Xây dựng nông thôn mới: 5 năm, nhân dân tự nguyện hiến hơn 26,7 triệu m2 đất
Hội nghị tổ chức theo hình thức trực tuyến với đầu cầu Trung ương và các điểm cầu tại 63 tỉnh, thành trong cả nước. Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” (gọi tắt là Cuộc vận động), do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) phát động và chính thức triển khai thực hiện từ cuối năm 2015.
Điểm cầu tại TP Cần Thơ
Trong 5 năm qua, MTTQ Việt Nam các cấp đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân đoàn kết, tích cực tham gia phát triển sản xuất, giúp nhau giảm nghèo, nâng cao đời sống. Thông qua 5 nội dung toàn diện của Cuộc vận động đã góp phần thực hiện có hiệu quả 19 tiêu chí trong chương trình xây dựng nông thôn mới như: vận động nhân dân giúp nhau phát triển kinh tế, tham gia hiến đất, hiến công làm đường giao thông nông thôn; xây dựng nhà văn hóa, các khu vui chơi, giải trí; tham gia đóng góp xây dựng các công trình phúc lợi công cộng với hơn 14.000 công trình các loại phục vụ cho xây dựng nông thôn mới.
Nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả được nhân rộng như: sản xuất lúa theo hướng liên kết cánh đồng mẫu lớn, tổ hợp tác phát triển kinh tế, mô hình hợp tác xã, đưa giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao, ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, tăng chất lượng nuôi trồng thủy, hải sản theo công nghệ mới,... Theo báo cáo của các tỉnh, thành phố, 5 năm qua, nhân dân tự nguyện hiến hơn 26,7 triệu m2 đất để làm đường, công trình dân sinh. Các địa phương đã huy động được hàng trăm tỉ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu ở nông thôn.
Cán bộ của Ủy ban MTTQVN quận Ninh Kiều tặng quà cho người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19
Tính đến tháng 11/2020, cả nước có 5.392 xã (đạt 65,49%) đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), trong đó, có 490 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 43 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Bên cạnh đó, có 13 tỉnh, thành phố có 100% số xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; bình quân cả nước đạt 16,68 tiêu chí/xã; cả nước không còn xã dưới 5 tiêu chí. Có 211 đơn vị cấp huyện (đạt 39,96%) thuộc 54 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ, đạt chuẩn nông thôn mới. Hiện nay có 3 tỉnh, thành phố (Cần Thơ, Thái Bình, Hải Dương) có 100% huyện và thị xã đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; có 4 tỉnh (Nam Định, Đồng Nai, Hưng Yên, Hà Nam) được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020.
Bên cạnh, MTTQ các cấp đã vận động nhân dân tham gia xây dựng đô thị văn minh thông qua các hoạt động như: xây dựng đời sống văn hóa ở khu vực đô thị, xây dựng khu dân cư, tuyến đường, tuyến phố văn hóa; xây dựng các mô hình tự quản về trật tự đô thị, vệ sinh môi trường; xây dựng nếp sống văn hóa trong kinh doanh, ứng xử, không lấn chiếm lòng đường, vỉa hè,...
Hưởng ứng Phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, trong giai đoạn 2016 - 2021, Ủy ban MTTQ Việt Nam 4 cấp đã vận động Quỹ “Vì người nghèo” và chương trình an sinh xã hội được 32.051 tỷ đồng; cùng với sự hỗ trợ của ngân sách Nhà nước, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và sự trợ giúp của cộng đồng, đã vận động giúp đỡ xây mới và sửa chữa 228.221 căn Nhà đại đoàn kết cho người nghèo. Để thoát nghèo bền vững, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã xây dựng Đề án hỗ trợ người nghèo ở vùng nông thôn phát triển kinh tế, như: hỗ trợ vốn, giống phát triển kinh tế, đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, chăn nuôi, phát triển nghề thủ công,... Từ năm 2017 đến nay, MTTQ các cấp đã hỗ trợ xây dựng 55 mô hình giảm nghèo cho bà con nông dân ở 54 tỉnh, thành phố, góp phần tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo có cơ hội làm ăn kinh tế, giúp tăng thu nhập, cải thiện đời sống, từng bước thoát nghèo, hạn chế tái nghèo.
Các tuyến đường giao thông nông thôn ngày càng hoàn chỉnh khi địa phương đạt chuẩn nông thôn mới
Tính đến 12/2020, cả nước có 20.405.542 hộ (86,87%) đạt danh hiệu gia đình văn hóa, 56.528 khu dân cư (90,3%) đạt danh hiệu khu dân cư văn hóa. Toàn quốc hiện có 6.102/11.027 xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa (55,3%); 68.222/113.607 thôn, ấp, bản và tương đương có nhà văn hóa hoặc nhà sinh hoạt cộng đồng (60%), đây là nơi sinh hoạt giao lưu văn hóa góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân.
Phong trào xây dựng xã hội học tập phát triển mạnh. Cả nước hiện có hơn 11.000 Trung tâm học tập cộng đồng được xây dựng ở các xã, phường, thị trấn, qua đó đã góp phần quan trọng trong việc xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học, thực hiện mục tiêu nâng cao dân trí, tạo tiền đề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; giúp người lao động biết cách xóa đói, giảm nghèo. Các mô hình “Gia đình, dòng họ hiếu học”, “Quỹ khuyến học, khuyến tài” được nhân rộng ở nhiều địa phương đã giúp nhiều học sinh có cơ hội đến trường, tỷ lệ phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở ngày càng cao.
Đặc biệt năm 2020 và 2021, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên đã vào cuộc, thông qua các hoạt động tuyên truyền, vận động và giám sát công tác phòng, chống dịch từ cơ sở, đã phát huy hiệu quả vai trò của các “Tổ Covid cộng đồng” với tinh thần “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”. Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã hai lần ra Lời kêu gọi "Toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19" và “Toàn dân đoàn kết, ra sức phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Ban Thường trực đã ban hành Hướng dẫn việc phối hợp giám sát hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch. Chỉ đạo tổ chức tiếp nhận nguồn lực ủng hộ công tác phòng, chống dịch Covid-19. Tính từ ngày 1/5/2021 đến nay, tổng số kinh phí và hiện vật đã vận động được qua hệ thống MTTQ Việt Nam là 12.510,7 tỷ đồng, tiếp nhận qua Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam là 1.089,7 tỷ đồng. Đã phân bổ, hỗ trợ mua thiết bị vật tư y tế, hỗ trợ lực lượng tuyến đầu tham gia phòng, chống dịch và 3.981.485 phần quà Đại đoàn kết/túi quà an sinh với trị giá là 10.854,2 tỷ đồng (trong đó ở Trung ương là 1.032,2 tỷ đồng).
Nhìn chung, sau 5 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đã khơi dậy nguồn lực, tiềm năng, sức mạnh nội lực ngay trong mỗi người dân, mỗi gia đình và cộng đồng dân cư trong phát triển kinh tế, văn hoá - xã hội, giữ vững an ninh trật tự. Những kết quả đạt được đã góp phần nâng cao hiệu quả Phong trào "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới", Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", Phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường”,… góp phần đổi mới diện mạo của nhiều khu vực nông thôn và đô thị, nâng cao chất lượng sống của người dân.
Tuy nhiên, theo ông Lê Tiến Châu - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch – Tổng thư ký UBTW MTTQ Việt Nam: Công tác tuyên truyền, vận động xây dựng nông thôn, đô thị văn minh ở một số địa phương chưa được chú trọng. Việc tuyên truyền xây dựng NTM đối với khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế. Công tác tổ chức triển khai thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời nông thôn mới, đô thị văn minh” ở một số nơi còn lúng túng, chưa chủ động, có nơi còn hình thức.
Trong hướng tới, MTTQ các cấp tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, thực hiện hiệu quả vai trò của Mặt trận trong việc tập hợp, phát huy vai trò, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân trong phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng an ninh, nhất là góp phần phát triển kinh tế đất nước trong tình hình mới, thích ứng với nhiệm vụ vừa chống dịch, vừa phục hồi, phát triển kinh tế đất nước.
Ông Nguyễn Trung Nhân, Chủ tịch UBMTTQVN TP Cần Thơ, trao Bằng khen cho các tập thể và cá nhân
Dịp này, Ủy ban Trung ương MTTQVN và một số Bộ, Ngành đã tặng Bằng khen cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” giai đoạn 2016 – 2021, trong đó TP Cần Thơ có 2 cá nhân được Bằng khen của Ủy ban Trung ương MTTQVN và Ủy ban MTTQVN quận Ninh Kiều được Bằng khen của Bộ Lao động, Thương bình và Xã hội.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.