Khai mạc Phiên họp thứ 41 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV

2020-01-10 09:33:56 0 Bình luận
Ủy ban Thường vụ Quốc hội bắt đầu chương trình Phiên họp thứ 41 với việc cho ý kiến vào dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Chiều 9/1, tại Nhà Quốc hội, với sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bắt đầu chương trình Phiên họp thứ 41 với việc cho ý kiến vào dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành nội dung thảo luận.

Trình bày Báo cáo Một số vấn đề xin ý kiến về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu ra hai vấn đề lớn: trách nhiệm chủ trì việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật; lập chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.

Về trách nhiệm chủ trì việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng tại Kỳ họp thứ tám, cả hai phương án của Chính phủ trình đã được đại biểu Quốc hội thảo luận, phân tích, làm rõ ưu điểm, hạn chế của từng phương án và đa số đại biểu Quốc hội đề nghị lựa chọn phương án 2.

Vì vậy, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho tiếp thu theo ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội là tiếp tục quy định cơ quan chủ trì thẩm tra chủ trì việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật như hiện nay; đồng thời bổ sung một số quy định nhằm xác định cụ thể trách nhiệm của từng cơ quan trong giai đoạn tiếp thu, chỉnh lý.

Sau khi Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về dự án luật, Tổng Thư ký Quốc hội tổ chức việc tổng hợp ý kiến của đại biểu Quốc hội để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng thời gửi cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan trình dự án luật.

Quy trình tiếp thu, chỉnh lý dự án luật bao gồm 4 bước.

Một là cơ quan trình nghiên cứu, đề xuất nội dung dự kiến giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật gửi báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng thời gửi cơ quan chủ trì thẩm tra.

Đối với những chính sách mới được đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung vào dự thảo luật, trong trường hợp cần thiết, cơ quan soạn thảo đánh giá tác động về chính sách để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội.

Hai là cơ quan chủ trì thẩm tra chủ trì, phối hợp với cơ quan trình, Ủy ban Pháp luật, Bộ Tư pháp và cơ quan, tổ chức có liên quan trao đổi, thống nhất về nội dung giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật và xây dựng dự thảo báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật.

Đối với dự án luật có những vấn đề quan trọng, vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau, Phó Chủ tịch Quốc hội phụ trách dự án luật chủ trì cuộc làm việc với lãnh đạo cơ quan trình, cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo, Ủy ban Pháp luật, Bộ Tư pháp và cơ quan, tổ chức có liên quan để cho ý kiến, thống nhất về nội dung giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật.

Ba là cơ quan trình dự thảo luật có ý kiến chính thức bằng văn bản về những nội dung giải trình, tiếp thu, chỉnh lý trước khi báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Bước cuối cùng là Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thảo luận về dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và dự thảo luật đã được chỉnh lý. Sau đó, việc hoàn chỉnh dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu và dự thảo luật tiếp tục được thực hiện như theo quy định hiện hành.

Cho ý kiến về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị áp dụng quy trình 2 hoặc 3 kỳ họp.

Lần thứ nhất, sau khi Chính phủ trình Quốc hội, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ. Tổng Thư ký Quốc hội tổng hợp ý kiến của các đại biểu Quốc hội để Chính phủ giải trình.

Sau đó, Chính phủ trình bày báo cáo giải trình, đồng thuận với ý kiến nào, không đồng thuận với ý kiến nào trước khi Quốc hội tổ chức thảo luận ở hội trường.

Lần thứ hai, Chính phủ trình Quốc hội báo cáo giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại hội trường để Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường.

Nếu vẫn còn ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chịu trách nhiệm giải trình để Quốc hội thảo luận ở hội trường lần thứ 3.

Nếu không đồng tình với quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ có quyền rút toàn bộ dự án luật.

Nếu Chính phủ đồng thuận với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội biểu quyết thông qua. Như vậy, Chính phủ sẽ đi đến cùng với dự án luật của mình.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị giữ nguyên như quy trình hiện nay nhưng có bổ sung thêm quy định để tăng thêm vai trò của Chính phủ trong việc bảo vệ dự án luật do Chính phủ trình.

Lần thứ nhất, sau khi Quốc hội thảo luận, Chính phủ sẽ chịu trách nhiệm báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý.

Trong lần giải trình này, nếu đại biểu Quốc hội có đề xuất chính sách mới, Chính phủ phải có đánh giá tác động. Sau khi Chính phủ tiếp thu lần đầu sẽ chuyển sang cơ quan thẩm tra.

Cơ quan thẩm tra tiếp tục phản biện rồi xây dựng báo cáo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.

Căn cứ vào thảo luận và kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan chủ trì thẩm tra xây dựng báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý để trình Quốc hội.

Sau khi nghe ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với phương án đề xuất của Ủy ban Pháp luật là tiếp tục quy định cơ quan thẩm tra chủ trì giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật như hiện hành, đồng thời bổ sung quy định nhằm xác định cụ thể hơn về trách nhiệm của từng cơ quan trong giai đoạn tiếp thu, chỉnh lý.

Phương án này có ưu điểm là bảo đảm sát nhất với chức năng lập pháp của Quốc hội theo quy định của Hiến pháp, không làm xáo trộn quy trình trong điều kiện ổn định từ năm 2003 đến nay, tạo sự chủ động cho các cơ quan của Quốc hội trong việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật.

Như vậy vẫn phát huy được vai trò, trách nhiệm của cơ quan trình trong việc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội.

Trước khi tiến hành nội dung trên, phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các vấn đề còn ý kiến khác nhau với 3 dự án Luật, gồm: Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp và Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, quyết định việc sắp xếp, thành lập các đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện tại 18 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Đối với Đề án xác định biên chế tối thiểu của Văn phòng Quốc hội; sắp xếp cơ cấu tổ chức bên trong Văn phòng Quốc hội và Viện Nghiên cứu lập pháp còn một số nội dung cần tiếp tục được nghiên cứu, tiếp thu, hoàn chỉnh thêm, do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa xem xét tại phiên họp này.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Doanh nhân Việt Nam 'bắt kịp thế giới, đi cùng thời đại'

Các doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đã "dám chơi và biết chơi" hơn trong một sân chơi không chỉ trong lòng đất nước mà cả khu vực và thế giới. Chúng ta không chỉ bắt kịp mà có những bước quan trọng để đi cùng với thế giới, với thời đại.
2024-10-13 10:45:13

Tỉnh Quảng Bình đặt mục tiêu năm 2024 giảm còn 3,25% hộ nghèo

Hiện nay, tỉnh Quảng Bình có 3.647 hộ nghèo, hộ cận nghèo có khó khăn về nhà ở cần hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát. Tỉnh này sẽ huy động các nguồn lực hơn 292 tỷ đồng.
2024-10-13 08:00:00

Phá khối đá 300 tấn nguy cơ lăn xuống nhà dân ở Khu du lịch Phong Nha

Chiều 12/10, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Bình phối hợp với các lực lượng chức năng và chính quyền huyện Bố Trạch phá khối đá hơn 300 tấn tại tổ dân phố Xuân Tiến, thị trấn Phong Nha, huyện Bố Trạch.
2024-10-13 07:10:00

Đền Thánh mẫu Liễu Hạnh tại tỉnh Quảng Bình trở thành điểm du lịch

Tỉnh Quảng Bình vừa có quyết định công nhận điểm du lịch đối với đền Thánh mẫu Liễu Hạnh tại thôn Vĩnh Sơn, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch
2024-10-13 07:00:00

Thương binh Tạ Quang Uẩn - giỏi làm kinh tế, giàu lòng nhân ái

Vinh dự được gặp người thương binh Tạ Quang Uẩn - Giám đốc Công ty TNHH Vật liệu Xây dựng Phong Cảnh, tại Thành cổ Quảng Trị - nơi mà cách đây 52 năm đã diễn ra cuộc chiến biểu tượng cho khát vọng độc lập, tự do, thống nhất đất nước. Đứng trên mảnh đất đầy bi tráng ấy, những hình ảnh trong cuộc đời dường như lần nữa vụt qua ký ức ông...
2024-10-13 06:35:00

Doanh nhân thương binh Tạ Quang Uẩn: Hành trình vượt khó

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những vết thương ngày nào vẫn luôn hằn sâu trên thân thể thương binh Tạ Quang Uẩn. Vượt qua mọi nỗi đau đó, thương binh Tạ Quang Uẩn đã nỗ lực xây dựng một doanh nghiệp mang thương hiệu Phong Cảnh để tạo việc làm, thu nhập cho đồng đội và con em gia đình chính sách.
2024-10-12 13:45:00
Đang tải...