Làng nghề Nam bộ “hối hả” vào Xuân

2022-01-16 11:17:24 0 Bình luận
Trái ngược với cái lạnh của những ngày cuối năm, ‘‘sức nóng’’ của các làng nghề ở Nam bộ‘‘ăn theo’’ Tết dường như lan tỏa khắp nẻo đường.

Bánh tráng vào xuân

Làng nghề bánh tráng Nhơn Hòa, phường 5, nằm bên dòng sông Vàm Cỏ Tây, cách trung tâm TP Tân An, tỉnh Long An khoảng 2km. Nơi đây, từ hơn 100 năm trước từng nức tiếng khắp Nam bộ bởi sản phẩm bánh tráng đậm đà vị quê hương và được chính quyền tỉnh công nhận là làng nghề truyền thống vào tháng 12/2013.

Người dân làng nghề tất bật phơi bánh tráng cho kịp phục vụ khách hàng dịp Tết Nguyên đán.

Những ngày cận Tết, cả làng tất bật xay bột, tráng bánh, phơi bánh,... với số lượng nhiều hơn so với  ngày thường. Tại đây, có khoảng 80 hộ dân theo nghề làm bánh tráng, đa số làm thủ công. Không ai biết rõ nghề làm bánh tráng ở đây có từ khi nào, người ta chỉ biết rằng, đây là nghề “cha truyền con nối”. Bình quân một ngày, mỗi hộ tráng được 15kg bánh. Riêng hộ tráng bánh bằng máy cho ra lò khoảng 400kg bánh/ngày. 

Một trong những hộ gia đình gắn bó với nghề bánh tráng nhiều năm là gia đình ông Dương Văn Đeo 65 tuổi, ngụ khu phố Nhơn Hòa 1. Ông chia sẻ: Gia đình ông sinh sống chủ yếu dựa vào nghề làm bánh tráng. Vào dịp Tết, lượng bánh tráng tăng thêm được một ít. Ông tiếp nối nghề này theo cách làm thủ công từ năm 1992 đến nay. Hằng ngày, vợ chồng ông vẫn xay gạo thành bột, nhóm lửa tráng bánh rồi đem phơi. Ngày nay, nghề làm bánh tráng không còn hưng thịnh như lúc trước, chủ yếu lấy công làm lời, nhưng nhiều gia đình vẫn gắn bó vì họ không bỏ được nghề truyền thống.

Bánh tráng Nhơn Hòa được làm với 100% bột gạo và không sử dụng hóa chất nên có hương vị đặc trưng, độ mặn vừa phải tạo cho bánh độ mềm, dẻo. Bánh có thể cuốn với tôm, thịt, rau, bún, chấm nước mắm chua ngọt hoặc mắm nêm đều rất ngon.

Qua nhiều năm tồn tại và phát triển, những người làm bánh tráng ở Nhơn Hòa không ngừng tìm tòi và sáng tạo ra những cách làm mới. Nhiều hộ mạnh dạn đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

Xã hội ngày nay có nhiều thay đổi. Nhưng dù thế nào đi nữa, mỗi độ xuân về, bánh, mứt Tết trở thành một phần không thể thiếu trong tâm thức của người Việt.

Sắc xuân ở làng chiếu Định Yên

Những ngày này, làng chiếu Định Yên, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp tất bật vào mùa dệt chiếu Tết, cả làng rộn rã âm thanh phát ra từ những khung dệt thô sơ bằng gỗ và những chiếc máy dệt chiếu tự động. Nơi đây, từ trong nhà ra ngoài ngõ giăng  đầy những sợi lác đã nhuộm màu xanh, đỏ, vàng, tím...

Sản phẩm chiếu Định Yên.

Bà Trần Thị Dính ở ấp An Lợi, xã Định Yên chia sẻ, bà đã có trên 50 năm gắn bó với nghề dệt chiếu. Hiện nay, bà là một trong số ít những người ở làng chiếu Định Yên vẫn dệt chiếu theo phương pháp thủ công. Nghề dệt chiếu không quá khó, nhưng lại khá vất vả vì phải trải qua nhiều công đoạn như cắt, phơi, nhuộm và dệt. Để có một chiếc chiếu đẹp và bền thì trước tiên phải chọn nguyên liệu là cây lác thật già, sau đó chọn lựa chiều dài của lác phù hợp với khổ chiếu cần dệt. Khi dệt chiếu, cần 2 người cùng làm, thông thường khi căng đai xong thì người thợ chính sẽ ngồi lên khung,  người thứ hai luồn từng sợi lác vào khuôn và người thợ chính sẽ dùng sức lực dập mạnh vào lác để kết chặt lác vào nhau. Động tác dập phải dứt khoát, đủ độ mạnh để lác thẳng hàng, không xếp chồng lên nhau dẫn đến gãy lọn.

Có tận mắt chứng kiến quy trình mới thấy tay nghề của người thợ rất quan trọng, phải đan thế nào để chiếu vừa khít, đều và có độ bền. Bên cạnh việc thay đổi kỹ thuật dệt, mẫu mã đa dạng, nhờ có các hợp tác xã chiếu và tổ hợp tác dệt chiếu nên bà con không còn phải lo lắng nhiều về đầu ra của sản phẩm.

Được biết, hiện làng chiếu Định Yên có 431 hộ sinh sống bằng nghề dệt chiếu. Hằng năm, làng nghề sản xuất và cung cấp ra thị trường trên 1,3 triệu chiếc chiếu các loại, với tổng doanh thu khoảng 80 tỷ đồng, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho gần 3.800 hộ dân sản xuất, buôn bán, dịch vụ. Ngoài những hộ dệt truyền thống bằng khung dệt, tại làng chiếu Định Yên đã thành lập được một HTX và ba tổ hợp sản xuất, tiêu thụ chiếu, thu hút gần chục nghìn lao động nhàn rỗi ở địa phương và những vùng lân cận có việc làm, cho thu nhập ổn định.

Hiện, làng chiếu Định Yên không chỉ phát triển mạnh về nghề truyền thống mà còn trở thành một điểm tham quan du lịch tìm hiểu về văn hoá làng nghề hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước. 

Sản xuất khô, mắm phục vụ Tết

Trong thời tiết se lạnh của những tháng giáp Tết, đến với làng nghề sản xuất khô, mắm phường An Lạc, thị xã Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp dễ dàng bắt gặp hình ảnh các giàn phơi cá bằng tre nứa được dựng lên hai bên đường với mùi hương đặc trưng của khô cá lóc và mắm. Có mặt tại Cơ sở khô cá lóc Út Á, phường An Lạc, hằng chục nhân công đang gia công cá lóc nguyên liệu để chuẩn bị cho công đoạn phối trộn, ướp khô. Bên cạnh đó, hằng chục bạn hàng từ khắp nơi đến cơ sở đặt hàng để phân phối cho thị trường các tỉnh, thành cả nước.

Rổ khô thành phẩm được bày bán tại một cơ sở trong làng nghề.

Ông Trần Văn Á, 60 tuổi chủ cơ sở khô cá lóc Út Á cho biết: “Hiện tại, cơ sở đang tăng cường sản xuất các sản phẩm khô, mắm để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán. Mỗi ngày, cơ sở của ông tiêu thụ khoảng 1 tấn cá lóc nguyên liệu để làm khô. Năm nay, do giá cá nguyên liệu tăng nên giá sản phẩm khô, mắm thị trường Tết này cũng sẽ tăng theo. Cơ sở rất chú trọng vào chất lượng khô để giữ gìn thương hiệu khô mắm của địa phương”.

Để có sản phẩm khô cá lóc dẻo, dai và thơm ngon, yếu tố quan trọng nhất chính là chọn được cá lóc nguyên liệu đạt chuẩn, với trọng lượng từ 0,9 - 1kg. Bên cạnh đó, công đoạn chế biến và làm sạch cũng rất quan trọng. Đặc biệt là khâu phơi sấy, nếu khô phơi thiếu nắng thì sản phẩm sẽ dễ bị hư và thời gian sử dụng không được lâu. Thông thường, khô chỉ cần phơi 3 nắng là đạt yêu cầu.

Thời điểm này, khi các cơ sở tăng gia sản xuất thì đây còn là cơ hội giúp các lao động tại địa phương kiếm thêm nguồn thu nhập. Là nhân công theo nghề sản xuất khô cá lóc, bà Nguyễn Thị Lúa ở phường An Lạc, cho biết: “Mấy ngày này, để chuẩn bị cho vụ khô Tết, trung bình mỗi lao động gia công khoảng 200kg cá lóc nguyên liệu để  làm khô. Nghề này tuy hơi vất vả nhưng cũng mang lại thu nhập ổn định, khoảng 150.000 - 200.000 đồng/người/ngày”.

Còn nghề làm mắm cá chốt cũng đang tất bật để cung ứng sản phẩm cho thị trường. Để làm mắm chuẩn bị Tết, mỗi cơ sở thu mua hơn 10 tấn cá/ngày để chế biến. Mỗi nhân công sẽ đảm nhận từng khâu riêng biệt như: cắt đầu, vệ sinh ruột cá, xẻ cá... Theo bà Bùi Thị Sàng, 60 tuổi, chủ vựa mắm cá chốt khóm Sở Thượng, phường An Lạc, năm nay nước lũ về ít nên việc tìm kiếm nguồn nguyên liệu sản xuất khá vất vả, cơ sở phải thu mua thêm tại một số tỉnh lân cận để đảm bảo nguồn hàng cho thị trường Tết. Vì nguồn cá khan hiếm nên giá cá chốt nguyên liệu tăng khoảng 4.000 đồng/kg so với năm trước. Theo đó, giá mắm cá chốt thành phẩm là 60.000 - 70.000 đồng/kg, tăng khoảng 10% so với năm trước.

Nhằm giúp làng nghề làm khô, mắm phát triển, chính quyền địa phương có những định hướng quy hoạch mở rộng làng nghề. Bên cạnh đó, còn hỗ trợ làng nghề trong việc giới thiệu, quảng bá sản phẩm, tổ chức nhiều cuộc tập huấn về kiến thức an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất... góp phần nâng tầm giá trị sản phẩm./.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Hình ảnh cơn bão Wipha đổ bộ vào châu Á

Việt Nam đã chuẩn bị ứng phó với cơn bão Wipha vào khi các tỉnh ven biển được đặt trong tình trạng báo động khẩn cấp và các hãng hàng không đã hủy các chuyến bay trước khi cơn bão dự kiến đổ bộ. Cơn bão đã gây ra nhiều thiệt hại chết người ở Philippines, nơi nó làm gia tăng lượng mưa gió mùa và khiến ít nhất ba người thiệt mạng vào cuối tuần. Nó cũng tấn công một số khu vực ở Trung Quốc và Hồng Kông.
2025-07-21 21:55:24

Đặc sản 'vàng đen" trên cây ở Nghệ An

Quả trám (người dân địa phương gọi là quả mui) là loại quả to bằng ngón tay, nhọn 2 đầu, lúc chín có màu đen, thơm ngon béo bùi, là món ăn dân dã được nhiều người yêu thích. Nhất là đối với những người Nghệ xa quê, cứ đến mùa trám chín vào giữa thu là nhớ về vị bùi béo ngầy ngậy của quả trám quê. Tuy nhiên, để chọn và chế biến được món trám ngon đúng điệu, không phải ai cũng biết.
2025-07-21 18:50:59

🔴 Cập nhật liên tục Toàn cảnh bão Wipha: Diễn biến & khuyến cáo

Cập nhật liên tục thông tin về bão Wipha. Hướng đi của bão, biện pháp an toàn, chỉ đạo của các tỉnh. Thiệt hại sơ bộ và các cảnh báo
2025-07-21 17:35:41

Hà Nội khẩn trương triển khai các phương án ứng phó bão Wipha

Trước dự báo bão Wipha sẽ gây ra một đợt mưa lớn diện rộng kéo dài tại khu vực Bắc Bộ, trong đó có Thủ đô Hà Nội, các cơ quan chức năng của thành phố đã kích hoạt phương án ứng trực 24/24h, sẵn sàng mọi nguồn lực nhằm chủ động đối phó, giảm thiểu tối đa thiệt hại.
2025-07-21 15:27:00

Nghĩa cử của đồng nghiệp trong vụ đắm tàu ở Quảng Ninh

Như tin đã đưa, vụ thiên tai làm đắm tàu chở khách du lịch tham quan Vịnh Hạ Long gây thương vong lớn đã được Quảng Ninh khẩn trương cứu hộ cứu nạn, nhiều cơ quan đoàn thể-tổ chức xã hội đã thăm hỏi, chia sẻ nỗi đau thương với gia đình nạn nhân, và người bị nạn. Trong đó, Hiệp Hội doanh nghiệp Quảng Ninh, Hiệp Hội du lịch Quảng Ninh là điểm sáng tình đồng nghiệp trong hoạn nạn.
2025-07-21 10:39:00

Đại diện Hiệp hội VAIDE thăm và tặng quà 27/7 Công ty CP Thương binh nặng Trường Sơn

Sáng 20/7/2025, Công ty Cổ phần Thương binh nặng và người tàn tật Trường Sơn, Việt Nam long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh Liệt sỹ (27/7). Đây là một trong những hoạt động nhằm tri ân và tưởng nhớ đến công lao to lớn của các Anh hùng liệt sĩ, các thương binh, bệnh binh - Những người đã hy sinh xương máu của mình vì sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ quốc.
2025-07-21 10:15:00
Đang tải...