Hà Nội: Học sinh THCS Ninh Hiệp bịt mặt đi học như du kích
Phản ứng trước quyết định thu hồi bãi gửi xe cạnh chợ Nành để xây dựng Trung tâm thương mại của UBND xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm (Hà Nội), hàng ngàn người dân mà phần lớn là các tiểu thương buôn bán ở chợ đã kịch liệt phản đối.
![]() |
Trường vắng hoe vì học sinh bị ngăn cản không cho đến trường |
Họ không chỉ cùng nhau tụ tập tổ chức để phản đối trước cửa UBND xã mà còn tụ tập trước các cổng trường học để ngăn cản, không cho học sinh đến trường.
Sự việc này có tác động không nhỏ đến công việc học tập của các em học sinh cũng như công tác giảng dạy của giáo viên trong trường THCS Ninh Hiệp và trường Tiểu học Ninh Hiệp trên địa bàn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng giáo dục của địa phương.
Trao đổi với PV báo Infonet, cô NguyễnThị Minh Hồng, tổng phụ trách trường THCS Ninh Hiệp cho biết: “Sáng ngày 21/12, khi tới trường giảng dạy như mọi ngày tôi thấy trước cổng trường dân cư tụ tập đông đúc và ngăn cản không cho học sinh vào trường.
Một số em đã tìm mọi cách để vào trường học nhưng lại bị người dân lôi ra khiến cho công tác giảng dạy của nhà trường bị gián đoạn.
Đến chiều ngày 21/12 thì đã có được hơn 10 em vào được trường học. Tình trạng trở nên khả quan hơn khi đến chiều ngày hôm sau, tức ngày 22/12 đã có hơn 100 học sinh và đến ngày thứ ba, tức ngày 23/12 đã có xấp xỉ 300/940 học sinh vào được lớp học”.
Con em đi học như đi đánh du kích
![]() |
Đó là thực trạng đang diễn ra tại trường THCS Ninh Hiệp. Có những học sinh, vì hiếu học và mong muốn đến trường nên đã vượt qua cả sự ngăn cản của cha mẹ để đến lớp. Vì sợ bị phát hiện sẽ bị bố mẹ mắng nên rất nhiều học sinh đeo khẩu trang kín mít để người lớn không biết mình là con cháu nhà ai.
Có những em đến trường chỉ mang vẻn vẹn một quyển vở và chiếc bút nhét vào trong áo khoác để người khác không biết là mình đang đi học. Chỉ có thế các em mới có thể lọt qua “vòng vây” của người lớn để tiếp tục học tập.
“Mỗi ngày đi học của các em chẳng còn là một ngày vui mà là một ngày đầy những thấp thỏm, lo lắng hơn cả đi đánh du kích”, cô Hồng tâm sự.
Không chỉ có học sinh gặp khó khăn trong việc đến trường mà ngay cả giáo viên muốn vào được trường cũng phải vượt qua bức tường rào dày đặc mang tên “người dân”.
Cô Nguyễn Thị Minh Hồng chia sẻ, thầy cô muốn vào được trường thì phải xin phép người dân, phải trình bày, giải thích mình là giáo viên trong trường và mong muốn người dân cho mình vào để hoàn thành nhiệm vụ, trách nhiệm của một người giáo viên.
Cô Hồng cũng cho biết thêm, có những lúc còn bị dọa nạt và phải nghe những ngôn từ không một chút văn hóa nào. Mặc dù rất khó chịu, căng thẳng, bức xúc thậm chí là buồn phiền, tự ái và tổn thương nhưng cũng không thể nói ra. Trong trường THCS Ninh Hiệp, không chỉ cô Hồng mà hầu như tất cả các giáo viên trong trường đều rơi vào tình trạng như thế. Điều này ảnh hưởng rất lớn tới tâm lý các thầy cô.
Những ngày gần đây, mỗi ngày đến trường của cả học sinh lẫn giáo viên trường THCS Ninh Hiệp đều là những ngày căng thẳng và đầy khó khăn nhưng tất cả đều cố gắng để duy trì việc học tập cũng như giảng dạy. Hi vọng rằng, sự việc sẽ sớm được giải quyết để mỗi ngày đến trường của các em học sinh thực sự là một ngày vui và hào hứng.
Chia sẻ với báo chí, bà Lê Thị Thúy Hồng, phó trưởng phòng GD&ĐT huyện Gia Lâm (Hà Nội) cho hay: “Trước tình trạng nhiều phụ huynh “ép” con em nghỉ học để phản đối việc xây trung tâm thương mại, đại diện phòng GD&ĐT huyện Gia Lâm đã huy động cán bộ công nhân viên tại trường làm công tác vận động để phụ huynh cho các cháu tới trường.
Tuy nhiên, dù là bất cứ lí do nào mà để ảnh hưởng đến việc học tập thì người đầu tiên chịu thiệt thòi là các học sinh. Nếu sự việc tiếp tục kéo dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc học của các cháu bởi đây đang là thời điểm các cháu thi học kì 1”.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.