Họ Nguyễn Đức – Dòng họ tiêu biểu mang đậm hồn người xứ Kinh Bắc

2022-01-27 10:04:47 0 Bình luận
Bắc Ninh được biết đến với địa danh Kinh Bắc, vùng đất địa linh nhân kiệt giàu truyền thống văn hiến, khoa bảng và là nơi khai mở nền văn minh của người Việt cổ. Trải qua hàng nghìn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước, quân và dân Bắc Ninh đã có những đóng góp quan trọng vào thắng lợi chung của cả dân tộc. Cùng với đó, những giá trị về lịch sử, văn hóa, tâm linh; những võ công kiệt suất, mưu lược tài ba đã để lại dấu ấn riêng cho miền đất này và cho cả dòng tộc quê hương. Mộc mạc mà đầy trang nghiêm ẩn mình trên mảnh đất xã Chi Lăng (huyện Quế Võ), Lăng và Nhà thờ họ Nguyễn Đức vẫn đã và đang được dân gian truyền tụng muôn đời.

Bia đá chỉ dẫn vào khu di tích.

Dòng họ Nguyễn Đức là gia tộc lớn đến sinh cơ lập nghiệp tại thôn Quế Ổ, xã Chi Lăng, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh từ đầu thế kỷ XV và liên tục từ đó đến nay đã hơn 600 năm. Theo trường kỳ lịch sử, đây là thời kỳ độc lập tự chủ, hội tụ nhiều bậc anh hùng, hào kiệt, văn tài võ lược. Cũng đúng thời kỳ này dòng họ Nguyễn Đức đã nổi tiếng võ công lừng lẫy mà dấu ấn muôn thuở còn truyền.

Cổng vào Lăng 18 Quận công họ Nguyễn Đức.

Theo gia phả và các tài liệu nghiên cứu khoa học: Từ thời Lê sơ đến thời Nguyễn, dòng họ Nguyễn Đức có tới 22 vị võ tướng được phong tước Quận công, 76 vị được phong tước hầu, 5 vị được ban hôn lấy công chúa trở thành phò mã của vua là (Tuyên quận công, Hùng quận công, Hào quận công, Thụy quận công, Quế quận công), 2 vị đỗ Tạo sĩ, 2 vị đỗ Võ cử, 4 vị đỗ thi Hương...

Các tướng thuộc dòng họ Nguyễn Đức với tài năng võ lược xuất chúng đã góp phần đắc lực vào việc xây dựng, bảo vệ chính quyền và triều đình Lê – Trịnh; đánh đuổi giặc ngoại xâm, bảo vệ nền độc lập dân tộc; tiêu trừ bọn phản loạn, trộm cướp; khai mở đất hoang, lập ấp, đắp đê lấn biển, giúp dân yên ổn làm ăn. Đồng thời với truyền thống võ lược xuất chúng, phò vua, giúp nước, các cụ đã dày công tu nhân tích đức, thương người, bênh vực giúp đỡ người nghèo khó, gặp nạn,… và trở thành những anh hùng hào kiệt, nổi tiếng được các triều đình phong tước, ban bổng lộc, nhân dân biết ơn, tôn kính lập Đền, Miếu thờ… Với tài năng võ nghiệp xuất chúng và lòng trung thành vô hạn với triều đình, mẫn cán trong các trọng trách được giao, các võ tướng Nguyễn Đức đã được nhà nước phong kiến phong nhiều danh hiệu cao quý, danh gia vọng tộc.

Tổng thể khu di tích.

Quế Quận công – Nguyễn Đức Uyên là một trong những Quận công tiêu biểu của dòng họ Nguyễn Đức. Ông là người trí dũng song toàn, thủa nhỏ đã theo cha là Ân Quận công Nguyễn Đức Nhuận nam chinh đánh chúa Nguyễn Hiền, nhiều lần lập được công lớn. Khi ông mất, nhân dân địa phương suy tôn là thành hoàng và lập đền thờ, hàng năm cúng tế. Đương thời cụ Quế Quận công đã đứng ra xây công trình kiến trúc bằng đá xanh rất lớn ở Quế Ổ, xã Chi Lăng. Công trình này mang tính lịch sử, văn hóa và nghệ thuật cao, chất liệu cầu thành chủ yếu là đá; sự bài trí và các tư liệu phản ánh chân thật, rõ nét lịch sử xã hội đương thời nền nghệ thuật Việt Nam và truyền thống thượng võ của người Bắc Ninh – Kinh Bắc trong lịch sử. Đó chính là Lăng và Nhà thờ họ Nguyễn Đức hiện nay.

Lăng và Nhà thờ họ Nguyễn Đức vốn được khởi dựng từ lâu đời và đã qua nhiều lần tu bổ tôn tạo. Với những giá trị to lớn về người được thờ tự, Lăng và Nhà thờ 18 Quận công dòng họ Nguyễn Đức đã được Nhà nước công nhận là di tích Lịch sử văn hóa cấp Quốc gia, theo quyết định số 138/VHQĐ ngày 31/01/1992.

Đây là công trình tín ngưỡng văn hoá chứa đựng các giá trị nghệ thuật sâu sắc được xây dựng từ thời Lê, nhưng trong cuộc kháng chiến chống Pháp đã bị phá huỷ hầu hết các công trình xây dựng, chỉ còn lại một bia đá, 2 voi đá và 2 ngựa đá ở lăng mộ. Điều vô cùng quý giá là nhà thờ còn bảo lưu và sưu tầm được nhiều tài liệu cổ vật quý báu như: tộc phả, ngai, bài vị, tượng thờ, bia đá, hoành phi, câu đối... cho biết rõ ràng về tông tích của dòng họ Nguyễn Đức, cũng như lai lịch công trạng của các bậc Quận công của dòng họ đã có công lao to lớn với dân với nước trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.

Nơi thờ tự ở bên trong Lăng.

Đến năm 1994, dòng họ Nguyễn Đức đã xây lại nhà thờ với kiểu kiến trúc chữ nhị, nhà tiền tế 5 gian, hậu cung 3 gian. Nhà thờ tuy quy mô kiến trúc không lớn lắm nhưng có kiến trúc theo kiểu cổ truyền. Trong nội tự phần Hậu cung là nơi có án thờ 3 cấp. Ba gian giữa đều có cửa võng, chạm thủng “tứ quý hóa long” tinh xảo nghệ thuật, sơn son thiếp vàng lộng lẫy. Cửa mở ở ba gian giữa, hệ thống cửa thượng song hạ bản. Phía ngoài là sân gạch, tường bảo vệ bao quanh được đắp nổi “tứ linh” và cổng ra vào. Nhìn tổng thể, ngôi nhà thờ họ Nguyễn Đức có kiến trúc, nội tự và phong cảnh cổ kính, thâm nghiêm và tố hảo.

Lăng đá toạ lạc phía đông bắc làng Quế Ổ trên một thế đất cao đẹp, phía trước là dòng Thiên Đức (sông Đuống). Ngay phía cổng vào là đôi voi đá, ngựa đá, xếp vị trí đăng đối nhau qua đường thần đạo chạy vào ban thờ và bia đá. Ngựa đá cao 1,7m, dài 1,85m ở tư thế đứng trên bệ, có đầy đủ yên cương, chuông nhạc, miệng đóng hàm thiếc. Đôi voi đá kích thước cao 1m, dài 1,55m ở tư thế chầu vào nhau, phục trên bệ đá liền khối hình chữ nhật, tư thế phủ phục, vòi cuộn lại, hai ngà nhỏ, mắt hẹp, tai rộng hình quạt với 8 cánh lá xếp lại, 2 lỗ hình xoáy trôn ốc khá rộng, đuôi nhỏ vắt cong vào mông vừa mềm mại vừa khoẻ khoắn.

Tấm bia đá cổ ở phía sân của Lăng.

Ở sân của Lăng là một bia đá khối hộp chữ nhật cao 2,85m, rộng 1,9m, dày 1m. Dưới bia là bệ đá thờ chu vi 2x2,85m, trước mặt bia có khắc chữ thảo với nội dung “Phụng sai Đề lĩnh tứ thành quân vụ sự kiêm Lạng Sơn, Hải Dương, an quảng - đằng sứ trấn thủ quan, hậu nội cơ cai tham đốc Quế Quận công Nguyễn Đức Uyên, bi”. Bên trái mặt bia còn ghi “Tuế thứ Mậu tý niên, trọng đông tiết, cốc nhật tạo” - tức Ngày lành tháng 11 năm 1708. Các hiện vật tiêu biểu ở khu lăng tuy không nhiều về số lượng nhưng khá độc đáo về kích cỡ và nghệ thuật chạm khắc, tạo hình.

Anh Nguyễn Đức Lộc – một người con cháu thuộc dòng họ Nguyễn Đức hiện nay đang làm việc tại chính quê hương của mình.

Anh Nguyễn Đức Lộc là một người con cháu thuộc dòng họ Nguyễn Đức. Tuy xa quê từ nhỏ nhưng đến nay anh đã quay lại chính mảnh đất Quế Võ để làm việc. Anh chia sẻ: “Nối tiếp truyền thống thượng võ vẻ vang cha ông, tôi cùng các thế hệ con cháu dòng họ Nguyễn Đức rất đỗi tự hào, noi gương, ra sức học tập, công tác,… Để tỏ lòng biết ơn đối với các vị Võ tướng có nhiều công lao với đất nước và để lại cho hậu thế một sự nghiệp vinh quang, tôi đã về chính nơi đây làm việc để góp phần xây dựng quê hương mình ngày một tốt đẹp hơn. Qua đó, tôi mong muốn các thế hệ con cháu trong dòng họ của mình sẽ luôn tưởng nhớ, thờ phụng, tôn vinh và kính ngưỡng “tri ân tiên tổ”, “phải luôn tâm niệm vì đâu có mình”.”

Bên trong gian thờ tự tổ tiên của gia đình anh Nguyễn Đức Lộc từ thời xa xưa đến nay đã được bài trí rất trang nghiêm và linh thiêng.

Ngày nay, con cháu hậu duệ của dòng họ Nguyễn Đức rất đông ở trên khắp mọi miền đất nước. Phát huy truyền thống tốt đẹp của tổ tiên, nhiều người đã đỗ đạt và thành danh trên các lĩnh vực chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, giáo dục,… cũng như đang đóng góp hết mình vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương nói riêng và đất nước nói chung.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Cán bộ Xây dựng Đảng Hải Phòng tập huấn sử dụng phần mềm chuyên ngành

Ngày 12/11, Ban Tổ chức Thành ủy Hải Phòng tổ chức hội nghị tập huấn khai tác sử dụng hệ thống phần mềm chuyên ngành tổ chức Xây dựng Đảng. Đây là nội dung Chương trình hành động số 72-Ctr/TU về “Cải cách hành chính trong các cơ quan Đảng TP.Hải Phòng đến năm 2025”.
2024-11-13 06:46:51

Tín ngưỡng thờ Thành hoàng làng, nét đẹp trong văn hóa tâm linh của người Việt

Đình làng Khánh Tân thờ Trương Quý Lang Đại Vương. Ngài là hoàng tử thứ 6 con vua Hùng Tạo Vương (Hùng Vương thứ 16). Theo thần phả thì Ngài là người văn võ song toàn và có chí dũng hơn người.
2024-11-13 01:52:13

Bộ trưởng Công an yêu cầu xử lý dứt điểm tình trạng lạng lách, đua xe

Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang yêu cầu Công an TP Hà Nội xử lý dứt điểm tình trạng thanh thiếu niên tụ tập đua xe, lạng lách
2024-11-12 23:42:42

Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc tại xã Quảng Hải, thị xã Ba Đồn

Chiều ngày 12/11, bà Phạm Thị Giang Hà - Ủy viên Ban Thường vụ thị ủy, Trưởng ban tổ chức thị ủy đã đến dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2024 tại thôn Vân Nam, xã Quảng Hải, thị xã Ba Đồn.
2024-11-12 16:55:00

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội báo cáo Thủ tướng lịch nghỉ Tết 9 ngày liên tiếp

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cho biết, do đặc điểm năm 2025, trước và sau ngày nghỉ Tết Âm lịch đều là thứ Bảy và Chủ nhật, đây đều là ngày nghỉ hằng tuần của công chức, viên chức. Do đó công chức, viên chức được nghỉ 5 ngày nghỉ tết Âm lịch và 4 ngày nghỉ hằng tuần theo đúng quy định.
2024-11-12 11:12:43

Một số giải pháp thực tế giải quyết thách thức trong việc tiếp cận việc làm của người khuyết tật

Trong xã hội hiện đại, quyền tiếp cận việc làm không chỉ đơn thuần là một yếu tố trong hệ thống phúc lợi xã hội mà còn là biểu hiện cốt lõi của sự công bằng và bình đẳng xã hội, nhất là đối với các nhóm yếu thế như người khuyết tật (NKT).
2024-11-12 10:13:59
Đang tải...