Không để người bệnh BHYT phải tự mua thuốc điều trị
Ông Nguyễn Cường (TP. Hà Nội) mắc bệnh viêm gan B đang điều trị tại Bệnh viện 354 – Bộ Quốc phòng, ông đóng BHXH tại đây. Do men gan cao trên 1000, ông Cường phải vào viện điều trị, 3 ngày đầu điều trị ông được hưởng chế độ BHYT gồm thuốc giải độc gan và thuốc bổ gan. Sau 3 ngày ông phải mua thuốc bên ngoài để điều trị.
Sau đợt điều trị 21 ngày ông Cường ra viện, men gan giảm từ 1026.8 xuống 600. Sau 4 ngày ông quay lại nhập viện theo chỉ định của bác sỹ, nhưng được trả lời mức độ bệnh của ông không được BHYT chi trả thuốc giải độc gan và thuốc bổ gan. Ông Cường hỏi, ông phải mua thuốc bên ngoài và làm đơn tự nguyện mua thuốc để điều trị có đúng không?
Về vấn đề này, Bảo hiểm xã hội Việt Nam trả lời như sau:
Bệnh viện 354 được xếp hạng 1, vì vậy được sử dụng các thuốc quy định sử dụng tại Bệnh viện hạng đặc biệt và hạng 1 thuộc danh mục thuốc ban hành kèm theo Thông tư số 40/2014/TT-BYT ngày 17/11/2014 của Bộ Y tế ban hành và hướng dẫn thực hiện danh mục thuốc tân dược thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT.
Theo đó, đối với các thuốc điều trị bệnh viêm gan B (bao gồm thuốc giải độc gan và thuốc bổ gan) có trong danh mục thuốc được sử dụng tại Bệnh viện và được thực hiện đấu thầu theo đúng quy định của Nhà nước, được bác sĩ chỉ định điều trị trong hồ sơ bệnh án thì quỹ BHYT thanh toán trong phạm vi và mức hưởng quy định trên thẻ của người tham gia BHYT.
Cơ sở khám, chữa bệnh có trách nhiệm cung cấp thuốc đầy đủ, kịp thời, đúng quy định nhằm đáp ứng nhu cầu điều trị của người bệnh BHYT theo danh mục đã xây dựng, không để người bệnh phải tự mua.
Tuy nhiên, do ông Cường cung cấp chưa cụ thể tên các thuốc giải độc gan và bổ gan đã được Bệnh viện sử dụng trong quá trình điều trị nên cơ quan BHXH không đủ căn cứ để trả lời. Đề nghị ông mang toàn bộ hồ sơ, chứng từ lên cơ quan BHXH nơi phát hành thẻ để được hướng dẫn giải quyết.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.