Góc khuất trong thực thi chính sách người có công với Cách mạng
Nhớ lại, những lời ruột gan của Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH Đào Ngọc Dung trên truyền hình trong buổi trao đổi đầu xuân Đinh Dậu về vấn đề giải quyết dứt điểm những hồ sơ tồn đọng trong năm 2017, thì những thương bệnh, bệnh binh, thân nhân gia đình liệt sĩ (LS) cũng thấy vơi đi nỗi đau mất mát về thể xác cũng như tình cảm mà họ đã, đang phải gánh chịu. Bộ Trưởng Đào Ngọc Dung nói: “… Tôi cũng nói thẳng: Người có công (NCC) nhiều người cũng già lắm rồi. Nếu chúng ta không giải quyết nhanh thì họ không có cơ hội để hưởng những chính sách của Đảng, của Nhà nước nữa đâu. Vì vậy nợ dân, mà đã là nợ thì phải trả…”.
Để triển khai thực hiện lời hứa trên, ngày 20/3/2017, Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH Đào Ngọc Dung đã ký ban hành Quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận NCC (kèm theo Quyết định số 408/QĐ-LĐTBXH). Đây là quyết định then chốt, làm cơ sở pháp lý để từng bước giải quyết hồ sơ tồn đọng xác định NCC.
Có thể nói, hiện nay các văn bản pháp luật về ưu đãi NCC đã thể chế hóa được chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với NCC, tạo môi trường pháp lý thuận lợi để chính sách đi vào cuộc sống, tạo sự đồng thuận xã hội cao, góp phần bảo đảm công bằng xã hội.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trao Bằng Tổ quốc ghi công cho các thân nhân liệt sĩ
Chính vì thể, chỉ trong 3 năm (2017-2019), cả nước đã có hơn 2 ngàn liệt sĩ và 2.600 thương binh được xác nhận mà phần đa là từ thời kỳ chống Pháp. Ghi nhận thành tựu trên, tại Lễ trao bằng Tổ quốc ghi công cho 468 liệt sĩ ngày 22/7/2019, tại Vĩnh Long, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã nói: “Đây là kết quả đáng biểu dương của Bộ LĐ-TBXH và các cơ quan, địa phương, cũng như sự tham gia tích cực của nhân dân trong quá trình xác nhận, giải quyết hồ sơ tồn đọng, là việc làm thực sự có ý nghĩa chính trị - xã hội sâu sắc và nhân văn”.
Tuy nhiên, do hậu quả của chiến tranh, vẫn còn nhiều trường hợp chưa được xác nhận và giải quyết chế độ. Nguyên nhân là do việc ban hành văn bản hướng dẫn chưa kịp thời, sự phối hợp giữa các cơ quan có liên quan trong việc giải quyết chính sách chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ. Cán bộ chuyên môn, nhất là ở cấp cơ sở chưa bảo đảm đáp ứng theo yêu cầu của công tác chính sách...
Nhìn vào quá trình thực thi chính sách ưu đãi NCC ở các cấp từ tỉnh, thành phố đến phường, xã thì mới thấy hết cảnh cơ cực của NCC đi làm chế độ ưu đãi mà Nhà nước dành cho họ. Thương binh chống Mỹ 2/4 Phạm Tuấn (tỉnh Bắc Giang) chia sẻ: những người lính tham gia trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước trở về, nay họ đa phần đều ở lứa tuổi trên 60, 70, 80 tuổi, trình độ văn hóa chủ yếu là lớp 6 lớp 7, có người chỉ mới học tới lớp 3, lớp 4 thời xưa. Người lính già họ sống rất vô tư, độ lượng lắm. Họ rất tôn trọng nghĩa tình đồng đội, sống cởi mở, chân thành, thương yêu nhau những ngày tháng còn lại. Mặc dù tuổi cao, sức yếu, nhưng họ sẵn sàng bỏ việc nhà và xa gia đình cùng nhau vào rừng, sang biên giới nước bạn (Lào, Campuchia) tìm nơi chôn cất những liệt sỹ cùng đơn vị để giúp thân nhân gia đình họ đưa liệt sĩ về an táng ở nghĩa trang liệt sĩ quê nhà. Hay đóng góp tiền giúp những đồng đội bị thương nhưng chưa có chế độ để họ và thân nhân của họ trở lại chiến trường xưa xin xác nhận để bổ sung vào bộ hồ sơ đi giám định… Ngược lại, họ rất ghét sự giả dối, sự thiếu công bằng trong xã hội. Họ sẵn sàng phát hiện và tố giác những người giả mạo giấy tờ nhằm thụ hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước.
Hay như ông Trần Hải, CCB tinh Thái Bình, nhận xét: Chiến tranh đi qua đã hơn 40 năm, việc lưu giữ hồ sơ gốc của người tham gia hoạt động ở chiến trường gặp rất nhiều khó khăn. Người thì bị mất do bảo quản không tốt với đủ các loại lý do; ngay như người còn lưu giữ được các tài liệu gốc khi ra quân thì đến nay cũng bị nhàu nát, phần chữ in hoặc viết tay cũng đã mờ không thể đem photo và đi công chứng được.
Nói về sự vô cảm của những người thực thi chính sách thì quá phổ biến. Chính đức tính này của họ đã làm cho không biết bao nhiêu bộ hồ sơ cứ nằm mãi trong ngăn tủ, không chịu ra khỏi lũy tre làng. Ông Lê Mạnh Hải ở khu phố Bê tông, xã Đạo Tú, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phú tâm sự: “Tôi nộp hồ sơ đã 10 năm nay nhưng từ khi nộp hồ sơ đến nay tôi không hề nhận được thông báo gì từ các cơ quan chức năng là hồ sơ thiếu hay đủ và có được hưởng chế độ hay không.? Có người gợi ý tôi “bôi trơn” để hồ sơ được xét duyệt, tôi không đồng ý, được thì được không được thì thôi, mình đi chiến đấu bị phơi nhiễm thật, sao lại phải “bôi trơn” để lấy chế độ”. Đồng cảm với suy nghĩ đó của ông Hải, ông Cường Hội CCB Hà Nội nói: Tôi lăn lộn ở chiến trường Quảng Trị từ 1969 đến 1974, đã nhiều lần bị thương, bị nhiễm chất độc hóa học, hồ sơ gốc còn giữ nguyên, nhưng do không bị tiểu đường type 2 nên hồ sơ không được tiếp nhận. Nhưng nếu bỏ ra 20 triệu đồng là có ngay chế độ ưu đãi… Có thể nói NCC đang được hưởng chính sách này phải đến 30-40% là chạy, chứ chưa muốn nói là giả.
Hay như chuyện hơn 200 thanh niên nam nữ của thành phố Uông Bí lên đường làm nhiệm vụ mở đường biên giới phục vụ chiến đấu (từ ngày 12/11/1984 đến 24/01/1987) đã bao năm làm đơn gửi các cấp có thẩm quyền giải quyết từ cấp thành đội Uông Bí, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Ninh, đến Bộ Tư lệnh Quân khu 3, song đến nay vẫn chưa có kết quả. Trong đơn họ viết: “…Trong khi đó, anh chị em ở Đông Triều, Quảng Yên - Những người cùng đi một đợt và cùng chịu sự lãnh đạo của Đồng chí Nguyễn Văn My (Nguyễn My) sinh năm 1948 là Phó Bí thư Tỉnh đoàn Quảng Ninh khóa IV (1982 - 1986), kiêm Tổng đội trưởng Tổng đội thanh niên hỏa tuyến Quảng Ninh làm đường biên giới năm 1984 như chúng tôi thì lại được hưởng chế độ theo Quyết định số 49/2015/QĐ - TTg ngày 14/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ.”.
Đáng buôn hơn cả phải nói tới hành trình đi “đòi” quyền lợi cho cụ Trần Văn Căn sinh năm 1927, nhập ngũ 1952, hy sinh 1953 của bà Phạm Thị Thạch (tức Nụ) cháu dâu cụ Căn. Cũng chỉ vì mất giấy tờ mà bà Nụ đã phải chạy ngược, chạy xuôi hơn 10 năm trời tốn bao chi phí để thay mặt dòng họ đi tìm các nhân chứng sống biết về sự hy sinh của cụ Căn để làm chứng. Song, nhân chứng thì đã gặp, chứng nhận thì đã có và đã lập hồ sơ gửi đi theo chỉ dẫn của cơ quan chức năng có thẩm quyền, song cụ Trần Văn Căn hy sinh đã 67 năm vẫn chưa được suy tôn là liệt sỹ.
Rồi như hành trình gần 30 năm theo đuổi vụ khiếu nại của Nguyễn Quang Hường (sinh năm 1952), quê quán Hải Phòng, nguyên cán bộ Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ (nay là Phòng cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt). Hiện thường trú tại 350 Nguyễn Trọng Tuyển, Phường 02, Quận Tân Bình, Tp.Hồ Chí Minh. Ông Hường đã phải chịu cảnh hết thư đi, thư lại, cũng như phải chịu cảnh đau đớn giày vò thân xác vì vết thương cũ của viên đạn còn găm trong người hơn 43 năm nay, nhưng tất cả đổi lại chỉ là con số không vì cách giám định thương tật và văn bản hướng dẫn thực hiện chính sách đối với NCC của Bộ Công An.
Tương tự như hoàn cảnh trên, điều tra viên Trần Hậu Kiêm, thuộc CSĐT Công an tỉnh Đăk Nông cũng gian nan trong việc làm thủ tục công nhận là thương binh. Mặc dù, ngày 14/4/2009, CA tỉnh Đăk Nông đã có công văn kết luận: Đồng chí Trần Hậu Kiêm đang thực hiện điều tra vụ án “Vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng” bị chặn đường ném đá gây tỷ lệ thương tật 41% (có kết luận giám định y khoa kèm theo) là đúng thực tế kèm theo hồ sơ tài liệu có nội dung phản ánh bị thương trong lúc đấu tranh chống tội phạm được chuyển đến Vụ Tổ chức Cán bộ, Bộ CA. Song, Bảo hiểm Bộ CA không ra quyết định cấp giấy chứng nhận thương binh cho đ/c Kiêm mà ra quyết định trợ cấp tai nạn lao động, do đó đ/c Kiêm không đồng ý và quyết tâm đi đòi quyền và lợi ích chính đáng của mình đúng theo quy định của Nhà nước ban hành.
Còn về việc tuyên truyền chính sách TBXH cũng nhiều chuyện để nói. Nói về vấn đề này ông D, CCB ở Hà Nội tâm sự: Hình như những văn bản pháp luật của Chính phủ, các Bộ, ngành ban hành ra chỉ để cho những người thực thi chính sách biết, còn những người lính như chúng tôi thì ít biết lắm. Chính vì công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật kiểu này nên đã biến chính sách “đền ơn đáp nghĩa” của Đảng, Nhà nước trở thành một kiểu “ban ơn” không hơn không kém.
Trong khi những người tham gia chiến đấu, bị thương và bị nhiễm chất độc hóa học, sức khỏe suy yếu, chỉ do thất lạc giấy tờ mà gian nan trong khâu xác nhận để được thụ hưởng chế độ chính sách đối với NCC, thì trên thực tế vẫn tồn tại những người không tham gia chiến đấu, không hoạt động ở vùng bị ảnh hưởng chất độc hóa học, song họ vẫn được cấp thẻ thương binh và được hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng do bị nhiễm chất độc da cam.
Nhằm khắc phục tình trạng lợi dụng chính sách để khai man, gian lận hồ sơ hưởng chế độ ưu đãi NCC, Bộ Lao động – TBXH đã phối hợp với các Bộ, ban, ngành có liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý các sai phạm trong lĩnh vực NCC. Việc xem xét xác nhận thương binh theo qui định mới đã hạn chế tối đa những trường hợp man khai, làm chứng tùy tiện vô trách nhiệm dẫn đến xuất hiện vấn nạn “thương binh giả” như các phương tiện thông tin đại chúng đã nêu. Tuy nhiên qua tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đã phát hiện nhiều hình thức giả mạo giấy tờ, lợi dụng chức vụ cố tình làm sai qui định.
Bộ trưởng trao các bằng khen tới tập thể, cán bộ thanh tra ngành LĐ-TB&XH
Để công tác thực thi chính sách ưu đãi NCC với cách mạng ngày càng nâng cao về chất lượng, hạn chế tới mức thấp nhất hành vi gian lận, sách nhiễu đối với những đối tượng NCC, Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền từ trung ương đến địa phương cần quan tâm thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất, giải quyết, tháo gỡ kịp thời những vấn đề vướng mắc về điều kiện, tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục, hồ sơ xác nhận NCC với cách mạng; nghiên cứu, bổ sung một số trường hợp NCC với cách mạng chưa được hưởng chế độ, chính sách; bổ sung chính sách ưu đãi đối với thân nhân NCC với cách mạng; một số quy định về chế độ ưu đãi NCC với cách mạng và thân nhân quá thấp, bất hợp lý; chưa bảo đảm cân đối, hài hòa về mức độ cống hiến giữa các diện đối tượng là NCC với cách mạng.
Thứ hai, cần rà soát, sửa đổi và chuẩn hóa các quy định về điều kiện, tiêu chuẩn để đảm bảo tôn vinh danh hiệu người có công với cách mạng đảm bảo đúng đối tượng, mức độ cống hiến và chấn chỉnh tình trạng lợi dụng chính sách ưu đãi người có công để trục lợi.
Thứ ba, bảo đảm tính khả thi của chính sách và tính công khai, minh bạch trong quy trình, thủ tục giải quyết hồ sơ, giấy tờ để phù hợp với điều kiện, bối cảnh đất nước trong từng giai đoạn lịch sử cách mạng, từng thời kỳ kháng chiến, đặc điểm lịch sử địa lý của từng vùng miền trong kháng chiến. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về lĩnh vực NCC.
Thứ tư, cần bổ sung chính sách ưu đãi đối với thế hệ thứ 3 của người hoạt động kháng chiến liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học.
Thứ năm, bổ sung chế độ đối với vợ hoặc chồng liệt sĩ đã tái giá.
Cuối cùng, theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH Đào Ngọc Dung thì “Ngành cần kết thúc xong việc rà soát hơn 320.000 hồ sơ hưởng chế độ do nhiễm chất độc màu da cam trong năm 2021. Đây là vấn đề có nhiều nhức nhối và nguy cơ trục lợi ở nhiều địa phương”./.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.