Nghĩa tình Lộc Ninh

2020-08-28 10:32:20 0 Bình luận
Trong kháng chiến chống Mĩ, huyện Lộc Ninh (tỉnh Bình Phước) là vùng chiến lược quan trọng, vùng căn cứ cách mạng, nơi đóng trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, đoạn cuối đường Trường Sơn lịch sử. Lộc Ninh còn là nơi tập kết quân, phân phối, cung cấp hậu cần cho chiến trường B2, là vùng ven bảo vệ Sài Gòn - thủ phủ của chính quyền Mĩ - ngụy, nên địch tập trung nhiều lực lượng thiện chiến, tinh nhuệ vào vùng đất này. Cuộc chiến tranh nơi đây vô cùng khốc liệt, là địa bàn giao tranh, chiến đấu trong thời gian dài giữa quân và dân ta với các đơn vị sừng sỏ nhiều sắc lính của Mĩ, Ngụy.

Trong cuộc đối đầu lịch sử một mất, một còn nhiều năm để giành độc lập dân tộc, bao nhiêu người con ưu tú khắp mọi miền Tổ quốc hy sinh trên vùng đất Lộc Ninh (nói riêng) đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt. Sau ngày miền Nam giải phóng, Đảng, nhà nước, quân đội và nhân dân ta nhiều năm tổ chức tìm kiếm hài cốt liệt sĩ quy tập về các nghĩa trang trong tỉnh. Tuy nhiên, do công cuộc phát triển kinh tế đất nước sau này và địa hình chiến trường xưa hoàn toàn thay đổi, dẫn đến việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ hết sức khó khăn, nan giải.

Nặng nghĩa tri ân đồng đội

Điểm đến đầu tiên trong chuyến về Lộc Ninh của chúng tôi là xã Lộc Hòa, nơi có Đồi 224 từng xảy ra trận chiến ác liệt giữa Lực lượng Vũ trang Trung đoàn 141 (Sư đoàn 7) với Trung đoàn 11 thiết giáp và lính bộ binh kỵ binh bay Mĩ. Trung đoàn 141 quân số thương vong nhiều, cho đến nay ta mới tìm thấy được 13 hài cốt liệt sĩ tại Đồi 224 và một số liệt sĩ thuộc các đơn vị khác từng tham gia chiến đấu trên địa bàn xã Lộc Hòa.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Miện (trái) và cựu chiến binh Bùi Qúy Từ đang xem lại thông tin bộ đội hy sinh tại Đồi 224 (Ảnh: Nguyễn Duy Hiến)

Bước vào tháng 7, trời rả rích mưa và có những cơn mưa lớn kèm theo gió lốc. Qua địa phận xã Thuận Phú, huyện Đồng Phú, tôi chạnh lòng nhìn hai bên đường thấy hàng chục cây cao su thân gần vòng tay người lớn bị gió lốc quật gẫy và bật gốc. Khi chúng tôi đến xã Lộc Hòa cũng vừa lúc trời tạnh mưa. Nắng chấp chới trên con đường nhựa liên ấp, xã còn ẩm hơi nước. Đón chúng tôi, ngoài cựu chiến binh Nguyễn Văn Miện, nguyên Chủ tịch Hội cựu chiến binh xã Lộc Hòa, Bùi Qúy Từ, Lê Văn Tường, còn có cựu chiến binh Lê Lương Tuân từ tỉnh Vĩnh Phúc mới vào. Cựu chiến binh Tuân nguyên là Đại đội phó Đại đội 15, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 141 vào thăm lại chiến trường xưa, kết hợp cùng các cựu chiến binh xã Lộc Hòa xác định lại các vị trí đồng đội hy sinh.

Cựu chiến binh Miện kể lại, những năm đầu công việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ rất khó khăn. Do địa bàn rộng lại là vùng biên giới, dấu tích, địa chính của chiến trận năm xưa nơi bộ đội ta hy sinh đã cách xa hàng chục năm. Có nơi xác định nhiều lần qua các thông tin của đồng đội cùng đơn vị từng chiến đấu, vẫn không tìm thấy liệt sĩ. Thế nhưng, ông và đồng đội đi tìm kiếm liệt sĩ vẫn không hề nản lòng. Liệt sĩ Nguyễn Văn Khuất quê huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây (cũ) được tìm thấy đầu tiên và gia đình liệt sĩ gửi thư vào cảm ơn. Cũng trong ngày tìm thấy liệt sĩ Khuất, lãnh đạo UBND xã Lộc Hòa đã đến động viên đội... Từ đó, cựu chiến binh Miện miệt mài thâm nhập tìm kiếm thông tin liệt sĩ, nhiều lúc bỏ bê công việc chăm sóc vườn. Bà Trịnh Thị Thư trong Ban liên lạc nữ cựu chiến binh huyện luôn ủng hộ việc làm tình nghĩa của chồng mình.

Để làm tốt công việc tri ân liệt sĩ, cựu chiến binh Miện đi thu thập những nguồn tin quý giá từ các quân đoàn, sư đoàn có đơn vị tham gia trận đánh Đồi 224 và các điểm lẻ khác. Thông tin từ các cựu chiến binh trực tiếp chiến đấu của Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 141. Thông tin từ người dân sở tại, nhất là với những người cao tuổi và cả người trước đây tham gia quân đội chế độ cũ. Dựa trên danh sách liệt sĩ hy sinh ngày 28/11/1968 tại Đồi 224, của Phòng Chính sách, Cục Chính trị, Quân đoàn 4 cung cấp, có ghi rõ đầy đủ họ tên, năm sinh, quê quán, ngày nhập ngũ, cấp bậc và họ tên cha mẹ. Trong quá trình tìm kiếm, ông Miện đánh dấu số liệt sĩ đã có thông tin, số liệt sĩ đã tìm thấy, khai quật, cất bốc đưa tiễn về các nghĩa trang quê nhà liệt sĩ. Nhiều lần ông Miện tự lo kinh phí ra Bắc tìm đến những địa phương có liệt sĩ hy sinh tại Đồi 224 mà ông được biết. Nhiều gia đình liệt sĩ hay tin vào nhà ông ở lại cả thời gian tìm kiếm.

Những kỷ niệm không thể quên

Trong hơn 14 năm tìm kiếm liệt sĩ, có những kỷ niệm mà cựu chiến binh Miện nhớ mãi. Đó là trong lần ngồi xe đò về Lộc Ninh tình cờ quen biết hai người đàn ông ngồi cạnh cũng tìm về UBND xã Lộc Hòa. Hỏi chuyện mới biết hai người quê tỉnh Hà Tây vào liên hệ địa phương tìm hài cốt người bác hy sinh tại cao điểm 224. Vào năm 1998, kinh tế vùng này rất khó khăn. Gia đình ông Miện có chiếc hon da 78 là thuộc diện “khá” ở xã Lộc Hòa. Trụ sở Ủy ban xã Lộc Hòa đang còn xây dựng, không ngần ngại, ông Miện quyết định chở hai người đàn ông lạ về nhà mình tá túc đỡ ít hôm mà không nói trước cho vợ biết. Từ ngoài tỉnh Thanh Hóa vào, cơ ngơi còn đang sơ sài, căn nhà chỉ là một túp lều che tạm. Thậm chí giường ngủ cũng không có phải trải tấm bạt nằm tạm trên nền đất. Nhằm để vợ khỏi lo lắng, ông Miện nói dối hai người là bạn cũ trước cùng đơn vị ở ngoài Bắc vào tìm kiếm người thân hy sinh tại thung lũng ấp 6, xã Lộc Hòa. Qủa thật mạo hiểm vì đây thuộc vùng biên giới, non một cây số đã qua đất Campuchia. Hai người mượn xe hon đa của gia đình đi suốt 4 ngày trời không về. “Tôi chột dạ. Vợ tôi lo lắng vẻ hờn trách. Tôi cũng không biết ngày đầu họ lên liên hệ làm việc với lãnh đạo Ủy ban xã và đi lạc qua Campuchia được các chiến sĩ biên phòng tìm gặp đưa về. Sau hai người về trả xe, tôi hỏi kỷ và dẫn hai người đến gặp ông Điểu Re, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Lộc Hòa, là cán bộ C31 trực tiếp chiến đấu tại cao điểm Đồi 224. Qua câu chuyện của hai người, Già làng Điểu Re đưa chúng tôi đến một vườn cà phê gần suối, mới biết 2 liệt sĩ đã được đưa về nghĩa trang liệt sĩ huyện Lộc Ninh. Đây là 2 liệt sĩ đầu tiên được tìm thấy tại xã Lộc Hòa. Ôm mộ liệt sĩ, hai người mừng, nước mắt giàn giụa, khiến chúng tôi nao lòng...”, ông Miện nói.

Có một lần đội của ông đào được hài cốt bọc trong ni long nhưng patuya vẫn còn nguyên. Bên hài cốt còn có con dao găm, cái bật lửa zipbô và ít đồ cá nhân. Vị trí tìm thấy hài cốt tại thung lũng ấp 8, xã Lộc Hòa. Nhìn tư trang cá nhân, một số vật dùng và bao ni long bọc hài cốt, ông Miện xác định đây không phải hài cốt bộ đội, mà là hài cốt của một người lính Việt nam cộng hòa. Trong đội có người đề nghị ông vứt hài cốt này xuống suối cho trôi đi. Ông không đồng ý và cho rằng tuy lính ngụy nhưng cũng là người Việt Nam, cũng đầu đen máu đỏ người Việt cả. Ông vận động mỗi người đóng góp ít tiền mua cái tiểu sành để hài cốt người lính này vào và trước khi đưa ra nghĩa trang làng 9 chôn, trình báo lên lãnh đạo UBND xã và hội CCB huyện chấp thuận, cho đó là việc làm nhân văn, nghĩa tử là nghĩa tận.  

Cựu chiến binh Bùi Qúy Từ, nguyên cán bộ Đồn biên phòng Cửa khầu Quốc tế Hoa Lư. Nhập ngũ năm 1974, ông là một trong số người sống sót  đợt quân Pôn Pốt tập kích vào đồn đêm 27, rạng sáng 28/1/1978. Trận tập kích của Trung đoàn Pôn Pốt vào Đồn biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Hoa Lư làm 34 cán bộ chiến sĩ hy sinh. Chứng kiến đồng đội hy sinh và thấm nhuần nỗi đau của gia đình liệt sĩ. Phục viên, Bùi Qúy Từ tham gia vào Đội tìm kiếm hài cốt liệt sĩ xã Lộc Hòa. Là người bản địa và có nhiều năm cùng gia đình sinh sống làm ăn bên đất nước Campuchia, nên khi các đoàn đến Lộc Hòa, qua Campuchia tìm liệt sĩ đều có cựu chiến binh Từ theo phiên dịch. 14 năm cùng đồng đội tìm kiếm liệt sĩ, với ông đó là việc làm thiêng liêng cao cả.

Khi đồng đội còn nằm lại chiến trường

Lộc Hòa là vùng đất thiêng còn gắn nhiều duyên nợ với những người lính Cụ Hồ từng chiến đấu tại đây. Cựu chiến binh Nguyễn Văn Miện, Bùi Qúy Từ, Lê Văn Tường chọn xã Lộc Hòa, xã vùng sâu huyện Lộc Ninh để gia đình định cư sinh sống, làm kinh tế; tâm huyết của họ không ngoài mục đích tìm kiếm đồng đội hy sinh tại vùng đất này. Lộc Hòa xưa là chiến trường giao tranh ác liệt giữa lực lượng vũ trang Sư đoàn 7 với địch. Nơi đây đã có bao cán bộ, chiến sĩ ngã xuống nay vẫn chưa tìm thấy hài cốt.“Chúng tôi ở tại đây nên thường chứng kiến và ghi nhận nhiều lần từng đoàn cựu chiến binh từ các đơn vị, sư đoàn, quân đoàn, gia đình thân nhân liệt sĩ đến đây tìm kiếm liệt sĩ, khó khăn nơi ăn chốn ở, phương tiện đi lại không có. Từ chỗ đó, chúng tôi đã gần gũi lắng nghe các cựu chiến binh kể lại từng trận đánh, trường hợp bộ đội hy sinh. Đồng thời, chúng tôi cũng gặp gỡ các gia đình liệt sĩ để nắm thông tin, xác định vị trí trận đánh, nơi bộ đội hy sinh, nhằm cho việc tìm kiếm liệt sĩ được thuận lợi, nhanh chóng hơn”, ông Miện cho biết.

14 năm qua, đội tìm kiếm thông tin hài cốt, mộ liệt sĩ xã Lộc Hòa đã tiếp nhận 31 thông tin liệt sĩ. Phối hợp khảo sát, 35 lượt tìm kiếm trên các địa điểm trong tỉnh và nước bạn Campuchia. Phối hợp với các cơ quan chức năng tìm và cất bốc 61 bộ hài cốt liệt sĩ, bàn giao cho gia đình và đưa về nghĩa trang liệt sĩ an táng. Tuy khó khăn vất vả nhưng những cựu chiến binh xã Lộc Hòa xác định làm được việc tốt “nghĩa tình đồng đội”, góp phần xoa dịu nỗi đau của cuộc chiến tranh cho nhiều người, nên được bà con thân nhân liệt sĩ, anh em đồng đội quý mến tin yêu. Các cấp lãnh đạo địa phương, các cấp hội cựu chiến binh quan tâm, động viên, khen ngợi.    

Hướng về nghĩa tình tri ân liệt sĩ, mặc dù hoạt động không có kinh phí. Nhưng đội vẫn hoạt động tích cực, trách nhiệm cao cả với đồng đội đã khuất, luôn được thường trực hội cựu chiến binh huyện, tỉnh đánh giá cao và cần nhân rộng trên toàn tỉnh. Ông Miện cho biết thêm sẽ góp ý lãnh đạo Hội cựu chiến binh huyện Lộc Ninh, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh, nên tổ chức đội tìm kiếm hài cốt liệt sĩ huyện với quy mô lớn hơn. Ông sẽ tuyển chọn thêm một số hội viên biết nói tiếng Campuchia, vì chiến trường ở đây xảy ra tại xã Lộc Hòa có liên quan đến chiến trường Campuchia. Họ vừa là những người xúc tiến trong việc tìm kiếm liệt sĩ vừa là thông dịch viên. Mục tiêu chọn nhân sự cho đội thường là người sinh ra lớn lên ở đây, chiến đấu ở đây và những người gốc bản địa tại đây, nắm được địa bàn liệt sĩ hy sinh tại Lộc Ninh và Lộc Hòa nói riêng, trong đó có liệt sĩ còn nằm lại Đồi 224, thung lũng ấp 6, ấp 8 và gần cửa khẩu quốc tế Hoa Lư. Những cựu chiến binh tìm kiếm hài cốt liệt sĩ xã Lộc Hòa tiếp tục với trách nhiệm nghĩa tình tri ân cao cả.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

SHB tăng tốc chuyển đổi, lợi nhuận quý I năm 2024 cao nhất lịch sử

Năm 2024, SHB đặt kế hoạch lợi nhuận đạt 11.286 tỷ đồng, cao hơn 22% so với năm trước. Với chiến lược chuyển đổi 2024 - 2028, SHB xác lập mục tiêu TOP 1 về hiệu quả, khẳng định vị thế định chế tài chính hàng đầu, vươn tầm khu vực.
2024-04-26 18:33:29

Hoa Kỳ và tỉnh Cà Mau khởi động dự án hỗ trợ người khuyết tật

Ngày 25/4, Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam, thông qua Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và UBND tỉnh Cà Mau tổ chức lễ khởi động dự án hỗ trợ người khuyết tật do USAID tài trợ được triển khai trên địa bàn tỉnh.
2024-04-26 12:27:06

Australia hợp tác cùng Việt Nam phát triển ngành tài nguyên bền vững

ĐSQ Australia vừa cho biết: Tuần này, phái đoàn doanh nghiệp dịch vụ thiết bị, công nghệ khoáng sản (METS) Australia tham dự triển lãm khai khoáng Mining Vietnam 2024, với sự hỗ trợ của Cơ quan Thương mại và Đầu tư Chính phủ Australia (Austrade), để thúc đẩy hợp tác khai khoáng bền vững giữa Australia và Việt Nam.
2024-04-26 12:20:51

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân 49 năm thống nhất đất nước

Nhân kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), sáng 26/4, Đoàn đại biểu Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và dâng hương, tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Đài Tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ trên đường Bắc Sơn.
2024-04-26 11:48:48
Đang tải...