Nhìn từ góc độ pháp lý
2017-02-27 18:23:13
0 Bình luận
HOANHAP.VN - Từ năm 1945 đến nay, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, pháp luật đối với người tàn tật (sau này là người khuyết tật) dựa trên cách tiếp cận bảo đảm quyền cho người khuyết tật và điều này tiếp tục được thể chế hóa và ghi nhận trong Luật Người khuyết tật. Cùng đó, hệ thống chính sách, pháp luật về người khuyết tật đã tạo hành lang pháp lý và điều kiện thuận lợi hơn cho người khuyết tật, giúp họ vươn lên, giảm bớt khó khăn, cải thiện điều kiện sống, được hòa nhập cộng đồng.
Ngược dòng thời gian, nhìn lại sự hình thành hệ thống chính sách, pháp luật về người khuyết tật (NKT), chúng ta mới thấy hết được các cung bậc về sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và cộng đồng xã hội nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NKT.
Nếu như từ năm 1945 đến năm 2009, đa số người Việt Nam đều coi khuyết tật và tàn tật là hai từ chỉ cùng một khái niệm. Vì thế, chúng ta vẫn dùng cả 2 từ trên phương tiện truyền thông đại chúng. Riêng trong các văn bản quy phạm pháp luật ở thời kỳ này thì tàn tật là cụm từ được sử dụng thường xuyên.
Từ tàn tật đã được dùng trong Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1946. Cụ thể Điều thứ 14, Hiến pháp này quy định: “Những người công dân già cả hoặc tàn tật không làm được việc thì được giúp đỡ. Trẻ con được săn sóc về mặt giáo dưỡng”. Và hai từ tàn tật cũng được Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 ghi nhận trong Điều 59 và 67. Cụ thể như: “Nhà nước và xã hội tạo điều kiện cho trẻ em tàn tật được học văn hoá và học nghề phù hợp” (trích Điều 59); “Người già, người tàn tật, trẻ mồ côi không nơi nương tựa được Nhà nước và xã hội giúp đỡ” (trích Điều 67).
Ngay như Điều 4, Nghị định số 81/CP ngày 23/11/1995 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật lao động về lao động là người tàn tật cũng quy định: “Hàng năm, Bộ Lao động - TBXH chủ trì cùng Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và đầu tư lập kế hoạch trình Chính phủ dành một khoản ngân sách để giúp đỡ người tàn tật phục hồi sức khoẻ, phục hồi chức năng lao động, học nghề, tạo việc làm; hỗ trợ các cơ sở dạy nghề, cơ sở sản xuất kinh doanh dành riêng cho người tàn tật; hỗ trợ các doanh nghiệp nhận số người tàn tật vào học nghề, vào làm việc cao hơn tỷ lệ quy định tại Điều 14 nghị định này”.
Đến ngày 30/7/1998, Ủy ban Thương vụ Quốc hội đã ký ban hành Pháp lệnh Về người tàn tật số 06/1998/PL-UBTVQH10, với 8 chương, 35 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/11/1998. “Người tàn tật theo quy định của Pháp lệnh này không phân biệt nguồn gốc gây ra tàn tật là người bị khiếm khuyết một hay nhiều bộ phận cơ thể hoặc chức năng biểu hiện dưới những dạng tật khác nhau, làm suy giảm khả năng hoạt động, khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp nhiều khó khăn” (Điều 1). “Người tàn tật là thương binh, bệnh binh được quy định tại Điều 12 và Điều 13 của "Pháp lệnh ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng" được Nhà nước và xã hội tôn vinh, ngoài việc được hưởng chế độ ưu đãi riêng của Nhà nước theo pháp luật, còn được hưởng những quyền lợi trong Pháp lệnh này mà chế độ ưu đãi riêng chưa quy định” (Điều 2). Tại Pháp lệnh này, quyền và trách nhiệm của người tàn tật cũng được quy định rất rõ trong Điều 3. Như: “1) Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho người tàn tật thực hiện bình đẳng các quyền về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và phát huy khả năng của mình để ổn định đời sống, hoà nhập cộng đồng, tham gia các hoạt động xã hội. 2) Người tàn tật được Nhà nước và xã hội trợ giúp, chăm sóc sức khoẻ, phục hồi chức năng, tạo việc làm phù hợp và được hưởng các quyền khác theo quy định của pháp luật. Trẻ em tàn tật, người tàn tật do hậu quả của chất độc da cam (dioxin) trong chiến tranh được Nhà nước và xã hội đặc biệt quan tâm bảo vệ, chăm sóc. 3) Người tàn tật có trách nhiệm khắc phục khó khăn để hoà nhập cộng đồng, tuân thủ pháp luật, trật tự công cộng và tôn trọng đạo đức xã hội”.
Để Pháp lệnh về người tàn tật sớm đi vào cuộc sống, ngày 10/7/1999 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 55/1999/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh về người tàn tật. Nội dung cơ bản của Nghị định này là quy định về: - Đối tượng áp dụng (khái niệm người tàn tật) - Những quy định về trợ giúp người tàn tật - Trách nhiệm của cơ quan Nhà nước trong việc bảo đảm quyền của người tàn tật...
Ngày 13/12/2006, Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc đã thông qua Công ước Quốc tế về các Quyền của Người Khuyết tật. Đây là một văn kiện nhân quyền quốc tế do Liên Hiệp Quốc soạn nhằm mục đích bảo vệ các quyền và nhân phẩm của người khuyết tật. Các quốc gia tham gia Công ước phải đảm bảo quyền được thụ hưởng bình đẳng mọi dịch vụ công cộng của người khuyết tật (NKT). Tính đến ngày 7/11/2011, đã có 147 quốc gia ký và 97 nước phê chuẩn. Việt Nam là thành viên thứ 118 tham gia ký Công ước vào ngày 22/10/2007 và phê chuẩn vào ngày 28/11/2014 tại Nghị quyết số 84/2014/QH13. Việc phê chuẩn Công ước Quốc tế về các quyền của NKT là cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc bảo vệ và thúc đẩy sự phát triển vì lợi ích dành cho NKT. Đồng thời, là một trong những căn cứ pháp lý để Việt Nam khẳng định quan điểm của mình đối với thế giới trong lĩnh vực NKT nói riêng và nhân quyền nói chung. Trong đó bao gồm quyền không bị phân biệt đối xử vì lý do họ bị khuyết tật. Về cơ bản các điều của Công ước đã được nội luật hóa vào pháp luật Việt Nam.
Để bảo đảm cho NKT thực hiện quyền bình đẳng và tham gia cộng đồng xã hội, tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa 12 ngày 17/6/2010, Quốc hội đã thông qua Luật NKT. Luật này quy định về quyền và nghĩa vụ của NKT, trách nhiệm của nhà nước, gia đình và xã hội đối với NKT. Cùng với hệ thống pháp luật, Nhà nước đã ban hành và thực hiện nhiều chính sách trợ giúp NKT về đời sống, giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, tiếp cận văn hóa, giao thông, công nghệ thông tin, giao tiếp xã hội…
Cũng từ thời gian này cụm từ tàn tật đã đi vào dĩ vãng và trong các văn bản dưới luật hay trong các bộ luật ban hành có liên quan đều dùng cụm từ NKT.
Theo nhận thức của người dân, thông thường từ khuyết tật được cho là mang sắc thái tình cảm, ý nghĩa tốt hơn là từ tàn tật. Người ta cho rằng từ “tàn” trong cụm từ tàn tật gợi đến hình ảnh tiêu cực, tạo cảm giác không còn khả năng gì, không còn tương lai và điều đó ảnh hưởng không tốt đến nỗ lực phấn đấu vượt khó khăn. Từ “khuyết” mang nghĩa suy giảm chức năng nhưng vẫn có khả năng phục hồi, vẫn còn hy vọng.
Theo phân loại của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có ba mức độ suy giảm là: khiếm khuyết (impairment), khuyết tật (disability) và tàn tật (handicap).
- Khiếm khuyết chỉ sự mất mát hoặc không bình thường của cấu trúc cơ thể liên quan đến tâm lý hoặc/và sinh lý.
- Khuyết tật chỉ sự giảm thiểu chức năng hoạt động, là hậu quả của sự khiếm khuyết.
- Tàn tật đề cập đến tình thế bất lợi hoặc thiệt thòi của người mang khiếm khuyết do tác động của môi trường xung quanh lên tình trạng khuyết tật của họ (WHO, 1999).
Do đó, khuyết tật là một hiện tượng phức tạp, phản ánh sự tương tác giữa các tính năng cơ thể và các tính năng xã hội đối với cộng đồng mà trong đó NKT sống.
Khoản 1, Điều 3, Luật NKT đã phân loại khuyết tật thành 6 dạng tật như sau: a) Khuyết tật vận động; b) Khuyết tật nghe, nói; c) Khuyết tật nhìn; d) Khuyết tật thần kinh, tâm thần; đ) Khuyết tật trí tuệ; e) Khuyết tật khác.
Về mức độ NKT, khoản 2, Điều 3, Luật này chia theo những mức độ sau đây: “a) Khuyết tật đặc biệt nặng là người do khuyết tật dẫn đến không thể tự thực hiện việc phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày; b) Khuyết tật nặng là người do khuyết tật dẫn đến không thể tự thực hiện một số việc phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày; c) Khuyết tật nhẹ là người khuyết tật không thuộc trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản này”.
Theo Tổng cục Thống kê năm 2009, Việt Nam có khoảng 6,7 triệu NKT trên tổng số 85,5 triệu dân, tương đương 7,8% dân số. Số NKT và tỷ lệ NKT trên là căn cứ theo các tiêu chí cũ cho 4 dạng tật đầu (thể lý, khiếm thính, khiếm thị và một phần của chậm phát triển trí não).
Về Quyền và nghĩa vụ của NKT, Điều 4 Luật NKT quy định: 1) NKT được bảo đảm thực hiện các quyền sau đây: a) Tham gia bình đẳng vào các hoạt động xã hội; b) Sống độc lập, hòa nhập cộng đồng; c) Được miễn hoặc giảm một số khoản đóng góp cho các hoạt động xã hội; d) Được chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, học văn hóa, học nghề, việc làm, trợ giúp pháp lý, tiếp cận công trình công cộng, phương tiện giao thông, công nghệ thông tin, dịch vụ văn hóa, thể thao, du lịch và dịch vụ khác phù hợp với dạng tật và mức độ khuyết tật; đ) Các quyền khác theo quy định của pháp luật. 2) NKT thực hiện các nghĩa vụ công dân theo quy định của pháp luật.
Lòng hiếu thảo của Người khuyết tật |
Để Luật NKT sớm đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả trong thực tế xã hội, ngày 10/4/2012 Chính phủ đã ban hành Nghị định sô 28/2012/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật NKT. Ngày 5/8/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1019/QĐ-TTg Phê duyệt Đề án trợ giúp NKT giai đoạn 2012 - 2020. Theo Quyết định này, Thủ tướng CP phân công Bộ Lao động - TBXH là cơ quan chủ trì thực hiện Đề án có trách nhiệm phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng kế hoạch triển khai. Thực hiện sự phân công của Thủ tướng CP, các Bộ, ngành có liên quan tới việc thực hiện đề án đã lần lượt ban hành nhiều thông tư, thông tư liên tịch. Ví dụ như ngày 24/9/2012 Bộ Giao thông vận tải đã có Thông tư số 39/2012/TT-BGTVT, Hướng dẫn thực hiện Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về kết cấu hạ tầng giao thông, công cụ hỗ trợ và chính sách ưu tiên NKT tham gia giao thông công cộng. Hay ngày 29/8/2014 Bộ GTVT đã có Thông tư số 36/2014/TT-BGTVT Quy định chất lượng dịch vụ hành khách tại cảng hàng không. Nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng phục vụ hành khách khuyết tật tham gia giao thông Hàng không, ngày 6/4/2015, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam đã ban hành Chỉ thị về việc nâng cao chất lượng phục vụ hành khách là NKT.
Quan trọng hơn, ngày 6/10/2015, Thủ tướng CP đã ký Quyết định số 1717/QĐ-TTg Về việc thành lập Ủy ban Quốc gia về NKT Việt Nam. Theo Quyết định này, Bộ trưởng Bộ Lao động - TBXH làm Chủ tịch Ủy ban; Phó Chủ tịch Ủy ban là Thứ trưởng Bộ Lao động - TBXH; Ủy viên gồm Thứ trưởng các bộ: Nội vụ, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Văn hóa - TT và DL, Xây dựng, Giao thông vận tải, Thông tin và Truyền thông.
Trong công tác xây dựng văn bản, từ đầu năm 2016 đến nay, một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến NKT tiếp tục được nghiên cứu, xây dựng hoàn thiện, trong đó phải kể đến Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, quyết định phê duyệt kế hoạch thực hiện Công ước của liên hợp quốc về quyền của NKT, quyết định phê duyệt danh mục Dự án Thúc đẩy quyền của NKT Việt Nam do Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ tài trợ… Bên cạnh đó, các Bộ, ngành cũng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo và hướng dẫn thực hiện các chính sách hỗ trợ NKT như: miễn giảm giá vé dịch vụ giao thông công cộng cho NKT, phương tiện giao thông công cộng phải đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật về giao thông tiếp cận tạo điều kiện thuận lợi cho NKT tham gia…
Trong bài viết này, khó có thể liệt kê hết được những văn bản pháp quy liên quan tới NKT và trợ giúp NKT. Song, theo nhận định của Bộ trưởng Bộ Lao động -TBXH Đào Ngọc Dung, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về NKT Việt Nam tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2016 của Ủy ban quốc gia về người khuyết tật: Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm tới những NKT, thông qua việc ban hành hệ thống pháp luật chính sách tương đối đầy đủ. Cơ chế, chính sách dễ hiểu, dễ thực hiện, có tác động lớn tới việc chăm lo đời sống của NKT. Các Bộ, ngành, hiệp hội, tổ chức nghề nghiệp đã tích cực triển khai công tác dạy nghề, giới thiệu việc làm cho đối tượng khuyết tật.
“Nhà nước và xã hội tạo điều kiện cho trẻ em tàn tật được học văn hoá và học nghề phù hợp” (trích Điều 59); “Người già, người tàn tật, trẻ mồ côi không nơi nương tựa được Nhà nước và xã hội giúp đỡ” (trích Điều 67).
(Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992)
(Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992)
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.
Đức Hà