“Hồ sơ tồn đọng”: Tiếng nói người trong cuộc
Đó là lời nói thẳng của Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH Đào Ngọc Dung trên truyền hình trong buổi trao đổi đầu xuân Đinh Dậu về vấn đề giải quyết dứt điểm những hồ sơ tồn đọng trong năm 2017. Để triển khai thực hiện lời nói trên, ngày 20/3/2017, Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH Đào Ngọc Dung đã ký ban hành Quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận NCC (kèm theo Quyết định số 408/QĐ-LĐTBXH).
Tại Quy trình này đã dành hẳn phần 2 quy định cụ thể về việc “Thành lập, kiện toàn các tổ chức giải quyết hồ sơ tồn đọng” từ Trung ương đến địa phương. Tại địa phương cũng phân rõ cho từng cấp độ như: tại cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; tại cấp quận, huyện, thị xã/thành phố trực thuộc tỉnh; tại cấp xã phường, thị trấn. Theo phân cấp này, Quy trình quy định rõ tại cấp xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã), UBND cấp xã có trách nhiệm:
“- Kiện toàn Hội đồng xác nhận người có công cấp xã do Chủ tịch Ủy ban nhân dân là Chủ tịch hội đồng, các thành viên gồm: Cán bộ lao động – thương binh và xã hội, quân sự, công an, y tế, đại diện Mặt trận Tổ quốc và các hội, đoàn thể: phụ nữ, thanh niên, nông dân, cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong, người cao tuổi, Hội Tù yêu nước hoặc Ban liên lạc chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày (nếu có).
-Khi tổ chức họp Hội đồng xác nhận người có công phải mời đại diện Ban chỉ đạo xác nhận người có công cấp huyện, đồng thời mời một số cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, các cá nhân có quá trình tham gia kháng chiến tham dự.”.
Có thể nói Quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận NCC (kèm theo Quyết định số 408/QĐ-LĐTBXH) là quyết định then chốt, làm cơ sở pháp lý để từng bước giải quyết hồ sơ tồn đọng xác định NCC.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Bộ trưởng LĐTB-XH Đào Ngọc Dung trao Bằng Tổ quốc ghi công năm 2022 cho các thân nhân liệt sỹ
Với tinh thần không để NCC nào không được công nhận, dù việc xem xét, xác minh thông tin gặp rất nhiều khó khăn, 5 năm qua (2017-2022) thực hiện quy trình xác nhận hồ sơ tồn đọng công nhận NCC, các ban, bộ, ngành đã giải quyết được trên 7.000 hồ sơ tồn đọng, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận và cấp Bằng Tổ quốc ghi công đối với trên 2.400 liệt sĩ (LS), trên 2.700 thương binh (TB), người hưởng chính sách như TB.
Tuy nhiên, do hậu quả của chiến tranh, vẫn còn nhiều trường hợp chưa được xác nhận và giải quyết chế độ. Nguyên nhân là do việc ban hành văn bản hướng dẫn chưa kịp thời, sự phối hợp giữa các cơ quan có liên quan trong việc giải quyết chính sách chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ. Cán bộ chuyên môn, nhất là ở cấp cơ sở chưa bảo đảm đáp ứng theo yêu cầu của công tác chính sách, không ít cơ sở và cán bộ giải quyết chính sách TBLS còn tắc trách, làm việc không công minh, vẫn còn mang tính bao thủ.
Theo TB 4/4 Trần Hải, tỉnh Thái Bình chia sẻ, thì còn một nguyên nhân không kém phần quan trọng trong việc giải quyết chế độ đối với NCC, đó là: Chiến tranh đi qua đã 47 năm, việc lưu giữ hồ sơ gốc của người tham gia hoạt động ở chiến trường gặp rất nhiều khó khăn. Người thì bị mất do bảo quản không tốt với đủ các loại lý do; ngay như những người còn lưu giữ được các tài liệu gốc khi ra quân thì đến nay cũng bị nhàu nát, phần chữ in hoặc viết tay cũng đã mờ không thể đem photo và đi công chứng được. Đấy là chưa kể đến sự vô cảm của những người thực thi chính sách TB-LS ở cấp cơ sở.
Là một TB chống Mỹ, hiện đang là Trưởng ban Bạn đọc của Tạp chí điện tử Hòa Nhập (cơ quan ngôn luận thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp của TB và NKT Việt Nam), nên tôi thường xuyên được tiếp cận hồ sơ, tài liệu của nhiều cán bộ, chiến sĩ đã từng tham gia chiến đấu, xây dựng bảo vệ Tổ quốc đi giải quyết chế độ để được công nhận là NCC với cách mạng cho mình và cho thân nhân gia đình mình mới thấy hết cảnh cơ cực của họ.
Hồ sơ của ông Nguyễn Quang Hường gửi đến tòa soạn
Đơn cử như trường hợp của ông Nguyễn Quang Hường (sinh năm 1952), quê quán Hải Phòng, nguyên cán bộ Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ (nay là Phòng cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt). Hiện thường trú tại 350 Nguyễn Trọng Tuyển, Phường 02, Quận Tân Bình, Tp.Hồ Chí Minh. Ông Hường đã phải chịu cảnh hết thư đi, thư lại, cũng như phải chịu cảnh đau đớn giày vò thân xác vì vết thương cũ của viên đạn còn găm trong người suốt từ năm 1977 đến nay, nhưng tất cả đổi lại chỉ là con số không vì cách giám định thương tật và văn bản hướng dẫn thực hiện chính sách đối với NCC của ngành Công An. Mặc dù, sáng ngày 20/3/2020, tại trụ sở CATP số 268 Trần Hưng Đạo, phường Nguyễn Cư Trinh, Quận 1, dưới sự chủ trì của Đại tá Nguyễn Văn Phương, Phó Cục trưởng Cục Tổ chức cán bộ - Bộ Công An đã diễn ra cuộc đối thoại giữa ông Hường cùng với 10 đồng chí, thuộc các đơn vị sau: Cục Tổ chức cán bộ - Bộ Công An (3 đ/c); Cục Người có công, Bộ LĐTBXH (2 đ/c); Phòng Tổ chức cán bộ, Công an TPHCM (3 đ/c); Phòng CSGT đường bộ, đường sắt, Công an TPHCM (2 đ/c). Tại buổi đối thoại này, Cục Tổ chức hứa tháng 08/2020 sẽ có hướng giải quyết thỏa đáng cho đồng chí Hường. Song đến nay, đã quá thời hạn gần 2 năm nhưng ông Hường vẫn chưa nhận được thông tin gì về việc giám định thương tật của mình. Thế là nhiệm vụ “chờ đợi” của ông vẫn còn tiếp diễn.
Hay như chuyện hơn 200 thanh niên nam nữ của thành phố Uông Bí lên đường làm nhiệm vụ mở đường biên giới phục vụ chiến đấu (từ ngày 12/11/1984 đến 24/01/1987) đã bao năm làm đơn gửi các cấp có thẩm quyền giải quyết từ cấp thành đội Uông Bí, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Ninh, đến Bộ Tư lệnh Quân khu 3, song đến nay vẫn chưa có kết quả. Trong đơn họ viết: “…Trong khi đó, anh chị em ở Đông Triều, Quảng Yên - Những người cùng đi một đợt và cùng chịu sự lãnh đạo của Đồng chí Nguyễn Văn My (Nguyễn My) sinh năm 1948 là Phó Bí thư Tỉnh đoàn Quảng Ninh khóa IV (1982 - 1986), kiêm Tổng đội trưởng Tổng đội thanh niên hỏa tuyến Quảng Ninh làm đường biên giới năm 1984 như chúng tôi thì lại được hưởng chế độ theo Quyết định số 49/2015/QĐ - TTg ngày 14/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ.”. Thật khó có thể hiểu nổi, tại sao cùng đóng góp công sức như nhau, mà người này được hưởng chế độ còn người kia thì không, nhất là họ lại đều cư trú tại cùng một tỉnh, đó là Quảng Ninh?
Tiếp đến là hành trình của CCB Nguyễn Hải Sơn (Sinh năm: 1954), địa chỉ: số nhà 284 Phan Đăng Lưu, Thị trấn Yên Viên, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội đã nhiều năm bỏ công sức đi “đòi” quyền lợi cho bố đẻ của mình. Trong đơn CCB Sơn có viết: “Bố đẻ tôi là ông: Nguyễn Thái Cải, nhập ngũ năm 1945 là chiến sĩ tình báo thuộc Ban tình báo Bắc Hà Nội. Ông hy sinh năm 1954 (trên đường làm nhiệm vụ) và được Nhà nước cấp Bằng Tổ quốc ghi công số 653bp ngày 26/9/1996 do Thủ tướng Võ Văn Kiệt ký. Nhưng khi hồ sơ liệt sỹ được chuyển về địa phương quê nhà là xã Phụng Thượng, huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội thì có một số ý kiến cho rằng ông Nguyễn Thái Cải không xứng đáng suy tôn liệt sĩ. Do đó việc trao Bằng “Tổ quốc ghi công” không thực hiện được. Chính vì thế, từ đó đến nay, gia đình tôi mất rất nhiều thời gian, công sức đi gõ cửa các cơ quan chức năng đề nghị giải quyết và chờ đợi.
Theo tôi được biết sự việc của bố tôi đã được Tổng cục II, Bộ Quốc Phòng xác minh làm rõ và đã hai lần có văn bản kết luận gửi các cơ quan chức năng đề nghị giải quyết. Tiếp đó vào ngày 10/4/2018 tại UBND xã Phụng Thượng đã tổ chức cuộc họp bàn về việc suy tôn liệt sỹ cho bố tôi, Thành phần gồm có đại diện Tổng cục II, Bộ tư lệnh Thủ đô, huyện ủy, UBND huyện, các ban ngành của Huyện và địa phương. Tại Hội nghị này 100% nhất trí đề nghị suy tôn liệt sĩ cho bố tôi”. Rất tiếc, đến nay gia đình CCB Sơn vẫn chưa nhận được chế độ NCC cho ông Nguyễn Thái Cải.
Đau xót và đáng buồn hơn cả phải kể tới vụ lấy “nhầm” hài cốt của LS Phan Văn Bính và vụ để mất hài cốt mộ LS Lưu Thanh Tâm. Nguyên nhân vụ lấy “nhầm” hài cốt của LS Phan Văn Bính là do sự tắc trách của cán bộ chính sách thuộc Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) huyện Bắc Trà Mi, tỉnh Quảng Nam. Còn vụ để mất hài cốt mộ LS Lưu Thanh Tâm thuộc trách nhiệm quản lý của Sở LĐTB-XH tỉnh Tây Ninh.
Kể về vụ lấy “nhầm” hài cốt của anh trai mình là LS Phan Văn Bính, ông Phan Văn Dương, thương binh 1/4 (sinh năm 1949), quê quán: xã Thụy Quỳnh, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình; thường trú tại: SN 148 – Tổ dân phố số 5 – Thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình nói: “Ngày 11/6/2020 Ban CHQS huyện Bắc Trà Mi lập biên bản bàn giao hài cốt liệt sĩ cho gia đình về quê an táng (sau này tôi mới biết đó là gia đình liệt sĩ Lê Văn Phiến người cùng quê với tôi). Trước khi bàn giao hài cốt LS cho gia đình về quê mai táng, tôi đã điện trực tiếp cho đồng chí Phúc cán bộ chính sách của Ban CHQS Bắc Trà Mi đề nghị tạm dừng bàn giao hài cốt để cho 2 gia đình thử AND nhưng không được đồng chí chấp thuận. Lý do tôi đề nghị thử AND là vì trên cùng 1 địa điểm (núi Ông Quang) cùng 1 thời điểm (tháng 9/2018 -6/2020) có 2 gia đình cũng vào địa điểm này tìm kiếm hài cốt LS nhưng chỉ có 1 LS mai táng tại địa điểm núi Ông Quang, 2 gia đình đều nhận khi dưới mộ LS không có di vật gì kèm theo nên việc xác định danh tính hài cốt liệt sĩ chưa đủ căn cứ pháp lý. Trong khi đó trong bản trích lục của đồng chí LS Lê Văn Phiến chỉ ghi chung chung là mai táng ban đầu tại xã Nú, huyện Trà Mi, Quảng Nam.”.
Nếu ngày đó, Ban CHQS và Phòng LĐTB-XH huyện Bắc Trà Mi thực hiện việc lấy mẫu và cho đi giám định AND theo luật định thì gia đình thân nhân LS Phan Văn Bính đâu phải cơ cực, buồn tủi như ngày nay…
Trong bài viết này, chắc tôi không thể điểm hết được những vụ có liên quan tới CCB và thân nhân của họ đi “gõ cửa” các nơi để được công nhận là NCC mà bạn đọc đã gửi về tòa soạn, song chỉ tính từ năm 2017 đến nay, tòa soạn đã nhận tới gần trăm bộ hồ sơ “còn tồn đọng”. Đến nay số hồ sơ tồn đọng đó mới được Nhà nước giải quyết được gần phân nửa.
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân và Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Vũ Hải Sản trao Bằng Tổ quốc ghi công năm 2022 cho các thân nhân liệt sỹ
Để làm tốt công tác NCC theo tinh thần không để NCC nào không được công nhận, Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền từ trung ương đến địa phương cần quan tâm thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất, giải quyết, tháo gỡ kịp thời những vấn đề vướng mắc về điều kiện, tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục, hồ sơ xác nhận NCC với cách mạng; nghiên cứu, bổ sung một số trường hợp NCC với cách mạng chưa được hưởng chế độ, chính sách.
Thứ hai, cần rà soát, sửa đổi và chuẩn hóa các quy định về điều kiện, tiêu chuẩn để đảm bảo tôn vinh danh hiệu NCC với cách mạng đảm bảo đúng đối tượng, mức độ cống hiến và chấn chỉnh tình trạng lợi dụng chính sách ưu đãi NCC để trục lợi.
Thứ ba, cần xếp những CCB và thân nhân của họ đi giải quyết chế độ để được công nhận là NCC với cách mạng vào diện đối tượng được trợ giúp pháp lý theo quy định tại Điều 7, Luật Trợ giúp pháp lý số 11/2017/QH được Quốc hội ký ban hành ngày 20/06/2017. Bởi lẽ, những đối tượng trên họ rất yếu về mặt pháp lý và thiếu thốn về mặt tài chính.
Thứ tư, bảo đảm tính khả thi của chính sách và tính công khai, minh bạch trong quy trình, thủ tục giải quyết hồ sơ, giấy tờ để phù hợp với điều kiện, bối cảnh đất nước trong từng giai đoạn lịch sử cách mạng, từng thời kỳ kháng chiến, đặc điểm lịch sử địa lý của từng vùng miền trong kháng chiến. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về lĩnh vực NCC./.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.