Người già, trẻ em vùng ốc đảo "3 không" khao khát được vào bờ
Ốc đảo thôn Long Thạnh Tây (xã Tam Hải, huyện Núi Thành, Quảng Nam) nằm lọt thỏm giữa dòng Trường Giang. Từ cảng cá An Hoà (xã Tam Giang, huyện Núi Thành) đến ốc đảo Long Thạnh Tây chỉ cách một chuyến đò ngang. Thế nhưng, cuộc sống của người dân ốc đảo khác bờ bên này sông một trời một vực.
Thôn Long Thạnh Tây rộng khoảng 100 ha, vây quanh bởi sông nước. Nơi đây được mệnh danh "3 không" bởi không có điện, không cơ sở y tế, trường học. Học sinh muốn đến trường mỗi ngày phải thức dậy từ 4h sáng để đi nhờ thuyền qua xã Tam Giang học. Khổ nhất là vào mùa mưa bão, khi sóng to gió lớn thì các em phải nghỉ học ở nhà.
Điều kiện sinh hoạt của người dân nơi đây thiếu thốn đủ bề (Ảnh: CAND)
Ông Phạm Minh Quang, trưởng thôn Long Thạnh Tây, cho biết có khoảng 100 hộ dân sống trên ốc đảo, nhân khẩu chừng vài trăm người nhưng có đến 60-70% là người già và trẻ em. Hầu hết người đến tuổi lao động đều vào đất liền sinh sống, làm việc, ít ai nối gót cha ông gắn bó với nghề sông nước truyền thống.
“Ở đây không có phà (đò), người dân qua lại bằng phương tiện tự túc của từng nhà, còn ai không có thì đi nhờ. Mùa nắng còn dễ, chứ mùa mưa, trời có gió mạnh dễ gì qua sông được! 12 năm trước, cha tôi ngã bệnh, gia đình thuê chiếc ghe nhỏ chạy đường sông đến bệnh viện ở thị trấn Núi Thành (huyện Núi Thành). Đến nơi, cha tôi đã trút hơi thở cuối cùng mà không biết ông mất vì bệnh gì”, bà Thuận kể chuyện buồn của gia đình.
Người dân ốc đảo mong muốn được vào bờ ổn định cuộc sống (Ảnh: PLO)
Ông Lê Văn Sinh, Chủ tịch UBND huyện Núi Thành, cho biết tỉnh Quảng Nam đang quy hoạch luồng cảng đón tàu với quy mô 50.000 tấn tại khu vực này. Luồng cảng sẽ ảnh hưởng trực tiếp khoảng 60-70% diện tích đất của người dân thôn Long Thạnh Tây, diện tích còn lại nhiều khả năng chịu ảnh hưởng gián tiếp.
Nguyễn Công Tiến, Chủ tịch UBND xã Tam Hải cho biết, ngày 10/2 vừa qua Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh và đoàn công tác của tỉnh, của huyện Núi Thành đã về thăm, làm việc với đại diện các hộ dân thôn Long Thạnh Tây; trong đó có nội dung thống nhất di dời toàn bộ người dân trong thôn vào tái định cư trong đất liền.
Ông Lê Trí Thanh khẳng định, việc di dời người dân thôn Long Thạnh Tây vào đất liền nhằm ổn định đời sống cho bà con. Sau khi di dời thì tỉnh sẽ quy hoạch "ốc đảo" này làm du lịch để khai thác quỹ đất, tạo thêm công ăn việc làm cho người dân.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.