Những người lính giải phóng Quảng Trị năm ấy

2020-07-18 13:00:46 0 Bình luận
Cho đến bây giờ, trong tâm trí của những người lính từng tham gia chiến dịch giải phóng Quảng Trị, ký ức về một thời “mưa bom bão đạn” như mới diễn ra hôm qua. Họ đã trực tiếp chiến đấu với địch, kiên cường bất khuất giành lại từng tấc đất cho quê hương. Chúng tôi có dịp gặp gỡ những người lính năm ấy và nghe họ kể lại câu chuyện về một thời hào hùng chưa xa.

Ký ức về trận đánh mở đầu chiến dịch năm 1975

Theo giới thiệu của Hội Cựu chiến binh tỉnh Quảng Trị, chúng tôi tìm đến ông Lê Phước Đạc, hiện đang sinh sống tại xã Vĩnh Tú, huyện Vĩnh Linh. Ông nguyên là Trung đội phó Đại đội 12, Tiểu đoàn 10, người đã có nhiều công lao trong trận đánh tại Chi khu quân sự Mai Lĩnh, Quảng Trị, tạo nên chiến thắng mở đầu trong chiến dịch 1975 lịch sử.

 Ông Lê Phước Đạc ngắm nhìn tấm ảnh kỷ niệm của ông và đồng đội. Ảnh: Trúc Phương

Tháng 4/1972, ông Lê Phước Đạc viết đơn tình nguyện tham gia kháng chiến. Trong hồi ức của ông, đó là những năm tháng đạn bom ác liệt vô cùng. Thực hiện chỉ thị của Bộ Chính trị về việc chớp thời cơ giải phóng miền Nam trong năm 1975, ngày 15/9/1974, Tiểu đoàn 10 phát lệnh trinh sát Chi khu quân sự quận lỵ Mai Lĩnh, chuẩn bị chiến dịch giải phóng huyện cuối cùng của tỉnh Quảng Trị. Quận Mai Lĩnh trước đây chịu trách nhiệm quản lý 4 xã gồm: Hải Lệ, Hải Thượng, Hải Phú và Hải Trí (nay thuộc Thành Cổ Quảng Trị). Mai Lĩnh được lựa chọn làm trận mở màn cho chiến dịch giải phóng Quảng Trị bởi nơi đây là căn cứ địa kiên cố, an toàn cho bộ đội ta khi tiếp giáp với địch; đồng thời nương theo địa điểm đó, quân ta tiếp tục mở rộng cuộc chiến, tiến vào Nam giải phóng những nơi khác. Theo lời kể của ông Đạc, để chiến dịch diễn ra thành công tốt đẹp, ông cùng đồng đội đã có sự chuẩn bị vô cùng kỹ lưỡng trong suốt thời gian dài. Nhận lệnh của tiểu đoàn, ông Đạc cùng đồng chí Trung đội trưởng trinh sát Nguyễn Quốc Huy và 2 đồng chí thuộc C23 (Trinh sát của tỉnh đội Quảng Trị) lên đường thực hiện nhiệm vụ. Nhưng không may trong lần đó, đồng chí Nguyễn Quốc Huy bị phục kích hy sinh, nằm lại chiến trường.

Đêm 7/3/1975, toàn bộ lực lượng của Đại đội 10 hành quân từ Vũng Tròn (nay thuộc xã Hải Lâm) về hậu cứ K4 để làm công tác chuẩn bị. Đội hình chiến đấu trong trận Mai Lĩnh của đại đội khi ấy gồm 77 đồng chí nhưng tham gia trực tiếp chiến đấu chỉ có 35 đồng chí được chia làm 3 mũi tấn công. Đúng 0 giờ ngày 9/3/1975, quân ta ở cả 3 mũi đồng loạt nổ súng tấn công địch tại quận lỵ Mai Lĩnh. Mũi đánh do ông Nguyễn Hồng Thinh làm đội trưởng, ông Lê Phước Đạc làm đội phó chịu trách nhiệm thọc sâu vào chỉ huy chiến đài ở phía Đông quận Mai Lĩnh. Bộ đội ta tấn công địch mạnh mẽ, xung phong đánh chiếm được mục tiêu và làm chủ trận địa. Chỉ trong khoảng chừng 30 phút, quân ta đã tiêu diệt được 105 quân lính của địch, trong đó có thiếu tá Lê Bá Mùi, Chi khu trưởng Chi khu Mai Lĩnh. Không lâu sau đó, địch phát hiện bộ đội ta đã làm chủ được tình hình, bèn quay lại tấn công bằng nhiều tấn pháo hòng hủy diệt luôn chi khu quân sự quận lỵ này. Trước chuyển biến phức tạp của trận chiến, ông Lê Phước Đạc đã không ngại hiểm nguy xung phong vào đánh ở trung tâm, mở đường cho quân ta xông lên giành lại thế trận một lần nữa, làm chủ được chính quyền. Trong trận đánh ác liệt ấy, bộ đội ta hy sinh 6 đồng chí tại chỗ, một đồng chí khác bị thương nặng, trên đường giấu quân trở về căn cứ cũng không qua khỏi. Ông Đạc cũng bị thương trong trận này.

Cùng ngày 9/3/1975, không chỉ ở trận địa Mai Lĩnh, ở nhiều trận địa khác, bộ đội ta vừa ngoan cường tấn công địch, vừa phát động quần chúng nổi dậy, giành quyền làm chủ ở từng địa phương. Trước sức tấn công, nổi dậy đồng loạt và bất ngờ của quân và dân ta, địch buộc phải rút bỏ 21 chốt ở phía Tây Hải Lăng. Các đơn vị còn lại của chúng (trong đó có lực lượng Thủy quân lục chiến tinh nhuệ) ở giáp ranh Hải Lăng bắt đầu co cụm án binh bất động. Đây được xem là trận đánh đầu tiên mở đầu cho chiến dịch năm 1975 ở Quảng Trị và góp phần vào cuộc tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Ông Lê Phước Đạc sau trận đánh tại Chi khu quân sự Mai Lĩnh được rút lên tham gia nhiều trận đấu khác cho đến khi địch rút quân ra khỏi Quảng Trị hoàn toàn vào ngày 19/3/1975. Sau hòa bình lập lại, ông trở về quê hương và tham gia vào Hội cựu chiến binh của địa phương. Những vết thương năm nào trên cơ thể vẫn hành hạ ông mỗi lúc trái gió trở trời nhưng cũng nhắc ông nhớ về kỷ niệm của những ngày tháng không bao giờ quên. Sau trận đánh mở màn lịch sử ấy, ông Lê Phước Đạc đã vinh dự được tặng thưởng Huân chương Chiến công giải phóng hạng Nhì.

Luôn nhớ đến đồng đội đã hy sinh

Trong ký ức của người đại tá về hưu này vẫn còn nhớ như in trận đánh ác liệt trên cầu Mỹ Chánh ngày 19/3/1975 lịch sử. Người đại tá ấy là Trần Minh Hiền (sinh năm 1956), ở thôn Phú Hưng, xã Hải Phú, huyện Hải Lăng.

 Ông Trần Minh Hiền trong lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Hội cựu chiến binh Việt Nam. Ảnh nhân vật cung cấp

Năm 1968, cậu thiếu niên Trần Minh Hiền tham gia cách mạng. Dù chỉ mới 12 tuổi nhưng đã được giao nhiệm vụ quan trọng là cơ sở nắm bắt, cung cấp tình hình của địch và tiếp tế các nhu yếu phẩm ở địa phương cho cách mạng. Tháng 5/1972, ông Hiền tham gia du kích xã Hải Phú cùng lực lượng du kích xã chiến đấu bảo vệ quê hương vùng giải phóng. Sau một thời gian hoạt động du kích, đến tháng 8/1973 ông tình nguyện tham gia quân ngũ và được phân công công tác tại đơn vị C2 Huyện đội Hải Lăng. Tại đây, ông cùng đồng đội có nhiệm vụ sau khi hoàn thành chương trình huấn luyện của đơn vị thì lập tức hành quân vào chiếm lĩnh chốt giữ ở thượng nguồn sông Nhùng, Vũng Tròn, thượng nguồn sông Ô Lâu, sông Mỹ Chánh - nơi tranh chấp ranh giới giữa ta và địch để bảo vệ vùng giải phóng và hậu phương; cùng với đó kết hợp các lực lượng du kích luồn sâu đánh địch ở những vùng đồng bằng, vùng sâu trung tâm huyện lỵ; vận chuyển vũ khí, súng đạn, lương thực, thực phẩm về khu tập kết, căn cứ mật để chuẩn bị cho chiến dịch giải phóng huyện Hải Lăng và giải phóng miền Nam thống nhất đất nước...

Ông Hiền kể, đêm mồng 8 rạng sáng mồng 9/3/1975, thực hiện chỉ thị của cấp trên, đơn vị bộ đội địa phương huyện đội Hải Lăng của ông đã phối hợp với bộ đội chủ lực (K10 đặc công) và dân quân du kích mở cuộc tập kích Chi khu quân sự quận lỵ Mai Lĩnh, trước sự hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng, quân ta tiến công, tiêu diệt và bắt sống nhiều quân địch, mở đường cho các trận chiến đấu tiếp theo tại nhiều xã trên địa bàn huyện Hải Lăng. Từ ngày 9 - 19/3, lực lượng bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương nhiều lần phối hợp cùng với quân du kích mở nhiều đợt tấn công tiêu diệt địch, có nhiều trận đánh giằng co quyết liệt với địch trên nhiều mặt trận. Bên cạnh phối hợp với lực lượng chiến đấu, bộ đội ta còn cổ vũ Nhân dân địa phương đứng lên giành chính quyền ở các xã như Hải Phú, Hải Thượng, Hải Trường, Hải Thọ, Hải Sơn, Hải Lâm, Hải Vĩnh, Hải Xuân… Trong hai ngày 18, 19/3/1975, lực lượng của ta gồm dân quân du kích, bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương dồn toàn lực giải phóng những xã cuối cùng của huyện Hải Lăng. Du kích các xã Hải Tân, Hải Hòa, Hải Thành, Hải Trường, Hải Chánh cùng một bộ phận của Tiểu đoàn 8 quân giải phóng tấn công địch đang co cụm ở Sông Nhùng, phát triển về Trường Thọ, Mỹ Chánh. Bị quân ta xung phong truy kích, địch cầu cứu quân tiếp viện hòng bám trụ lại tại Hải Lăng. Địch tăng cường lực lượng càng lúc càng đông nhưng với quyết tâm đánh đuổi hoàn toàn quân địch ra khỏi huyện Hải Lăng, quân ta phối hợp với nhau đuổi đánh địch đến cùng để giải phóng hoàn toàn huyện.

Trận chiến đấu bên dòng sông Mỹ Chánh trong ký ức của ông Hiền diễn ra vô cùng ác liệt, ta với địch giằng co với nhau để giữ lấy từng tấc đất. Trong quá trình chiến đấu ác liệt ấy lực lượng ta bị tổn thất nhiều, một số đồng chí bị hy sinh, bị thương được quân y cấp cứu, băng bó kịp thời chuyển lui về tuyến sau, lực lượng còn lại trong đó có ông Hiền vẫn kiên cường tiếp tục tiến công truy đuổi đánh địch để giải phóng hoàn toàn địa bàn huyện Hải Lăng.

Sau khi giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước, ông Hiền tiếp tục công tác tại Huyện đội Hải Lăng, giữ chức Huyện đội trưởng cho đến năm 2012 về nghỉ hưu, sau đó làm Chủ tịch Hội cựu chiến binh huyện. Trước tinh thần quả cảm trong chiến đấu, ông Trần Minh Hiền vinh dự được Nhà nước trao tặng Huân chương giải phóng hạng Nhì, Huân chương chiến công hạng Nhất… Trong những dịp kỷ niệm, tri ân các anh hùng liệt sĩ ông Hiền đã cùng đồng đội trở về chiến trường xưa, dâng hương, dâng hoa trên dòng sông Mỹ Chánh để tưởng nhớ những người đồng đội đã không tiếc máu xương của mình ngã xuống vì độc lập, bình yên cho quê hương.

“Dũng sĩ B40”

Trong ngôi nhà nằm trên con đường 21/5 Lê Lợi, thành phố Đông Hà, ông Trương Đức Đinh tiếp đón chúng tôi bằng tách trà nóng và nụ cười thân thiện. Ông Đinh được mệnh danh là “Dũng sĩ B40” trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ năm 1975.

 Người chiến sĩ Công an dũng cảm năm xưa giờ đây vẫn thường xuyên theo dõi tin tức trong và ngoài tỉnh, hưởng thụ niềm vui tuổi già. Ảnh: Trúc Phương

Năm 1971, ông Trương Đức Đinh gia nhập lực lượng An ninh giải phóng Quảng Trị và tham gia chiến đấu tại chiến trường này. Tháng 5/1972, ông được giao nhiệm vụ bắt gọn nhiều tên ngụy quân, ngụy quyền, hỗ trợ cho quần chúng phá tan âm mưu bình định của địch. Đến cuối tháng 6/1972, sau khi thất bại trên nhiều chiến trường của ta, địch dùng mọi cách để giữ lấy Hải Lăng. Trong khoảng thời gian ấy, ông Đinh được tổ chức điều về đơn vị trinh sát An ninh 201 thuộc Ty An ninh Quảng Trị (nay là Công an tỉnh Quảng Trị) để hoạt động. Giữa những năm tháng đầy đạn bom ấy đã tôi luyện cho người chiến sĩ công an Trương Đức Đinh một ý chí kiên cường, bất khuất. Ông cùng các đồng đội vượt qua biết bao khó khăn, thử thách, phải cẩn thận từng bước đi, giữ chặt nơi đã được giải phóng, đồng thời đánh quân địch ở vùng tạm chiếm, chuẩn bị cho cuộc tổng tấn công nổi dậy mùa xuân năm 1975.

Sau khi hiệp định Pa ri được ký kết, từ phía Nam sông Thạch Hãn trở vào nằm trong tay địch. Trong ký ức của ông Đinh vẫn còn vẹn nguyên những năm tháng đấu tranh hào hùng của quá khứ. Ngày 8/3/1975, nhận được chủ trương giải phóng từ tỉnh và trung ương, ông Trương Đức Đinh cùng đồng đội có nhiệm vụ đánh phá một số cụm điểm được địch bố trí quân lính dày đặc của huyện Hải Lăng, tiến hành giải phóng Quảng Trị và mở rộng địa bàn giải phòng Thừa Thiên-Huế cùng nhiều tỉnh phía Nam khác. Tại trận địa này, phân đội 201 của ông đã phối hợp cùng Trung đoàn 8 trực tiếp tấn công địch, đánh sập bộ máy chính quyền nhằm giải phóng hoàn toàn huyện Hải Lăng. Địch chống cự vô cùng quyết liệt, chiến sự lúc đó diễn ra “một mất một còn”. Ông Trương Đức Đinh trong quá trình dưỡng thương cho đồng đội đã sử dụng B40, thủ pháo 1 mình diệt 22 tên địch, đánh lui một đợt tấn công của chúng.

Trong cuộc chiến đó, quân ta bị tổn thất một lực lượng lớn, sau đó được lệnh phải rút quân để bảo toàn lực lượng. Sáng sớm ngày 10/3/1975, trên đường rút lui, ông Đinh bị địch phục kích, lạc mất đồng đội, bị thương nặng, súng hết đạn và sa vào tay giặc. Chúng chuyển ông đến Tổng y viện Duy Tân, Đà Nẵng để vừa điều trị, vừa tra tấn nhằm khai thác thông tin. Trong vòng khoảng 15 ngày, ông Đinh cùng nhiều người khác đang dưỡng thương tại Tổng y viện bị quản lý gắt gao, tra tấn, đánh đập vô cùng dã man. Nhưng với tinh thần và ý chí của người an ninh cách mạng, ông Đinh nhiều lần tìm cách đánh lừa địch, quyết không khai báo nửa lời. Ông còn cùng những người lính tại đây tổ chức lực lượng đấu tranh, đòi yêu sách cho thương binh để kéo dài thời gian. Đến ngày 29/3/1975, khi Đà Nẵng được giải phóng, ông Đinh được đồng đội giải cứu và trở về quê hương. Với sự gan dạ và quả cảm trong chiến đấu, ông được Nhà nước trao tặng Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huân chương Chiến công hạng Nhì…

Trở về sau bao nhiêu năm tháng chiến đấu ác liệt trên chiến trường với thương tật là 25%, ông Đinh vẫn không ngừng học tập và nỗ lực để hoàn thiện bản thân mình. Trước khi nghỉ hưu, ông đã có nhiều năm tham gia công tác trong ngành Công an.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Thành lập Câu lạc bộ Thể thao người khuyết tật TP Thái Nguyên

Ngày 28/3, tại TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên; Hội Người khuyết tật TP Thái Nguyên tổ chức Lễ ra mắt Câu lạc bộ Thể thao người khuyết tật.
2024-03-28 17:48:00

Về thăm chùa cổ Kiên Lao - Sùng Phúc tự

Chùa Kiên Lao (Sùng Phúc tự) ở làng Kiên Lao, xã Xuân Kiên (Xuân Trường, Nam Định) là một trong những danh lam cổ tự của vùng đất “Địa linh, nhân kiệt”. Nơi đây Hòa thượng Thích Thiện Tri trụ trì là bậc hoằng pháp chân tu cùng Hội phật tử dốc lòng tâm huyết, luôn mang lại phúc lành cho mọi người dân và tín đồ phật tử muôn phương.
2024-03-28 16:04:55

Khám phá những đường chạy cực chất tại VPBank Can Tho Music Night Run 2024

Chính thức khởi tranh vào chiều tối 13/4, VPBank Can Tho Music Night Run 2024 sẽ đưa runner băng qua cung đường ấn tượng gắn kết với những địa danh đã đi vào huyền thoại của thủ phủ miền Tây Nam Bộ.
2024-03-28 13:59:17

T&T Group hợp tác quản lý vận hành "chuẩn Nhật Bản" tại dự án T&T City Millennia Long An

Công ty Cổ phần Thái Sơn Long An (đơn vị trong hệ sinh thái Tập đoàn T&T Group) và đối tác Nhật Bản – Tập đoàn Anabuki vừa ký kết hợp tác quản lý vận hành dự án T&T City Millennia tại Long An.
2024-03-28 13:53:20

Cao Bằng tổ chức khám sàng lọc cho đối tượng khuyết tật cơ quan vận động

Theo kế hoạch, trong 3 ngày đầu tháng 4/2024 Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Cao Bằng sẽ tổ chức khám sàng lọc cho đối tượng khuyết tật cơ quan vận động trên địa bàn.
2024-03-27 13:39:07

Dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ

Ngày 20/3/2024, Công ty cổ phần quảng cáo Hà Thái, công ty TNHH quảng cáo Ngọc Hà là hai thành viên Hiệp hội Doanh nghiệp Thương binh và Người khuyết tật Việt Nam do ông Hà Đình Thái, Ủy viên ban chấp hành dẫn đoàn có chuyến viếng thăm, thắp hương tri ân các anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang liệt sĩ A1.
2024-03-26 21:16:00
Đang tải...