Trần Giầu sinh ra và lớn lên tại làng Cổ Viễn, xã Hưng Công, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Bình Lục ngày ấy đâu trù phú và phát triển như bây giờ. Trong tâm trí ông, làng quê giống như hòn đảo vậy, quanh năm nước phủ trắng xóa. Leo tuốt lên ngọn cây cao, phóng tầm mắt xuống phía dưới thấy bốn bề nước phủ, trắng gợn đến nao lòng. Nơi đây, người dân chỉ cấy được một vụ lúa trong năm nên cái nghèo cứ bám dai dẳng những con người cần lao. Bởi vậy, người dân Bình Lục vùng chiêm trũng vẫn thường truyền nhau câu ca:

Bình Lục đồng trắng nước trong

Gạo cơm thì ít, rau rong thì nhiều.

Khổ là vậy, đói là vậy, quanh năm phải ăn rong ăn riềng nhưng cậu bé năm xưa vẫn quyết tâm đi học, quyết tâm trở thành người chiến sĩ cộng sản. Không phải lẽ tự nhiên mà ý chí, lòng quyết tâm theo đuổi con chữ, theo đuổi nghiệp “cầm súng” lại mãnh liệt đến như vậy! Chính thế hệ cha ông đi trước đã truyền cho cậu bé ngọn lửa vững tin vào Cách mạng. Vùng quê yên bình hiện dần lên qua lời kể của người chiến sĩ cộng sản năm xưa.

Đồng chí Trần Văn Giầu, nguyên là Chủ nhiệm Kho 743 Tổng cục Hậu cần.

Ngôi nhà gianh – “hoa tiêu” cách mạng

Khoảng những năm 1929, 1930, bà Nguyễn Thị Tân - nguyên phu nhân của ông Trần Tử Bình có tới nhà riêng và nhận bà Nguyễn Thị Hòe (bà nội của đồng chí Trần Giầu) làm con nuôi. Ngôi nhà tranh vách đất ấy trở thành cơ sở cách mạng, là nơi lui tới, bàn bạc công việc hoạt động kháng chiến của các chiến sĩ yêu nước ở Đồng bằng Bắc Bộ. Căn nhà gồm năm gian, tường bằng đất trát lên cùng phên nứa, mái nhà lợp bằng gianh đơn sơ như bao ngôi nhà khác. Hạ đến, ngôi nhà không che nổi tia nắng chói chang; còn khi mưa thì cực khổ vô cùng vì nước dột khắp nhà. Căn nhà gianh liêu xiêu trong nắng gió, nhỏ bé vô ngần giữa biển nước mênh mông. Nhưng ít ai biết đây là nơi hoạt động cách mạng của các bậc tiền bối yêu nước, nơi chứa trọn niềm tin, hy vọng rằng nhất định Việt Nam sẽ độc lập, thống nhất! Hà Nam có một ngôi nhà giản dị nhưng từng là “hoa tiêu”, là “trái tim” của rất nhiều người.

Đến thời cụ Trần Văn Lộc cùng các em trai là: Trần Văn Cam, Trần Văn Khuê tiếp tục hoạt động kháng chiến. Ngôi nhà vẫn sừng sững ở đó, dung dưỡng rất nhiều cán bộ, chiến sĩ. Theo lời ông Trần Giầu kể lại, lúc đó các cán bộ thường bí mật vào buồng trong để thảo luận. Họ đến rồi đi trong im lặng nhưng đôi mắt luôn ngập tràn niềm vui tươi, phấn khởi. Trong một lần thảo luận, bọn mật thám đã phát hiện ra căn nhà gianh và tiến hành vây bắt. Chúng đóng quân ở Nam Định, trèo thuyền ngược về phía làng Cổ Viễn trên dòng sông Châu Giang.

Một khung cảnh hỗn loạn, đau lòng diễn ra khi các bậc tiền bối bị bọn thực dân bắt đi. Lúc ấy, chỉ có đồng chí Hoàng Quốc Việt và đồng chí Trần Tử Bình nhanh chóng chạy thoát. Nhìn về phía xa xăm, ông Giầu nghẹn ngào: “Ông Phan Trọng Tuệ chạy ra vườn nhà phía sau thì bị vấp chân vào chiếc cọc giàn mướp nên ngã sõng soài, bầy thực dân ập tới trói lại. Buổi hôm đó, có rất nhiều các bậc tiền bối bị bắt đi, trong đó có cụ thân sinh của tôi và anh em ruột của cụ”. Sau khi áp giải, thực dân châm lửa thiêu rụi căn nhà.

Thực dân Pháp giải các chiến sĩ về Nam Định giam giữ. Dòng sông Châu Giang cuộn sóng như đang gào khóc, đau đớn với nỗi đau của dân tộc. Sau khi tra hỏi tại Nam Định không được, chúng đưa các đồng chí về giam tại nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội) khoảng hơn một năm rồi chuyển lên nhà tù Sơn La. Nhà tù Hỏa Lò lúc đó là nhà tù kiên cố bậc nhất Đông Dương lúc bấy giờ, được mệnh danh là “Địa ngục trần gian” mà chỉ nhắc tới thôi cũng khiến nhiều người khiếp sợ.

Các người tù chính trị phải sống trong nơi ngục lao tăm tối, chịu tra tấn dã man với điều kiện sống hết sức tồi tệ. Nhà tù chia thành các phòng giam khác nhau như: phòng tù nam, trại giam E, trại giam D, khu Cachot… Cai ngục cùm một chân của những người tù vào gông sắt; phòng giam ẩm thấp, tối tăm, bẩn thỉu vô cùng; vệ sinh tại cuối phòng giam khiến cho nhiều người tù mất vì căn bệnh kiết lị. Thức ăn gồm: gạo mọt, cá mè thiu, đậu phụ thối, thịt trâu dai như quai guốc… Nhiều người tù khi ăn thực phẩm đó đã chết vì bị phù tim. Cụ Trần Văn Lộc khi còn sống vẫn thường kể về những ngày tháng đắng cay đó, tới bữa ăn, cai ngục cho hết cá mè thối lấm đầy bùn đất, rác rưởi vào chảo, đổ nước đun lên:

Bữa ăn nào có những gì!

Sáng thì cá mắm, tối thì mè ươn.

Ông Trần giầu đến thăm nhà tù Hỏa Lò – nơi cụ thân sinh Trần Lộc bị giặc Pháp tra tấn dã man.

Trong hoàn cảnh khắc nghiệt ấy, những người tù cách mạng vẫn tổ chức các lớp học để trau dồi lý tưởng cộng sản, trau dồi ngoại ngữ, bàn thời cơ vượt ngục. Tra tấn với mọi hình thức man rợ nhưng không khai thác được thông tin nên Pháp lại đưa cụ Lộc lên nhà tù Sơn La. Đến năm 1945, khi Nhật đảo chính Pháp trên toàn cõi Đông Dương, nhận thấy thời cơ đã đến, các bậc tiền bối đã vùng lên phá ngục, vượt tù để trở về hoạt động cách mạng.

Với những đóng góp ấy, cụ Trần Văn Lộc đã được nhận đồng tiền vàng do Mặt trận Việt Minh trao; Huân chương Độc lập Hạng Ba; Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng cùng nhiều bằng khen khác. Sau năm 1960, người chiến sĩ cộng sản ấy góp sức mình xây dựng Hợp tác xã tại địa phương, ngôi nhà tranh giản dị ấy là nơi dung dưỡng các cán bộ cách mạng. Suốt cả cuộc đời, sống, chiến đấu hết mình, cụ Lộc là tấm gương kiên trung, bất khuất cho thế hệ con cháu học tập.

Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước

Ông Trần Giầu mất mẹ từ khi mới lọt lòng nên tuổi thơ thiếu tình yêu thương, sự chăm sóc của người mẹ. Cụ Lộc khi ấy vừa hoạt động cách mạng, vừa phải chăm sóc cho đàn con thơ mất mẹ nên cuộc sống thiếu thốn, vất vả trăm bề. Một phần ký ức suốt đời ông Giầu không quên và ứa nước mắt khi nhớ về:

Ta mất mẹ từ khi còn thơ dại

Cha ru ta bằng chiếc võng bện đay

Ta buồn tủi tứ mùa không có mẹ

Ta chơi vơi thèm từng giọt sữa.

Tiếp nối truyền thống gia đình, năm 1968, khi tròn 17 tuổi, ông Giầu nhập ngũ, tham gia kháng chiến chống Mỹ với lòng quyết tâm giết giặc cứu nước. Cậu thanh niên khi ấy đã dũng cảm xông pha tới Chiến trường C tại đất nước Lào để giúp đỡ nước bạn. 5 năm với bao kỷ niệm: vui có, buồn có, nhớ nhà nhớ quê, rồi cả phút giây đau đớn đến lặng người khi chứng kiến đồng đội hy sinh. Đó là những phần ký ức sẽ theo người lính già đến suốt cuộc đời, là một phần đặt nơi trái tim nhắc nhở ông những năm tháng đau thương mà vẻ vang! Đến năm 1979, ông tham gia trực tiếp vào trận chiến biên giới, chiến đấu với Trung Quốc ở Lào Cai. Lúc đó, ông Giầu là Tổng chỉ huy một trung đoàn gần 200 chiến sỹ áp tải vũ khí, đạn dược lên tỉnh biên giới.

Noi gương người cha đáng kính, cuộc đời đồng chí Trần Giầu cũng là một Khúc khải hoàn ca vang dội với nhiều trận đánh lẫy lừng khiến giặc quỳ gối xin hàng. Khi về hưu, đồng chí được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương chiến công Hạng Ba; Huân chương Kháng chiến Hạng 1, 2, 3 và nhiều giấy khen khác.

Những tấm ảnh đen trắng, bằng khen cùng kỷ vật được người chiến sĩ nâng niu, trân trọng.

Cụ Trần Văn Lộc (áo mai ô) đứng bên cụ Hoàng Quốc Việt (áo trắng, đội mũ), cụ Trần Tử Bình (áo trắng) và các cán bộ cách mạng khác.

Quãng thời gian tuổi già, ông sống hạnh phúc bên người vợ tào khang và con cháu. Thời gian rảnh rỗi, ông thổi sáo, ngâm thơ, trồng rau, nuôi gà. Hạnh phúc nhất là khi được gặp mặt đồng đội, được ôn lại những kỷ niệm hào hùng một thời trai trẻ. Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây; Bác đang cùng chúng cháu hành quân; Chiếc gậy Trường Sơn… - những bài ca đi cùng năm tháng lại vang lên qua tiếng hát của lớp thanh niên một thời “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”.

Cứ mỗi ngày cuối tuần, cháu nội, cháu ngoại lại quây quần, háo hức lắng nghe ông kể chuyện đời, chuyện người, chuyện đánh giặc cứu nước của gia đình. Những đôi mắt to tròn, long lanh lắng nghe với sự ngạc nhiên, trầm trồ và tự hào vô cùng! Trong một lần đứa cháu nội tò mò hỏi về những trò chơi thuở nhỏ, ông Trần Giầu trầm ngâm:

Tuổi thơ ông chỉ ước mơ

Lớn đi bộ đội, theo chân Bác Hồ…

Ước mơ giản dị vậy nhưng là lý tưởng mà suốt cả cuộc đời ông cũng như bao người chiến sĩ khác theo đuổi, nguyện trọn một lòng dốc sức vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Lấy nhau chẳng đặng thương hoài ngàn năm

Thời trai trẻ, chàng thanh niên Trần Giầu làng Cổ Viễn đã tìm hiểu và nên duyên với cô gái làng Phú Đa là bà Lã Thị Tuyết. Quen nhau tình cờ trên chuyến tàu đi Hà Nội, họ nhận nhau đồng hương rồi sau đó kết mối lương duyên vợ chồng. Khi ấy, họ ngại ngùng không nói nhiều lời, không hứa hẹn cũng chẳng ước thề, chỉ có đôi mắt trong xanh nói lên tất cả:

Cái buổi ban đầu lưu luyến ấy

Ngàn năm há dễ mấy ai quên.

Bà Lã Thị Tuyết – người vợ hiền thảo luôn là hậu phương vững chắc cho chồng.

Ông đàn, bà ca cùng nhau ôn lại chuyện tình thời son trẻ với nụ cười hạnh phúc.

Tìm hiểu nhau hơn ba năm với vô số lần mất liên lạc, không còn tin nhau giữa “mưa bom bão đạn” nhưng họ vẫn chờ đợi nhau với một lòng chung thủy sắt son. Cứ như vậy, họ bên nhau tuổi trẻ, nắm tay nhau qua bão giông và giờ là an yên cùng nhau già đi. Giá của cái nắm tay về già là bao nhiêu bão giông thời son trẻ. Chuyện đời người lính là vậy, giản dị, đơn sơ nhưng khiến thế hệ sau ngưỡng mộ vô cùng!

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Sun Symphony Residence - mảnh ghép hoàn thiện “bản giao hưởng” bên Dòng sông Ánh sáng

Ngày 12/5, hơn 2000 nhà đầu tư đã thăng hoa cùng “nốt sol” Sun Symphony Residence của bản giao hưởng bên sông Hàn - Dòng sông Ánh sáng tại sự kiện do Sun Property (thành viên Tập đoàn Sun Group) tổ chức đồng thời ở Hà Nội và Đà Nẵng
2024-05-13 18:20:32

Quảng Ninh: Động thổ xây dựng lại ngôi chùa cổ gần 500 năm tuổi tại Thị xã quảng Yên

Vừa qua, tại xã Liên Vị, Thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh đã diễn ra Lễ động thổ xây dựng chùa Lái (hay còn gọi là Linh Ngai Tự).
2024-05-13 15:24:20

Bí quyết thành công của quán kem trái cây tươi “chốt đơn” hàng nghìn que mỗi ngày

Xưởng kem thủ công của anh Tô Tuấn Anh tại quận Long Biên, thành phố Hà Nội sản xuất loại kem làm từ hoa quả tươi có xuất xứ từ Mexico. Thu hút thực khách nhờ hương vị trái cây “thật”, không sử dụng hương liệu, phẩm màu hay chất bảo quản, loại kem này nhanh chóng trở thành món ăn giải nhiệt được yêu thích vào mùa hè này.
2024-05-13 11:09:06

Hơn 12 năm hành trình ''Cơm 5.000 đồng Hà Nội''

Đều đặn mỗi sáng cuối tuần căn bếp ấm cúng tại căn nhà nhỏ trên phố Minh Khai lại lên lửa, hàng chục bạn trẻ nhóm Cơm 5000 Hà Nội cùng nhau xắn tay áo, chuẩn bị các xuất cơm đặc biệt lan tỏa đến các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn tại các bệnh viện lớn.
2024-05-13 10:52:54

Hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng mức chuẩn trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công

Thực hiện việc hoàn thiện thể chế, chính sách, điều chỉnh nâng mức chuẩn trợ cấp, phụ cấp ưu đãi theo hướng là mức cao nhất trong các chính sách xã hội, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội.
2024-05-13 10:36:53

Giá nhà chung cư Hà Nội quay về giá trị thực?

Sau một thời gian tăng giá chóng mặt với mức cao ngất thì đến thời điểm hiện tại, giá chung cư tại Hà Nội đã dần có sự điều chỉnh quay đầu, trở về với giá trị thực. Sự đảo chiều bất ngờ nhưng đúng quy luật này chính chỉ là chỉ dấu cho thấy cơn sốt giá chung cư ảo ở Hà Nội đã hạ nhiệt.
2024-05-13 09:26:56
Đang tải...