Liệt sĩ Đỗ Duy Linh - Ngày trở về !

2020-09-09 09:30:00 0 Bình luận
Anh hùng liệt sĩ Đỗ Duy Linh, sinh năm 1932 tại thôn Bình Hòa, xã An Dân, huyện Tuy An; nhập ngũ năm 1961, là trinh sát quân báo Thị đội Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Anh hy sinh đúng vào đợt Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968.

Liệt sĩ Đỗ Duy Linh - Ảnh: Gia đình liệt sĩ cung cấp

Theo lời kể của chị Lê Thị Bích Thu (nguyên Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Phú Yên) - con dâu cả của liệt sĩ Đỗ Duy Linh:

Năm 2000, đồng chí Vũ Văn Thoại đang là Phó Chủ tịch UBND tỉnh khuyên gia đình anh Đỗ Duy Vinh (đang là Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh) nên thực hiện việc tìm kiếm mộ cha Đỗ Duy Linh. Vì thời gian đó, rất nhiều ngôi mộ liệt sĩ được các nhà ngoại cảm quy tập đoàn tụ cùng đồng đội. Bộ CHQS tỉnh cử đại diện tham gia. Đi cùng đoàn hôm đó còn có ông Vũ, ông Hoa và ông Thiện bên Hội Nạn nhân chất độc da cam/di­oxin tỉnh.

Đoàn được đồng chí Vũ Văn Thoại giới thiệu gặp ông Hai Hoàng, bàn bạc chọn ngày tiến hành. Tôi cũng tình cờ được tận mắt chứng kiến chuyến tìm mộ liệt sĩ linh thiêng và vô cùng xúc động này trong một ngày đầu năm 2000. Ở Khách sạn Công đoàn, qua điện thoại ông Hai Hoàng hướng dẫn đi ra hướng bắc TX Tuy Hòa, đến cây sộp. Cách cây sộp về hướng đông bắc và tìm hỏi nhà ông Tứ. Có chút trục trặc là ông Tứ nhất định không cho vào khu vườn. Cả đoàn ra sức thuyết phục, cuối cùng cũng thành công. Tiết xuân, cây sầu đông lún phún chồi non, khoe hoa sắc tím mơn man trong gió lay nhẹ. Bóng thân đổ dài vẽ xuống những hình thù khác lạ, hình như đang ẩn khuất một điều gì đó rất kỳ bí linh thiêng…

Chúng tôi tiếp tục liên lạc với ông Hai Hoàng. Cùng lúc, các sư thầy chùa Bửu Lâm cũng bày biện lễ vật trên hương án và bắt đầu tụng kinh cầu khấn. Sau lưng các thầy là đại diện Bộ CHQS tỉnh, bà Nguyễn Thị Dư, các em và con cháu của liệt sĩ Đỗ Duy Linh đều đứng chắp tay. Những chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ở đây đều được trang bị đầy đủ “chuyên sâu” trong công tác tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sĩ, như: kỹ năng đào đất, cách xác định vị trí đào và thứ tự các bước cần phải làm khi phát hiện hài cốt. 

Tất cả nín thở theo dõi, hồi hộp. Sự hồi hộp khắc rõ căng trên từng khuôn mặt đang dõi theo từng lát cuốc nhẹ nhàng khéo léo của đội tìm kiếm.

Đào thật khẽ khàng nên được hơn một mét trong thời gian khá lâu, chỉ có cát đất, tuyệt nhiên chưa có dấu hiệu của hài cốt. Đội tìm kiếm quy tập tiếp tục đào thêm vài tấc đất nữa. Lần này không được đào bằng vật cứng mà phải bới bằng tay. Đến khi gặp một mảnh sành màu vàng và đất hơi đen là dấu hiệu tốt.

Một người bốc nắm đất lên mũi ngửi rồi ra hiệu gì đó với nhau. Theo tôi được biết, người chiến sĩ khi tìm kiếm hài cốt phải biết cách cuốc đất sao cho nhanh, gọn bền. Cuốc đất xúc đất trong phạm vi chật hẹp mà không được phạm vào di thể liệt sĩ. Phải có độ nhạy trong cách nhìn đất, ngửi đất để biết khi nào đến hài cốt. Đồng thời, những người lính trẻ nhận nhiệm vụ thiêng liêng này còn phải biết phân biệt đâu là hài cốt liệt sĩ, đâu là hài cốt nhân dân hay các trường hợp khác. Rồi phải biết cách thu gom chính xác xương người lẫn trong tạp chất, đá sỏi. Nhận đúng quy trình lấy mẫu thử ADN cho liệt sĩ, cách thu gom bảo quản di vật liệt sĩ.

Đào được sâu thêm được vài tấc thấy một mảnh sành màu vàng hiện ra dưới lớp đất màu đen xỉn. Tất cả cùng ồ lên. Bà Nguyễn Thị Dư ôm người con trai thứ hai khóc ngất… Tiếng chuông king coong, âm thanh gõ mõ như hối thúc, giọng sư thầy tụng kinh càng dồn dập, gấp gáp…

Vài phút sau, một khoảnh đất đen lộ ra. Mọi người bàng hoàng, bỡ ngỡ khi một “chuyên viên bốc mộ” moi hết lớp đất đen. Đầu tiên là chiếc ba lô, tấm ni lông màu xanh chưa phân hủy; bộ hài cốt lộ ra. Tất cả vỡ òa... Nhanh nhẹn dứt khoát gọn ghẽ, đội tìm kiếm thinh lặng từng thao tác rất chuẩn.

Đội tìm kiếm hối thúc nhau bốc nhanh kẻo ruồi tới. Nhưng không kịp, mới bốc được hơn nửa thì đàn ruồi từ đâu bay lại vù vù đen đặc. Bất chợt một cơn gió mồ côi lướt qua, lạnh toát, cảm giác của tôi khi đó vừa xúc động và sợ sợ vì lần đầu thấy một chuyện mà không phải ai cũng có cơ hội. Điều mà bất cứ ai được chứng kiến tận mắt cũng cảm nhận được trong hành trình tìm mộ, đó là sự mong mỏi chờ đợi vào sự kỳ diệu. Hầu như mọi thứ còn nguyên vẹn, chỉ có một ít xương nhỏ bị vụn vỡ.

Theo hình dạng hài cốt thì liệt sĩ Đỗ Duy Linh hy sinh ở tư thế ngồi. Xương đùi có một lỗ thủng, tương tự vết thương của viên đạn bắn vào. Các đồng chí ở Bộ CHQS tỉnh trân trọng các bước để làm lễ khâm liệm tại chỗ. Một lá cờ Tổ quốc được phủ lên nắp hòm. Bà Nguyễn Thị Dư, vợ liệt sĩ Đỗ Duy Linh xúc động khóc không thành tiếng…

Mọi việc hoàn tất, hài cốt của ông được đưa về Nghĩa trang liệt sĩ Đông Tác. Lễ truy điệu diễn ra trong không khí bùi ngùi, xúc động và trang nghiêm thành kính. Ông được an nghỉ tại hàng D31 cùng nhiều đồng đội khác. Bát hương được bà Dư thỉnh về quê. Để ông ra mắt tổ tiên, thăm lại ngôi nhà và những đứa con thân yêu, mà hơn ba mươi năm đau đáu khôn nguôi.

Bà Dư kể: Ngày ấy, ông bà là cơ sở cách mạng. Bà là cán bộ phụ nữ xã. Sau khi bị lộ, ông rút lên núi và trở thành chiến sĩ quân báo. Bà ở nhà nuôi con, chịu đựng sự hà khắc của chế độ cũ, vì có chồng là cộng sản.

Thỉnh thoảng, ban đêm chiến sĩ Đỗ Duy Linh về thăm nhà, thu thập thông tin từ bà; ôm con hôn vội vàng rồi đi ngay trước khi trời sáng. Cuối năm 1967, ông nhận nhiệm vụ trinh sát địa hình nội thị Tuy Hòa. Tổ quân báo của ông gồm hai mươi bảy chiến sĩ. Tết Mậu Thân 1968, ông tham gia trận đánh đêm mùng một rồi rút ra an toàn. Đến trận thứ hai (bà Dư nhớ vào ngày mùng ba Tết), tổ trinh sát quân báo của ông đang xâm nhập Ty Cảnh sát (nay là Nhà Văn hóa thiếu nhi tỉnh) thì bị lộ. Chỉ huy ra lệnh rút quân theo hông chùa Hồ Sơn, đến Ninh Tịnh thì gặp địch phục kích.

Liệt sĩ Đỗ Duy Linh là người chịu trách nhiệm giữ toàn bộ tài liệu, bản đồ vừa thu thập được, nên đồng đội đã quyết mở đường máu để ông rút lui an toàn. Ông và một chiến sĩ khác tên Minh (thường gọi là Minh Xăng, người Hòa Hiệp) đến khu vực cây sộp ở xã Bình Kiến thì trời sáng. Chiến sĩ Đỗ Duy Linh bị thương ở đùi, máu ra nhiều. Hai ông lần theo bờ rào, đến hào giao thông (nơi vừa phát hiện hài cốt) ngồi dựa vách thông hào nghỉ. Ngày hôm đó địch lùng sục theo vết máu để tìm. Ông Minh Xăng nhanh trí xóa sạch mọi thứ, lấy lá ngụy trang cho đồng đội Đỗ Duy Linh nhằm tránh bị phát hiện. Đến chiều thì Đỗ Duy Linh hy sinh dưới giao thông hào trong tư thế ngồi. Trước khi hy sinh, liệt sĩ Đỗ Duy Linh dặn dò người đồng chí của mình cố gắng bảo toàn tài liệu. Tập lài liệu mà hai mươi sáu đồng đội ông đã anh dũng hy sinh để bảo vệ.

Ngậm ngùi lấp vội đồng đội, ông Minh Xăng ôm tài liệu lần theo đường biển ra đến Tuy An, tạt qua nhà bà Nguyễn Thị Dư và chỉ kịp hé cửa báo tin chồng bà đã hy sinh ở trận này rồi thoát ngay lên cứ. Đó là một ngày đầu xuân Mậu Thân 1968. Nén chặt nỗi đau mất chồng, bà lặng lẽ hoạt động, lặng lẽ nuôi con khôn lớn chờ ngày giải phóng quê nhà! Hai năm sau đó, ông Minh Xăng cũng hy sinh và bà Dư không biết chồng mình được chôn cất ở đâu.

Sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, tổ chức ghi danh hai mươi bảy chiến sĩ ở ngôi mộ tập thể, trong đó có liệt sĩ Đỗ Duy Linh. Đó là Tượng đài ghi công ở Ninh Tịnh (xã Bình Kiến, TP Tuy Hòa). Hàng năm gia đình, đồng đội cũ của các liệt sĩ đến thắp hương tưởng niệm. Có một điều kỳ lạ là trong suốt mấy mươi năm liệt sĩ Đỗ Duy Linh đi xa, hàng đêm bà Nguyễn Thị Dư vẫn mộng thấy ông về. Ông nói rằng ông lạnh, đói và muốn về nhà. Bà vẫn bâng khuâng bồn chồn ngần ấy năm! Điều day dứt mấy mươi năm được thực hiện. Vài năm sau bà Nguyễn Thị Dư cũng ra đi nhẹ nhàng, đoàn tụ với ông…

Hôm nay, đứng giữa nghĩa trang liệt sĩ, tôi không khỏi bùi ngùi xúc động. Đến viếng ông khi viết những dòng chữ này, tôi cảm thấy mình nhỏ bé trước sự hy sinh lớn lao của các anh hùng liệt sĩ. Quanh đây, trên mộ chí của các anh, các chị có thể là dòng chữ “vô danh”, nhưng tên của các anh, các chị đã là niềm thương kính, sự tự hào chung của chúng tôi. Tên các anh, các chị là tên của Tổ quốc!

Sự hy sinh của các anh, các chị đã làm nên quả ngọt, nước trong. Ngày đi xa mãi mãi của các anh, chị đã làm nên ngày đoàn tụ của bao người trên mảnh đất hình chữ S này! Sự hy sinh cao đẹp của các anh, các chị đã vun đắp nên hạnh phúc của hàng triệu triệu gia đình Việt Nam. Cao cả hơn nhiều là đã phục dựng sự hồi sinh cho đất nước, hồi sinh cho cả một dân tộc! Điều ấy sẽ mãi trường tồn, niềm tự hào ấy thuộc về các anh hùng liệt sĩ mà chúng tôi có trách nhiệm nhân lên và truyền lửa lại cho các thế hệ mai sau.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Quảng Ninh: Thông qua 14 nghị quyết quan trọng tại Kỳ họp thứ 18 HĐND tỉnh

Sau một ngày (19/4) làm việc khoa học, nghiêm túc, trách nhiệm, Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Quảng Ninh khóa XIV nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình Kỳ họp thứ 18 theo quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các quy định pháp luật hiện hành.
2024-04-20 13:28:10

Hải Phòng tổ chức thi kể chuyện theo sách

Đây là hoạt động thường niên và là năm thứ 10 TP.Hải Phòng tổ chức, hưởng ứng các hoạt động về Ngày Sách nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, khẳng định sách và văn hóa đọc mãi trường tồn.
2024-04-20 09:09:26

Hải Phòng tổ chức gặp mặt chiến sĩ Điện Biên và thân nhân

Sáng 19/4, TP.Hải Phòng tổ chức buổi gặp mặt thân nhân liệt sĩ, thanh niên xung phong, dân quân hỏa tuyến, những người đã trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa.
2024-04-20 08:25:46

Chia sẻ về chữ “thật” của TH true MILK tại Diễn đàn Thương hiệu Quốc gia Việt Nam 2024

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng chất lượng sản phẩm và mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.
2024-04-19 17:55:22

Cựu chiến binh xã Quảng Hải tổ chức nhiều mô hình phát triển kinh tế

Chiều 19/4, Hội cựu chiến binh xã Quảng Hải, thị xã Ba Đồn tổ chức Hội nghị tổng kết phong trào thi đua “Cựu chiến binh gương mẫu” giai đoạn 2019 – 2024.
2024-04-19 16:20:00

Việt Nam nằm trong tốp đầu châu Á về đầu tư cơ sở hạ tầng

Ngày 18/4, trong khuôn khổ “Tuần lễ bền vững”, Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) đã tổ chức Phiên thảo luận cấp cao về Thúc đẩy phát triển bền vững thông qua kết nối cơ sở hạ tầng.
2024-04-19 11:24:44
Đang tải...