Những điểm nhấn trên thị trường BĐS
Nguồn cung tăng mạnh, cơ cấu sản phẩm hợp lý
Theo số liệu của Hội Môi giới BĐS Việt Nam, chỉ tính riêng trong quý III/2018 tại 2 thị trường BĐS lớn nhất cả nước là Hà Nội và TPHCM có 34 dự án phát triển BĐS đã hoàn thành đầu tư xây dựng và đủ điều kiện bán hàng, qua đó đã cung cấp ra thị trường 20.328 sản phẩm mới với cơ cấu sản phẩm rất hợp lý.
Cụ thể, chỉ tính riêng thị trường BĐS Hà Nội đã cung cấp ra thị trường 10.563 sản phẩm, trong khi con số này tại TPHCM là 9.792 sản phẩm. Nếu so sánh với cùng thời điểm quý III/2017, nguồn cung bất động sản tại thị trường Hà Nội tăng tới 86% (quý III/2017 cung cấp ra thị trường hơn 5.000 sản phẩm) còn tại thị trường TPHCM lượng cung tăng gấp đôi (Tổng lượng cung quý III/2017 là 4.526 căn hộ).
Thực tế thị trường cho thấy giá BĐS tại 2 khu vực này không tăng và ổn định so với quý II/2018. Trong quý III, giao dịch BĐS thành công đạt 12.720 sản phẩm, nâng tỉ lệ hấp thụ toàn thị trường đạt 63,5%, một con số khá ấn tượng so với thời điểm cùng kỳ của vài năm trở lại đây.
Các chuyên gia lĩnh vực BĐS cho rằng điều này thể hiện niềm tin vào thị trường của các nhà phát triển BĐS và thị trường vẫn phát triển bền vững với tốc độ ổn định.
Về cơ cấu sản phẩm, tại Hà Nội trong tổng nguồn cung căn hộ, phân khúc sản phẩm có giá trị thấp vẫn tiếp tục chiếm tỉ trọng cao, đạt 44%, phân khúc sản phẩm có giá trị trung bình và sản phẩm cao cấp mỗi loại đều đạt 22%.
Đáng chú ý, trên thị trường BĐS Hà Nội đã xuất hiện dòng sản phẩm có giá trị siêu cao, đạt 14% tổng lượng cung toàn thị trường. Đây cũng là thời điểm thị trường BĐS Hà Nội được đánh giá có cơ cấu sản phẩm được phân bổ hợp lý nhất từ trước đến nay.
Tại TPHCM, trong phân khúc nhà ở, căn hộ vẫn là chủ đạo trên thị trường, chiếm 94,2% tổng sản phẩm nhà ở tại các dự án phát triển BĐS kể từ đầu năm 2018. Tuy nhiên, ngược lại với thị trường BĐS Hà Nội, tại TPHCM tỉ trọng phân khúc nhà ở cao và trung cấp lại chiếm nhiều nhất. Cao cấp đạt 40,5% và trung cấp đạt 36,5%. Trong khi đó phân khúc nhà ở bình dân lại chiếm tỉ trọng nhỏ với 21%.
Thị trường BĐS sẽ sôi động hơn trong những tháng cuối năm
Trong quý IV/2018, nền kinh tế Việt Nam được dự đoán tiếp tục ổn định và tăng trưởng tốt. Nguồn vốn FDI có thể sẽ được đổ vào Việt Nam tốt hơn bởi các nhà đầu tư kinh tế đang rút khỏi thị trường Trung Quốc do lo ngại về căng thẳng thương mại Mỹ-Trung. Thời điểm những tháng cuối cùng trong năm cũng là thời điểm Việt Nam nhận được nguồn kiều hối mạnh nhất và số lượng không nhỏ từ dòng kiều hối này sẽ được đầu tư vào lĩnh vực BĐS bởi trong tương quan so sánh giữa các hình thức đầu tư khác thì BĐS vẫn là kênh đầu tư tốt nhất.
Do nhu cầu về nhà ở và đầu tư vẫn đang ở mức tốt, dự báo trong quý cuối cùng của năm 2018, nguồn cung sản phẩm BĐS vẫn tiếp tục tăng với việc nhiều dự án được mở bán ra thị trường với sự đa dạng của các chủng loại sản phẩm.
Ngoài sự ổn định và phát triển bền vững từ 2 thị trường lớn, thị trường BĐS sẽ trở nên sôi động hơn tại các tỉnh, thành phố như: Lạng Sơn, Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, và hầu hết các tỉnh ĐBSCL… đều xuất hiện ít nhất không dưới 10 dự án phát triển bất động sản.
Đồng thời, đây cũng là thời điểm lượng giao dịch được dự đoán sẽ tăng mạnh nhất trong năm và nhiều hơn so với cùng kỳ năm 2017.
Về giá cả hàng hóa cũng sẽ không có biến động nhiều, dự báo tăng so với quý III/ 2018 từ 0,5-1%.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.