Hòa Bình: Mô hình bệnh viện cho người khuyết tật được khánh thành
Những người khuyết tật đầu tiên được tiếp cận trang thiết bị y tế hiện đại từ sự hỗ trợ của UNDP và Chính phủ Nhật Bản.
Với sự hỗ trợ Chính phủ Nhật Bản, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) đã phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Lương Sơn và Trung tâm Hành động vì Sự phát triển của Cộng đồng (ACDC) xây dựng các hạng mục đường dốc và nhà vệ sinh tiếp cận với người khuyết tật. Cùng với đó, cung cấp trang thiết bị phục hồi chức năng hiện đại, và đào tạo đội ngũ nhân viên y tế về các kỹ năng cần thiết để hỗ trợ bệnh nhân khuyết tật.
Anh Hoàng Văn Tính (36 tuổi, xã Cư Yên, huyện Lương Sơn), không may bị chấn thương cột sống do tai nạn lao động năm 2010 và phải ngồi xe lăn kể từ đó. Anh Tính cho biết, khi mới bị tai nạn, lẽ ra anh phải thường xuyên phải đi khám bệnh và vật lý trị liệu để phục hồi chức năng. Nhưng lúc đó Trung tâm Y tế huyện chưa có trang thiết bị và bác sĩ được đào tạo về phục hồi chức năng.
“Tôi đã phải lên tận bệnh viện tỉnh hoặc TP Hà Nội, nhưng do điều kiện đi lại khó khăn và chi phí cao, tôi không đi khám và làm vật lý trị liệu thường xuyên được. Hôm nay, đến thăm Trung tâm, tôi mừng lắm vì tôi đã có thể tự đi lại bằng xe lăn, không cần có người nhà đi cùng mỗi khi đi khám bệnh...” - anh Tính chia sẻ.
Theo ông Hoàng Văn Kứu - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Lương Sơn, từ giữa tháng 3/2021, Khoa Y học cổ truyền và phục hồi chức năng thuộc Trung tâm đã bắt đầu triển khai các hoạt động khám, điều trị phục hồi chức năng, đúng với nguyện vọng và nhu cầu của người dân địa phương. Các dịch vụ này sẽ được bảo hiểm y tế chi trả. Người dân địa phương, đặc biệt là người khuyết tật giờ sẽ không phải lên bệnh viện tỉnh hay ra Thủ đô Hà Nội để điều trị phục hồi chức năng như trước đây.
Phát biểu tại lễ trao tặng thiết bị phục hồi chức năng và khánh thành các hạng mục sửa chữa tiếp cận tại Trung tâm Y tế huyện Lương Sơn, bà Diana Torres - Trưởng phòng Quản trị và Tham gia (UNDP Việt Nam) nhấn mạnh, với đội ngũ bác sĩ được đào tạo về người khuyết tật và bình đẳng giới, cùng với hệ thống cơ sở vật chất đã được cải thiện, đơn vị hy vọng người khuyết tật trong huyện có thể tiếp cận các dịch vụ y tế chất lượng cao. Từ đó, người khuyết tật có thể hòa nhập hoàn toàn vào đời sống xã hội...
* Tít bài đã được thay đổi.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.