Hai ngày cuối cùng không quên ở Trại Davis-Phần 2

2023-05-03 11:14:35 0 Bình luận
Sau trận ném bom của tốp máy bay A.37, cuộc sống ở Trại Davis nhanh chóng trở lại bình thường. Bữa ăn tối hôm ấy của đơn vị có món thỏ rô-ti, chẳng có gì là cao sang nhưng được coi là “món ăn tươi” và mọi người ăn rất ngon miệng...

Tiếng cười nói râm ran xen lẫn những lời bình luận sôi nổi về “món đặc sản” mà tốp máy bay A.37 do người Mỹ chế tạo vừa “thết đãi” đám tay sai Sài Gòn. Ai cũng nói trận ném bom là do lính không quân Sài Gòn phản chiến. Lực lượng không quân mà phản chiến vào thời điểm này có nghĩa là nội bộ của chúng đã rối loạn, điều đó sẽ rất có lợi cho cuộc tổng tấn công của đại quân ta. Thật không có gì vui hơn thế.

Buổi tối 28/4/1975, toàn đơn vị chúng tôi được lệnh ngủ dưới hầm và tổ chức cảnh giới cẩn thận, sẵn sàng chiến đấu. Đêm đó dường như dài hơn thường lệ. Mọi người thao thức, không sao ngủ được. Ai cũng có cảm giác chiến sự đã đến ngay sát đơn vị mình và có thể xảy ra ở Trại Davis bất cứ lúc nào. Nhưng tất cả đều bình tĩnh và sẵn sàng.

Bỗng có tiếng rít của đạn bay, rồi tiếng nổ đinh tai của pháo hạng nặng làm rung chuyển cả sân bay Tân Sơn Nhất. Chúng tôi được Ban Chỉ huy đơn vị thông báo pháo binh ta đã bắt đầu tấn công sân bay. Lúc đó là gần 4 giờ sáng ngày 29/4/1975.

Cả sân bay Tân Sơn Nhất chìm trong khói lửa. Những tiếng nổ ngày càng đanh hơn, dày hơn. Một số quả đạn pháo bay xèn xẹt trên đầu chúng tôi, rồi rơi xuống khuôn viên Trại Davis. Tiếng nổ xé tai, làm rung chuyển các căn hầm. Đất đá, mảnh đạn văng rào rào. Rồi đèn điện phụt tắt, nhưng sân bay vẫn sáng choang vì các đám cháy mỗi lúc một lan rộng ra. Đám lính Sài Gòn chạy tán loạn để tìm chỗ ẩn nấp. Chúng la hét trên máy bộ đàm: “Bọn Việt Cộng chuồn bằng đường hầm di mất tiêu rồi!”  

2 chiến sĩ của Đoàn ĐBQS ta cắm cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam lúc 9 giờ 30 phút sáng 30/4/1975 trên tháp nước của Trại Davis, điểm cao nhất ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất.

Sau những loạt đạn pháo đầu tiên, chúng tôi đã nhận được lệnh từ Ban Chỉ huy, rằng những người không có nhiệm vụ trực chiến phải ở dưới hầm để tránh thương vong. Trung sĩ Nguyễn Quang Hòa và Đại úy Nông Văn Hưởng đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ cảnh giới trên mặt đất. Đã xảy ra tổn thất đau thương, nhưng Đảng ủy đơn vị đã tính đến điều đó khi đưa ra quyết định bám trụ chiến đấu. Đơn vị chúng tôi ở trong căn cứ không quân Tân Sơn Nhất, là một trong 5 mục tiêu trọng điểm của Chiến dịch Hồ Chí Minh phải tấn công quyết liệt và làm tê liệt hoàn toàn. Nhưng trận địa pháo của ta đặt cách Tân Sơn Nhất hơn hai chục cây số, nên đạn lạc vào Trại Davis là điều khó tránh khỏi. Vô cùng tiếc thương đồng đội, nhưng chúng tôi phải bảo toàn lực lượng và vững tâm chiến đấu. Không ai biết cuộc chiến đấu còn kéo dài đến bao lâu.     

Đại pháo ta bắn vào sân bay Tân Sơn Nhất, lúc cấp tập, lúc cầm chừng, nhưng không lúc nào ngớt, suốt cả ngày và đêm 29/4/1975. Chúng tôi ở dưới chiến hào, phân công nhau quan sát từng động thái, dù là nhỏ nhất, của các trạm gác và các đơn vị lính dù ở bên kia hàng rào. Không có động tĩnh gì từ phía địch.

Gần nửa đêm 29/4/1975, một viên Trung tá của Sư đoàn dù Sài Gòn gần Trại Davis lập cập chạy sang xin gặp sĩ quan ta. Trong tâm trạng hoang mang cực độ, anh ta nói trong hơi thở đứt quãng: “Pháo của các ông bắn khủng khiếp quá... Xin các ông cho biết bây giờ chúng tôi phải làm gì?” Đồng chí sĩ quan ta bình tĩnh trả lời: “Bây giờ các anh nên trở về đơn vị và hạ vũ khí. Khi Quân giải phóng đến thì các anh nộp vũ khí và đầu hàng vô điều kiện. Nghe theo lời khuyên của chúng tôi sẽ tốt cho các anh đấy”. Viên sĩ quan dù Sài Gòn cun cút chạy về đơn vị.

Khoảng nửa đêm hôm đó, qua chiếc đài bán dẫn đặt dưới hầm, Ban Chỉ huy đơn vị đã theo dõi ông Dương Văn Minh yêu cầu các đơn vị quân đội Sài Gòn “cứ ở nguyên vị trí của mình, trong khi chính phủ đã cho người đi thương lượng với phía bên kia...” Ông Minh có biết đâu ba vị đại diện mà ông phái đến Trại Davis cuối chiều 29/4/1975 đang bị “mắc kẹt” ở căn hầm dự phòng của Ban Chỉ huy trong Trại Davis. Lúc họ xin gặp lãnh đạo phái đoàn ta để thảo luận chuyện “bàn giao chính quyền”, Đại tá Võ Đông Giang đã đồng ý tiếp họ với tư cách cá nhân và bảo họ về khuyên ông Dương Văn Minh đầu hàng ngay, bởi ông Minh “chẳng còn gì để mà thương lượng nữa”. Nghe ông Giang nói vậy, họ xin phép trở về Sài Gòn. Nhưng, do pháo binh của Quân Giải phóng bắn quá dữ dội nên họ đã ở lại để bảo đảm an toàn cho đến lúc pháo ngớt rồi trở về Sài Gòn.  

Sáng sớm ngày 30/4/1975, xung quanh Trại Davis vắng tanh. Con đường phía trước cổng ngập tràn những quân phục, giày da, mũ sắt, ba lô, quân hàm, quân hiệu của binh lính Sài Gòn. Họ đã tan rã và tháo chạy từ bao giờ.

Đại pháo của ta bắn cấp tập đến 8 giờ sáng, sau đó thưa dần và ngừng hẳn lúc hơn 9 giờ sáng. Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn và Đại tá Võ Đông Giang tiễn ba phái viên của ông Dương Văn Minh ra cổng để trở về Sài Gòn thì cũng là lúc một đơn vị mũi nhọn của Trung đoàn 24, Sư đoàn 10, Quân đoàn 3 của Quân Giải phóng tiến vào để tiếp quản Trại Davis. Hai chiến sĩ Phạm Văn Lãi và Nguyễn Văn Cẩn được lệnh trèo lên đỉnh tháp nước Trại Davis, điểm cao nhất ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, để treo lá cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng. Đây là một trong những lá cờ cách mạng đầu tiên được giương cao ở thành phố Sài Gòn. Lúc này là 9 giờ 30 phút sáng (giờ Sài Gòn) ngày 30/4/1975.   

Tất cả chúng tôi nhảy ào lên khỏi hầm, ôm chầm lấy nhau, siết chặt tay nhau, miệng cười rất tươi nhưng nước mắt lại cứ trào ra. Đó là phút giây sung sướng vô bờ, xúc động tột cùng của những người chiến thắng, sau 823 ngày đêm đấu tranh gian khổ trong vòng vây dày đặc của kẻ thù để buộc chúng phải thi hành các điều khoản về quân sự của Hiệp định Paris và những ngày chiến đấu cuối cùng cực kỳ căng thẳng của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Là những người lính ở tuyến đầu, mỗi người chúng tôi đều cảm thấy niềm hạnh phúc lớn lao là đã làm trọn lời hứa với Đại tướng, Tổng tư lệnh trước khi bước vào chiến dịch và được chứng kiến giờ phút trọng đại của cả dân tộc là giành được thắng lợi cuối cùng, trọn vẹn cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Hết.

*Tác giả nguyên là sĩ quan phiên dịch, từng tham gia các đợt trao trả tù quân sự và tù dân sự ở Lộc Ninh từ đầu năm 1973. Đầu năm 1974, ông được phân công vào Đoàn Đại biểu quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trong Ban Liên hợp quân sự Trung ương, có trụ sở tại Trại Davis trong sân bay Tân Sơn Nhất và công tác ở đó đến ngày 30/4/1975.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Chia sẻ về chữ “thật” của TH true MILK tại Diễn đàn Thương hiệu Quốc gia Việt Nam 2024

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng chất lượng sản phẩm và mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.
2024-04-19 17:55:22

Việt Nam nằm trong tốp đầu châu Á về đầu tư cơ sở hạ tầng

Ngày 18/4, trong khuôn khổ “Tuần lễ bền vững”, Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) đã tổ chức Phiên thảo luận cấp cao về Thúc đẩy phát triển bền vững thông qua kết nối cơ sở hạ tầng.
2024-04-19 11:24:44

Giải pháp phát triển nhà ở xã hội

Để hướng tới mục tiêu một triệu căn hộ trong 10 năm nhằm giải quyết nhu cầu nhà ở cho người có thu nhập thấp và công nhân, Bộ Xây dựng cần chủ trì phối hợp với các địa phương để có đánh giá tổng thể về nhu cầu nhà ở theo từng phân khúc, để có tham mưu cơ chế chính sách sát thực tế.
2024-04-19 09:57:41

Việt Nam và Australia hợp tác phát triển thị trường điện cạnh tranh

Ngày 17/4, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam và Cục Điều tiết Điện lực Việt Nam (ERAV) đã ký biên bản ghi nhớ (MoU) về hợp tác nhằm hỗ trợ phát triển thị trường điện cạnh.
2024-04-19 09:47:51

Standard Chartered Việt Nam và Hoa Kỳ hợp tác đầu tư năng lượng sạch

Ngày 16/4, Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam công bố việc ký kết Bản ghi nhớ giữa Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam, với cam kết thúc đẩy tài chính xanh và phát triển ngành năng lượng sạch tiên tiến tại Việt Nam.
2024-04-19 09:42:00

Hải Phòng chi hơn 1,3 tỷ đồng tặng quà thân nhân liệt sỹ, chiến sỹ Điện Biên

UBND TP. Hải Phòng ban hành Kế hoạch 93/KH-UBND về triển khai các hoạt động thăm, tặng quà thân nhân liệt sỹ, chiến sỹ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, là những người đã có nhiều cống hiến, hi sinh… trong chiến dịch lịch sử.
2024-04-19 08:15:51
Đang tải...