Nóng: Khởi tố và bắt tạm giam Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội và 6 bị can
Ông Nguyễn Nhật Cảm - giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội.
Chiều tối 22/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) ra quyết định khởi tố bị can Nguyễn Nhật Cảm (57 tuổi, Giám đốc CDC Hà Nội) cùng 6 người khác về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, quy định tại Khoản 3, Điều 222 Bộ luật Hình sự.
Các quyết định và lệnh nêu trên đã được VKSND Tối cao phê chuẩn. Cùng ngày, cơ quan điều tra thi hành lệnh bắt và khám xét đối với bị can.
Các bị can còn lại gồm Nguyễn Vũ Hà Thanh (41 tuổi, Trưởng phòng Tài chính kế toán CDC Hà Nội); Đào Thế Vinh (45 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH Vật tư khoa học và Thương mại Việt Nam); Nguyễn Trần Duy (40 tuổi, Tổng giám đốc Công ty CP định giá và bán đấu giá tài sản Nhân Thành).
Nguyễn Ngọc Nhất (34 tuổi, nhân viên Công ty TNHH phát triển khoa học Vitech); Nguyễn Thanh Tuyền (35 tuổi, nhân viên Công ty TNHH thiết bị y tế Phương Đông) và Lê Xuân Tuấn (38 tuổi, nhân viên Phòng Tài chính kế toán CDC Hà Nội).
Các bị can Lê Xuân Tuấn, Nguyễn Vũ Hà Thanh, Đào Thế Vinh, Nguyễn Ngọc Nhất, Nguyễn Trần Duy và Nguyễn Thanh Tuyền. Ảnh: Bộ Công an.
Quá trình điều tra bước đầu xác định các bị can đã câu kết, gian lận, thông đồng nâng khống giá trị gói thầu mua sắm Hệ thống Realtime PCR tự động - xét nghiệm COVID-19 gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho Nhà nước.
Đầu tháng 4, ông Cảm và một số cán bộ của CDC Hà Nội bị Cục cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế Bộ Công an triệu tập làm việc liên quan việc mua sắm máy xét nghiệm.
Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng Bộ Công an, cho biết cơ quan điều tra triệu tập một số cán bộ CDC Hà Nội sau khi có thông tin tố giác đơn vị này có dấu hiệu sai phạm khi mua sắm thiết bị y tế phòng, chống dịch.
Lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo Cục cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và các đơn vị, địa phương liên quan xác minh làm rõ.
Liên quan vụ việc, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định quan điểm của Thường trực Thành uỷ, Bí thư Thành ủy và của Ban chỉ đạo TP là các trường hợp vi phạm phải được điều tra và xử lý nghiêm, không nương nhẹ.
Theo ông Chung, thời gian qua, Ban chỉ đạo phòng chống dịch của Hà Nội đã chỉ đạo Công an thành phố và ngành công thương thường xuyên đi kiểm tra, xử lý những đơn vị cung cấp trang thiết bị tăng giá. Tuy nhiên có nhiều dấu hiệu tình trạng tăng giá vẫn diễn ra. Không loại trừ có sai sót của các đơn vị mua sắm và CDC Hà Nội.
"Quan điểm của thường trực Thành ủy, bí thư Thành ủy và Ban chỉ đạo là các trường hợp vi phạm phải được điều tra xử lý nghiêm, không nương nhẹ bất cứ trường hợp nào, và đặc biệt là trong điều kiện dịch bệnh mà vi phạm thì phải là tình tiết tăng nặng.
Lãnh đạo Hà Nội cũng yêu cầu Sở Y tế và các quận, huyện đã được phân bổ ngân sách phải chủ động rà soát toàn bộ việc mua sắm trang thiết bị y tế, đảm bảo đúng quy trình, đúng giá, không để xảy ra thất thoát hay tiêu cực.
Theo Sở Y tế, Hà Nội hiện có 8 máy xét nghiệm Reatime PCR, khoảng 17.000 bộ test nhanh chưa sử dụng và 341 máy thở, bổ sung kinh phí đợt 2 để mua thêm 37 máy thở, nâng tổng số máy thở thành 378 chiếc.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.