Người khuyết tật khi tham gia kinh doanh sẽ được Nhà nước hỗ trợ gì?
Câu hỏi:
Cách đây 10 năm tôi bị tai nạn giao thông nên giờ 2 chân không sử dụng được nữa. Tôi phải nhờ đến sự trợ giúp của xe lăn và nạng thì mới có thể di chuyển được. Sắp tới tôi có ý định thành lập doanh nghiệp để sản xuất và kinh doanh rượu. Vậy tôi muốn hỏi là tôi phải thực hiện những thủ tục gì để có thể tiến hành kinh doanh một cách hợp pháp. Và nếu tôi là người khuyết tật thì có được hưởng chế độ giúp đỡ gì từ phía Nhà nước không? Tôi xin cảm ơn!
Tư vấn:
Công ty Luật Thái An đã trả lời câu hỏi của bạn như sau:
Thứ nhất, về vấn đề thành lập doanh nghiệp kinh doanh và sản xuất rượu.
Để thành lập công ty trước hết bạn cần phải căn cứ vào hoàn cảnh thực tế, mục đích và mong muốn của bản thân để lựa chọn chon mình loại hình công ty phù hợp nhất. Sau đó bạn tiến hành đăng ký kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật. Hồ sơ đăng ký kinh doanh của các loại hình công ty khác nhau sẽ có những điểm khác nhau. Bạn có thể tham khảo tại các Điều 20 đến Điều 23 Luật Doanh nghiệp 2014 để chuẩn bị được tốt nhất. Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ cần thiết bạn tiến hành nộp hồ sơ cho cơ quan đăng ký kinh doanh (Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh nơi công ty đặt trụ sở). Nếu hồ sơ hợp lệ thì Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp sẽ được cấp trong thời hạn 3 ngày làm việc.
Về cơ bản thì doanh nghiệp có quyền hoạt động khi đã có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, tuy nhiên theo thông tin bạn cung cấp thì bạn định sản xuất và kinh doanh rượu, đây là một trong những ngành thuộc danh mục những ngành nghề kinh doanh có điều kiện, do đó cần phải đáp ứng những điều kiện đó thì mới được tiến hành kinh doanh. Cụ thể, bạn cần phải tiến hành xin Giấy phép sản xuất rượu, Giấy phép bán buôn rượu của Bộ Công Thương và Giấy phép bán lẻ rượu của Sở Công Thương. Vấn đề này được quy định rất rõ ràng tại Nghị định 94/2012/NĐ-CP, bạn tham khảo thêm để có thể thực hiện thủ tục một cách nhanh chóng và đầy đủ.
Thứ hai, về vấn đề hỗ trợ đối với người khuyết tật tham gia kinh doanh.
Theo quy định tại Điều 8 NĐ 28/2012/NĐ - CP về khuyến khích người khuyết tật tự tạo việc làm và việc tạo việc làm cho người khuyết tật, cụ thể thì người khuyết tật tự tạo việc làm, hộ gia đình tạo việc làm cho người khuyết tật được hưởng chính sách sau đây:
- Vay vốn với lãi suất ưu đãi để sản xuất kinh doanh từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Điều kiện, thời hạn và mức vốn cho vay thực hiện theo các quy định hiện hành áp dụng đối với các dự án vay vốn giải quyết việc làm.
- Hướng dẫn về sản xuất kinh doanh, hỗ trợ chuyển giao công nghệ sản xuất, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm.
- Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan hướng dẫn về sản xuất kinh doanh, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm do người khuyết tật làm ra.
Với câu trả lời trên, hy vọng đã giúp bạn giải đáp được những vướng mắc của mình. Bạn có thể liên hệ trực tiếp với các văn phòng luật sư để để được tư vấn kỹ càng hơn.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.