Hải Phòng: Triển khai nhiều giải pháp nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống của người khuyết tật
Ngoài ra, NKT ở Hải Phòng còn được hỗ trợ về nhà ở, giáo dục, y tế, tiếp cận giao thông và các công trình xây dựng; được hỗ trợ dạy nghề, việc làm, vay vốn ưu đãi để làm kinh tế và hỗ trợ sinh kế...
Năm 2020, TP. Hải Phòng chi hơn 518 tỷ đồng để hỗ trợ những người thuộc diện hưởng trợ cấp BTXH hàng tháng. Ảnh Internet
Chia sẻ về công tác chăm sóc NKT, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Lê Khắc Nam phát biểu: TP. Hải Phòng luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo ưu tiên cho lĩnh vực an sinh xã hội, huy động được nhiều nguồn lực lớn trợ giúp các đối tượng yếu thế, trong đó có NKT, góp phần nâng cao đời sống cho đối tượng.
Thực hiện Quyết định số 1190/QĐ-TTg ngày 05/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình trợ giúp NKT giai đoạn 2021-2030; căn cứ Hướng dẫn số 3239/LĐTBXH-BTXH ngày 19/8/2020 của Bộ LĐTBXH, ngày 18/12/2020, UBND TP Hải Phòng đã ban hành Kế hoạch số 290/KH-UBND về thực hiện Chương trình trợ giúp NKT giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn thành phố.
Kế hoạch số 290/KH-UBND ra đời nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống của NKT; tạo điều kiện để NKT tham gia bình đẳng vào các hoạt động của xã hội; hỗ trợ NKT phát huy khả năng của mình để đáp ứng nhu câu của bản thân, từng bước tạo điều kiện thuận lợi cho NKT tham gia bình đẳng vào các hoạt động xã hội trên tất cả các lĩnh vực, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn thành phố.
Cụ thể, giai đoạn 2021 - 2025: Hằng năm, có khoảng 80% NKT tiếp cận các dịch vụ y tế; 70% trẻ em từ sơ sinh đến 6 tuổi được sàng lọc phát hiện sớm khuyết tật bẩm sinh, rối loạn phát triển và được can thiệp sớm các dạng khuyết tật; 2.000 NKT được phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng và cung cấp dụng cụ trợ giúp.
Phấn đấu 80% trẻ khuyết tật ở độ tuổi mầm non và phổ thông được tiếp cận giáo dục; có khoảng 3.000 NKT có nhu cầu và đủ điều kiện được hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm; 95% NKT có nhu cầu và đủ điều kiện được vay vốn với lãi suất ưu đãi theo quy định.
Có 80% công trình xây mới và 30% công trình cũ là trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước; bến xe, bến tàu; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; cơ sở giáo dục, dạy nghề, công trình văn hóa, thể dục thể thao; nhà chung cư xây mới bảo đảm điều kiện tiếp cận đối với NKT.
30% NKT có nhu cầu tham gia giao thông được sử dụng phương tiện giao thông đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật về giao thông tiếp cận hoặc dịch vụ trợ giúp tương đương; 100% NKT tham gia giao thông được miễn, giảm giá vé theo quy định; NKT tham gia giao thông đối với các tuyến đường bộ liên tỉnh được miễn, giảm giá vé 40%.
10% NKT được hỗ trợ tham gia các hoạt động văn hóa, nghệ thuật và biểu diễn nghệ thuật.
60% cán bộ làm công tác trợ giúp NKT được tập huấn, nâng cao năng lực quản lý, chăm sóc, hỗ trợ NKT; 30% gia đình có NKT được tập huấn về kỹ năng, phương pháp chăm sóc phục hồi chức năng cho NKT; 20% NKT được tập huấn các kỹ năng sống.
80% phụ nữ khuyết tật được trợ giúp dưới nhiều hình thức khác nhau.
Giai đoạn 2026 - 2030: Hằng năm, có khoảng 90% NKT tiếp cận các dịch vụ y tế dưới các hình thức khác nhau; 80% trẻ em từ sơ sinh đến 6 tuổi được sàng lọc phát hiện sớm khuyết tật bẩm sinh, rối loạn phát triển và được can thiệp sớm các dạng khuyết tật; 3.000 NKT được phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng và cung cấp dụng cụ trợ giúp phù hợp. 90% trẻ khuyết tật ở độ tuổi mầm non và phổ thông được tiếp cận giáo dục; phấn đấu 100% phụ nữ khuyết tật được trợ giúp dưới các hình thức khác nhau. Khoảng 3.500 NKT có nhu cầu và đủ điều kiện được hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm; 100% NKT có nhu cầu và đủ điều kiện được vay vốn với lãi suất ưu đãi theo quy định. 100% NKT có khó khăn về tài chính được cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý khi có nhu cầu.
Kinh phí thực hiện Kế hoạch bao gồm: (1) Ngân sách nhà nước theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành; lồng ghép thực hiện với các chương trình, đề án, kế hoạch khác có liên quan. (2) Đóng góp, hỗ trợ từ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước và từ nguồn thu hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
Để đạt được mục tiêu đã đề ra, TP. Hải Phòng thường xuyên tuyên truyền, phổ biến đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo chuyển biến sâu sắc về nhận thức, trách nhiệm trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân về công tác trợ giúp NKT, gắn với việc tổ chức thực hiện có hiệu quả các văn bản pháp luật có liên quan, trọng tâm là Luật NKT và Công ước của Liên hợp quốc về quyền của NKT. Theo đó, các ngành chức năng trong tỉnh tăng cường các hoạt động trợ giúp NKT trên các lĩnh vực y tế, giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm và hỗ trợ sinh kế…
Ngoài ra, thành phố còn chú trọng đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động trợ giúp NKT; nâng cao trách nhiệm của toàn xã hội trong việc chăm lo, giúp đỡ NKT và các tổ chức của NKT; vận động nguồn lực xã hội hỗ trợ cuộc sống NKT và các tổ chức của NKT.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.