Hạnh phúc đến từ nghị lực sống
Tìm
đến nhà anh Đỗ Văn Quảng ở xóm Hoà Bình, xã Công Lý, huyện Lý Nhân (Hà Nam)
chúng tôi thấy anh đang cặm cụi sửa chữa cái tivi. Hỏi ra mới biết hiện anh
đang làm chủ một cửa hàng sửa chữa, buôn bán đồ điện tử, điện dân dụng tại nhà.
Chính vì thế, khắp nơi trong nhà anh toàn đồ đạc về điện và máy móc như: loa,
đài, máy bơm, tivi, quạt điện. Với tay nghề vững và sự uy tín nên bà con trong xóm,
xã đều mang đồ đến nhờ anh sửa chữa.
Khi
được hỏi về nguyên nhân khiến anh trở thành người khuyết tật, anh Quảng chia sẻ:
Năm 9 tuổi, do hiếu kỳ xem người ta đánh nhau, không may chính anh lại trở
thành nạn nhân khi bị chai rượu văng vào chân khiến anh bị đứt gân chân và mất
rất nhiều máu. Từ khi bị tai nạn, việc đi lại của anh gặp rất nhiều khó khăn và
sức khoẻ ngày càng giảm sút. Cố gắng học hết cấp 2, anh không còn đủ sức khoẻ để
theo học tiếp do bị mắc chứng bệnh teo cơ, cơ thể cứ teo dần, lưng thì gù xuống.
Có thời kỳ anh không dám ra đường do mặc cảm, tự ti và cũng do anh không thể đi
lại được. Thế nhưng, với suy nghĩ mình phải học lấy cái nghề để có thể tự lập
cuộc sống nên anh đã khăn gói lên xã Bạch Thượng, huyện Duy Tiên học nghề sửa
chữa đồ điện tử tại một cửa tiệm. Để có thêm kiến thức, ngoài học thực hành trực
tiếp, anh còn mua thêm tài liệu để nghiên cứu và nắm vững phần lý thuyết. Học
nghề với một người bình thường đã khó huống chi với một người khuyết tật như
anh chẳng dễ dàng gì. Với lòng quyết tâm cao, sau một năm anh đã học thành nghề
và trở về gia đình bắt đầu nhận sửa chữa tivi, loa đài. Làm ngày không hết việc,
đêm anh làm thêm đến tận 1h sáng. Nhìn dáng anh ngồi sửa cái tivi cao hơn cả
thân hình mình, tôi thấy khâm phục nghị lực vươn lên của anh.
Nhiều
bậc phụ huynh trong làng xóm mến phục cái tài và nghị lực của anh nên đã gửi gắm
những cậu con trai đang tuổi ăn, tuổi nghịch không chịu học hành cho anh dạy
nghề và dạy cả cách làm người. Anh tâm niệm, chúng còn nhỏ, nếu không học chữ
thì phải học nghề mới không có thời gian sa đà vào những thói hư, tật xấu và tệ
nạn xã hội.
Khi
được hỏi về gia đình nhỏ của mình, nét mặt anh Quảng rạng ngời hạnh phúc. Hiện
anh đã có vợ và hai cô con gái xinh xắn, ngoan ngoãn, học giỏi. Vợ anh quê ở Vụ
Bản, Nam Định, phần vì thương anh ốm đau bệnh tật, phần vì mến phục nghị lực
vươn lên số phận của anh mà quyết định lấy anh trong sự phản đối kịch liệt của
gia đình. Lúc cưới nhau, anh mới ra nghề được 2 năm, cuộc sống vẫn còn nhiều
khó khăn, thương vợ anh lao vào làm việc ngày đêm mặc kệ cho điều kiện sức khoẻ
không được như người ta. Còn chị, hết lòng chăm sóc cho anh, vì thế mà sức khoẻ
của anh cũng dần ổn định. Anh nói: quyết định lấy chị là quyết định sáng suốt
nhất cuộc đời anh, bởi nếu không có tình thương, bàn tay chăm sóc của chị có lẽ
anh không được như ngày hôm nay.
Tạm biệt ngôi nhà luôn đầy ắp tiếng cười, tôi đã nhận ra được một điều: hạnh phúc, may mắn sẽ đến với những người luôn nỗ lực, biết vươn lên trong cuộc sống, ngay cả khi người đó là người khuyết tật.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.