Ngành ngân hàng 2020: Lợi nhuận giảm không lo bằng nợ xấu
Lợi nhuận giảm
Dịch Covid-19 đã tác động mạnh mẽ tới hầu hết các ngân hàng. Nếu các ngân hàng lớn khi phải tăng cường giảm lãi suất, hỗ trợ khách hàng, thì các ngân hàng nhỏ, ngân hàng đang tái cơ cấu có “vốn mỏng” nên sức chống chịu kém dần. Tính đến cuối tháng 4, mới có hơn 10 ngân hàng thương mại công bố báo cáo tài chính quý I. Trong đó, có hơn một nửa có lợi nhuận giảm âm so với cùng kỳ năm 2019. Cụ thể là Saigonbank (-31%), BacABank (-27%), Kienlongbank (-23%), Vietcombank (-11%), Sacombank (-7%). Với kết quả này không mấy ngạc nhiên bởi dịch bệnh Covid-19 đã và đang tác động đến tất cả lĩnh vực kinh tế trong nước và thế giới.
Trong bản báo cáo tài chính 4 năm liền trước của Vietcombank đều ghi nhận đà tăng trưởng lợi nhuận quí I (giai đoạn 2016-2019) với tốc độ bình quân 43%/năm. Nhưng bước vào quí I năm nay, mạch tăng trưởng này của ngân hàng đã bị chặn đứng khi ghi nhận mức sụt giảm lợi nhuận 11% xuống còn 5.333 tỉ đồng. Không chỉ lợi nhuận mà các chỉ tiêu tài chính khác cũng đã có dấu hiệu giảm tốc trong báo cáo tài chính mới nhất của ngân hàng này.
Cụ thể, thu nhập lãi thuần (nguồn thu chính của ngân hàng) trong 3 tháng đầu năm nay chỉ tăng gần 6,3% so với cùng kỳ, đạt 9.034 tỉ đồng. Trong khi đó, mức tăng của chỉ số này năm trước lên tới 37%. Các mảng kinh doanh khác tại ngân hàng này cũng ghi nhận mức tăng trưởng chậm hơn quí I/2019 như hoạt động dịch vụ tăng 5%; ngoại hối tăng 19%; hoạt động khác giảm 11%; thậm chí mua bán chứng khoán lỗ 54 tỉ đồng quí vừa qua…
Các chỉ tiêu này gộp lại giúp tổng thu nhập hoạt động trong quí của Vietcombank đạt hơn 12.200 tỉ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ. Nhưng chi phí tăng 12% là lý do khiến lợi nhuận doanh nghiệp này giảm tương ứng.
Ngoài các chỉ tiêu kinh doanh, tổng tài sản của ngân hàng này cũng đã giảm 6,4% trong quí I, hiện ở mức 1,14 triệu tỉ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do giảm mạnh gửi tiền tại các tổ chức tín dụng khác từ 190.000 tỉ đồng xuống hơn 124.000 tỉ đồng.
Tương tự Vietcombank, chuỗi tăng trưởng quí I trong 3 năm liên tiếp của Sacombank cũng đã bị chặn lại khi báo cáo tài chính mới công cũng có kết quả lợi nhuận trước thuế giảm 7%. Theo đó, số thu kỳ này của Sacombank đạt 988 tỉ đồng, giảm hơn 70 tỉ đồng so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chính dẫn tới đà suy giảm lợi nhuận tại đây do khoản từ hoạt động khác (chủ yếu đến từ việc xử lý, thu hồi nợ xấu) giảm từ hơn 300 tỉ đồng kỳ trước xuống hơn 70 tỉ đồng kỳ này. Ngoài ra, chi phí hoạt động của ngân hàng cũng tăng 21% trong khi tổng thu nhập chỉ tăng gần 10% đã ảnh hưởng trực tiếp tới kết quả lợi nhuận cuối cùng.
Ở chiều ngược lại vẫn xuất hiện những ngân hàng xoay sở tốt trước sức ép của dịch bệnh Covid-19 khi tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng. Như trường hợp của VietBank, dù tín dụng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh khiến thu nhập lãi giảm nhưng lợi nhuận của ngân hàng vẫn tăng gấp đôi nhờ hoạt động mua bán chứng khoán, đạt 230 tỉ đồng.
Thậm chí, VPBank còn thiết lập kỷ lục của riêng mình về chỉ số lợi nhuận. Cũng trong quí vừa qua, ngân hàng này thu về tới 2.911 tỉ đồng tiền lãi trước thuế, tăng 63% so với cùng kỳ và là con số lợi nhuận quí I cao nhất từ trước đến nay của ngân hàng. Đáng chú ý, lợi nhuận tại riêng ngân hàng mẹ VPBank đã tăng gấp đôi so với năm liền trước.
Lợi nhuận các ngân hàng có thể vẫn tăng trưởng. Nguồn Internet
Dù kinh doanh khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, hàng loạt chỉ tiêu tại ngân hàng này vẫn ghi nhận tăng trưởng như thu nhập lãi thuần tăng 14%; lãi dịch vụ tăng 33%; chứng khoán kinh doanh tăng 860%; chứng khoán đầu tư tăng 200%… Ngoài ra, lợi nhuận tăng vọt tại ngân hàng này cũng đến từ việc cắt giảm chi phí hoạt động chính khi số phát sinh kỳ này chỉ tăng 10% trong khi tổng thu nhập tăng hơn 24%.
Không bù đắp lãi bằng các hoạt động tài chính ngoài tín dụng như VietBank, VPBank… ngân hàng ACB đã “khoe” lãi quí I tăng 12,8% lên mức 1.924 tỉ đồng phần lớn đến từ mảng tín dụng. Cụ thể, doanh thu mảng này tăng tới 20,1%, kết hợp với chi phí huy động tăng 20,4%, đã khiến thu nhập lãi thuần tăng 19,7%, đạt 3.419 tỉ đồng.
Trong khi đó, các mảng kinh doanh phi tín dụng lại diễn biến trái chiều. Mảng dịch vụ ghi nhận 370 tỉ đồng lãi thuần trong quí I, tương đương cùng kỳ năm ngoái; trong khi mảng ngoại hối lại ghi nhận mức tăng 77,4% về lãi thuần, đạt 142 tỉ đồng. Đặc biệt, mảng mua bán chứng khoán đầu tư tăng gấp 19 lần, lên 348 tỉ đồng. Ngược lại, mảng mua bán chứng khoán kinh doanh chỉ đem về cho ACB 14,6 tỉ đồng lãi thuần, giảm 44%. Các hoạt động khác đem về 80,5 tỉ đồng lãi thuần, giảm gần 40%.
Tương tự, nhiều ngân hàng khác cũng ghi nhận con số lợi nhuận tăng 2 chữ số như VIB tăng 33%, đạt 1.075 tỉ đồng; TPBank tăng 18%, đạt 1.009 tỉ đồng…
Theo Báo cáo đánh giá tác động của Covid-19 đến thu nhập của ngành Ngân hàng từ nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cho biết, theo tính toán sơ bộ, thu nhập hoạt động của các tổ chức tín dụng năm 2020 dự báo sẽ giảm ít nhất khoảng 30-34 nghìn tỉ đồng, tương đương giảm 20-25% kế hoạch lợi nhuận ban đầu. Trong đó, những tác động trực tiếp từ việc giảm lãi, cơ cấu nợ, miễn giảm phí dịch vụ... khiến tổng thu nhập của các tổ chức tín dụng năm 2020 sẽ giảm từ hơn 17 nghìn đến 22 nghìn tỉ đồng. Tác động gián tiếp có thể làm giảm khoảng trên 12.200 tỉ đồng thu nhập của các ngân hàng. Đặc biệt, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), nhóm 4 ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước còn phải giảm tối thiểu 40% lợi nhuận để đóng góp vào việc giảm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp.
Nợ xấu mới đáng ngại
Không những kết quả lợi nhuận giảm, báo cáo tài chính quý I của các ngân hàng còn cho thấy một mối lo nữa là nợ xấu gia tăng. Nợ xấu tại một số ngân hàng đã tăng trong quí 1 do các tác động ban đầu của dịch bệnh Covid-19. Dự báo, con số nợ xấu sẽ có nguy cơ tăng nhanh hơn trong thời gian tới khi nhiều khoản vay của doanh nghiệp được cơ cấu giãn nợ sẽ được tính vào nhóm nợ xấu. Như tại Vietcombank, đến cuối quý I, tổng dư nợ cho vay khách hàng đạt hơn 754 nghìn tỉ đồng, tăng gần 2,7% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ cần chú ý của Vietcombank tăng gần gấp đôi lên hơn 5 nghìn tỉ đồng. Ngân hàng này đã phải trích lập chi phí dự phòng rủi ro tăng tới 42%, lên mức 2.152 tỉ đồng. Hồi cuối tháng 3, Vietcombank cho biết dư nợ của các khách hàng gặp khó khăn do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, được ngân hàng này giữ nguyên nhóm nợ từ đầu năm đến nay, là trên 8.200 tỉ đồng. Trong thời gian tới, nhiều trường hợp trong tổng số hơn 50.000 tỉ đồng dư nợ cho vay bị ảnh hưởng sẽ được Vietcombank xem xét cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo quy định.
Còn tại các ngân hàng thương mại, tình hình nợ xấu lại không mấy khả quan. Như tại TPBank, ngân hàng này ghi nhận nợ tại các nhóm 2,3,4 và 5 (nợ có khả năng mất vốn) đều tăng khá mạnh trong quí 1. Nợ xấu tại đây đã tăng gần 54% so với thời điểm đầu năm, lên hơn 1.880 tỉ đồng, nâng tỉ lệ nợ xấu từ 1,29% ở thời điểm cuối năm 2019 lên 1,87% tại cuối quí I.
Ngân hàng Kiên Long tăng vọt về nợ xấu. Nguồn Internet
Trong báo cáo tài chính hợp nhất quí I mới công bố của KienlongBank, ngân hàng này ghi nhận mức tăng nợ xấu khoảng 6,5 lần so với thời điểm cuối năm 2019, từ hơn 340 tỉ đồng lên trên 2.238 tỉ đồng. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng này trên tổng dư nợ cũng tăng từ 1,02% tại thời điểm 31/12/2019 lên 6,6% tại thời điểm 31/3/2020.
Nợ xấu tăng đến từ nguyên nhân nợ có khả năng mất vốn của KienlongBank tăng từ 238 tỉ đồng lên 2.126 tỉ đồng. Theo Kienlongbank, trong số dư nợ có khả năng mất vốn có 1.895 tỉ đồng dư nợ các khoản cho vay đối với một nhóm khách hàng với tài sản đảm bảo là cổ phiếu của một ngân hàng khác được phân loại nợ nhóm 5 theo quyết định của NHNN.
Cùng chung hoàn cảnh như 2 ngân hàng thương mại cổ phần kể trên, Saigonbank cũng ghi nhận tỷ lệ nợ xấu tăng nhanh từ 1,96% lên 2,65% chỉ trong 3 tháng đầu năm. Một số khác có tỷ lệ nợ xấu tăng chậm hơn như tại VIB, từ 1,96% lên 2,19%, hay SeABank từ 2,31% lên 2,34%. Tương tự, ngân hàng Sacombank, cuối tháng 3 nợ xấu nội bảng ở mức 6.046 tỉ đồng, tăng hơn 300 tỉ đồng so với đầu năm. Tỉ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay cũng tăng từ 1,94% lên 1,97%.
Một điểm chung dễ nhận thấy là trong quý đầu năm, hàng loạt ngân hàng đã tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro để chuẩn bị đối phó với nợ xấu đang có nguy cơ tăng mạnh.
Khảo sát các ngân hàng cho thấy, nợ xấu có nguy cơ tăng mạnh do khách hàng gặp khó khăn và thực hiện cho vay ưu đãi hơn nhằm ứng cứu khách hàng. Đồng thời, các ngân hàng tăng trích lập dự phòng rủi ro sẽ giảm lợi nhuận.
Theo đánh giá ban đầu của NHNN thì tác động của dịch với đối với dư nợ của hệ thống ngân hàng hiện nay là khoảng 2 triệu tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa 23% dư nợ hiện hữu của hệ thống ngân hàng có thể chịu tác động của dịch bệnh.
Với 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế như Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra, trường hợp dịch được kiểm soát trong quí 1, tỷ lệ nợ xấu bao gồm nội bảng, đã bán cho VAMC và nợ đã phân loại nợ sẽ ở mức 2,9-3,2% vào cuối quí II và từ 2,6-3,0% cho cả năm 2020. Nếu dịch được kiểm soát trong quí 2, tỷ lệ nợ xấu sẽ tăng lên 4% và 3,7% tương ứng.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.