Nam sinh đấm bạn tàn phế phải bồi thường gần một tỷ đồng
Bị cáo Trí tại phiên tào phúc thẩm. Ảnh: Hải Thư
Chiều 5/4, TAND Hà Nội mở phiên phúc thẩm vụ án Cố ý gây thương tích với Nguyễn Đức Trí, 18 tuổi, theo đơn kháng cáo của đại diện người bị hại.
Theo đó, HĐXX chấp nhận chấp nhận một phần kháng cáo, buộc tăng mức bồi thường của bị cáo thêm 120 triệu đồng, nâng tổng các khoản phải bồi thường lên 964 triệu đồng.
Ngoài ra, bị cáo phải chu cấp hằng tháng 3 triệu đồng cho bị hại đến khi bị hại chết, hồi phục sức lao động hoặc có diễn biến sức khoẻ khác.
Bị hại cũng đề nghị trường Cao đằng Công Thương Hà Nội tham gia tố tụng với tư cách người có quyền và nghĩa vụ liên quan vụ án và phải liên đới bồi thường thiệt hại. Nội dung kháng cáo này bị HĐXX phúc thẩm bác, cho rằng không có căn cứ chấp nhận.
Bản án sơ thẩm tháng 12/2020 của TAND quận Thanh Xuân xác định, bị cáo Trí và cháu Nguyễn Mạnh Đức, 19 tuổi, cùng là học sinh bán trú hệ đào tạo hai văn bằng của trường Cao đẳng Công thương Hà Nội song học khác lớp.
Khoảng 11h45' ngày 22/7/2019, Trí cùng nhóm bạn đi bộ từ tầng 6 xuống xuống tầng một thấy có tương ớt chạy qua khe cầu thang rớt xuống tay mình nhưng không nhìn rõ ai đổ.
Sau đó, thông qua bạn bè, nghi ngờ cho Đức là thủ phạm, Trí tìm gặp và kéo Đức ra khu vực nhà vệ sinh nam ở tầng 5, đấm liên tiếp vào đầu và mặt đến khi được các bạn can ngăn.
14h cùng ngày, Đức ngất xỉu, được chẩn đoán chấn thương sọ não, thương tật 94%.
Nhận định hành vi của bị cáo vô cùng nghiêm trọng, song gây án khi chưa đủ tuổi thành niên, Toà án sơ thẩm tuyên phạt Trí 4 năm 4 tháng tù, bồi thường 840 triệu đồng.
Tại phiên phúc thẩm, Trí im lặng, dành tất cả quyền trình bày cho mẹ ruột, người đại diện quyền lợi hợp pháp. Bà thay con gửi lời xin lỗi tới bị hại và gia đình, nói điều xảy ra nằm ngoài mong muốn cả hai phía.
"Tổn hại sức khoẻ của cháu Đức không tiền nào bù đắp nổi, nhưng con trai tôi cũng phải trả cái giá xứng đáng vì lỗi lầm tuổi trẻ", bà khóc nói, mong gia đình bị hại không kháng cáo đòi thêm tiền bồi thường do hoàn cảnh khó khăn.
Bị hại có mặt tại phiên toà, không thể đi lại, hầu như khả năng điều khiển hành vi và lời nói. Phát biểu quan điểm, mẹ bị hại không chấp nhận yêu cầu của bên bị cáo. Bà cũng yêu cầu truy cứu trách nhiệm với trường Cao đẳng Công Thương Hà Nội khi để xảy ra vụ việc. "Mỗi tháng chúng tôi phải đóng 100.000 đồng quản lý nội trú nhưng khi các cháu xảy ra mâu thuẫn không có giáo viên can thiệp", bà nói.
Đại diện nhà trường cho biết, nhà trường đã hỗ trợ 230 triệu đồng chi phí điều trị cho gia đình bị hại dù không có nghĩa vụ bồi thường. Nhận thức về trách nhiệm của trường trong vụ án, vị này giải thích, theo kết luận điều tra, sự việc diễn ra trong vòng 2 phút từ 11h57' đến 11h59', trong khi khung giờ quản lý nội trú tính từ 12h đến 13h30 hằng ngày.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.