Nữ du kích, lặng thầm đền ơn đáp nghĩa

2020-09-14 09:05:00 0 Bình luận

Kiên trung thời chiến

Tôi tìm đến ngôi nhà đơn sơ, nép mình trên con phố nhỏ Hoàng Văn Thụ (TP Đà Nẵng) để gặp bà Trần Thị Chính, nữ du kích dũng cảm bắt sống lính Mỹ trên chiến trường Quảng Đà năm xưa. Người phụ nữ từng là một thiếu nữ xinh đẹp, được mệnh danh là “con sóc nhỏ” xông pha khắp các chiến trường, ở đâu bà cũng khiến quân thù khiếp vía. Giờ đây, người nữ anh hùng chỉ còn lại một bên chân, một con mắt và hàng trăm vết thương chằng chịt trên thân thể...

Đã hẹn trước, nên dù đang điều trị bệnh tiểu đường, người mệt mỏi nhưng bà Chính vẫn dành thời gian cho tôi. Sau khi mời khách vào nhà, vừa pha trà, bà vừa bảo: “Tôi mồ côi cả cha và mẹ, nên học được cách sống tự lập từ nhỏ. Sau này, khi bị thương, tôi cũng học cách tự chăm sóc cho mình”. Nghe bà nói và nhìn người phụ nữ mang đầy thương tật, lụi cụi làm, tôi bỗng thấy nghèn nghẹn ở cổ. Ngước mắt lên hai chiếc di ảnh trên bàn thờ, giọng bà Chính đượm buồn: “Khi tôi vừa tròn 6 tuổi, cũng là lúc Mỹ-Diệm thực hiện Luật 10-59, đưa máy chém đi khắp nơi. Bố tôi bị địch bắt và hành hình ngay vào những ngày cuối cùng của năm 1959. Chỉ sau đó ít tháng, mẹ tôi cũng bị đạn bom giặc giết chết trong một trận càn!”.

Tuổi thơ của bà Chính là những chuỗi ngày cơ cực nhói lên trong tim và lòng căm thù giặc cao độ. Thế nên cô bé ấy đếm từng ngày mong đủ lớn để được cầm súng trả thù cho những người thân trong gia đình. Tròn 16 tuổi, bà đã trở thành một giao liên mưu trí, dũng cảm trên đất Sài Gòn hoa lệ. Năm 1962, trong một lần vận chuyển tài liệu thì bà bị phát hiện, bằng sự mưu trí bà đã thoát khỏi vòng vây địch. Sau lần ấy, để bảo đảm an toàn, tổ chức phân công bà về hoạt động tại quê nhà ở thôn Đông Hòa, xã Điện Thọ, huyện Điện Bàn (Quảng Nam). Để che mắt địch, bà Chính mở một tiệm cắt may. Rất nhiều sĩ quan Mỹ đã tìm đến cửa hàng của bà để may đồ, đồng thời vô tình cung cấp những thông tin quan trọng cho phía quân ta.

Bà Trần Thị Chính trao quà tặng bệnh nhân nghèo tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam. Ảnh: THANH BA


Năm 1965, với chiến lược “chiến tranh cục bộ”, Mỹ ồ ạt đổ quân vào Đà Nẵng, chúng xây dựng căn cứ trên núi Bồ Bồ, cắm chốt, dồn dân lập ấp ở các vùng phụ cận để lùng sục, bắt bớ, bắn giết đồng bào ta. Thời kỳ này tình thế trên chiến trường khá căng thẳng, du kích hoạt động trong lòng địch thiếu thốn về vũ khí. Điều này khiến nữ du kích Trần Thị Chính trằn trọc suy nghĩ bao đêm.      Đầu năm 1964, bà được tổ chức phân công chăm sóc 8 cán bộ, du kích bị thương, nằm kẹt lại trong một vườn mía ngay sát đồn địch. Chỉ vài hôm sau, địch nhận được tin báo, chúng bất ngờ cho 22 xe tăng lao tới như muốn nghiền nát cả vườn mía. Không chút chần chừ, bà Chính từ vườn mía lao ra nằm chặn ngang đường tiến của xe tăng địch. Từ trên xe, bọn địch nhảy xuống dùng giày đinh đạp tới tấp lên người nữ du kích, kèm theo những lời tra khảo: “Cộng sản biểu mày ra chặn xe hử? Khai nhanh không tao bắn bỏ!”. Trong đớn đau, bà vẫn bình tĩnh một mực trả lời: “Tui không biết cộng sản là ai. Ba má tui chết cả rồi, tui ngăn lại là vì nếu xe tăng các ông chà vườn mía thì mấy đứa em tui chết đói mất”. Bà vừa khóc vừa van nài tên chỉ huy: “Tôi như em gái ông, xin các ông thương, cho xe dừng lại”. Tiếng khóc và hành động của bà đã lay động chút tình người còn lại trong tên chỉ huy. Hắn ra lệnh cho đoàn xe rẽ ngoặt sang hướng khác. 8 thương binh được an toàn cho đến khi chuyển về tuyến sau.

... Trong trận đánh bốt Điện Hòa vào năm 1966, 3 chiến sĩ của ta bị thương nặng, bị mắc lại trong vùng kiểm soát của địch. Sau trận đánh, bà Chính tình nguyện cải trang thành người mót củi, trở lại trận địa để tìm dấu tích 3 thương binh. Ngay trong đêm ấy, bà đã tìm được và đưa cả 3 người về tuyến sau an toàn. Với những chiến công của mình, đặc biệt là những thành tích về “giải cứu” thương binh, vừa tròn 18 tuổi, nữ du kích trẻ Trần Thị Chính đã vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng.

Vào cuối năm 1967, sự kiện “có một nữ du kích tay không bắt sống lính Mỹ” đã làm nức lòng quân-dân Quảng Đà. Hồi ấy, để chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, trong khi một số đồng chí ra Đà Nẵng tập sự, bà Chính được giao nhiệm vụ ở lại nắm tình hình địch. Vào một buổi sáng mùa Đông, bà nghe ông Mai Phước Liễn (một cơ sở cách mạng của ta cách nhà bà chừng 50m) nói vọng sang: “Cô Chính nhớ bắt con gà trống trả tui”. Biết được mật hiệu có lính Mỹ tới, bà ăn diện thật đẹp rồi xách ấm nước chè xanh qua. Vốn xinh đẹp lại ăn nói có duyên, bà đã làm cho một tên lính Mỹ ngẩn ngơ. Giả bộ ỏn ẻn, bà mời tên lính Mỹ qua nhà chơi, nghe vậy hắn hí hửng đi theo. Bà dắt tên lính Mỹ đi hết tầm quan sát của đồng bọn, khi tới vị trí bờ ao giữa xóm thì du kích ta phục sẵn bắt sống...

Nhân ái thời bình

Đang kể về cuộc đời mình thì chuông điện thoại đổ dồn, bà Chính dừng lời nghe điện. Người gọi đến là chị Bé, chủ cửa hàng thu mua phế liệu số 960 quận Sơn Trà. Bà bảo: “Cô Bé gọi để thống nhất với tôi về địa điểm nấu cơm miễn phí phục vụ bà con trong khu cách ly Covid-19 và kế hoạch thăm hỏi tặng quà các gia đình người có công, hộ nghèo trên địa bàn nhân Ngày Quốc khánh 2-9. Lúc này tôi mới có dịp quan sát căn phòng của bà ở, tất cả đều đơn sơ và giản dị. Chiến tranh đã đi qua gần 1/2 thế kỷ nhưng di chứng nặng nề của nó còn dai dẳng theo suốt cuộc đời nữ anh hùng-người thương binh già... Bà sống đạm bạc một mình, toàn bộ tình thương của bà bây giờ dành cả cho những đối tượng người có công, người dân nghèo, trẻ mồ côi và nạn nhân chất độc da cam. Bà bảo: “Với mức trợ cấp thương binh hạng 1/4 của tôi, tiết kiệm chi tiêu cho cá nhân cũng chỉ hết 1/3 thôi. Số tiền còn lại tôi dành để làm từ thiện”. Chính vì thế, khi nào bệnh tình thuyên giảm, bà lại lặn lội tìm đến đồng đội, người thân vận động quyên góp quần áo, sách vở, lương thực, thực phẩm... Những ngày sức khỏe khá hơn, bà đi nhặt nhạnh từng vỏ lon bia, đồ nhựa phế thải bán lấy tiền gom góp để giúp đỡ những người nghèo khổ.

Chị Phan Thị Tiên (em dâu bà Chính)-người luôn đồng hành với các chương trình từ thiện của bà Chính tâm sự với tôi: “Đến hẹn, năm nào cũng vậy, vào những ngày giáp Tết Nguyên đán, chị Chính cùng các cộng sự và một số nhà hảo tâm hành quân lên huyện miền núi thuộc các tỉnh Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai... trao hàng nghìn suất quà tặng đồng bào nghèo vui Tết, đón xuân. Không chỉ những ngày giáp Tết mới đi làm từ thiện, gần 20 năm qua, chị ấy cũng đã vận động đoàn y, bác sĩ Bệnh viện Đà Nẵng và Bệnh viện C Đà Nẵng khám bệnh cấp thuốc miễn phí và trao gần 2.000 suất quà (mỗi suất trị giá 500.000 đồng) tặng đồng bào nghèo vùng sâu, vùng xa. Mấy năm trước bão lũ nặng nề, chị Chính lại vận động các nhà hảo tâm quyên góp 1.500 suất quà hỗ trợ đồng bào vùng lũ các địa phương Quảng Trị, Quảng Bình và Quảng Nam. Gần đây, chị ấy và các nhà sư ở Đắc Lắc đã vận động được 300 suất quà (mỗi suất 500.000 đồng) hỗ trợ đồng bào nghèo tại các huyện Duy Xuyên, Đại Lộc và Điện Bàn (Quảng Nam)”..

Điều đáng khâm phục ở nữ anh hùng ấy là tinh thần vượt khó và tấm lòng yêu thương đồng bào. Không chỉ làm từ thiện trên địa bàn miền Trung-Tây Nguyên, bà Chính còn lặn lội ra tận các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Lạng Sơn, Tuyên Quang... để hỗ trợ các gia đình người có công, hộ nghèo và những mảnh đời bất hạnh... Ròng rã 20 năm qua, bằng tấm lòng nhân hậu của mình, bà đã vận động các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm hỗ trợ hàng tỷ đồng để phục vụ cho hoạt động đền ơn đáp nghĩa và từ thiện.

Giờ đây, ở tuổi 72, nhưng bà Chính vẫn miệt mài đi vận động các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm cùng chung tay, góp sức. Hằng tuần, bà và anh em trong Hội Cựu chiến binh TP Đà Nẵng tổ chức nấu 500 suất cháo, cơm tặng miễn phí bệnh nhân nghèo tại các bệnh viện trên địa bàn TP Đà Nẵng và Quảng Nam. Hơn một tháng nay, bà cùng các cộng sự lại tổ chức nấu hàng trăm suất cơm miễn phí phục vụ bà con tại các điểm cách ly y tế trên địa bàn TP Đà Nẵng...

Nói về bà Trần Thị Chính, bà Lê Thị Tám, Chủ tịch Hội Từ thiện và bảo vệ quyền trẻ em TP Đà Nẵng, khẳng định: “Cô Trần Thị Chính là một đảng viên trung kiên, là tấm gương mẫu mực về đức hy sinh và lòng nhân ái!”.

Hy sinh cả tuổi thanh xuân và một phần thân thể của mình cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng quê hương, giờ đây người nữ thương binh nhân hậu ấy lại vượt lên bệnh tật, vượt lên số phận, vượt lên nỗi đau của chính bản thân mình, lặng thầm đền ơn đáp nghĩa. Với bà, những việc làm có ý nghĩa với gia đình chính sách, người nghèo, trẻ mồ côi và nạn nhân chất độc da cam chính là món quà ý nghĩa nhất, là những liều thuốc bổ giúp bà vượt qua thương tật, bù đắp những thiệt thòi trong cuộc sống.

Chiều về trên phố biển Đà Nẵng thời Covid không còn cảnh người, xe tấp nập buổi tan tầm. Phút chia tay, tôi cứ ấn tượng mãi với câu nói của bà Chính: "Còn sống được ngày nào là tôi tiếp tục làm việc nghĩa cho quê hương. Mình phải sống tốt, sống khỏe để làm gương cho con cháu noi theo...”.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

SHB tăng tốc chuyển đổi, lợi nhuận quý I năm 2024 cao nhất lịch sử

Năm 2024, SHB đặt kế hoạch lợi nhuận đạt 11.286 tỷ đồng, cao hơn 22% so với năm trước. Với chiến lược chuyển đổi 2024 - 2028, SHB xác lập mục tiêu TOP 1 về hiệu quả, khẳng định vị thế định chế tài chính hàng đầu, vươn tầm khu vực.
2024-04-26 18:33:29

Hoa Kỳ và tỉnh Cà Mau khởi động dự án hỗ trợ người khuyết tật

Ngày 25/4, Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam, thông qua Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và UBND tỉnh Cà Mau tổ chức lễ khởi động dự án hỗ trợ người khuyết tật do USAID tài trợ được triển khai trên địa bàn tỉnh.
2024-04-26 12:27:06

Australia hợp tác cùng Việt Nam phát triển ngành tài nguyên bền vững

ĐSQ Australia vừa cho biết: Tuần này, phái đoàn doanh nghiệp dịch vụ thiết bị, công nghệ khoáng sản (METS) Australia tham dự triển lãm khai khoáng Mining Vietnam 2024, với sự hỗ trợ của Cơ quan Thương mại và Đầu tư Chính phủ Australia (Austrade), để thúc đẩy hợp tác khai khoáng bền vững giữa Australia và Việt Nam.
2024-04-26 12:20:51

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân 49 năm thống nhất đất nước

Nhân kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), sáng 26/4, Đoàn đại biểu Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và dâng hương, tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Đài Tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ trên đường Bắc Sơn.
2024-04-26 11:48:48
Đang tải...