Hiệu quả thực hiện chính sách tiền tệ nửa đầu năm 2018

2018-07-06 21:18:56 0 Bình luận
HOANHAP.VN - Bám sát các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành Chỉ thị 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2018, trong đó, định hướng tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 16%, tín dụng tăng khoảng 17%; đẩy mạnh triển khai hiệu quả Đề án cơ cấu lại các TCTD gắn với xử lý căn bản nợ xấu và các TCTD yếu kém; tiếp tục phát triển thanh toán không dùng tiền mặt; tăng cường việc ứng dụng các phương tiện thanh toán mới, hiện đại trên nền tảng công nghệ tiên tiến; đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán điện tử, thanh toán thẻ.

1. Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng

Điều hành chủ động, linh hoạt, thận trọng các công cụ chính sách tiền để điều tiết tiền tệ phù hợp với tình hình thị trường, hỗ trợ thanh toán hệ thống và đáp ứng nhu cầu thanh toán của nền kinh tế.

NHNN đã thực hiện chào mua giấy tờ có giá với khối lượng và kỳ hạn phù hợp với diễn biến thị trường và tình hình vốn khả dụng của các TCTD, nhất là thời điểm giáp Tết Nguyên đán để hỗ trợ các TCTD ổn định mặt bằng lãi suất huy động. Đồng thời, trong điều kiện vốn khả dụng dư thừa, NHNN đã thực hiện chào bán tín phiếu với kỳ hạn, khối lượng ở mức hợp lý để kiểm soát tiền tệ và tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước. Bên cạnh đó, NHNN điều hành công cụ tái cấp vốn phù hợp với chủ trương của Chính phủ, mục tiêu điều hành của NHNN và nhu cầu vốn của TCTD. Nhờ đó, thanh toán của hệ thống TCTD được đảm bảo, thị trường tiền tệ ổn định; Tổng phương tiện thanh toán trong nền kinh tế đến ngày cuối tháng 6/2018 tăng 7,96% so với cuối năm trước và tăng 17,35% so với cùng kỳ năm 2017, phù hợp với chỉ tiêu định hướng đề ra (tăng khoảng 16%).


Tập trung triển khai các giải pháp nhằm ổn định mặt bằng lãi suất, phấn đầu giảm lãi suất cho vay, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp và tăng trưởng kinh tế.

Trên cơ sở tình hình kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ, ngoại hối và cân đối tổng thể cung-cầu, NHNN đã điều chỉnh giảm lãi suất chào mua OMO từ 5%/năm xuống 4,75%/năm để hỗ trợ TCTD giảm chi phí vốn từ đó giảm lãi suất cho vay; Đồng thời, chỉ đạo các TCTD tiếp tục cân đối khả năng tài chính để áp dụng mức lãi suất cho vay hợp lý trên cơ sở lãi suất huy động và mức độ rủi ro của khoản vay, tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh daonh để có điều kiện giảm lãi suất cho vay nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng. Kết quả, mặt bằng lãi suất về cơ bản được tiếp tục duy trì ổn định, lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên tiếp tục giảm.

Hiện mặt bằng lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng phổ biến 4,3-5,5%/năm; 5,3-6,5%/năm đối với kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng khoảng 6,5-7,3%/năm. Lãi suất cho vay phổ biến khoảng 6-9%/năm đối với ngắn hạn, trung, dài hạn khoảng 9-11%/năm; đối với khách hàng có tình hình tài chính lành mạnh, có mức tín nhiệm cao lãi suất cho vay ngắn hạn chỉ khoảng 4-5%/năm. Các NHTM Nhà nước và một số NHTM cổ phần đã giảm khoảng 0,5%/năm lãi suất cho vay đối với các khach hàng tốt thuộc lĩnh vực ưu tiên.

Phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm ổn định giá trị đồng tiền, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

NHNN điều hành linh hoạt nghiệp vụ thị trường mở, góp phần ổn định thị trường tiền tệ, đảm bảo thanh khoản của các TCTD, qua đó, tạo điều kiện thuận lợi để Bộ Tài chính phát hành trái phiếu Chính phủ, hỗ trợ phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ; thường xuyên trao đổi với Bộ Tài chính các thông tin về diễn biến lãi suất trên thị trường tiền tệ, biến động thu-chi ngân sách nhà nước, biến động số dư tiền gửi Kho bạc và phối hợp chặt chẽ trong việc chuyển số dư tiền gửi của Kho bạc Nhà nước về NHNN để hỗ trợ ổn định thị trường tiền tệ.

2. Mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn chất lượng tín dụng, đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế

Trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2018 và mục tiêu lạm phát được Quốc hội, Chính phủ đặt ra từ đầu năm, NHNN đã xây dựng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng có điều chỉnh phù hợp với diễn biến và tình hình thực tế. NHNN đã thông báo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với từng TCTD trên cơ sở đánh giá tình hình hoạt động và khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh của từng TCTD; Chỉ đạo các TCTD mở rộng tín dụng có hiệu quả, chú trọng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như kinh doanh bất động sản, chứng khoán… đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng.

Để hỗ trợ TCTD cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn, NHNN đã ban hành Thông tư số 14 quy định các biện pháp hỗ trợ TCTD cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn gồm, cho vay tái cấp vốn, áp dụng tỷ lệ dự trữ bắt buộc NHNN quy định trong từng thời kỳ và các biện pháp khác theo quyết định của Thống đốc. Đồng thời, ban hành Quyết định 1158 về tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, trong đó tỷ lệ dự trữ bắt buộc tiền gửi VND đối với NHNo&PTNT Việt Nam và Ngân hàng HTX được điều chỉnh để đồng bộ với Thông tư 14.

 Phối hợp với các Bộ, ngành để xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách các chương trình tín dụng theo chủ trương của Chính phủ. Bên cạnh đó, NHNN tiếp tục triển khai một số chuơng trình tín dụng đặc thù đối với một số lĩnh vực, kết quả như sau: (1) Tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, đến nay đạt 1.405.045 tỷ đồng, tăng 7,2% so với cuối năm 2017 và chiếm tỷ trọng khoảng 21% dư nợ tín dụng nền kinh tế. (2) Cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Nghị quyết 30, đến nay đạt khoảng 37.400 tỷ đồng với hơn 18.000 khách hàng đang còn dư nợ (hơn 17.800 khách hàng cá nhân và 272 khách hàng doanh nghiệp). (3) Cho vay giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định 68, đến nay đạt dư nợ cho vay 4.731 tỷ đồng với gần 15.000 khách hàng còn dư nợ. (4) Chính sách hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ theo Nghị định 67 đến 31/12/2017 - thời điểm dừng ký kết mới hợp đồng cho vay đóng mới, nâng cấp tàu – các ngân hàng đã cho vay đóng mới, nâng cấp 1.178 tàu (1.032 tàu đóng mới, 146 tàu nâng cấp), chiếm 51,6% tổng số tàu cần đóng mới Bộ NN&PTNT phân bổ cho các địa phương, tổng số tiền cam kết cho vay đạt trên 11.700 tỷ đồng. Đến cuối tháng 5/2018, dư nợ cho vay theo chương trình đạt trên 10.720 tỷ đồng. (5) Chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp (DN) trong quý I/2018, có trên 300 buổi gặp gỡ, đối thoại giữa ngân hàng và DN, các ngân hàng đã giải ngân hơn 210.000 tỷ đồng cho hơn 20.000 DN và một số đối tượng khác; gia hạn nợ, cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ, giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay cũ cho gần 1.900 DN và gần 600 khách hàng khác. (6) Các chương trình tín dụng chính sách tại NHCSXH, tổng dư nợ các chương trình chính sách đạt 179.574 tỷ đồng, tăng 7.785 tỷ đồng so với năm 2017 (tăng 4,53%) với hơn 6,7 triệu khách hàng còn dư nợ. Dư nợ tập trung ở một số chương trình cho vay hộ nghèo đạt 38.965 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 21,69% tổng dư nợ), cho vay hộ cận nghèo đạt 30.345 tỷ đồng (chiếm 16,89% tổng dư nợ); cho vay hộ mới thoát nghèo đạt 24.756 tỷ đồng (chiếm 13,79% tổng dư nợ); cho vay học sinh, sinh viên đạt 14.375 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 8,2% tổng dư nợ); cho vay hộ gia đình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn đạt 19.062 tỷ đồng (chiếm 10,6% tổng dư nợ); cho vay nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn đạt 28.252 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 15,7% tổng dư nợ).
Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp nói trên, tín dụng toàn ngành tăng trưởng tốt ngay từ đầu năm. Đến nay tín dụng tăng 6,35% so với cuối năm 2017; trong đó tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ. Tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát chặt chẽ.

3. Điều hành tỷ giá, thị trường ngoại hối linh hoạt và tăng cường quản lý thị trường vàng

Trong bối cảnh thị trường trong nước và quốc tế có nhiều yếu tố thuận lợi, nguồn cung ngoại tệ trong nước tương đối dồi dào, NHNN đã chủ động điều hành tỷ giá trung tâm linh hoạt bám sát diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ, đồng thời, điều chỉnh linh hoạt tỷ giá mua ngoại tệ để mua ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối. Từ ngày 7/2/2018, NHNN bắt đầu niêm yết tỷ giá mua kỳ hạn 3 tháng để trì hoãn việc đưa tiền đồng ra mua ngoại tệ, góp phần kiểm soát nguồn tiền cung ứng trong khi vẫn mua được ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối, đồng thời giúp tỷ giá linh hoạt hơn, khuyến khích các DN sử dụng các sản phẩm phái sinh ngoại tệ để phòng ngừa rủi ro tỷ giá. Nhờ đó, tỷ giá và thị trường ngoại tệ nhìn chung ổn định, tỷ giá tăng ở mức thấp (so với cuối năm 2017 chỉ tăng khoảng gần 1%). Trong những ngày gần đây, tỷ giá có xu hướng tăng chủ yếu do tác động từ việc Fed tăng lãi suất, chỉ số USD có xu hướng tăng lên so với các ngoại tệ khác. Tuy nhiên, xu hướng này đã được NHNN chủ động lường đón và nằm trong tầm kiểm soát, không tác động mạnh đến hoạt động xuất nhập khẩu, thanh khoản thị trường vẫn đảm bảo, các giao dịch ngoại tệ diễn ra thông suốt, các nhu cầu mua ngoại tệ hợp pháp vẫn được đáp ứng đầy đủ, kịp thời. Hệ thống các TCTD mua ròng ngoại tệ từ khách hàng, NHNN mua được lượng lớn ngoại tệ bổ sung dự trự ngoại hối, đạt mức cao nhất từ trước đến nay, niềm tin vào VND được củng cố.

Thực hiện chỉ đạo của Quốc hội và Chính phủ, NHNN tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ để quản lý thị trường vàng nhằm chuyển hóa nguồn lực vàng vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Cụ thể là tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về quản lý thị trường vàng trong nước; theo dõi sát diễn biến thị trường vàng trong nước và quốc tế để chủ động, kịp thời có giải pháp điều hành phù hợp; tiếp tục tổ chức, sắp xếp lại thị trường vàng miếng; phối hợp với các Bộ, ngành chức năng có liên quan để quản lý thị trường vàng theo chủ trương, chỉ đạo của Quốc hội và Chính phủ; đẩy mạnh công tác truyền thông để tiếp tục tạo được sự đồng thuận của dư luận đối với các chính sách quản lý thị trường vàng của Nhà nước.

Bên cạnh đó, NHNN đang hoàn thiện Đề án “Giải pháp hạn chế tình trạng vàng hóa trong nền kinh tế nhằm chuyển hóa nguồn lực vàng thành tiền phục vụ phát triển kinh tế xã hội đến năm 2025”, trong đó xây dựng giải pháp quản lý thị trường vàng nhằm hạn chế vàng hóa trong nền kinh tế, giúp thay đổi thói quen nắm giữ vàng của người dân, hạn chế tình trạng sử dụng vàng làm phương tiện cất trữ và làm tài sản đầu tư, đầu cơ. Đây là tiền đề để thực hiện mục tiêu hạn chế tình trạng vàng hóa, khuyến khích người nắm giữ vàng tự nguyện bán vàng, qua đó từng bước chuyển hóa nguồn lực vàng thành tiền phục vụ sản xuất, kinh doanh.


Với những giải pháp đồng bộ, linh hoạt trong quản lý hoạt động kinh doanh vàng của NHNN, thị trường vàng những tháng đầu năm 2018 tiếp tục diễn biến ổn định, biến động của giá vàng trong nước không còn tác động bất lợi đến tỷ giá, thị trường ngoại hối và nền kinh tế vĩ mô; tình trạng vàng hóa trong nền kinh tế tiếp tục được hạn chế, nguồn lực vàng bước đầu đã chuyển hóa thành tiền phục vụ phát triển kinh tế xã hội.

Tóm lại, trong 6 tháng đầu năm 2018, NHNN đã tích cực chủ động phối hợp với các Bộ, ngành và chỉ đạo các đơn vị trong toàn ngành triển khai quyết liệt, linh hoạt, thận trọng và hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô và chỉ đạo của Chính phủ, như: đạt mục tiêu giữ ổn định mặt bằng lãi suất trong bối cảnh có sức ép tăng; lạm phát cơ bản tiếp tục được kiểm soát ở mức thấp; tỷ giá và thị trường ngoại hối ổn định, dự trữ ngoại hối Nhà nước tiếp tục tăng. Các chỉ tiêu tiền tệ, tín dụng diễn biến phù hợp với định hướng đề ra; tín dụng tăng ngay từ đầu năm nhưng vẫn đảm bảo chất lượng tín dụng. Công tác cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu được triển khai mạnh mẽ, theo đúng lộ trình, kế hoạch. Công tác thanh tra giám sát được tăng cường, chấn chỉnh, đảm bảo an toàn hệ thống, hỗ trợ tái cơ cấu và xử lý nợ xấu. Các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh và cải cách hành chính được triển khai tích cực. Các kết quả nêu trên đã góp phần giúp Việt Nam được Hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings nâng bậc xếp hạng tín nhiệm quốc gia từ BB- lên mức BB./.

​​​

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

CSGT Lào Cai dùng 'mắt thần' đặc biệt đối phó xe phóng ẩu

Quá trình làm nhiệm vụ, Tổ công tác Phòng CSGT Công an tỉnh Lào Cai đã dùng "mắt thần" phát hiện, ghi hình hàng loạt tài xế ô tô lái xe chạy quá tốc độ.
2024-11-25 11:03:24

VPBankS khẳng định vị thế số 1 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam

Hai giải thưởng Top 1 Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam ngành Dịch vụ tài chính khối Doanh nghiệp vừa và Top 100 Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam khối Doanh nghiệp là kết quả của sự nỗ lực chung của cả tập thể hơn 500 nhân sự của VPBankS.
2024-11-25 10:21:02

Từ chiến trường đến thương trường

Trong số những doanh nghiệp làm ăn giỏi trên địa bàn Hà Nội, có một doanh nghiệp khá đặc biệt. Ðó là Công ty Bao bì 27-7 Hà Nội, đơn vị Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, doanh nghiệp của những người thương binh và các đối tượng chính sách, do Tổng giám đốc là một thương binh năng động "chèo lái".
2024-11-25 09:47:14

Kỷ niệm 10 năm Dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh

Tối 23/11, tại Quảng trường Hồ Chí Minh (thành phố Vinh), tỉnh Nghệ An long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 10 năm Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại
2024-11-24 07:35:00

Phát hiện, xử lý nhiều thanh niên tụ tập gây rối trật tự công cộng

Công an thị xã Sa Pa đã kịp thời phát hiện, xử lý nhóm thanh thiếu niên có hành vi tụ tập đông người gây mất an ninh trật tự.
2024-11-23 13:52:22

Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ VII: Lan tỏa giá trị văn hóa và tri thức

Giải thưởng Sách Quốc gia – sự kiện văn hóa thường niên, đã trở thành biểu tượng của nền xuất bản Việt Nam, không ngừng lan tỏa giá trị tri thức, văn hóa và góp phần xây dựng xã hội học tập.
2024-11-22 22:15:00
Đang tải...