Nhiều chính sách tích cực của SHB góp phần đẩy lùi tín dụng đen tại nông thôn
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết thời gian qua, với sự quan tâm của Chính phủ, sự chỉ đạo quyết liệt của NHNN và sự vào cuộc của cả hệ thống ngân hàng, cơ bản đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất kinh doanh và phục vụ đời sống cho người dân, doanh nghiệp, góp phần tích cực hạn chế người dân tìm đến các nguồn “tín dụng đen”.
Cảnh giác với những chiêu trò lừa đảo trong hoạt động cho vay
Theo báo cáo về môi trường kinh doanh 2020 do Nhóm Ngân hàng Thế giới (WB) công bố, chỉ số tiếp cận tín dụng của Việt Nam là 1 trong 5 chỉ số được nâng hạng, tăng 5 điểm và tăng 7 bậc so với báo cáo trước đó, đứng thứ 2 trong các nước ASEAN (sau Brunei), đứng 25/190 nền kinh tế -vượt mục tiêu đặt ra là tăng ít nhất 1 bậc.
Ông Đào Minh Tú khẳng định, ngành ngân hàng đã chủ động triển khai nhiều giải pháp mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh và nhu cầu đời sống của người dân, doanh nghiệp, góp phần cùng với Bộ Công an nỗ lực đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tín dụng đen.
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú.Ảnh:VGP.
NHNN đã tích cực triển khai thực hiện Chỉ thị 12/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” (Chỉ thị 12).
Dù các ngân hàng đã tích cực đưa ra nhiều dịch vụ nhưng thời gian qua, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” xảy ra tại nhiều địa phương với thủ đoạn tinh vi, phức tạp, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự.
Tín dụng đen ảnh hưởng lớn tới đời sống người dân
Tín dụng đen theo hình thức cho vay trực tiếp đang càn quét nhiều vùng quê với nhiều hình thức tinh vi, trái pháp luật. Đặc biệt trong thời điểm này, tín dụng đen càng dễ phát sinh bởi người dân cần vay vốn để khắc phục khó khăn do dịch bệnh và lũ lụt. Nhằm đẩy lùi tình trạng này, ổn định an ninh xã hội, ngân hàng đã có những giải pháp tích cực đồng hành cùng người dân đặc biệt là khu vực nông thôn, miền núi đẩy lùi tín dụng đen.
Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, nhu cầu tín dụng của người dân tại nông thôn, miền núi hiện tại rất lớn, nhưng việc tiếp cận tín dụng của ngân hàng còn hạn chế bởi nhiều bà con nghĩ vay ngân hàng là rất khó khăn, nhiều thủ tục. Trong hoàn cảnh đó, nhiều cá nhân, tổ chức đã lợi dụng sự khó khăn và việc hiểu biết chưa đầy đủ của người dân để phát triển tín dụng đen trái phép.
Tín dụng đen dưới với nhiều hình thức tinh vi, lãi suất cao bất hợp pháp và cách thức siết nợ kiểu “giang hồ” đã gây ảnh hưởng rất lớn tới đời sống người đi vay nói riêng và an ninh trật tự của xã hội nói chung. Tổ chức tín dụng đen ngụy trang hành vi cho vay lãi nặng bằng các hợp đồng biến tướng để lách luật như: ghi lãi suất trong hợp đồng thấp hơn rất nhiều so với thực tế hoặc ghi lãi suất theo thỏa thuận trong một loại giấy tờ khác (như giấy vay tiền, giấy viết tay để có thể tiêu hủy, thay đổi dễ dàng…). Nếu các người vay không trả nợ đúng hẹn, các đối tượng cho vay thường sử dụng nhân viên hoặc thuê các đối tượng giang hồ bên ngoài tổ chức các hình thức đòi nợ như đe dọa, khủng bố tinh thần, hủy hoại tài sản, cố ý gây thương tích, làm nhục người khác, gây rối tại nơi ở, nơi kinh doanh của người vay... chưa đến mức xử lý hình sự song lại gây sợ hãi, hoang mang, thiệt hại kinh tế, mất uy tín cho nạn nhân.
Trong khi đó, thực tế nếu người dân có nhu cầu vay vốn phục vụ tiêu dùng, sản xuất kinh doanh chính đáng, hoàn toàn có thể vay vốn tại Ngân hàng hoặc các Tổ chức tài chính được nhà nước cấp phép và được pháp luật bảo hộ, với các thủ tục vay rất đơn giản, dễ dàng, lãi suất thấp. Thời gian qua ngành ngân hàng đã chủ động triển khai nhiều giải pháp mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh và nhu cầu phục vụ đời sống của người dân, doanh nghiệp.
Phát triển tín dụng tiêu dùng vốn vẫn được giới chuyên môn đánh giá là giải pháp quan trọng và hữu hiệu để giải quyết vấn nạn tín dụng đen. Với nhiều giải pháp đồng bộ, hệ thống ngân hàng đã và đang đẩy mạnh tín dụng tới các vùng nông thôn - nơi dễ phát sinh hoạt động tín dụng đen. Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm tín dụng đạt 8,69 triệu tỷ đồng, tín dụng nông nghiệp, nông thôn đạt 2,12 triệu tỷ đồng với 14,17 triệu khách hàng còn dư nợ, chiếm 24,67% tổng dư nợ của nền kinh tế và tăng 5% so với cuối năm 2019. Tín dụng tiêu dùng, phục vụ đời sống của người dân đạt hơn 1,71 triệu tỷ đồng (tính đến cuối tháng 8), chiếm 19,98% dư nợ của nền kinh tế, tăng 2,37% so với cuối năm trước.
Giải pháp đẩy lùi tín dụng đen của SHB
Trong bối cảnh đó, nhằm hỗ trợ kịp thời giúp người tránh cạm bẫy tín dụng đen, mang tới cơ hội nâng cao đời sống và tiếp cận vốn cho người dân an tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế của gia đình và địa phương, Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHB) đã triển khai rất nhiều giải pháp tài chính hiệu quả, với ưu đãi hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu vay vốn chính đáng của người dân.
SHB được đánh giá có nhiều giải pháp hỗ trợ người dân không sa vào bẫy tín dụng đen
Nhằm giúp khách hàng tiếp cận vốn để kinh doanh sản xuất, phát triển kinh tế, SHB đã triển khai chương trình ưu đãi vay sản xuất kinh doanh “Vay vốn kinh doanh – Lộc tài như ý” điều chỉnh mức lãi suất vay chỉ từ 9,6%/ năm xuống mức lãi suất ưu đãi chỉ từ 8,4%/ năm. Để đồng hành cùng các doanh nghiệp siêu nhỏ, SHB triển khai chương trình nhỏ “Tiếp sức kinh doanh, thành công vượt trội”. Các doanh nghiệp siêu nhỏ sẽ được linh hoạt lựa chọn các sản phẩm phù hợp với nhu cầu Doanh nghiệp bao gồm: tài trợ vay siêu tốc với mức tín dụng lên tới 10 tỷ; tài trợ hóa đơn cho vay tới 90% giá trị hóa đơn; tài trợ vay không tài sản bảo đảm và tài trợ vay vốn kinh doanh trả góp với số tiền vay tối đa 5 tỷ đồng, tỷ lệ tài trợ lên tới 85% nhu cầu vốn.
Song song đó, để giúp người dân nâng cao chất lượng đời sống, đồng thời góp phần đẩy lùi tín dụng đen, SHB đã triển khai chương trình ưu đãi vay tiêu dùng “Vay vốn tiêu dùng – Cuộc sống tiện nghi” với mức lãi suất vay mua nhà đất điều chỉnh từ 7,5%/ năm xuống mức chỉ từ 6,5%/ năm; lãi suất vay mua nhà dự án, mua ô tô, tiêu dùng giảm từ 7,7%/năm xuống mức lãi suất chỉ từ 6,8%/ năm.
Ngoài việc vay vốn ngân hàng, với các trường hợp cần vay đột xuất phục vụ nhu cầu tiêu dùng và mong muốn thủ tục đơn giản, linh hoạt nhất, người dân hoàn toàn có thể vay qua các công ty tài chính, tổ chức tài chính có cấp phép của nhà nước và người đi vay được bảo hộ bởi pháp luật. Sau hơn 2 năm hoạt động, công ty tài chính tiêu dùng SHB Finance (SHB FC) – công ty con của Ngân hàng SHB – đang là một trong những đơn vị uy tín nhất cung cấp các giải pháp tài chính tiêu dùng thông minh, dễ tiếp cận cho khách hàng trên thị trường. Với thủ tục nhanh gọn, linh hoạt, thông tin rõ ràng, minh bạch, khách hàng có thể hoàn toàn yên tâm khi sử dụng dịch vụ của SHB FC.
Đồng thời, để người dân có thể vay vốn tiêu dùng một cách dễ dàng, tiết kiệm thời gian hơn nữa, SHB đã hợp tác với SHB FC, triển khai tính năng Thanh toán khoản vay của SHB FC trên ứng dụng điện thoại Ebank SHB. Theo đó, khách hàng có thể thực hiện các giao dịch thanh toán khoản vay của mình và người thân ngay trên điện thoại một cách tiện lợi, an toàn và bảo mật mà không cần tới quầy giao dịch.
Với tiềm lực tài chính vững mạnh, uy tín, vị thế của 1 trong 5 ngân hàng TMCP tư nhân lớn nhất Việt Nam, SHB luôn được Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước tin tưởng giao trọng trách cùng nhiều địa phương trên cả nước triển khai các chương trình đồng hành cùng cộng đồng, xã hội, đẩy lùi các vấn nạn tài chính, chung tay trong các công cuộc an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế địa phương, góp phần phát triển kinh tế đất nước.
Đẩy lùi tín dụng đen cần vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống
Chỉ đạo nhiệm vụ giải pháp tổng thể cần triển khai trong thời gian tới, Thượng tướng Nguyễn Văn Thành, Thứ trưởng Bộ Công an đề nghị các bộ ngành cần phối hợp thực hiện nghiêm túc, quyết liệt Chỉ thị số 12 ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan "tín dụng đen”; Nghị định số 19 ngày 19/2/2019 của Chính phủ về hụi, họ, biêu, phường…và các văn bản hướng dẫn liên quan.
Thượng tướng Nguyễn Văn Thành, Thứ trưởng Bộ Công an. Ảnh:VGP.
Phía công an sẽ tăng cường rà soát, điều tra, xác minh xử lý nghiêm các hoạt động biến tướng, vi phạm pháp luật của các tổ chức, cá nhân cho vay tiền, vay ngang hàng qua mạng, trấn áp mạnh đối với các loại tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đen "tín dụng đen”.
Về lâu dài, Bộ Công an sẽ phối hợp cùng các bộ, ngành liên quan rà soát, đề xuất Quốc hội, Chính phủ hoàn thiện hành lang pháp lý liên quan đến vay tiền, cầm cố tài sản trên không gian mạng, nhất là loại hình vay trực tuyến, vay ngang hàng theo hướng tăng mức hình phạt, siết chặt quản lý hành vi cho vay, phòng ngừa rủi ro…
Ở góc độ ngân hàng, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho hay NHNN sẽ tập trung phối hợp với Bộ Công an đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cũng như khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng cho người dân, đặc biệt ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số.
Các tổ chức tín dụng (TCTD) cần tiếp tục mở rộng, đa dạng các loại hình cho vay, các sản phẩm dịch vụ ngân hàng, giảm lãi suất, đơn giản hóa thủ tục cho vay nhằm tăng cường khả năng tiếp cận cho người dân qua kênh tín dụng chính thức. Với thế mạnh mạng lưới TCTD, các công ty tài chính, tổ chức tài chính vi mô phủ khắp các vùng miền nên các đơn vị này phải đáp ứng nhu cầu vay vốn chính đáng, hợp pháp phục vụ đời sống, tiêu dùng của nhân dân, đặc biệt là người thu nhập thấp, người yếu thế trong xã hội, người chưa có tài khoản ngân hàng.
Đặc biệt, ngành ngân hàng đã tăng cường truyền thông cơ chế, chính sách cho vay, dịch vụ ngân hàng đến đông đảo người dân, giải đáp nhiều kiến nghị, cảnh báo các hệ lụy để người dân tránh “tín dụng đen” (gồm cả hình thức cho vay trực tuyến theo mô hình P2P Lending)…
Đại diện NHNN và Bộ Công an đều thống nhất để hạn chế, đẩy lùi tín dụng đen, cần sự vào cuộc đồng bộ của toàn hệ thống.
“Các bộ, ngành liên quan tiếp tục phối hợp triển khai quyết liệt các giải pháp tăng cường nhận thức của người dân về phương thức, thủ đoạn, tác hại của tín dụng đen, đề ra các giải pháp đồng bộ trong công tác phát hiện, thu thập, củng cố chứng cứ và công tác đánh giá chứng cứ. Có chế tài đủ sức răn đe đối với các đối tượng tham gia đường dây, có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen hoặc các đối tượng tham gia giới thiệu, tuyên truyền cho tín dụng đen”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nói.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.