Nhọc nhằn cuộc mưu sinh của những cựu binh Gạc Ma ở Quảng Trị

2018-04-07 17:20:33 0 Bình luận
11 năm nay, ngày nào cũng như ngày nào, từ 4h sáng vợ chồng cựu binh Trần Thiên Phụng đã lục tục dậy sớm, nổi lửa để chuẩn bị cho quán bún bò, giò chả. Chăm chỉ, cần mẫn là thế nhưng căn nhà cấp 4 nằm tít trong hẻm nhỏ, vị trí không thuận lợi nên mỗi ngày quán bún của vợ chồng ông Phụng chỉ bán được dăm bảy chục tô bún, thu nhập cũng rất khiêm tốn.

Chúng tôi tìm đến nhà cựu binh Trần Thiên Phụng (SN 1967) nằm bên con đường Kim Đồng (phường 2, TP.Đông Hà, Quảng Trị) khi gia đình ông vừa bán hết số bún cho khách ăn sáng. Thở một hơi thật dài, ánh mắt nhìn xa xăm, người thương binh hạng 4/4 này kể về cuộc đời đầy thăng trầm của mình và cả trận hải chiến năm xưa.


Cựu binh Gạc Ma Trần Thiên Phụng bên những kỷ vật như thư từ, giấy báo tử của chính mình. (Ảnh: Ngọc Vũ)


Bảo vệ đến cùng Quốc kỳ - chủ quyền biển đảo

Ngày 17.3.1987, khi đứa con trai đầu vừa tròn một tuổi, ông lên đường nhập ngũ, vào Lữ đoàn Hải quân 126 - Sơn Trà (Đà Nẵng). Cuối năm 1987, ông Phụng được chuyển quân vào Trung đoàn 83 - Bộ tư lệnh Hải quân đóng tại Cam Ranh (Khánh Hòa). Đêm 12.3.1988, xuất phát từ bán đảo Cam Ranh, ông Phụng cùng đồng đội nhận nhiệm vụ ra Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao để xây dựng đảo.

17h30 ngày 13.3.1988, tàu HQ 604 chở những người lính hải quân, trong đó có ông Phụng tiếp cận đảo Gạc Ma. Khi chỉ cách đảo khoảng 100 mét thì tàu HQ 604 chạm trán tàu chiến của Trung Quốc. Đến 5h30 sáng 14.3.1988, tàu HQ 604 nhận lệnh đưa vật liệu (sắt, thép) lên đảo xây nhà nổi. Những người lính công binh rời tàu lớn, lên thuyền nhỏ di chuyển vào đảo Gạc Ma.


Một cuộc hội ngộ của 9 người lính hải quân nhân dân Việt Nam tham gia trận chiến Gạc Ma, sau đó bị phía Trung Quốc bắt làm tù binh. (Ảnh: Ngọc Vũ)


Nhớ lại thời điểm đó, cựu binh Gạc Ma Trần Quang Dũng (thôn Xuân Ngọc, xã Gio Việt, Gio Linh, Quảng Trị) kể: Ông cùng cựu binh Trần Xuân Bình (Gio Thành, Gio Linh, Quảng Trị), Phan Xuân Ánh và Trần Văn Phương được lệnh tiên phong cầm xà beng, cọc cây dương và cờ Tổ quốc vào đảo Gạc Ma cắm cờ khẳng định chủ quyền.

Cắm cờ xong, 40 chiến sĩ công binh của ta tiến vào đảo để chuẩn bị nhận vật liệu, xây dựng và bảo vệ cờ Tổ quốc. Thấy cờ Việt Nam tung bay trên đảo Gạc Ma, quân Trung Quốc điều hơn 60 lính từ tàu chiến với vũ khí, súng AK với lưỡi lê sắc nhọn tiến lên đảo, áp sát các chiến sĩ của ta dọa nhổ cờ. Trước tình hình nguy cấp như vậy, những người lính công binh vẫn không nao núng, quyết một lòng bảo vệ lá cờ Tổ quốc đến cùng.

“Trong vòng vây của địch với hỏa lực cực mạnh, bên ta đa phần chỉ có cuốc xẻng, vài người có mang AK, nhưng trung úy Trần Văn Phương vẫn bình tĩnh trấn an và chỉ đạo anh em chúng tôi giữ vững đội hình, không manh động khi chưa có lệnh”, ông Phụng nhớ lại. Dọa nạt không được, quân Trung Quốc xả súng vào lính công binh của ta.

Vừa xả đạn vào chiến sỹ của ta trên đảo, phía Trung Quốc vừa nã pháo vào tàu HQ 604 khiến con tàu chìm dần. Ông Phụng và số ít đồng đội nhảy ra khỏi tàu, vớ được khúc gỗ lênh đênh trên biển hơn 9 giờ đồng hồ trước khi bị quân Trung Quốc vớt lên đưa về bán đảo Lô Châu (Quảng Đông, Trung Quốc), bắt giữ làm tù binh...

Nhọc nhằn mưu sinh đời thường

Gần 900 ngày bị cầm tù ở Trung Quốc cũng là từng đó ngày ông Phụng mòn mỏi nhớ nhà, nhớ quê hương, nhớ đồng đội. Cũng từng đó thời gian cha me, vợ con ông Phụng đớn đau khi tưởng rằng ông đã hy sinh rồi lại mong chờ ngày đoàn tụ khi hay tin ông còn sống.


Giấy báo tử của cựu binh Gạc Ma Trần Thiên Phụng. (Ảnh: Ngọc Vũ)


Ngày 1.11.1988, Chỉ huy trưởng trung đoàn 83 – Bộ tư lệnh Hải quân đã gửi giấy báo tử về gia đình ông Phụng. Lặng lẽ ngồi bên chồng, bà Lê Thị Thiên, vợ ông Phụng nhớ lại: “Lúc nhận được giấy báo tử, cha mẹ, người thân chúng tôi khóc ngất đi, không ai muốn tin nhưng đành lập bàn thờ ngày đêm hương khói”.

Mãi đến tháng 2.1989, thông qua Hội chữ thập đỏ quốc tế, ông Phụng gửi được lá thư đầu tiên từ trại tù binh Quảng Đông (Trung Quốc) về gia đình báo tin mình còn sống.

Nhìn bức ảnh chụp chung với 8 đồng đội từng là tù binh của Trung Quốc, ông Phụng rớm nước mắt nói: “Trở về nhà, vui thì có vui, nhưng trong sâu thẳm lòng mình vẫn có những nỗi buồn không thể tiêu tan. Buồn nhất vì Gạc Ma, một phần máu thịt của Tổ quốc, bị kẻ địch chiếm. Buồn nữa là khi trở về với đời thường, tôi và anh em đồng đội, ai cũng tất tả mưu sinh. Chẳng phút nào được thảnh thơi vì cuộc sống của ai cũng nhiều khó khăn, vất vả”.

Trở về nhà, ông Phụng làm lơ xe tuyến Bắc – Nam suốt nhiều năm, sau đó làm thêm một vài nghề dạng thợ đụng… Mãi đến năm 2007, ở tuổi 40, sức khỏe có phần giảm sút ông Phụng mới cùng vợ mở quán bún phục vụ ăn sáng cho khách ngay tại nhà.

11 năm nay, ngày nào cũng như ngày nào, từ 4h sáng vợ chồng ông Phụng đã lục tục dậy sớm, nổi lửa để chuẩn bị cho quán bún bò, giò chả. Chăm chỉ, cần mẫn là thế nhưng căn nhà cấp 4 nằm tít trong hẻm nhỏ, vị trí không thuận lợi nên mỗi ngày quán bún của vợ chồng ông Phụng chỉ bán được dăm bảy chục tô bún, thu nhập cũng rất khiêm tốn.

“Anh em nhà báo đến thăm, phỏng vấn rồi gợi ý tôi đặt tên quán là bún Phụng Gạc Ma hoặc quán bún Gạc Ma để thu hút khách, có thêm thu nhập cho gia đình nhưng tôi ngượng, sợ người đời không hiểu lại nói ra nói vào không hay nên tôi vẫn còn đắn đo” - ông Phụng tâm sự.


Hai cựu binh Trần Xuân Bình (trái) và Trần Quang Dũng ôn lại trận chiến Gạc Ma 30 năm trước. (Ảnh: Ngọc Vũ)


Với cựu binh Trần Xuân Bình (xã Gio Thành, Gio Linh, Quảng Trị), khi bài báo này được đăng tải, ông vẫn đang cùng các bạn thuyền vươn khơi đánh cá ở vùng biển Trường Sa. Cuộc đời ông Bình cũng nhọc nhằn không kém người đồng đội.

Sau khi xuất ngũ, ông làm đủ nghề, từ nông dân, ngư dân đến thợ đụng nhưng cuộc sống chẳng khá khẩm gì. Niềm tự hào của ông Bình là nuôi dạy được 2 con lớn học xong đại học. Còn 1 đứa đang học lớp 10 ông luôn động viên phải cố theo gương các anh.

“Gần một năm nay tôi chuyển sang làm bạn thuyền cho một chủ tàu ở thị trấn Cửa Việt vươn khơi xa, vừa đánh bắt cá tôm vừa góp phần giữ vững chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Tôi mong sao những ký ức về trận hải chiến Gạc Ma sẽ được giảng dạy kỹ hơn trong trường học, để thế hệ mai sau biết về một sự kiện bi tráng trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta” - ông Bình nói.

Điều đặc biệt là hai con trai thứ 2 và 3 của ông Bình được đặt tên Sa – Sinh (đảo Trường Sa và đảo Sinh Tồn), còn hai con ông Dũng có tên Hoàng – Sa (quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa), nơi mà các ông đã đổ máu xương để bảo vệ chủ quyền.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Lễ thượng cờ ‘Thống nhất non sông’ bên bờ Hiền Lương - Bến Hải

Sáng ngày 30/4, tỉnh Quảng Trị tổ chức lễ Thượng cờ "Thống nhất non sông" lá cờ Tổ quốc được kéo lên tại kỳ đài Di tích Hiền Lương - Bến Hải trong tiếng nhạc "Tiến quân ca" khiến nhiều người xúc động.
2024-04-30 14:05:00

Du khách trên sông Nho Quế tăng cao dịp lễ, CSGT căng sức điều tiết thuyền bè

Đội CSGT - TT Công an huyện Mèo Vạc đã triển khai nhiều giải pháp đảm bảo an toàn giao thông dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5.
2024-04-30 01:24:14

Đồng Nai: Bị thổi nồng độ cồn, 'ma men' đốt xe chuyên dụng của CSGT

Vì có hành vi vi phạm nồng độ cồn nên một người đàn ông đã bị tổ công tác của lực lượng CSGT giữ lại. Điều đáng nói là sau đó người đàn ông này đã phóng hoả đốt xe chuyên dụng của cảnh sát.
2024-04-29 18:14:10

Đũa gỗ Quảng Thủy, Ba Đồn: Chất lượng truyền thống - Công nghệ hiện đại

Đũa gỗ Quảng Thủy thành công nhờ áp dụng ứng dụng khoa học và công nghệ kết hợp với phương pháp thủ công truyền thống, sản phẩm HTX đa dạng mẫu mã kiểu dáng, chất lượng đáp ứng nhu cầu của các khách hàng, không chỉ bền, đẹp mà giá cả rất hấp dẫn phù hợp với nhiều khách hàng.
2024-04-29 16:20:00

Quảng Ninh: “Bừng sáng cùng Kỳ quan” - Carnaval Hạ Long đầu tiên trên biển

Tối 28/4 tại khu du lịch Bãi Cháy thành phố Hạ Long, Carnaval Hạ Long 2024 lần đầu tiên được tổ chức trên biển đã mang tới cho du khách nhiều cảm xúc về vùng đất, con người Quảng Ninh với nhiều nét văn hóa đặc sắc, khởi động một mùa du lịch mới.
2024-04-29 14:43:11

Công nhân môi trường lặng thầm làm đẹp đường phố dịp Lễ 30/4

Trong khi phần lớn người dân được nghỉ Lễ 30/4 kéo dài 5 ngày, thì trên các tuyến đường, ngõ phố của Hà Nội các công nhân vệ sinh môi trường vẫn đang đội nắng mưa, lặng thầm làm đẹp từng con đường, góc phố Thủ đô.
2024-04-29 11:29:38
Đang tải...