Nam Lào - Những năm tháng không quên
Đ/C Thượng tá Đào Bá Bỉnh, trước công tác tại Cục Huấn luyện chiến đấu - Bộ Tổng Tham mưu QĐNDVN, nghỉ hưu đ/c tham gia sinh hoạt Hội CCB phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm. Đi dự lễ kỷ niệm về, đ/c đã kể lại cho chúng tôi nghe về thời gian đ/c làm nhiệm vụ chiến đấu ở Nam Lào từ đầu năm 1964 đến cuối năm 1967:
Tôi sinh ra và lớn lên trên quê hương đồng chua, nước mặn. Nơi ấy người ta quen gọi là “Xứ Đông Cổ Am, Xứ Nam Hành Thiện”. Nhà nghèo, bố mất sớm từ lúc tôi 3 tuổi, mẹ tần tảo nuôi tôi ăn học. Sau khi tốt nghiệp cấp III phổ thông, ngày 29/6/1963 tôi nhập ngũ, được biên chế về đơn vị ĐKZ tiểu đoàn 7, trung đoàn 50, quân khu 3. Sau thời gian huấn luyện, tôi đều đạt loại giỏi tất cả các khoa mục, vì thế tôi được chụp ảnh đăng trên báo QĐND tháng 10/1963. Với trình độ văn hóa cấp III, lại là cảm tình Đảng nên tôi được đơn vị chọn đi học Sĩ quan. Khi đang làm thủ tục đi học thì có lệnh chọn người tình nguyện đi chiến đấu. Tôi đã viết đến bảy lá đơn tình nguyện xin được đi chiến đấu, (tới năm 1973, tôi được biết 7 lá đơn của tôi vẫn còn lưu tại phòng truyền thống của E50, QK 3).Với quyết tâm của tôi, cấp trên đã chấp thuận cho tôi đi chiến đấu đợt đầu tiên của Trung đoàn.
Bộ đội tình nguyện Việt Nam tại Xiêng Khoảng bàn kế hoạch trước trận đánh. Ảnh tư liệu.
Ngày 20/2/1964, tôi rời trung đoàn 50 về tập trung ở lữ đoàn 350. Ngày 24/2/1964 lên tàu về Hà Nội. Chúng tôi được tập trung ở doanh trại Văn Điển vài ngày rồi về tiểu đoàn 2, trung đoàn 98, đơn vị đóng quân gần phố Chuối bên bờ sông Mực, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa.
Sau một thời gian huấn luyện bổ xung và kiện toàn tổ chức, ngày 20/4/1964 chúng tôi lên đường đi chiến đấu. Ngồi trên xe bọc bạt kín, nhìn ra thấy những người dân lưu luyến tiễn đưa và những chùm dừa, những gói thuốc lào mà nhân dân phố Chuối tặng, thật cảm động vô cùng. Chúng tôi hành quân đến Cha Lo, Quảng Bình thì dừng nghỉ tại đây. Chúng tôi được quán triệt là sang làm nhiệm vụ trên đất bạn Lào. Đơn vị tổ chức điểm nghiệm (khám xét), tất cả tiền bạc, giấy tờ và mọi thứ kể cả thư, ảnh của người yêu đều bị thu giữ lại, không để lộ dấu vết gì của miền bắc XHCN. Hôm sau chúng tôi ngồi trên xe 3 cầu đi về phía cổng trời rồi sang đất Lào.
Cuộc hành quân bộ bắt đầu. Đi vào mùa mưa trên núi rừng Trường Sơn vô cùng vất vả. Rừng rậm, núi cao, mưa rát mặt, đứng dừng chân là vắt nhảy bám vào tay, vào cổ hút máu… Chúng tôi hành quân mang vác nặng dưới trời mưa tầm tã, đi liên tục từ 4 giờ sáng đến 6 giờ tối. Mỗi ngày được phát 2 nắm cơm ăn với ruốc kem. Đi 7 ngày được nghỉ 1 ngày, đi 10 ngày đường mới có chỗ lấy gạo. Lúc ấy trên dọc Trường Sơn chưa có đường xe thồ, xe ô tô, các đơn vị vận tải đều phải gánh bằng bồ bọc kín ni-lon.
Ngày 12/7/1964, chúng tôi tới tỉnh miền đông Tà-Vằn-Oọc, nơi đây núi rừng hiểm trở. Chúng tôi vượt qua sông Bạc với chiếc cầu treo bằng mây song, đi đu đưa như ngồi trên võng. Qua sông Bạc đến dốc Tằng-Cát-Nọi. Dốc rất cao, đi từ 4 giờ sáng đến 2 giờ chiều mới leo tới đỉnh. Tôi và đ/c Đề khiêng cái nòng súng ĐKZ75, khiêng nặng leo dốc thật vất vả. Nếu không có ý chí và quyết tâm cao thì không thể vượt qua được.
Ngày 15/7/1964, đơn vị chúng tôi đến bản Đắc-Cờ-Rát, đồng chí Pho Ma, tư lệnh quân khu Nam Lào cùng quân và dân địa phương đón tiếp chúng tôi rất nồng ấm, chân tình. Những ngày tiếp theo đơn vị tổ chức các bộ phận đi trinh sát, bám nắm tình hình địch, đánh đồn Phăng-Đen (thuộc tỉnh A-Tô-Pư).
Một đơn vị Quân tình nguyện Việt Nam trước giờ tiến công quân địch trên chiến trường Lào trong kháng chiến chống Mỹ. Ảnh tư liệu.
Ngày 24/7/1964, tiểu đoàn được lệnh chuyển hướng về Mường Xay-Phăng và Đắc-Trưng. Ở đây núi cao, rừng rậm, rất nhiều thú rừng: hươu, nai, hổ, báo…Dân ở đây chủ yếu là dân tộc A-Lắc và dân tộc Nghé, lạc hậu, đói nghèo. Tiểu đoàn làm công tác xây dựng cơ sở và huấn luyện. Thời gian này rất khó khăn, anh em chịu đói vì không có gạo, phải đi hái lá, quả cây, đào củ rừng để ăn. Khí hậu rất khắc nghiệt, ngày thì nóng như thiêu, đêm lại rét như cắt da, cắt thịt…
Tháng 3/1965, đơn vị hành quân về hoạt động ở Mường Sê-Kông. Ngày 11/8/1965 tiểu đoàn tổ chức đánh đồn Viêng-Khăm. Đường đến Viêng-Khăm gian khổ, vất vả vô cùng. Tôi và đ/c Đề (đã hy sinh) khiêng khẩu ĐKZ75 ì ạch theo đơn vị. Khoảng 3 giờ sáng chúng tôi vào vị trí chiến đấu, lắp đạn ĐK vào nòng, chờ lệnh nổ súng. Vài phút sau tôi thấy pháo hiệu bắn lên từ sở chỉ huy tiểu đoàn, lệnh nổ súng bắt đầu. Tiếng đạn cối 82 và ĐKZ nổ vang trời. Khẩu đội tôi bắn 6 quả ĐKZ75 vào khu nhà chỉ huy của địch, khói lửa mịt mù sáng rực cả góc trời. Trận đánh đầu tiên bằng pháo kích, bộ binh chỉ là yểm trợ, vì thế ta không thương vong người nào, còn địch thiệt hại rất nặng nề, tinh thần của bọn lính còn sống sót vô cùng hoang mang, hoảng sợ.
Từ một học sinh nhập ngũ, được quân đội giáo dục và rèn luyện, thử thách trong chiến đấu và công tác, tôi đã trưởng thành và vững vàng trong mọi tình huống. Vì vậy, ngày 3/9/1965, tôi là người đầu tiên của đơn vị được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam trên chiến trường Nam Lào. Lòng sung sướng và tự hào, đứng dưới lá cờ của Đảng, tôi nghiêm trang xin thề suốt đời phấn đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì nghĩa vụ Quốc tế cao cả.
Ngày 13/1/1966, đơn vị vượt đường 13, qua núi Phu-Sết sang hoạt động ở Lào Ngam. Trên đường đi, trinh sát phát hiện có địch đang ở trong bản Mừn. Tiểu đoàn tổ chức đánh địch. Cuộc chiến diễn ra rất ác liệt, quân địch rất đông, lại cố thủ trong bản. Ta từ ngoài tấn công vào, vì vậy có nhiều khó khăn. Sau mấy giờ kiên cường chiến đấu, quân địch bị thiệt hại nặng, chúng bỏ lại cả súng cối 81, quân trang, quân dụng để rút chạy. Đại đội tôi hy sinh 12 đ/c... Sau khi đánh địch ở bản Mừn, làm công tác thương binh, tử sĩ và củng cố lại đơn vị, tối ngày 20/1/1966, tiểu đoàn tiếp tục hành quân vượt núi Phu-Sết, một ngọn núi cao của cao nguyên Pô-Nô-Ven sang hoạt động ở Lào Ngam thuộc tỉnh Xa-Na-Van. Đây là thời kỳ gian khổ và ác liệt nhất trong cuộc đời chiến đấu của tôi.
Hành quân đánh địch liên tục, nhiều đồng đội đã hy sinh, số bị thương và bị sốt rét ác tính cũng nhiều, mỗi ngày chỉ được cấp 2 lạng gạo nếp nương, phải độn thêm chuối xanh để ăn. Bắt cua, cá, bẫy thú rừng làm thực phẩm…
Ngày 16/9/1966, tiểu đội tôi được phối thuộc với C3 đánh tập kích đồn Na-Tơi. Đêm mưa rét trơn trượt, hành quân đi vất vả vô cùng. Cả ngày có 2 lạng gạo nếp, nấu cơm nắm phát cho anh em từ tối nhưng không dám ăn, sợ ăn trước, khi đánh xong đói không chạy được. Tôi còn nhớ lúc triển khai đội hình chiến đấu, đ/c Sang bỏ cơm ra ăn, tôi ngăn lại, bảo: “ăn bây giờ, chốc đánh xong lấy cơm đâu ăn cho có sức mà chạy”, vì đánh xong phải nhanh chóng rút chạy để tránh đạn pháo của địch. Khoảng 3 giờ sáng lệnh nổ súng, Cối 82 của ta bắn cấp tập vào đồn địch. Bọn địch nổ súng chống trả quyết liệt, một quả đạn pháo của địch rơi trúng vị trí của chúng tôi, tôi bị thương vào nách, đ/c Bồi và đ/c Sang hy sinh. Thế là tôi mất hai chiến sỹ. Lòng ngao ngán nhớ thương, nhìn nắm cơm bằng quả trứng vịt lủng lẳng ở thắt lưng đ/c Sang, tôi rất ân hận vì trước đấy đã ngăn không cho đ/c ấy ăn, bây giờ chết mà nhịn đói!
Ngày tháng trôi qua, đơn vị tôi tham gia đánh địch ở nhiều nơi, có những chiến thắng lớn, cũng có những trận bị tổn thất nặng nề. Như các trận đánh ở bản Vang-Nhao ngày 18/1/1967; phục kích đánh địch trên đường về bản Pa-Lây ngày 12/3/1967; đánh địch trên đường từ bản Xì-Xiểng-Mày đi bản Noọng-Chùa ngày 6/5/1967 …
Cuối năm 1967 tôi được phong quân hàm Chuẩn úy, số hiệu sĩ quan 211882. Ngày 23/2/1968, tôi và 4 đ/c nữa được lệnh về học tại trường sĩ quan lục quân Việt Nam. Sau đó, tôi lại được học tiếp khóa đào tạo giáo viên quân sự. Học xong, cấp trên giữ tôi lại làm giáo viên, huấn luyện đào tạo sĩ quan. Những thực tế từ chiến trường Nam Lào đã được tôi đúc kết đưa vào giáo trình huấn luyện, được cấp trên đánh giá rất cao. Liên tục 14 năm 7 tháng 20 ngày gắn bó với trường sĩ quan lục quân, tôi đã đóng góp công sức, trí tuệ của mình cùng với nhà trường đào tạo ra hàng vạn sỹ quan, nhiều đ/c đã được phong quân hàm cấp tướng, nhiều sĩ quan quân đội NDCM Lào cũng được đào tạo tại đây. Cuối năm 1982 cấp trên điều tôi về công tác tại Cục huấn luyện chiến đấu – Bộ Tổng Tham mưu QĐNDVN, đến năm 1991 tôi nghỉ hưu với quân hàm Thượng tá.
Hôm nay, tại buổi lễ kỷ niệm “70 năm ngày truyền thống của quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam tại Lào” tôi được gặp lại một số đồng đội cũ, tưởng nhớ những đồng đội đã hy sinh, cùng nhau ôn lại những kỷ niệm không thể nào quên trên đất bạn Lào. Chúng tôi vui mừng vì tình đoàn kết gắn bó keo sơn giữa hai Đảng, quân đội và nhân dân hai nước Việt Nam – Lào ngày càng phát triển bền vững. Tôi tự hào là đã có phần đóng góp nhỏ bé của mình vào thắng lợi chung của hai nước vào tình cảm đoàn kết, hữu nghị thiêng liêng của hai dân tôc Việt – Lào.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.