Người lính gác đèn biển và nguyên mẫu bản tình ca nơi vĩ tuyến 17

2022-01-07 08:38:43 0 Bình luận
Nhạc sỹ Hoàng Hiệp dựa trên nguyên mẫu người lính gác đèn biển để sáng tác ca khúc "Câu hò bên bờ Hiền Lương" trữ tình làm lay động lòng người.

Cách đây 60 năm, nhân chuyến đi thực tế vào vĩ tuyến 17, nhạc sỹ Hoàng Hiệp bắt gặp ánh mắt đau đáu thương nhớ của người lính gác đèn biển ngóng vọng về phương xa, vừa da diết, vừa khắc khoải. Và cũng chính “đôi mắt đượm tình quê” ấy là nguồn cảm xúc để ông viết lên ca khúc “Câu hò bên bờ Hiền Lương”.

Đoạn trường phân ly

Trong ráng chiều đỏ lửa, chúng tôi tìm đến ngôi nhà nhỏ của chị Phan Thị Hoa, cô con gái của người gác đèn biển năm xưa, ở khóm Hòa Lý (Cửa Tùng, Vĩnh Linh, Quảng Trị).

Bằng giọng nói có pha chút thổ âm của chị, câu chuyện về cuộc đời binh lửa của ông Phan Văn Đồng (quê gốc ở thôn 9, xã Gio Hải) hiển hiện như những thước phim quay chậm…


Ngọn hải đăng Cửa Tùng - chứng nhân lịch sự một thời bị chiến tranh tànphá nay được xây dựng mới, khang trang và đẹp đẽ.

Năm 1954, ông Đồng tạm biệt vợ con để tập kết ra Bắc. Nói ra Bắc nhưng không phải đi đâu xa mà chỗ ông tập kết là Trạm đèn biển Cửa Tùng, cách bờ Nam có ngôi làng cát quê ông chỉ mấy nhịp chèo đò.

Trong một đêm rét lạnh vào cuối năm 1955, ông Đồng bí mật vượt sông Bến Hải trở về quê nhà đúng lúc vợ mình trở dạ. Vừa mừng vừa tủi ôm đứa con gái đỏ hỏn mới chào đời trên tay, ông chỉ kịp hôn nhẹ lên trán rồi vội vàng quay trở lại bờ Bắc làm nhiệm vụ.

Những năm tháng ấy, địch điên cuồng đánh phá ác liệt, đốt hết nhà cửa, phá hết ruộng vườn rồi dồn dân vào khu tập trung Cửa Việt. Bà Nậy vừa gồng gánh nuôi 4 con nhỏ vừa tham gia hoạt động cách mạng.

Bà đóng vai người buôn cá, rong ruổi khắp nơi, lân la tiếp cận các đồn bốt địch để nắm tình hình. Nhiều lần bị địch bắt giữ, giam cầm tại đồn Cửa Việt, lao xá Tx. Quảng Trị… phải chịu những trận đòn roi tra tấn tàn bạo nhưng bà Nậy không hề khai nửa lời về cơ sở cách mạng.

Dạo ấy, mỗi lúc ánh dương dần khuất dạng, bà Nậy thường men theo hàng phi lao dọc sông Bến Hải, nhìn xa xăm về hướng ngọn hải đăng sừng sững phía ải Bắc, nơi mà chồng bà ngày đêm canh gác, bảo vệ. Nỗi nhớ thương mòn mỏi được bà gửi gắm vào những dòng thư biên vội, rồi nhờ các chiến sỹ về cơ sở chuyển tới tay chồng.

Nhiều lần con thơ hỏi “Cha đâu hả mẹ?”, bà Nậy chỉ biết nuốt nước mắt vào trong rồi an ủi vỗ về các con: “Cha đi đánh giặc, lúc mô cuộc chiến giành đất, giữ làng của đồng bào ta toàn thắng thì cha sẽ trở về bên cạnh mẹ con mình”.

Những tưởng, vợ chồng con cái chỉ xa cách chừng vài ba năm sẽ được đoàn tụ, ai dè đằng đẵng hơn 18 năm ly biệt.

Trong khoảng thời gian đó, ngày nào ông Đồng cũng lên ngọn hải đăng Cửa Tùng, làm xong nhiệm vụ, ông lại hướng ánh mắt về phương Nam. Chỉ cần nghe tiếng máy bay gầm rú, hay mảng khói đen ngòm bốc lên phía làng cát là ruột gan ông lại như lửa đốt.

Cha con trùng phùng sau 18 năm xa cách

Trong một lần kịch chiến với địch vào 1970, bà Nậy đã ngoan cường chiến đấu và anh dũng hy sinh khi đang ở cương vị Bí thư Ðảng ủy xã Gio Hải, Huyện ủy viên huyện Gio Linh.

Con trai đầu của bà là anh Phan Ðình An giữ chức Xã đội trưởng Gio Hải cũng là liệt sĩ. Con trai thứ hai là anh Phan Ðình Trung không lâu sau cũng qua đời.

Tiếp nối truyền thống của gia đình, chị Phan Thị Hoa tham gia du kích đánh giặc. Từ lúc mới lọt lòng đến khi trở thành “o du kích”, chị Hoa chưa một lần được gặp cha.

Cuối năm 1972, trong một lần vượt sông Bến Hải sang xã Vĩnh Kim để nhận thêm quân về bờ Nam chiến đấu, chị Hoa bất ngờ gặp lại cha mình trong niềm vui trùng phùng đẫm nước mắt. Ngay đêm hôm sau, nhiệm vụ cách mạng cấp thiết nên chị phải chia tay cha, trở về bờ Nam hoạt động.

“Tôi đang đứng nói chuyện với mấy o du kích thì thấy một người đàn ông đi đến rồi lặng lẽ đứng nhìn mình. Thấy vậy tôi quay đi nhìn chỗ khác vì từ nhỏ đến lớn tôi không hề biết mặt cha. Một lúc sau, hai cha con nhận ra rồi ôm chầm lấy nhau khóc nức nở.

Cha tôi bảo, do thời buổi chiến tranh loạn lạc nên cha không thể ở bên chăm lo và nuôi nấng anh em tôi được. Sau đó, tôi kể cho cha nghe những tháng ngày ở bờ Nam sông Bến Hải. Rồi mẹ, rồi anh tôi hy sinh… Cha tôi cứ nấc nghẹn mà không nói thành lời”, chị Hoa nhớ lại.

Cô con gái người gác đèn biển năm xưa Phan Thị Hoa bồi hồi nhớ lại những chiến tích và kỷ niệm về một thời hoa lửa của cha mẹ mình.

Hòa bình lập lại, chị Hoa lấy chồng cùng quê ở bờ Nam. Được một thời gian, cả hai sang thị trấn Cửa Tùng mua đất, dựng nhà để sinh sống và tiện chăm sóc cha già.

Mặc dù sức khỏe đã yếu nhưng mỗi buổi chiều, ông Đồng vẫn chống gậy ra đứng bên bờ sông nhìn về hướng Nam để phần nào vơi đi nỗi nhớ thương người vợ hiền, tảo tần sớm hôm, nơi các con ông đã hy sinh vì màu cờ Tổ Quốc.

“Cha tôi về với mây trắng cỏ xanh, “đoàn tụ” cùng với mẹ và các anh lúc ông tròn 92 tuổi đời, 57 tuổi Đảng. Với những cống hiến hy sinh của mình, mẹ tôi cũng được Nhà nước truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Đó là niềm hãnh diện và tự hào của con cháu chúng tôi”, chị Hoa tâm sự.

Nguyên mẫu của “Câu hò bên bờ Hiền Lương”

Nói về chuyện cha mình là nguyên mẫu trong ca khúc “Câu hò bên bờ Hiền Lương”, đôi mắt chị Hoa ánh lên niềm tự hào. Hồi còn sống, ông Đồng vẫn thường kể cho chị nghe về duyên gặp gỡ với vị nhạc sỹ tài ba Hoàng Hiệp.

Trong một chuyến đi thực tế về vĩ tuyến 17 vào cuối 1956, nhạc sỹ Hoàng Hiệp tới thăm cây cầu giới tuyến Hiền Lương, tình cờ ông bắt gặp hình ảnh trầm tư của anh lính gác đèn Cửa Tùng Phan Văn Đồng.

Lúc đó, ông Đồng ít nói, cũng không hay cười, kể cả khi mọi người ngồi quanh chén rượu và kể những câu chuyện vui nhộn. Khi thấy ông Đồng sửa soạn leo lên nơi đặt đèn, vị nhạc sỹ ngỏ ý xin theo lên và chứng kiến khuôn mặt biểu lộ sự đau khổ tột cùng của người đàn ông này.

Giữa không gian vắng lặng, ông Đồng “rút hết ruột gan” để tâm sự nỗi lòng nhớ thương vợ con của mình còn đang ở lại bên kia bờ sông giới tuyến.

“Nhà tôi ở ngay chỗ chòm dương có những cây cao nhứt đó. Tôi cũng như đồng chí, tập kết ra Bắc từ hơn hai năm nay. Tôi sang đây để lại vợ con bên ấy. Vì vậy, tôi lên đây không phải để làm nhiệm vụ thôi mà còn để nhìn về quê tôi.

Vài lần, tôi đã trông thấy ai như vợ con tôi đang từ trong nhà ra bãi để nhận cá mang ra chợ bán. Tôi muốn kêu to lên, nhưng kêu sao cho tới. Một lần, vừa mới tang tảng sáng, tôi đang đứng ở đây thì nghe tiếng súng nổ bên ấy. Rồi thì tôi thấy khói bốc lên ở đúng ngay xóm tôi.

Đồng chí thử tưởng tượng coi, ruột gan tôi lúc đó như thế nào. Tôi đã tìm đủ mọi cách để biết được nhà cửa, vợ con tôi bây giờ ra sao nhưng không có cách gì hết…”, đó là những lời ruột gan ông Đồng chia sẻ cùng nhạc sỹ Hoàng Hiệp.

Nói xong, ông ngồi lặng im như pho tượng. Có lẽ từ thời khắc ấy, những ca từ chứa chan tình yêu đôi lứa, nặng tình nước non đã được thai nghén, rồi vang lên trong ca khúc làm lay động lòng người: “Bên ven bờ Hiền Lương”.

Sau này, nhạc sĩ Hoàng Hiệp có lần trở lại Cửa Tùng để tìm gặp ông Phan Văn Đồng. Lúc trò chuyện cùng nhau, nhạc sỹ Hoàng Hiệp kể rằng, bài hát phát trên loa truyền thanh được rất nhiều người yêu thích, ủng hộ.

Tuy nhiên, không ít người “chụp mũ” là nhạc vàng ủy mị, đề nghị không cho phổ biến. Họ nói chiến tranh mà nghe bài hát như vậy thì buồn quá.

Nhưng rất may, đến khi Bác Hồ nghe, Bác thích và khen bài hát đó chứa chan tình cảm. Bởi câu chuyện của bài hát không chỉ là chuyện đôi bờ Hiền Lương sông Bến Hải, chuyện của riêng mảnh đất Quảng Trị mà còn có sức khái quát sự ngăn cách của hàng triệu gia đình ở hai miền Nam – Bắc thuở đất nước phân ly, chia cắt...

Chia tay chị Hoa ra về khi mặt trời bắt đầu lặn biển, đi ngang qua ngọn hải đăng Cửa Tùng, chúng tôi nghe văng vẳng bên tai giai điệu da diết “Câu hò bên bờ Hiền Lương” thuở nào.

Bài hát ấy, và cả “nguyên mẫu Phan Văn Đồng” nữa, tất cả sẽ mãi là nguồn động lực mạnh mẽ để quân và dân ta thêm quyết tâm xây dựng và bảo vệ nền độc lập tự do của Tổ quốc.


 

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

OPES thắng lớn với bộ đôi giải thưởng danh giá tại Insurance Asia Awards 2025

Ngày 8/7/2025 tại Singapore, OPES vinh dự được trao tặng 2 giải thưởng danh giá là “Sáng kiến ứng dụng AI của năm” và “Nhà bảo hiểm số của năm” tại lễ trao giải Insurance Asia Awards 2025. Trước đó, OPES cũng vinh dự lọt “Top 10 Công ty Bảo hiểm Phi nhân thọ uy tín năm 2025” do tổ chức xếp hạng uy tín Vietnam Report công bố.
2025-07-09 16:53:39

"Hành quân về chiến trường xưa…"

Đó là Chương trình do Hiệp hội DN của Thương binh và NKT Việt Nam, Tạp chí Điện tử Hòa nhập, Tạp chí Phổ biến và Tham vấn pháp luật VN cùng các đơn vị, doanh nghiệp trên cả nước tổ chức nhằm tri ân các Anh hùng Liệt sĩ tại các Nghĩa trang trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
2025-07-08 20:15:00

Tổng Bí thư Tô Lâm: Kịp thời phát hiện, xử lý các sai phạm liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy

Ngày 7/7, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực (Ban Chỉ đạo) đã họp Phiên thứ 28 để thảo luận, cho ý kiến về Báo cáo tình hình, kết quả hoạt động của Ban Chỉ đạo trong 6 tháng đầu năm 2025 và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm cùng một số nội dung quan trọng khác.
2025-07-08 10:06:48

Người sưu tầm 63 tờ báo đưa tin về Lễ tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng của các tỉnh, thành

Ngày 08/07/2025 (tức 14/06/2025 Âm lịch) là ngày giỗ đầu của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Khắp nơi trên dải đất hình chữ S đều tưởng nhớ về người chiến sĩ cộng sản kiên trung theo những cách riêng. Còn với nhà sưu tầm Nguyễn Phi Dũng, ông lựa chọn gìn giữ những trang báo giấy đưa tin về Lễ tang cố Tổng Bí thư của 63 tỉnh, thành cũ để tỏ lòng thương tiếc người lãnh tụ lỗi lạc của dân tộc, cũng là để thế hệ sau biết được thông tin và hình ảnh về Lễ Quốc tang.
2025-07-08 07:49:50

Giải mã nỏ thần Cổ Loa: Góc nhìn mới từ khảo cổ và khoa học quân sự

Truyền thuyết dân gian Việt Nam từ bao đời nay vẫn kể về nỏ thần – một vũ khí kỳ diệu do thần Kim Quy ban tặng, có thể bắn một phát tiêu diệt vạn quân xâm lược. Thời gian qua, những phát hiện khảo cổ học kết hợp với các phân tích lý luận từ vật lý và kỹ thuật quân sự hiện đại đang mở ra một hướng tiếp cận mới: nỏ thần có thể là vũ khí có thật, phản ánh trình độ tổ chức và tư duy quân sự đặc biệt của người Việt cổ.
2025-07-06 21:00:00

Tập đoàn T&T Group đề xuất loạt dự án chiến lược tại TP.HCM

Chiều 4/7, Tập đoàn T&T Group và doanh nhân Đỗ Quang Hiển đã có buổi làm việc với UBND TP. Hồ Chí Minh nhằm đề xuất loạt giải pháp hợp tác đầu tư, tập trung vào các lĩnh vực then chốt thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
2025-07-06 15:28:43
Đang tải...