Thương binh Nguyễn Hữu Phúc: Còn làm được việc thì còn cố gắng
Thương binh Nguyễn Hữu Phúc luôn là tấm gương sáng để con cháu noi theo. Ảnh: baovinhphuc.com.vn
Năm 1972, ông Phúc (khi ấy mới tròn 17 tuổi) hăng hái lên đường nhập ngũ tại chiến trường D3 Tây Nguyên. Trong quá trình chiến đấu, ông bị thương nặng ở chân và bị hỏng hoàn toàn mắt bên phải. Năm 1980, ông được xuất ngũ trở về địa phương.
Lúc này, với đồng lương phụ cấp ít ỏi, thu nhập chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng, nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Năm 1993, thực hiện chủ trương khuyến khích các hộ nông dân đầu tư vay vốn phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng, ông Phúc mạnh dạn vay 5 triệu đồng của ngân hàng và vay thêm vốn của anh em, bạn bè để kinh doanh phế liệu.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng ông luôn nỗ lực làm việc, tích cóp để gia tăng đồng vốn. Khi kinh tế gia đình ngày càng khấm khá, ông Phúc tiếp tục vay vốn để mở rộng mặt bằng kinh doanh trên nền đất cũ của gia đình.
Hình ảnh ông phúc đang tổng hợp sổ sách thu mua phế liệu. Ảnh qdnd.vn
Từ cơ sở nhỏ ban đầu có hiệu quả, sau nhiều năm cơ sở được mở rộng với 100 lao động địa phương, mang lại thu nhập khoảng 200 triệu đồng mỗi năm.
Thành quả trên là minh chứng cho một ý chí, nghị lực phi thường vượt qua thương tật của người lính Cụ Hồ. Đó là ý chí, nghị lực được rèn giũa trong quân ngũ, thử lửa qua bom đạn quân thù mà có. Ý chí, nghị lực ấy luôn bùng cháy trong ông cùng sự lạc quan “còn làm được việc thì còn cố gắng”, theo đúng lời dạy của Bác “Chớ bi quan, chán nản, phải luôn cố gắng”. Điều ấy toát lên một con người rắn rỏi, có tính kỷ luật, trách nhiệm, không ỷ lại, luôn cố gắng để thấy mình còn có ích cho đời, như lời Bác dặn “phải tránh tâm lý “công thần”, coi thường lao động, coi thường kỷ luật”. Ý chí, nghị lực ấy đã vẽ nên con người giản dị, gần gũi, hòa đồng, sẻ chia với những hoàn cảnh còn khó khăn, góp sức vào xây dựng nông thôn mới trên quê hương Vĩnh Phúc anh hùng.
Thương binh Nguyễn Hữu Phúc là tấm gương sáng“tàn nhưng không phế”, đầy bản lĩnh, kiên cường, khắc phục khó khăn, vượt lên số phận, tô thắm truyền thống vẻ vang Bộ đội Cụ Hồ. Tôi và thế hệ trẻ hôm nay sẽ luôn lấy tấm gương ấy để vượt qua khó khăn, tích cực tu dưỡng, phấn đấu vươn lên khẳng định mình, sống và làm việc có ích cho gia đình, xã hội, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp hơn.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc.