Mua lại BCCI Khang Điền được lợi gì?
Khu nhà ở công ty Song Lập (Melosa Garden) được rao bán rầm rộ đang nằm trong danh sách Thanh tra Bộ năm 2018. |
Sau thành công của đại hội, KDH đang trong thời gian chờ hoán đổi cổ phiếu. Kết thúc quy trình này, cổ đông BCCI sẽ trở thành cổ đông của KDH, lúc đó KDH sẽ chính thức sở hữu 100% vốn, BCCI sẽ trở thành công ty con của KDH. Việc thống nhất này theo KDH là nhằm giảm bớt chi phí quản lý qua mô hình quản lý công ty mẹ - con.
Việc tiến hành đại hội cổ đông bất thường của KDH được hàng loạt cơ quan truyền thông đưa tin. Trong đó có nhận định KDH trong năm 2018 sẽ có tăng trưởng lợi nhuận thông qua việc sát nhập BCCI. Việc tăng trưởng lợi nhuận sẽ được thực hiện thành công nhờ vào việc phát triển quỹ đất sạch mà theo KDH là quỹ đất sạch khu Đông Sài Gòn.
Có lẽ không tự nhiên mà KDH đặt ra mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận từ việc phát triển quỹ đất sạch.
Khu nhà ở cao tầng công ty Thành Phúc (Jamila) là một trong dự án khủng được rao bán và giới thiệu hoành tráng cũng đang trong tầm ngắm Thanh tra Bộ năm 2018. |
Điểm lại một số dự án của KDH tại khu Đông. Trên trang web chính thức của KDH, gồm 6 dự án tiêu biểu như : Dự án Khang Điền - Phước Long B, Khu nhà ở Mega (Mega Residence), khu nhà ở công ty Song Lập (Melosa Garden); khu nhà ở cao tầng công ty Thành Phúc, Khang Điền - Phú Hữu (Topica Garden), khu nhà ở Hào Khang (Mega Ruby). Trong đó, dự án có 2 dự án đang triển khai và được rao bán rầm rộ là khu nhà ở công ty Song Lập (Melosa Garden) và khu nhà ở cao tầng công ty Thành Phúc (Jamila). Cả 6 dự án tiêu biểu này của KDH đều nằm trong kế hoạch thanh tra của bộ Xây dựng 2018. trong 6 dự án thì hiện có 2 dự án đang rao bán sản phẩm. Số còn lại gần như đã bán xong. Quỹ đất sạch tại khu Đông chắc chắn sẽ không đủ lớn để phát triển nhằm tìm kiếm lợi nhuận lớn trong năm 2018.
Trở lại với việc sát nhập BCCI. Theo thông báo chính thức của BCCI trên trang web chủ, ước tính hiện BCCI có tới hơn 300ha đất sạch trong tổng số 400ha tại nhiều dự án. Phần lớn các dự án này cần thêm 2-3 năm nữa mới hoàn tất mọi thủ tục pháp lý, đền bù giải toả.
Chỉ tính riêng dự án tại xã Phong Phú, dự án Phong Phú 2 (The Green Village) của BCCI đã lên đến 1.329.200 m2. Mặc dù trước đó BCCI đã bán đi khá nhiều quỹ đất tại đây cho các đại gia BĐS khác, song quỹ đất tại dự án này còn rất lớn, nhiều khu vực được quy hoạch 20 năm nay nhưng chưa được thực hiện. Toàn cảnh khu vực được quy hoạch giờ là những cánh đồng bỏ hoang, nhiều hộ dân đang trông chờ dự án được triển khai để sớm được đền bù ổn định lại cuộc sống.
Khu công nghiệp Lê Minh Xuân đóng trên địa bàn Bình Chánh đồng loạt gửi đơn kêu cứu đến nhiều cơ quan vì giá đất đột nhiên tăng mạnh. |
Nếu chỉ tính riêng quỹ đất tại dự án treo 20 năm này, tốn ít công, ít tiền đi đền bù là dự án chạy lại, lúc đó trong tay KDH có không ít quỹ đất sạch, có thể tìm kiếm những chủ đầu tư khác sang nhượng, liên kết kinh doanh thì chắc chắn kế hoạch lãi của KDH sẽ đạt mục đích.
Chỉ có cái khó “nhỏ” cho KDH, là trước đây, trong lúc khó khăn, BCCI đền bù được ở đâu, thì gom lại đem bán hoặc liên kết phát triển với một chủ đầu tư khác, do vậy quy hoạch chung tại Phong Phú 2 hiện loang lổ như một tấm da beo, chỗ đã hình thành, chỗ đang xây dựng chỗ thì đồng ruộng hoang vu… việc thực hiện quy hoạch tổng thể như ban đầu sẽ rất khó. Nhưng nếu biết cách “ló khôn” và làm theo cách cũ của BCCI là đền tới đâu bán tới đó thì biết đâu cái khó sẽ là lợi thế trong việc thu lợi nhuận từ việc phát triển quỹ đất sạch mà KDH đã đề ra.
Việc tìm lợi nhuận trong việc phát triển quỹ đất sạch chưa phải là lợi thế duy nhất của KDH trong việc sát nhập BCCI. Còn nhớ cách đây khoảng 1 năm, hàng loạt doanh nghiệp tại khu công nghiệp (KCN) Lê Minh Xuân đóng trên địa bàn Bình Chánh đồng loạt gửi đơn kêu cứu đến nhiều cơ quan vì giá đất đột nhiên tăng mạnh, nhiều doanh nghiệp không còn khả năng đóng tiền, đối diện nguy cơ phải đóng cửa dọn ra ngoài.
Những cánh đồng “thẳng cánh cò bay” tại dự án Phong Phú 2 (The Green Village) vẫn chưa được giải tỏa đền bù. |
Nhìn lại sự việc nhiều người giật mình nhận ra, KCN trên là do BCCI gầy dựng. Tiền thân KCN này là vị trí mà UBND TP.HCM quy hoạch lại để di dời doanh nghiệp ô nhiễm trong nội thành. Đây là một trong những chương trình lớn của TP trong thập niên 90. Mục đích của KCN mang tính xã hội, BCCI là đơn vị thực hiện. Việc thay đổi cách tính tiền, cách quản lý đẩy doanh nghiệp vào thế khó là do thời điểm đó KDH đang trong thời kỳ mua lại cổ phiếu của BCCI và bắt đầu tham gia vào công tác quản lý. Chính cái nhìn thương mại đã khiến một dự án mang tính xã hội trở thành “bình sữa” giải khát.
Tiền thân của BCCI từng là doanh nghiệp nhà nước, thời điểm tạo lập quỹ đất, không ít dự án mang tính phục vụ cộng đồng, được hỗ trợ nhiều trong việc phát triển. Sau khi CP doanh nghiệp, KDH mua lại, những quỹ đất mang tính phục vụ cộng đồng sẽ được tính toán ra sao, những nhiệm vụ được giao ngày đó, giờ có còn giữ nguyên hay biến thành những dự án thương mại với lợi nhuận được đặt lên hàng đầu.
Đành rằng việc CP hóa là cần thiết, nhưng nhiều ý kiến cho rằng cần phải kiểm tra, giám sát lại quỹ đất sạch mà BCCI đã có.Cần phải giám sát lại quy trình, tiến độ thực hiện các dự án của BCCI được giao trước đây, để những ưu đãi của nhà nước, quyền lợi xã hội không trở thành lợi nhuận riêng của một tập thể hay một nhóm người, đó mới là công bằng.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.